Cuộc chiến đất hiếm: Phát hiện lớn của Nga

Mỏ Tomtor được đánh giá là một trong những mỏ niobi và đất hiếm hàng đầu trên toàn cầu.

RT đưa tin, ngày 19/4, công ty khai thác Polymetal của Nga cho biết, mỏ niobi và đất hiếm Tomtor nằm ở Cộng hòa Yakutia của Nga là một trong ba mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới.

“Tomtor đã khẳng định quy mô và cấp độ của nó là một trong những mỏ niobi và đất hiếm hàng đầu trên toàn cầu”, Giám đốc điều hành Polymetal Vitaly Nesis cho biết trong một tuyên bố. Polymetal được thành lập vào năm 1998, là nhà sản xuất bạc chính thứ ba trên toàn cầu, đồng thời là nhà sản xuất bạc lớn nhất và nhà sản xuất vàng lớn thứ tư ở Nga. Polymetal sở hữu 9,1% cổ phần của ThreeArc Mining Ltd, công ty đang phát triển dự án.

Theo ước tính ban đầu của Ủy ban Dự trữ Quặng Australasian (JORC), mỏ Tomtor chứa 700.000 tấn niobi và 1,7 triệu tấn đất hiếm.

Một số nguyên tố tách ra từ đất hiếm: Oxít xeri, oxít bastnasit, oxít neodymi và cacbonat lantan.

ThreeArc đang chuẩn bị nghiên cứu khả thi, mở đường cho quyết định đầu tư dự án, mặc dù có khó khăn nhất định trong việc xin giấy phép từ chính phủ Nga cũng như kỹ thuật bị trì hoãn do đại dịch.

Dự án Tomtor đã bị trì hoãn từ sáu đến chín tháng do đại dịch. Trước đây, công ty phát triển dự án dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy với công suất sản xuất hàng năm là 160.000 tấn quặng khô và bắt đầu sản xuất vào năm 2025.

Trữ lượng đầy hứa hẹn là một dự án quan trọng được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy sản lượng kim loại đất hiếm ở Nga. Sản xuất đất hiếm trong nước được cho là sẽ làm giảm sự phụ thuộc của Nga vào nhập khẩu từ Trung Quốc.

Niobi được sử dụng trong việc sản xuất các hợp kim thép đặc biệt cũng như trong hàn, công nghiệp hạt nhân, công nghiệp điện tử, quang học và ngành kim hoàn.

Cách đây khoảng 40 năm, Moutain Pass ở California (Mỹ) là mỏ đất hiếm từng hoạt. Khi đó, Mỹ thống trị sản xuất nguồn quặng mỏ, nay đang là vật liệu sống còn cho các ngành công nghiệp xe hơi, viễn thông, công nghệ số, năng lượng tái tạo và cả vũ khí.

Do giá thành sản xuất quá đắt và gây ô nhiễm, Mỹ đã cho đóng mỏ này năm 2002. Rồi việc khai thác sản xuất và cả ô nhiễm được di dời sang Trung Quốc (khi đó được đánh giá không mấy nguy hiểm). Thế là trung tâm đất hiếm được chuyển về vùng Nội Mông (Trung Quốc), nay mệnh danh là Thung lũng Silicon của đất hiếm.

Trung Quốc kiểm soát khoảng 80% sản lượng đất hiếm trên thế giới. Khoảng 15 năm qua, Trung Quốc thường xuyên sử dụng nguồn nguyên liệu thiết yếu trong công nghệ hiện đại này như một công cụ để gây sức ép với các nước.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/cuoc-chien-dat-hiem-phat-hien-lon-cua-nga-3430927/