Cuộc chiến biên giới 1979 trong bộ phim xuất sắc của Đặng Nhật Minh

Được đạo diễn Đặng Nhật Minh chuyển thể từ truyện ngắn cùng tên của chính mình, 'Thị xã trong tầm tay' là bộ phim xuất sắc về cuộc chiến tranh biên giới 40 năm trước.

Đặc biệt, phim được quay ngay tại thị xã Lạng Sơn đổ nát hoàn toàn sau khi bị quân xâm lược phá hoại, trở thành những thước phim tư liệu quý về hậu quả tàn khốc của chiến tranh.

Bộ phim được hình thành từ truyện ngắn Thị xã trong tầm tay do đạo diễn Đặng Nhật Minh viết sau chuyến đi thực tế tại Lạng Sơn năm 1979, đã được đăng trên báo Văn nghệ. Đây là một bộ phim rất đáng xem để hiểu thêm về cuộc chiến biên giới rất khốc liệt.

Câu chuyện kể về hành trình của một nhà báo đi làm phóng sự về tình hình thị xã khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc kết thúc, để tự vấn lương tâm mình với việc từ chối tình cảm của cô người yêu, đồng thời tìm hiểu về câu chuyện phía sau cuộc chiến thời đó.

Diễn viên Tất Bình (trái), vai nhà báo Vũ, và đạo diễn Đặng Nhật Minh, vai nhà báo Nhật Bản, trong phim.

Diễn viên Tất Bình (trái), vai nhà báo Vũ, và đạo diễn Đặng Nhật Minh, vai nhà báo Nhật Bản, trong phim.

Theo đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh kể lại trong cuốn Hồi ký điện ảnh (NXB Văn nghệ TP HCM, 2005), ý tưởng làm bộ phim này được nhà nghiên cứu triết học và văn học Hán Nôm Vũ Hoàng Địch gợi ý.

Khi đạo diễn chia sẻ việc không thể làm phim theo những kịch bản phục vụ kịp thời do người ta viết sẵn, ông Địch đã cười nói: “Cậu viết lấy mà làm, viết cái gì cậu thích. Cái truyện ngắn Thị xã trong tầm tay của cậu tớ vừa đọc trên báo Văn nghệ, cái đó làm phim được. Đấy là cinéma chứ còn gì nữa?”.

Cuộc nói chuyện diễn ra vào năm 1981, và theo đạo diễn Đặng Nhật Minh “đây là năm đánh dấu một bước ngoặt nữa trong cuộc đời sáng tác của tôi”.

Đạo diễn kể lại, sau khi chuyển thành kịch bản rồi nộp lên Hãng phim truyện Việt Nam, Hội đồng kịch bản Hãng đọc xong chuyển lên Hội đồng kịch bản Cục Điện ảnh. Tại đây có hai ý kiến cực lực phản đối. Một: kịch bản thiếu kịch tính, thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện. Hai: không được nói động đến công tác tổ chức (trong kịch bản có cảnh một cán bộ tổ chức chất vấn nhân vật chính của phim về mối quan hệ của anh ta với cô người yêu có lý lịch không rõ ràng).

Tuy nhiên kịch bản đã được Cục trưởng Cục Điện ảnh lúc đó là ông Nguyễn Duy Cẩn ủng hộ, duyệt để đưa vào sản xuất.

Đạo diễn viết: “Tháng 8 năm 1982, tôi cùng đoàn làm phim lên Lạng Sơn để thực hiện bộ phim. Thị xã Lạng Sơn lúc đó vẫn còn ngổn ngang đổ nát, hệt như một trường quay khổng lồ không cần phải tốn công dàn dựng. Dân chúng chưa được phép trở về nên chúng tôi hoàn toàn làm chủ hiện trường. Tôi đã mời diễn viên Tất Bình vào vai chính trong phim - vai nhà báo Vũ. Đây là vai diễn đầu tiên của Tất Bình trong điện ảnh để rồi từ đó anh tung hoành trong lĩnh vực nghệ thuật này cho đến tận bây giờ”.

Phim được quay tại thị xã Lạng Sơn đổ nát sau chiến tranh.

“Tôi mời Quế Hằng - một diễn viên trẻ của Nhà hát kịch Trung ương, chưa đóng phim bao giờ vào vai người yêu của Vũ”, ông viết về việc chọn vai nữ chính.

Trong phim có vai một nhà báo người Nhật Bản, nguyên mẫu là nhà báo Isao Takano, phóng viên báo Akahata, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Nhật Bản, người đã hy sinh vì đạn của Trung Quốc tại Lạng Sơn. Vì tình hình biên giới còn chưa yên nên đến phút chót Bộ Ngoại giao không cho phép đưa một sinh viên Nhật Bản lên Lạng Sơn để đóng phim.

“Không còn cách nào khác, anh chị em trong đoàn phim động viên tôi đảm nhận vai này vậy. Mặc dầu anh em hài lòng, nhưng tôi vẫn nghĩ rằng nếu có diễn viên chuyên nghiệp đóng vẫn hơn”, ông kể. “Đây cũng là lần đầu tiên tôi bất đắc dĩ phải xuất hiện trên màn ảnh”.

Ca khúc trong phim được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn phổ từ bài thơ của nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường. Đây cũng là phim đầu tay của nhà quay phim trẻ Nguyễn Hữu Tuấn, người mà sau này Đặng Nhật Minh còn cộng tác trong hai phim khác nữa.

Đánh giá về bộ phim, đạo diễn cho rằng: “Đến tận bây giờ tôi vẫn nghĩ rằng phim Thị xã trong tầm tay là một phim giàu chất điện ảnh nhất trong các phim mà tôi đã làm. Tôi đã sử dụng một thứ ngôn ngữ điện ảnh, không phải để kể một cốt truyện mà để diễn tả nét tâm trạng thông qua những hồi ức của nhân vật chính”.

Theo ông, bộ phim ra đời đã làm mọi người hết sức bất ngờ. Kẻ bất ngờ vì coi đó không thể là một phim truyện theo cách nghĩ quen thuộc của họ. Người bất ngờ vì cho đó là một tiếng nói mới, một thứ ngôn ngữ mới chưa từng thấy trong các phim Việt Nam từ trước đến nay.

Cuối cùng thì chính đạo diễn cũng là người bị bất ngờ hơn cả. Năm 1983, phim tham dự Liên hoan phim Việt Nam tổ chức tại TP.HCM và đã nhận được giải Bông Sen Vàng.

Về sau đạo diễn mới biết rằng trong Ban Giám khảo năm đó có các nhà thơ Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, nhà văn Nguyễn Khải cùng các đạo diễn Mai Lộc, Phạm Kỳ Nam, Trần Vũ là những người đã ủng hộ bộ phim này. Phim còn nhận được một số giải cá nhân như: Giải kịch bản và Giải quay phim.

Ông kể lại trong hồi ký: “Vậy là tôi đã xác định cho mình một hướng đi: Tôi chỉ làm những phim do tôi tự viết lấy kịch bản, nói về những vấn đề mà tôi quan tâm, mà tôi rung động.Tìm được cho mình một cách tồn tại trong điện ảnh, tôi không nghĩ đến chuyện từ giã nó nữa”.

Ngoài Thị xã trong tầm tay, điện ảnh Việt Nam còn có các bộ phim về đề tài chiến tranh biên giới phía Bắc khác như Đất mẹ của đạo diễn Hải Ninh, Người bạn ấy của đạo diễn Danh Tấn.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-chien-bien-gioi-1979-trong-bo-phim-xuat-sac-cua-dang-nhat-minh-post917813.html