Cuộc chia tay không hẹn trước của Mạc Can

KTĐT - Một buổi sáng, ông gọi điện cho nhà báo Hương Trà, ông tạm biệt cô và nói rằng ông đi Mỹ với con. Nhưng ông không muốn mọi chuyện ồn ào, vì thực lòng ông cũng không biết mình có sống được hẳn ở đó hay không.

Nhà văn, diễn viên Mạc Can Không có tiệc chia tay nào cả. Tôi đồ rằng ông ra đi vào một buổi chiều nào đó, khi sân bay Tân Sơn Nhất đổ mưa. Chuyến bay đó sẽ rất dài. Và ông cũng không biết mình sẽ tới nơi nào, hình dung về nó là việc làm khó khăn với ông. Nước Mỹ xa xôi diệu vợi. Mạc Can lại một lần nữa cố tình lẫn vào cuộc đời này... Vài tháng trước, diễn viên Mỹ Uyên đã quyết định mua bản quyền cuốn "Tấm ván phóng dao" của Mạc Can để chuyển thể thành kịch trên sân khấu 5B, Võ Văn Tần. Mạc Can mừng lắm. Nhưng ông nói Mỹ Uyên nên làm hợp đồng sớm. Ông cũng muốn mọi thứ phải được thực hiện ngay, ông sẽ bán hẳn cho Mỹ Uyên để cô toàn quyền trên sân khấu. "Bởi vì chú sắp đi xa" - Mạc Can nói. Không ngờ ông đi thật. Một buổi sáng, ông gọi điện cho nhà báo Hương Trà, ông tạm biệt cô và nói rằng ông đi Mỹ với con. Nhưng ông không muốn mọi chuyện ồn ào, vì thực lòng ông cũng không biết mình có sống được hẳn ở đó hay không. Một vài người thân thì mừng cho ông, vì ít nhất cuối đời ông vẫn có được một chốn nương thân yên ổn, với điều kiện sống tốt hơn. Ít nhất tốt hơn cuộc sống bay lật phật khắp Sài Gòn, từ quận 12 vòng qua quận 8, từ quận Phú Nhuận chạy tới Nhà Bè, nay đây mai đó, không biết đâu là một mái nhà thực sự. Thời gian này, quán cà phê 81 Trần Quốc Thảo vắng bóng ông. Không còn thấy ông già mặt quạu ôm cái cặp sách ngồi uống một ly trà đá quen thuộc. Mạc Can đã là một điểm ghi nhớ của quán cà phê bề bộn đó. Mạc Can là người luôn mang đến những bất ngờ, mà không ai biết trước. Dường như, cái cách sống bôn ba đó, cái hư thực trong đời riêng đó, là do ông lựa chọn, chứ không phải do dòng đời xô đẩy như mọi người vẫn nghe ông giãi bày. Nếu như dòng đời xô ông lên chiếc ghe và rùng mình suốt tuổi thơ với tấm ván phóng dao và những mũi dao sắc nhọn, thì ông đã chọn cho mình một cuộc trốn chạy suốt cuộc đời. Ông không muốn đối diện với cuộc sống của mình. Và cũng không muốn ai soi chiếu vào nó. Không ai biết gốc tích thực của ông, không ai biết vợ ông là ai, con ông thế nào. Trong cuộc đời, ông di chuyển biết bao nhiêu lần. Ông nói với tôi rằng, ông thích cuộc sống của những xóm lao động. Ông thường thuê nhà ở một xóm nào đó, ngắm nhìn cuộc sống đó. Trong cái cơ cực ấy có âm vang của lòng tốt và cả sự dữ dội của con người. Người ta có thể cãi vã, chửi bới nhau, nhưng cũng sẵn lòng sẻ cho nhau những bát cơm cuối cùng. Có thể họ tụ bạ quán nước đầu hẻm suốt ngày, đánh lô đề, chơi đỏ đen hoặc hóng tin vỉa hè và sẵn sàng nổi xung trước một kẻ lạ mặt vô tình chạm phải. Nhưng họ cũng sẽ băng bó vết thương cho kẻ lỡ vận bị nạn dọc đường. Và ông sẽ ở đó cho đến khi ông thông thuộc, thì lại bắt đầu đi tìm một căn phòng mới. Trong cái thú vui kỳ lạ đó, có một sự bất ổn mãi mãi. Ông là người bắt đầu vào đời bằng sự phiêu bạt. Và tâm lý di chuyển ăn sâu vào máu, đến mức khi đã rời cái ghe nghiệt ngã thơ ấu, ông vẫn luôn tìm sự đổi thay. Ông chống lại tâm lý "an cư lạc nghiệp". Với ông mọi thứ đều là tạm. Như một cuộc sống tạm. Sự mơ hồ mang đến nét quyến rũ riêng nào đó. Nhưng nó cũng mang đến thật nhiều hồ nghi. Khi trước, ông hay hỏi xin tiền các nghệ sỹ, để làm từ thiện, cho người này khó khăn, người kia vất vả. Mọi người xúm vào giúp ông. Nhưng cũng có khi, người ta nói thấy ông đi cùng một cô gái chân dài vào quán cà phê đẹp. Và ông đang... có bồ, ông xin tiền là để cho bồ. Nhưng ông không giải thích, không thú nhận hay phủ nhận. Như thể tin thì tin, không tin thì thôi. Và con người ông luôn để lại dư luận hai chiều, hai cái nhìn âm bản và dương bản như thế. Theo Thảo Điền/CAND

Nguồn KTĐT: http://www.ktdt.com.vn/newsdetail.asp?catid=22&newsid=157777