Cuộc chiến chống Covid-19 và vũ khí được mong chờ mang tên 'vaccine'

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát trở lại, cuộc chạy đua để có được vaccine lại càng trở nên quyết liệt hơn bao giờ hết.

Tìm kiếm vaccine ngừa Covid-19 đang trở thành ưu tiên hàng đầu của các quốc gia.

Cứ 15 giây lại có người tử vong vì Covid-19

Hơn 7 tháng từ khi bùng phát lần đầu ở Trung Quốc, có thể thấy dịch bệnh Covid-19 chẳng những chưa được kiểm soát mà còn gia tăng tốc độ lây lan trên toàn cầu. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khoảng 1 tháng qua, trung bình mỗi ngày lại có thêm 250.000 ca mắc mới, cứ 15 giây thế giới lại ghi nhận một ca tử vong. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo đại dịch này là cuộc khủng hoảng chỉ có một trong cả thế kỷ, với những “di chứng” sẽ còn kéo dài nhiều thập niên tới. Nhiều quốc gia tin rằng đã qua thời kỳ đỉnh dịch nay lại tiếp tục chứng kiến những đợt bùng phát mới, trong khi có những quốc gia chịu ít tác động hơn trong những tuần đầu dịch bệnh lây lan thì nay đang ghi nhận số ca mắc mới và tử vong gia tăng mạnh.

Cụ thể, vào đầu tháng 6, khi hầu hết các quốc gia đều đã dần nới lỏng các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhằm giảm thiểu những tác động về kinh tế thì số ca mắc mới trên toàn cầu cũng bắt đầu tăng mạnh, thường trực ở mức hơn 100.000 ca/ ngày.

Đến đầu tháng 7, số ca mắc mới tăng lên hơn 200.000 ca/ngày và đỉnh điểm là ngày 31/7, ghi nhận con số cao nhất trong một ngày từ trước tới nay, trên 293.000 ca. Kể từ khi các ca bệnh đầu tiên được báo cáo tại Trung Quốc hồi cuối tháng 12/2019 cho tới khi thế giới ghi nhận tổng cộng 1 triệu ca mắc là khoảng 3 tháng. Nhưng riêng trong tháng 7, trung bình chỉ 5 ngày lại có thêm 1 triệu ca mắc mới, đặc biệt có lúc còn chưa đầy 100 giờ, như từ ngày 22 đến 25/7, tổng số ca bệnh trên toàn cầu đã tăng từ mốc 15 triệu lên 16 triệu. Càng ngày khoảng cách giữa 1 triệu ca nhiễm mới càng thu ngắn lại, như khi thế giới ghi nhận mốc 18 triệu bệnh nhân vào ngày 3/8 thì tới ngày 6/8 con số đã là 19 triệu…

Diễn biến ngày càng phức tạp của dịch bệnh khiến giới chuyên gia dần phải thay đổi nhận định về xu hướng dịch bệnh, trong khi các nước thì vẫn phải thường trực cảnh giác và liên tục linh hoạt biện pháp ứng phó. Hành trình chống dịch của thế giới chắc chắn sẽ khó có khả năng kết thúc trong tương lai gần, cho đến khi có được vaccine chống virus SARS-CoV-2.

Cuộc đua ngày càng quyết liệt

Dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến cuộc chạy đua tìm ra loại vaccine hiệu quả cũng ngày càng trở nên cấp bách và đang trở nên rất “nóng”, trong đó Nga đã phát đi những tín hiệu về việc sẽ “về đích” đầu tiên.

Trong tuyên bố mới nhất ngày 11/8, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Bộ Y tế nước này đã chính thức cấp phép cho loại vaccine đầu tiên trên thế giới để phòng dịch Covid-19. Nhà lãnh đạo Nga còn đồng thời cho biết con gái ông đã trở thành một trong những người đầu tiên tiêm vaccine này. Với sự kiện này, Nga đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới công bố vaccine phòng bệnh Covid-19. Đây là loại vaccine do Viện Gamaleye ở Moscow nghiên cứu phát triển. Dự kiến vaccine này sẽ được tiêm cho các nhân viên y tế Nga từ tháng 9 tới và việc tiêm đại trà cho người dân có thể sẽ bắt đầu từ tháng 1/2021.

Vào tháng trước, truyền thông Trung Quốc cũng đưa tin về một loại vaccine do công ty CanSino Biologics phát triển và đã được thử nghiệm trong quân đội Trung Quốc. Hai công ty khác của Trung Quốc là Sinovac và Sinopharm, cũng đã thử nghiệm giai đoạn cuối vaccine của họ trên người ở Brazil và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất.

Nhưng phía Mỹ đến nay vẫn nghi ngờ về vaccine của Nga hoặc Trung Quốc. Tiến sỹ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cuối tháng 7 đã tuyên bố, sẽ không có khả năng Mỹ sử dụng bất kỳ loại vaccine nào được sản xuất ở Trung Quốc hoặc Nga, nơi các quy định về an toàn “mơ hồ” hơn rất nhiều so với các nước phương Tây.

Nhiều nhà khoa học phương Tây cũng đã lên tiếng bày tỏ nghi ngờ giới nghiên cứu của Nga đang “đốt cháy giai đoạn” để sản xuất vaccine. Họ cho rằng, cách Nga đưa vaccine vào sản xuất đại trà, chỉ 3 tháng thử nghiệm, rất khác so với Tây Âu và Mỹ cần mất tối thiểu 12-18 tháng. Do đó họ bày tỏ lo ngại về khía cạnh đạo đức, bởi vì loại vaccine này chưa qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng mà đã được dùng trên con người. Thông thường, quá trình hoàn thiện vaccine thường mất từ 10-15 năm.

WHO cũng bày tỏ lo ngại về tốc độ phát triển vaccine của Nga và kêu gọi Nga tuân thủ hướng dẫn sản xuất vaccine an toàn và hiệu quả.

Cần từ bỏ xu hướng “chủ nghĩa dân tộc vaccine”

Điều đáng lo ngại là hiện nay một số nước giàu có hơn đã quyết định “chơi riêng” khi trực tiếp thỏa thuận với các hãng sản xuất dược phẩm để có được hàng triệu liều vaccine hứa hẹn cho công dân của nước mình.

Có thể kể đến như Mỹ, vào cuối tháng 7 vừa qua, chính phủ nước này đã đạt được thỏa thuận trị giá 2,1 tỷ USD với hãng dược phẩm Sanofi của Pháp và GlaxoSmithKline (GSK) của Anh để thúc đẩy phát triển vaccine ngừa Covid-19. Mỹ đã đưa một loại vaccine tiềm năng do Sanofi và GSK hợp tác phát triển là ưu tiên hàng đầu trong chương trình đẩy mạnh bào chế vaccine của mình. Tuyên bố chung của Sanofi và GSK nêu rõ, khoản đầu tư mới này của Washington sẽ giúp tăng chi tiêu cho các hoạt động phát triển và bảo đảm năng lực sản xuất vaccine trên diện rộng của họ tại Mỹ.

Đối với Mỹ, việc sớm tìm ra một loại vaccine ngừa Covid-19 có ý nghĩa rất lớn về mặt chính trị và thậm chí còn được xem là “chìa khóa” mở ra cơ hội cho ông Trump tái đắc cử và đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát Quốc hội, nhất là trong bối cảnh chỉ còn ba tháng nữa diễn ra tổng tuyển cử tại Mỹ.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) ngày 31/7 cũng thông báo đạt được thỏa thuận đặt trước với Sanofi và GSK 300 triệu liều khi vaccine ngừa Covid-19 ra đời. Anh cũng thông báo đã đặt trước 60 triệu liều vaccine cùng loại. Điều này cho thấy cuộc chạy đua giành quyền có được vaccine ngừa Covid-19 trước tiên đang diễn ra quyết liệt giữa các cường quốc.

Theo các chuyên gia, động thái này đang phá hủy xu hướng toàn cầu. Tổ chức từ thiện y tế toàn cầu Medecins Sans Frontieres (MSF) mới đây cảnh báo tất cả hành động này sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc cạnh tranh toàn cầu để tích trữ vaccine của các quốc gia giàu có, và nuôi dưỡng xu hướng nguy hiểm - chủ nghĩa dân tộc vaccine.

Tổng Giám đốc WHO Tedros Adanom Ghebreyesus ngày 6/8 cũng đưa ra cảnh báo liên quan đến chủ nghĩa dân tộc về vaccine, rằng việc các nước giàu dù tìm cách sở hữu vaccine vẫn không thể trở thành những “thiên đường an toàn” trước virus SARS-CoV-2 nếu các nước nghèo vẫn đứng trước nguy cơ lây nhiễm. Ông Tedros cho rằng, các nước giàu sẽ có lợi ích nếu đảm bảo rằng bất kỳ loại vaccine nào được sản xuất để phòng Covid-19 đều được chia sẻ cho toàn thế giới.

Khác với việc phân bổ vaccine trong đại dịch do virus cúm H1N1 hồi năm 2009-2010, các chuyên gia y tế cho biết, Covid-19 là mối đe dọa lớn hơn nhiều. Do đó, việc mất cân bằng trong phân phối vaccine sẽ khiến một số lượng lớn dân số trên thế giới rơi vào tình cảnh nguy hiểm. Điều này sẽ chỉ khiến đại dịch ngày càng lan rộng và thiệt hại mà nó gây ra cũng ngày càng khủng khiếp hơn.

Giám đốc điều hành của Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) Seth Berkley cho biết, nếu các quốc gia hoặc khu vực tư lợi, tìm cách thu mua vaccine để đảm bảo cho toàn bộ dân số của mình, thay vì chia sẻ giữa các quốc gia và ưu tiên bảo vệ những người có nguy cơ cao nhất, thì đại dịch sẽ không thể kiểm soát được. Nếu một số nước, thậm chí 30-40 nước có vaccine Covid-19, nhưng hơn 150 nước và vùng lãnh thổ còn lại trên thế giới không có, thì đại dịch sẽ vẫn hoành hành.

(theo TTXVN)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-chong-covid-19-va-vu-khi-duoc-mong-cho-mang-ten-vaccine-121390.html