Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Quốc nguy hiểm hơn Covid-19?

Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke ví von cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung Quốc giống như 'khi hai con voi nhảy múa, khó có thể đứng bên ngoài mà không bị kéo vào'.

Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm đối lập về công nghệ trong hàng chục năm qua. Ảnh minh họa. (Nguồn: Datadriveninvestor)

BÌNH LUẬN CỦA TG&VN

Ba lo ngại lớn nhất mà người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc là, “Chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào bán dẫn Mỹ. Chúng ta cũng có thị trường lớn nhất tại Trung Quốc. Lo ngại cuối cùng là khi hai người khổng lồ Mỹ hay Trung Quốc quay sang ta và hỏi - các anh có một lựa chọn: đi theo hay chống lại chúng tôi?”

Tiêu điểm mới của cuộc đọ sức Mỹ-Trung

Mỹ và Trung Quốc vẫn duy trì quan điểm đối lập về công nghệ trong hàng chục năm qua. Trong khi IBM và Microsoft của Mỹ thúc đẩy những phát kiến về công nghệ thông tin từ những năm 1980, Trung Quốc lại đặt nền tảng cho “bức tường lửa» trên Internet nhằm phát triển môi trường mạng có kiểm soát.

Trung Quốc đặt kế hoạch tham vọng “Made in China 2025” nhằm mục tiêu giảm sự phục thuộc vào công nghệ nước ngoài, tăng tốc đầu tư trong lĩnh vực viễn thông, mạng 5G, vi xử lý và robot. Mỹ lập tức đáp trả bằng các hành động ngăn chặn từng bước tiến của đối thủ, ban đầu là cáo buộc đánh cắp công nghệ, Mỹ cũng tìm mọi cách cấm vận những doanh nghiệp công nghệ tiềm năng của Trung Quốc, đồng thời ngăn nước này tiếp cận thị trường vốn khổng lồ của mình…

Mới đây, tháng 8/2020, Tổng thống Mỹ Trump tiếp tục tấn công doanh nghiệp khoa học công nghệ Trung Quốc thông qua việc ký kết hai mệnh lệnh hành chính, cấm người Mỹ và các doanh nghiệp Mỹ từ sau ngày 20/9 tiến hành các hoạt động giao dịch với công ty mẹ của TikTok là ByteDance và công ty mẹ của WeChat là Tencent. Đến lúc, nhất cử nhất động của họ đều có thể bị gọi là phạm pháp.

Ngay cả người dân Mỹ cũng bắt đầu có những hành động đối phó với TikTok. Chương trình “Mạng lưới sạch” được giới chức Mỹ đẩy mạnh nhằm loại bỏ doanh nghiệp kỹ thuật số và khoa học công nghệ của Trung Quốc ra khỏi hệ thống toàn cầu.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp viễn thông, nền tảng thương mại trực tuyến, kỹ thuật điện toán đám mây và xây dựng cáp quang của Trung Quốc vấp phải những thách thức lớn khi mở rộng phạm vi kinh doanh trên thị trường quốc tế.

Đã đến lúc, Bắc Kinh không còn bác bỏ các cáo buộc về đánh cắp công nghệ. Nền kinh tế số hai có vẻ đã xác định việc tách khỏi công nghệ Mỹ là điều không thể tránh khỏi. Họ sẽ tiếp tục nỗ lực thay đổi cấu trúc công nghệ, thương mại và tài chính quốc tế để đảm bảo lợi ích quốc gia trong môi trường thế giới ngày càng phân cực.

Như vậy, việc Mỹ tấn công và vây hãm lĩnh vực khoa học công nghệ của Trung Quốc đã vượt ra ngoài phạm vi công nghệ 5G, lan nhanh sang lĩnh vực an ninh mạng, cũng như như các chương trình ứng dụng.

Sự vây hãm này khiến doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc sẽ không còn cơ hội giành được các dự án cốt lõi tại thị trường nước ngoài. Việc này dẫn đến tiềm lực tăng trưởng giảm mạnh, ngay cả các chương trình, phần mềm ứng dụng cũng sẽ suy giảm theo.

Xét về bản chất, sức ép tâm lý hiện lớn hơn thiệt hại về kinh tế. Nghiên cứu mới nhất của Morgan Stanley cho thấy, Tencent chỉ có khoảng 2% nguồn thu tại Mỹ, sau khi WeChat bị cấm tại Mỹ, giá cổ phiếu Tencent cũng chỉ giảm 0,98%.

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn là nếu các nước phương Tây, Ấn Độ cùng liên kết tẩy chay WeChat, tiềm lực tăng trưởng lâu dài của Tencent chắc chắn giảm đáng kể, đặc biệt là sức ép tâm lý khi mở rộng kinh doanh quốc tế. Theo tính toán, khi đó ảnh hưởng tới thu nhập của Tencent có thể lên đến 8%.

Tất nhiên, sự vụ WeChat và TikTok chắc chắn có tính toán riêng trong ngắn hạn của Nhà Trắng. Tuy nhiên, về dài hạn, khi công nghệ trở thành tiêu điểm mới của cuộc đọ sức Mỹ-Trung, các doanh nghiệp Trung Quốc rơi vào tầm ngắm của Mỹ đều là doanh nghiệp “đầu tàu” và khả năng vươn rộng ra thị trưởng nước ngoài.

Tuy nhiên, việc tấn công TikTok hay WeChat chỉ là để tiếp tục tỏ thái độ cứng rắn của Mỹ. Tương lai, cách đối xử sẽ rất khác với “mối đe dọa tiềm tàng” Huawei với 100 tuyến cáp quang đáy biển, tương đương gần 25% lượng cáp quang đáy biển toàn cầu, liên quan đến công nghệ then chốt và vai trò tổ chức chuỗi cung ứng.

“Đi theo hay chống lại chúng tôi?”

Với những vấn đề chưa tìm thấy lối thoát này, Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc Jörg Wuttke cho rằng, một cuộc chiến công nghệ tương lai còn nguy hiểm hơn cả đại dịch Covid-19. Covid-19 là thách thức có thể xử lý.

Trong khi đó, chiến tranh công nghệ là mối nguy lâu dài, các doanh nghiệp bị mắc kẹt giữa làn đạn Mỹ-Trung Quốc, gây tổn hại lớn hơn và là sự bất ổn trường kỳ rất khó xử lý. Bằng chứng là từ khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại (5/2019), đến nay, những nguy cơ có liên quan đến công nghệ 5G vẫn chưa thể ngã ngũ. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp bị cuốn vào cuộc đối đầu giữa hai “ông lớn”, buộc họ chọn phe và gây nguy cơ gián đoạn ngành công nghệ toàn cầu.

Hồi tháng 7, Chính phủ Anh công bố lệnh cấm Huawei, chấm dứt mối quan hệ hợp tác kéo dài hai thập kỷ. Nhà khai thác mạng BT và Vodafone sẽ phải loại bỏ thiết bị Huawei đã lắp đặt khỏi hệ thống trước năm 2028. Các hãng viễn thông khác cũng không được mua bất kỳ thiết bị 5G nào từ công ty này. Trong khi đó, TikTok là nạn nhân của cả cuộc đối đầu Mỹ - Trung và Trung - Ấn, khi ứng dụng này đã có hàng trăm triệu người yêu thích ở cả Ấn Độ và Mỹ.

Các doanh nghiệp công nghệ đang rơi vào tình trạng khó xử, họ đã bắt đầu nhận ra thực tế rằng, cuộc sống trong tương lai sẽ mang ít yếu tố toàn cầu hóa hơn.

Cả Mỹ và Trung Quốc đều cho thấy, họ đã sẵn sàng dùng thương mại toàn cầu và chuỗi cung ứng là vũ khí đối đầu, một bức tường ảo đã được dựng lên sẽ buộc các nền kinh tế thế giới phải chọn phe. Các quốc gia trên thế giới có quan hệ kinh tế lâu năm và những dự án hợp tác đầy tham vọng đều có thể phải xem xét lại, do lo ngại về an ninh quốc gia.

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-chien-cong-nghe-my-trung-quoc-nguy-hiem-hon-covid-19-127507.html