Cuộc chiến biến 126,3 triệu thuê bao viễn thông thành tài khoản Mobile Money

Cuộc chiến biến 126,3 triệu thuê bao viễn thông thành tài khoản Mobile Money sẽ không hề đơn giản.

VNPT, MobiFone là hai nhà mạng được phép thí điểm Mobile Money.

VNPT, MobiFone là hai nhà mạng được phép thí điểm Mobile Money.

Sẽ có cuộc cạnh tranh rất lớn

Thị trường viễn thông hiện có 126,3 triệu thuê bao, trong đó 3 nhà mạng lớn nhất, cũng là 3 nhà mạng đã và sắp được cung cấp dịch vụ Mobile Money là VNPT, MobiFone và Viettel, đang chiếm tới hơn 97% thị phần. Trong hơn 126,3 triệu thuê bao hiện hữu, tỷ lệ người dùng có 2-3 tài khoản viễn thông rất lớn. Vì vậy, việc khách hàng lựa chọn dùng tài khoản nào sử dụng dịch vụ Mobile Money sẽ là cuộc cạnh tranh rất lớn.

Ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá, Mobile Money đã mở ra một giai đoạn mới, lĩnh vực mới, không gian mới trong kinh doanh viễn thông. Theo đó, các nhà mạng chính thức bước chân vào thị trường fintech. Trước đây, họ làm ví điện tử, trung gian thanh toán, nhưng thị trường nhỏ hẹp, làm với tâm thế “ném đá dò đường”.

“Còn khi dịch vụ Mobile Money được cấp phép, thì về lý thuyết, mọi thuê bao viễn thông đều có thể trở thành thuê bao Mobile Money. Tuy nhiên, các nhà mạng phải đảm bảo thuê bao có thông tin định danh chính xác, mới được cung cấp dịch vụ. Và muốn được khách hàng lựa chọn sử dụng Mobile Money, nhà mạng phải đem lại sự tiện lợi, niềm tin cho khách hàng”, ông Long cho biết.

Ông Trần Duy Hải, Phó cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) khẳng định, chỉ những thuê bao có thông tin chính xác theo đúng quy định mới được cung cấp dịch vụ Mobile Money. Nhà mạng chỉ được cung cấp dịch vụ Mobile Money đến các số thuê bao di động có thời gian kích hoạt và sử dụng liên tục trong ít nhất 3 tháng liền kề tính đến thời điểm đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money. Mỗi khách hàng chỉ được mở một tài khoản Mobile Money tại mỗi doanh nghiệp cung cấp dịch vụ.

Nhà mạng thực hiện thí điểm phải chịu trách nhiệm định danh khách hàng (KYC) sử dụng Mobile Money. Cụ thể, nhà mạng xây dựng công cụ để quản lý rủi ro và quy trình KYC đảm bảo chỉ những khách hàng đủ điều kiện mới được đăng ký và sử dụng dịch vụ Mobile Money.

Nhà mạng quyết định cho khách hàng đăng ký mở và sử dụng dịch vụ trực tiếp hoặc online. Trong trường hợp không gặp mặt trực tiếp, phải xây dựng và ban hành quy trình, thủ tục đăng ký mở và sử dụng dịch vụ Mobile Money bằng phương thức điện tử phù hợp với quy định của pháp luật; đảm bảo có các biện pháp hình thức và công cụ để nhận biết, định danh khách hàng, đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin khách hàng.

Nhà mạng cần có quy trình xác thực đối với mỗi giao dịch của tài khoản Mobile Money; xây dựng phương án quản lý đối với trường hợp một cá nhân sử dụng nhiều tài khoản Mobile Money. Ngoài ra, phải có biện pháp nhằm hạn chế, loại bỏ tình trạng SIM có thông tin không chính xác, không đầy đủ trên thị trường.

Nhà mạng chạy đua với thời gian

VNPT, MobiFone là hai nhà mạng được phép thí điểm Mobile Money. Đại diện MobiFone cho biết, MobiFone đã chủ động rà soát thông tin thuê bao khách hàng với mục đích không chỉ ngăn chặn nạn sim rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, bảo vệ quyền lợi của khách hàng, mà còn định danh dữ liệu khách hàng chính chuẩn bị cho thực hiện cung cấp dịch vụ mới Mobile Money.

MobiFone cũng đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào xác thực thông tin khách hàng. “Hệ thống sẽ tự động trích xuất thông tin từ giấy tờ tùy thân và so sánh ảnh chân dung trên các giấy tờ với ảnh chụp khuôn mặt ngay tại thời điểm đó và xác thực khách hàng có phải chủ nhân của các giấy tờ kể trên không”, đại diện nhà mạng MobiFone cho biết.

MobiFone có thể cung cấp dịch vụ đến tay khách hàng trong 1 - 2 tháng tới sau khi thử nghiệm kỹ thuật dịch vụ Mobile Money. Trong giai đoạn đầu, MobiFone sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của mình trên toàn quốc, sau đó tiếp tục mở rộng ra toàn hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch của các đối tác, đại lý.

Trong khi đó, ông Huỳnh Quang Liêm, Tổng giám đốc VNPT cho hay, Mobile Money là một trong những sản phẩm chiến lược đặc biệt quan trọng của VNPT. Để dịch vụ này trở thành một phần trong đời sống hàng ngày của khách hàng và là sản phẩm ngân hàng số di động, VNPT sẽ cập nhật, hoàn thiện các tính năng dịch vụ ngày một thuận tiện, thuận lợi ở mọi điểm chạm, dễ sử dụng, đảm bảo an toàn.

“Mỗi điểm chạm của khách hàng dù trên điện thoại thông minh hay điện thoại thông thường đều tiện lợi và dễ sử dụng. Trải nghiệm khách hàng tốt nhất của VNPT Pay là cam kết của VNPT. Hệ sinh thái của VNPT sẽ được đa dạng hóa, lan tỏa nhanh chóng, khuyến khích khách hàng sử dụng. Dịch vụ Mobile Money sẽ được trải rộng mọi lúc, mọi nơi từ nông thôn tới thành thị, từ dịch vụ công tới các chi tiêu hàng ngày của người dân”, ông Liêm chia sẻ.

VNPT đang sở hữu mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh, thành phố, giúp Mobile Money dễ dàng tiếp cận ngay cả những địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn.

Có thể thấy, các nhà mạng không chỉ phải chạy đua để đảm bảo các điều kiện cung cấp dịch vụ, mà còn phải cạnh tranh với nhau để thu hút người dùng. Bên cạnh đó, họ sẽ phải cạnh tranh với các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt khác như ví điện tử, Internet banking, fintech…, nên cuộc chiến trên thị trường Mobile Money chưa diễn ra, nhưng đã khét lẹt mùi… cạnh tranh.

VNPT, MobiFone đang rà soát lại thông tin thuê bao trên toàn hệ thông và yêu cầu các thuê bao đăng ký lại nếu thông tin không chính xác để chuẩn hóa thông tin. Tuy nhiên, các nhà mạng cho rằng, nếu được hỗ trợ từ Bộ Công an để đối soát thông tin thuê bao với cơ sở dữ liệu dân cư, thì việc làm sạch thông tin sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn rất nhiều.

Hữu Tuấn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cuoc-chien-bien-1263-trieu-thue-bao-vien-thong-thanh-tai-khoan-mobile-money-d156453.html