Cuộc chiến chống hủ tục 'tẩy rửa bằng quan hệ tình dục' của góa phụ Kenya

Khi chồng qua đời, Esther Atema bị đối xử vô cùng tệ bạc. Những người dân ở Siaya, Tây Nam Kenya gọi Esther Atema là 'phù thủy' mỗi lần cô xuất hiện. Cô thậm chí còn bị đánh đập và ném đất, đá vào người. Để tránh sự kỳ thị của xã hội, Esther Atema phải trải qua một nghi lễ được gọi là 'tẩy rửa bằng quan hệ tình dục'.

Roseline Orwa đấu tranh mạnh mẽ với hủ tục “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục”

Roseline Orwa đấu tranh mạnh mẽ với hủ tục “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục”

Hủ tục tồn tại ở 17 quốc gia châu Phi

Esther Atema trở thành góa phụ khi 35 tuổi. Tại một số vùng nông thôn ở Kenya, góa phụ bị coi là tầng lớp dưới đáy xã hội. Góa phụ bị coi như “phù thủy” và phải được “làm sạch”, “tẩy rửa” sau khi chồng qua đời. Góa phụ phải trải qua nghi lễ buộc quan hệ tình dục với người quen hoặc người lạ để xua đi những điều không may mắn, đen đủi.

“Một năm sau khi chồng qua đời, gia đình chồng buộc tôi phải thực hiện “nghi thức tẩy rửa” bằng cách quan hệ tình dục với người đàn ông khác. Buổi lễ thường diễn ra theo trình tự sau: góa phụ và người đàn ông quan hệ tình dục trên sàn nhà. Sáng hôm sau, góa phụ sẽ đốt quần áo và chăn màn đã mặc đêm hôm trước. Người đàn ông cạo tóc của góa phụ. Việc làm này có khi xảy ra bên ngoài ngôi nhà, nơi mà nhiều người dân có thể nhìn thấy. Sau đó, hai người cùng mổ gà và nấu ăn cùng nhau. Nghi lễ có thể kéo dài đến vài ngày. Tôi cảm thấy bị làm nhục nhưng con tôi sẽ sống ra sao nếu tôi không thực hiện nghi lễ này”, Esther Atema nói.

Esther Atema nói tiếp, nếu từ chối thực hiện hủ tục, mọi người cho rằng, góa phụ đang xa lánh xã hội, đi ngược với truyền thống. Phụ nữ như Atema tin rằng, không thực hiện nghi thức “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục”, con cái của họ sẽ bị hại và bản thân họ không có cơ hội tái hôn trong tương lai. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là, trong xã hội có tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS cao thì “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục” chính là một trong những con đường lây nhiễm HIV/AIDS vì khi thực hiện hủ tục này, người đàn ông không được sử dụng bao cao su. “Phụ nữ không có sự lựa chọn nào khác. Chúng tôi không biết người đàn ông quan hệ tình dục với mình là ai. Họ có thể tấn công bạo lực, thậm chí giết chúng tôi. Không ai chắc chắn rằng, họ có bị nhiễm HIV hay không”, Atema nói.

Sau khi “được làm sạch”, các góa phụ có thể tái hôn với người đàn ông khác (thường là anh em trong gia đình chồng). Tuy vậy, Atema cũng giống như hàng triệu góa phụ trên khắp châu Phi vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống như bị tấn công bạo lực, hiếp dâm. Được biết, nghi lễ “làm sạch bằng quan hệ tình dục” tồn tại ở 17 quốc gia châu Phi.

Thành kiến chống lại góa phụ diễn ra theo những cách khác nhau

Roseline Orwa là một trong những nhà hoạt động nhân quyền bảo vệ quyền lợi cho góa phụ ở Kenya. Orwa trở thành góa phụ năm 32 tuổi. Tuy nhiên, cô từ chối thực hiện nghi lễ “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục” và đấu tranh mạnh mẽ để chống lại sự kỳ thị của xã hội. Năm 2012, Orwa thiết lập Quỹ Rona để giúp đỡ các góa phụ bằng cách cung cấp dịch vụ tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính và dạy các kỹ năng kinh doanh.

“Tôi không cho phép một người đàn ông lạ mặt xuất hiện ở nhà vào ban đêm để thực hiện nghi thức “tẩy rửa bằng quan hệ tình dục”. Là phụ nữ, tại sao chúng ta không làm điều gì để bảo vệ nhân phẩm và giá trị của mình”, Orwa nói - “Trong khi các vấn đề như lạm dụng tình dục trẻ em, hủ tục cắt cơ quan sinh dục nữ (FGM)… được nhắc thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thì vấn đề xoay quanh cuộc sống của các góa phụ chưa được đề cập nhiều. Ước tính, có hơn 258 triệu góa phụ trên toàn thế giới và gần 10% trong số này sống ở khu vực châu Phi, cận Sahara”.

Thành kiến chống lại góa phụ diễn ra theo những cách khác nhau trên thế giới. Ở Ấn Độ và Nepal, người vợ thường bị cáo buộc là nguyên nhân gây ra cái chết của chồng. Họ bị coi là người mang lại điều không may mắn nên không được phép nhìn vào người khác. Trong khi đó, ở một số cộng đồng thuộc Nigeria, góa phụ phải uống nước rửa thi thể chồng hoặc phải ngủ bên cạnh mộ của chồng trong 3 ngày…

“Trong khi các vấn đề như lạm dụng tình dục trẻ em, hủ tục cắt cơ quan sinh dục nữ (FGM)… được nhắc thường xuyên trên các phương tiện truyền thông thì vấn đề xoay quanh cuộc sống của các góa phụ chưa được đề cập nhiều. Ước tính, có hơn 258 triệu góa phụ trên toàn thế giới và gần 10% trong số này sống ở khu vực châu Phi, cận Sahara”.

Roseline Orwa (Nhà hoạt động bảo vệ quyền lợi cho góa phụ ở Kenya)

Tường Phạm (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-chien-chong-hu-tuc-tay-rua-bang-quan-he-tinh-duc-cua-goa-phu-kenya/788053.antd