Cuộc chiến chống tin giả: Báo chí chính thống có vai trò lớn

Giờ đây đưa tin đúng là chưa đủ mà các nhà báo còn có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, mà thường được rất nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng xã hội hơn là sự thật.

Một buổi tập huấn về kiểm chứng thông tin tại APAC Trusted Media Summit 2018. Ảnh: VÂN ANH

APAC Trusted Media Summit 2018 - hội thảo và tập huấn dành cho các cơ quan báo chí và truyền thông về kỹ năng kiểm chứng thông tin và xử lý thông tin giả mạo do Google lần đầu tiên tổ chức ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hồi cuối tháng 7 tại Singapore mà tôi may mắn được tham dự, quy tụ khoảng gần 100 nhà báo và các chuyên gia truyền thông của khu vực.

Thách thức niềm tin vào báo chí công bằng

Phil Chetwynd - Tổng Biên tập Global - từng chia sẻ, quy mô và tầm ảnh hưởng của tin giả thách thức trực tiếp đến niềm tin vào báo chí công bằng, cân bằng và chính xác. Giờ đây đưa tin đúng là chưa đủ mà các nhà báo còn có nghĩa vụ vạch trần và dập tắt tin giả cũng như thông tin bị bóp méo, mà thường được rất nhiều người đọc và chia sẻ trên mạng xã hội hơn là sự thật.

Ông Masato Kajimoto (Trung tâm Nghiên cứu báo chí và truyền thông, Đại học Hong Kong) cho biết, Châu Á đối mặt tình trạng lan tràn thông tin giả mạo, gây hậu quả khôn lường, thậm chí có thể nghiêm trọng chết người theo nghĩa đen. Mới đây nhất, hàng loạt vụ tấn công tập thể bắt nguồn từ các tin nhắn giả mạo lưu truyền trên ứng dụng WhatsApp tại Ấn Độ khiến ít nhất 20 người thiệt mạng chỉ trong 2 tháng qua.

Đồng tình với quan điểm này, Jaskirat Singh Bawa - biên tập viên cao cấp của trang TheQuint.com của Ấn Độ - cho biết, ở nước này tin giả lan tràn trên mạng xã hội WhatsApp, nhưng đặc biệt gia tăng trong 4-5 năm gần đây do việc truy cập Internet dễ dàng hơn và các thiết bị truy cập cũng rẻ hơn.

Hồi đầu tháng 7, Chính phủ Ấn Độ đã phải cảnh báo WhatsApp sau một loạt các vụ giết người ở quốc gia này có liên quan đến những tin đồn vô căn cứ trên ứng dụng nhắn tin phổ biến nhất ở Ấn Độ, với hơn 200 triệu người dùng hoạt động tích cực. Chính vì có lượng người dùng khổng lồ như vậy, WhatsApp cũng trở thành nền tảng truyền bá tin tức giả mạo lớn nhất ở Ấn Độ.

Wahyu Dhyatmika - Tổng Biên tập tờ Tempo của Indonesia - cho biết người dân nước này cực kỳ hoang mang về tin giả, tin vịt trong cộng đồng, nhất là sau cuộc bầu cử Thị trưởng Jakarta. Họ yêu cầu báo chí giải quyết vấn đề này. Để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Indonesia vào tháng 4.2019, 28 tổng biên tập đã ký thỏa thuận kiểm chứng thông tin và ra mắt trang web CekFakta.com hồi tháng 5 năm nay để người dân thông báo về tin đồn mà họ thấy trên mạng.

Mô hình hợp tác của CekFakta.com là thành lập một mẫu chung để người dân thông báo về tin đồn mà họ thấy trên mạng, tất cả thông tin được thu thập vào dữ liệu chung do CekFakta.com quản lý. Những người kiểm chứng thông tin trong các đối tác của báo chí kiểm tra và đưa ra đánh giá cuối cùng, đăng tải trên báo chí của mình và sau đó xuất bản ở CekFakta.com.

Sử dụng công cụ kiểm tra thông tin

Để đối phó với tình trạng thông tin giả mạo, tin sai lệch, thông tin bị bóp méo, nhiều nước đã có những công cụ kiểm tra thông tin như mạng lưới hợp tác giữa các cơ quan báo chí, các tổ chức phi lợi nhuận. Nhà báo Craig Silverman của tờ BuzzFeed News khuyến cáo, hãy nghi vấn tất cả mọi thứ trong thế giới số, áp dụng các kỹ thuật đưa tin truyền thống để phát triển nguồn tin, sử dụng công cụ của các nhà nghiên cứu an ninh và theo dõi thông tin, kiểm soát ở những nơi mà chiến dịch thông tin giả mạo bị phát tán và phát triển, tận dụng các văn phòng đại diện ở toàn cầu để theo dõi cách thức thông tin chảy từ nước này sang nước kia...

Về phần mình, bà Irene Jay Liu - người phụ trách Google News Lab Châu Á-Thái Bình Dương - khẳng định, Google đang thực hiện nhiều dự án như tăng cường kiểm chứng thông tin, hỗ trợ các nhà xuất bản tăng cường năng lực video ở 20 thị trường toàn cầu, tăng số lượng công cụ kiểm chứng thông tin qua “hệ sinh thái” như First Draft, Mạng lưới kiểm chứng thông tin quốc tế (IFCN), Storyful và đào tạo cho đối tác xuất bản ở 52 nước.

Ông Jason Rudin - Giám đốc sản phẩm của Facebook - cho biết, mạng xã hội này đã có những nỗ lực đáng kể để đối phó với vấn nạn tin giả như cung cấp dịch vụ xác minh dữ liệu gắn cảnh báo với những bài viết có thông tin sai lệch, gỡ bỏ các tài khoản giả, phối hợp với bên thứ ba để kiểm chứng thông tin.

Ông Rudin cho biết trong nửa đầu năm 2018, Facebook đã gỡ bỏ 600 triệu tài khoản giả, cùng những trang kích động bạo lực, thù hằn, kết quả là giảm được 80% tin giả chia sẻ trên Facebook. Mục tiêu của Facebook là mở rộng kiểm chứng thông tin đến nhiều nước, mở rộng thử nghiệm kiểm chứng ảnh và video...

VÂN ANH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/the-gioi/cuoc-chien-chong-tin-gia-bao-chi-chinh-thong-co-vai-tro-lon-624535.ldo