Cuộc chiến chống nạn quay lén và quấy rối tình dục ở Hàn Quốc

Dù cho năm nay là một mùa hè rất nóng ở Hàn Quốc, nhưng những người dân hướng tới bờ biển và bể bơi ở nước này không chỉ phải chống chọi với cái nắng gay gắt mà cả một vấn nạn khác: Những chiếc camera theo dõi gắn ở mọi nơi có thể.

Một sỹ quan cảnh sát rà soát máy quay lén tại một hồ bơi ở ngoại ô thủ đô Seoul. (Nguồn: Yonhap).

Quay lén, quấy rối tình dục gia tăng

Nhằm phản ứng trước vấn nạn đang trở nên nghiêm trọng, các đội cảnh sát mới đã được thành lập để ngăn chặn. Được trang bị máy quét tia hồng ngoại để phát hiện ống kính hoặc các thiết bị điện tử khác, các đội cảnh sát đặc biệt này mỗi ngày bỏ ra nhiều giờ để truy lùng các camera được lắp đặt bí mật ở các phòng thay đồ và nhà tắm công cộng.

"Những ngày này chúng tôi phải làm việc tăng ca" - ông Lee Su-hyun, một sỹ quan cảnh sát ở thành phố Changwon, thuộc tỉnh ven biển Gyeongsang, cho hay.

Trong một ngày bình thường đi rà soát ở một bể bơi địa phương, đội cảnh sát đặc biệt của ông Lee sử dụng các thiết bị của mình để soi từng chiếc tủ đựng đồ, cánh cửa cho tới vòi phun trong phòng tắm công cộng...

Hoạt động phát hiện camera theo dõi, phối hợp giữa cảnh sát và tình nguyện viên, được thực hiện ở Gyeongsang từ hồi tháng 9/2017, nhưng thực tế rất hiếm khi họ phát hiện được chiếc camera nào. Và dù cho có rất nhiều đội tương tự được triển khai trên khắp đất nước, cảnh sát Hàn Quốc nói rằng họ khó phát hiện được những chiếc camera theo dõi dạng này.

Được biết, đất nước Hàn Quốc đang trong một cuộc chiến chống lại vấn nạn quấy rối tình dục. Trong năm ngoái, phong trào #MeeToo ở nước này đã giúp phanh phui hoạt động quấy rối tình dục của một số người đàn ông có địa vị trong xã hội, theo An Hee-jung, một chính trị gia mới nổi của đảng Dân chủ ở Hàn Quốc.

Dù cho nạn lắp đặt camera theo dõi và quay phim lén lút chưa hẳn phổ biến ở Hàn Quốc - nó đã xuất hiện từ nhiều năm trước với tên gọi "Molka". Số lượng những kẻ tình nghi quay lén bị cảnh sát phát hiện ở Hàn Quốc đã tăng từ 1.354 trong năm 2011 lên tới 5.363 trong năm 2017, với 95% là đàn ông.

Cảnh sát nói rằng do sự sẵn có của smartphone, cùng sự trỗi dậy của mạng xã hội đã khiến vấn nạn này gia tăng trong những năm qua. Trên thực tế, dù các đội cảnh sát đặc biệt được triển khai để chuyên đi phá camera ẩn, nhưng 90% các vụ quay lén được thực hiện bằng smartphone, theo các con số thống kê.

Số nạn nhân chưa được tính hết

Trong mùa Hè năm nay, phong trào chống nạn quấy rối tình dục ở Hàn Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hàng chục nghìn phụ nữ đã tham gia vào các cuộc tuần hành đường phố ở thủ đô Seoul, giơ cao các biểu ngữ có nội dung "Cuộc sống của tôi không phải là phim khiêu dâm", đồng thời kêu gọi chính quyền đặt ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với cả những kẻ quay lén và người xem các đoạn quay lén.

Trong khoảng thời gian từ 2012 đến 2016, cảnh sát Hàn Quốc xác nhận 26.000 nạn nhân của nạn quay lén, 80% trong số đó là nữ giới. Nhưng có rất nhiều người thậm chí không biết mình là nạn nhân.

"Con số nạn nhân thực tế có thể cao hơn gấp 10 lần so với thống kê mà cảnh sát đưa ra" - ông Oh Yoon-sung, Giáo sư ngành tội phạm học thuộc ĐH Soonchunghyang, cho hay.

Camera theo dõi có thể lắp đặt trong một chiếc mũ như thế này. (Nguồn: NYTimes).

Chính quyền ra biện pháp khẩn cấp

Vấn nạn quay lén và quấy rối tình dục trở nên trầm trọng đến nỗi giới chức cấp cao của nước này phải lên tiếng. Hồi tháng Năm vừa qua, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã bình luận rằng nạn lắp camera quay lén đã trở thành "một phần của cuộc sống thường nhật", đồng thời kêu gọi đưa ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ quay lén.

Nhiều phụ nữ, trong khi đó, đã tự có hành động của riêng họ. Một nhóm phụ nữ nhỏ mới đây còn đăng tải các đoạn video chiếu cảnh phòng thay đồ nam - một sự trả thù đối với một vấn nạn mà phần lớn nữ là nạn nhân.

Nhưng trách nhiệm trên hết trong cuộc chiến chống tệ nạn này là chính quyền. Giới chức cảnh sát Hàn Quốc cho hay, trong năm ngoái, họ đã thực hiện nhiều đề xuất mới, từ việc rà soát các website để phát hiện các đoạn phim quay lén cho tới việc kiểm tra các của hàng bán camera... Nhưng chính hoạt động rà soát ngay tại các địa điểm công cộng mới là thách thức nhất đối với họ bởi khả năng tìm ra máy quay ẩn là rất thấp.

Đội ngũ cảnh sát rà soát camera ẩn ở Gyeongsang cho hay họ thường xuyên kiểm tra đủ địa điểm: Các bãi biển, hồ bơi, khách sạn, lễ hội âm nhạc, trung tâm mua sắm và văn phòng... "Ngay cả nhiều bệnh viện cũng đề nghị chúng tôi tới kiểm tra máy quay lén", sỹ quan Lee cho hay.

Nâng cao nhận thức từ người dân

Hồi tháng trước, lực lượng cảnh sát tỉnh này đã nhận được khoản tiền hỗ trợ 267.000 USD từ chính phủ để tập trung hơn vào vấn nạn quay lén.

Phần lớn số tiền này được sử dụng vào việc giáo dục nhận thức cho người dân. Tại một cơ sở do cảnh sát mở cửa, những người đến thăm được tuyên truyền về các hình thức quay lén mà họ ít khi để ý tới: Máy quay giấu trong mũ, trong thắt lưng, đồng hồ, bật lửa, thẻ USB, cravat hay chùm chìa khóa... Sau đó những người tham gia được hỏi rằng liệu họ có thể phát hiện ra chúng?

Ngay trong hôm đầu tuần này, trước cửa một bể bơi ở ngoại ô thủ đô Seoul, lực lượng cảnh sát đã phát cho người đến bơi những miếng dán có vòng tròn gạch chéo màu đỏ trên nền một chiếc camera điện thoại, nhằm nhắc nhở họ cảnh giác với nạn quay lén.

Ông Kim Kyoung-woon, Giám đốc phòng quan hệ công chúng thuộc lực lượng cảnh sát Gyeonggi, cho hay, ý tưởng trên nhằm nhắc nhở người dân rằng quay lén là một tội nghiêm trọng. Ông giải thích rằng cụm từ "camera theo dõi" ở Hàn Quốc mang ý nghĩa khá rộng nên nhiều người không hiểu được rằng việc quay lén gây ảnh hưởng nghiêm trọng thế nào đến đời sống của các nạn nhân.

Nhưng không phải ai cũng cho rằng biện pháp này có hiệu quả. Kim Young-mi, người phát ngôn của Hiệp hội Nữ Luật sư Hàn Quốc, cho hay biện pháp mà cảnh sát đề ra chỉ có tầm ảnh hưởng hạn chế.

Thay vào đó, bà Kim cho rằng điều cần thiết là chính quyền phải đề ra các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với những kẻ quay lén. Những kẻ này cần phải đối mặt với bản án 5 năm tù giam hoặc bị phạt tiền lên tới 9.000 USD.

Trong khi đó, nhiều người dân ở Gyeonggi lại tỏ ra đồng tình với cách làm của lực lượng cảnh sát. Hong Ah-reum, một nhạc sỹ 25 tuổi, cho hay cô cảm thấy quan ngại về vấn nạn quay lén hiện nay. "Và có thể các miến dán của cảnh sát phát cho sẽ giúp tôi cảnh giác hơn"; cô Hong cho hay.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/san-pham-so/cuoc-chien-chong-nan-quay-len-va-quay-roi-tinh-duc-o-han-quoc-tintuc411482