Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới trong hồi ức của cựu chiến binh Lai Châu

Mảnh đạn pháo nằm trong người cựu binh Tao Văn Nó gần 40 năm như một chứng tích lịch sử về sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc.

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc năm 1979 của quân và dân ta đã trải qua 40 năm, nhưng những ký ức về sự khốc liệt của cuộc chiến, sự hy sinh anh dũng và lòng quả cảm vẫn in đậm trong ký ức của các cựu chiến binh biên phòng trên tuyến biên giới Lai Châu.

Trong căn nhà gỗ ba gian ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu, cựu binh biên phòng Tao Văn Nó, dân tộc Lự vẫn còn nhớ như in về những ngày chiến đấu khốc liệt của ông và đồng đội nơi tuyến đầu để bảo vệ biên giới.

Cựu binh Tao Văn Nó, ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường không thể quên những ký ức về những ngày khói lửa nơi tuyến đầu trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.

Cựu binh Tao Văn Nó, ở bản Hon, xã Bản Hon, huyện Tam Đường không thể quên những ký ức về những ngày khói lửa nơi tuyến đầu trong cuộc chiến tranh biên giới bảo vệ Tổ quốc.

Ông kể, tháng 5/1976 ông nhập ngũ, sau khi huấn luyện xong ông được điều chuyển về công tác tại Đồn 33, nay là Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, huyện Phong Thổ.

Tại đây, ông được phân công làm Tiểu đội phó Tiểu đội canh gác bảo vệ tại đầu cầu Việt – Trung, với 12 cán bộ, chiến sĩ. Vào thời điểm tháng 6, tháng 7 năm 1978, tình hình khu vực biên giới đã có những căng thẳng, khi phía địch nhiều lần có những hành động khiêu khích, ban đêm đột nhập vào trạm để quấy rối và định bắt cóc người. Từ những hành động đó, linh tính đã mách bảo ông sớm muộn gì cũng sẽ xảy ra chuyện lớn. Và chuyện gì đến cũng đã đến, khi tháng 2/1979 quân xâm lược đồng loạt bắn pháo và ồ ạt tiến quân sang.

Tương quan lực lượng giữa ta và địch lúc đó chênh lệch quá lớn, phía địch với hàng ngàn quân, với sự yểm trợ của xe tăng và pháo. Trước tình hình đó, chỉ huy Đồn 33 đã lệnh cho tiểu đội rút quân để đảm bảo an toàn. Nhưng trong lúc “mưa bom bão đạn” như thế, tiểu đội đã bị mất liên lạc với đơn vị, không nhận được lệnh rút quân, nên vẫn kiên cường bám trụ và đánh trả quyết liệt với quân địch.

Mảnh đạn pháo nằm trong người cựu binh Tao Văn Nó gần 40 năm (được phẫu thuật lấy ra cuối năm 2017) như một chứng tích lịch sử về sự khốc liệt của cuộc chiến bảo vệ biên giới

Ông Tao Văn Nó kể: "Đúng 6h quân xâm lược câu pháo sang thì tiểu đội hô hào nhau vào vị trí chiến đấu. Tầm hơn 5h chiều thì chúng đông quá, không nhìn thấy ai, pháo nó cứ nổ dập ầm ầm. Trong ngày đầu tiên, tiểu đội tôi chiến đấu giáp mặt quân thù, hy sinh 8 người, còn 4 người. Quyết tâm giữ cầu, không nghe thấy lệnh rút quân thì cứ chiến đấu thôi, bắn đến khi hết đạn".

Quân địch tràn sang mỗi lúc một đông, pháo vẫn cứ nổ ầm ầm, cả tiểu đội hết đạn, không có khả năng kháng cự nữa, nên tự tản ra để rút vào rừng. Trong lúc tìm cách rút lui, ông đã bị lọt vào vòng vây của quân địch. Để thoát thân, ông giả là lính quân địch và hét lên bằng tiếng Quan hỏa “Tất cả anh em, quân địch phía trước, tất cả xông lên". Trong khi nghe thấy hiệu lệnh, quân địch ồ ạt chạy về phía trước thì ông từ từ lùi lại phía sau và trốn vào rừng.

Sợ bị địch phát hiện, ban ngày ông trốn vào các bụi cây, đến tối mới tìm cách để thoát ra khỏi rừng. Đến ngày thứ 4, ông bơi qua sông và lên được đường lớn, rồi gặp một chiếc xe tiếp viện của ta. Sau đó, ông được đưa về huyện đội Phong Thổ để điều trị vết thương.

"Quân xâm lược bao vây thì tôi tạo cách là hô bằng tiếng quan hỏa "Tả co, báo đen tả co, phai, phau, bãi xen". Tức là hô chúng chạy tiến đằng trước, tôi tìm cách chuồn đằng sau của địch. Ngày hôm sau thứ hai vẫn còn nằm ở đấy, lại bị thương vào chân, thì tôi cũng khó đi. Mỗi người được trang bị 500 viên đạn, bắn hai ngày hết đạn thì anh em nào cũng tự tạo cách chui vào rừng để tìm đường thoát", ông Nó cho biết.

Trở về cuộc sống đời thường, cuộc sống sinh hoạt của nhiều cựu binh biên phòng còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ đều giáo dục truyền thống yêu nước, chuộng hòa bình cho thế hệ các con cháu

Cũng như ông Nó, cựu binh biên phòng Nguyễn Thanh Luận, ở phường Đoàn Kết, nguyên chính trị viên Đồn Nậm Xe trước đây không thể nào quên những ngày khốc liệt chiến đấu với kẻ thù. Theo ông Luận, mục tiêu của quân xâm lược là trong 6 ngày phải chiếm được các tỉnh biên giới, trong đó có Lai Châu.

Tại huyện Phong Thổ, quân địch tấn công ồ ạt trên dọc tuyến biên giới dài 60km, từ bản San Cha, xã Sì Lở Lầu, bản Huổi Luông của huyện Sìn Hồ. Mục tiêu chính của địch là đánh từ hai hướng Đồn Ma Lù Thàng Và Sì Lở Lầu, nhưng chúng đã gặp phải sự chống trả quyết liệt của bộ đội ta.

"Chúng dùng khoảng một tiểu đoàn, trong đó có cả xe tăng đánh vào Nậm Xe, mục đích tiêu diệt Đồn Nậm Xe và bắt sống đội ngũ chuyên gia Liên Xô của ta ở Đoàn địa chất 35. Chúng tiến được vào già nửa đường, tới bản Mấn thì bị lực lượng chiến đấu của ta chống trả, gồm có Đồn Nậm Xe và một số anh em của Trung đoàn 19 chốt ở Bản Lang thì địch không thể vào được. Ở Phong Thổ lên đến Dào San, vấp phải lực lượng chiến đấu của ta và sau đó chúng bị thua nên xe tăng, quân lính lại quay lại Phong Thổ để rút ra Ma Lù Thàng", ông Nó kể.

Với tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm và quyết liệt, từ ngày 17/2 đến mùng 7/3, qua 17 trận chiến đấu, lực lượng biên phòng ở các Đồn tại địa phương đã tiêu diệt hơn 2.400 quân địch, bắn cháy 2 xe tăng, làm bị thương hàng trăm quân địch, đến ngày 11/3 buộc quân địch rút khỏi hoàn toàn trên lãnh thổ tỉnh Lai Châu./.

Khắc Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/cuoc-chien-dau-bao-ve-bien-gioi-trong-hoi-uc-cua-cuu-chien-binh-lai-chau-875971.vov