Cuộc chiến giành nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng

Cuộc cạnh tranh nguồn cung khí tự nhiên hóa lỏng giữa châu Á và châu Âu đang ngày càng trở nên quyết liệt, có nguy cơ đẩy giá mặt hàng này tăng vọt.

Nhật Bản và Hàn Quốc, 2 trong 3 quốc gia nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng nhiều nhất thế giới, đang chạy đua tìm kiếm nguồn cung để chuẩn bị cho mùa đông sắp tới.

Các doanh nghiệp ở hai nước Đông Bắc Á sớm ra tay hành động bởi lo ngại giá khí tự nhiên hóa lỏng có thể tăng cao hơn nữa bởi nhu cầu từ châu Âu, theo Financial Times.

Châu Á nhập cuộc

Hàn Quốc và Nhật Bản gia nhập cuộc cạnh tranh khí tự nhiên hóa lỏng trong bối cảnh châu Âu đang khẩn trương thu mua loại nhiên liệu này nhằm thay thế khí đốt từ Nga, vốn được vận chuyển bằng đường ống thông thường.

So với cùng kỳ năm 2021, giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu hiện đã tăng gấp 5 lần. Điều này khiến chi phí sinh hoạt của người dân tăng sốc, đồng thời khiến giới doanh nghiệp châu Âu thiệt hại nặng.

"Các nước đang tranh nhau mua khí tự nhiên hóa lỏng, tình trạng này sẽ kéo dài tới hết năm nay, sang cả năm 2023. Sự cạnh tranh chưa làm tăng giá, nhưng giá sẽ sớm tăng, và những người chậm chân sẽ lãnh đủ", giám đốc một công ty năng lượng ở châu Á cho biết.

Giá khí đốt ở châu Âu đang cao hơn đáng kể so với châu Á. Nguồn: Financial Times.

Năm nay, các nước chạy đua tích trữ khí tự nhiên hóa lỏng sớm hơn mọi năm. Theo ông Toby Copson, giám đốc thương mại và tư vấn tập đoàn năng lượng Triden LNG, các công ty Hàn Quốc và Nhật Bản đã ký các hợp đồng tương lai mua khí đốt trong giai đoạn từ tháng 11 đến tháng 1/2023.

"Hàn Quốc và Nhật Bản có vấn đề với an ninh năng lượng. Họ đang chuẩn bị trước cho những gì có thể xảy ra trong ngắn hạn, trung hạn, và dài hạn", ông Copson nói.

Chuyên gia của Triden LNG cho rằng trong phần còn lại của năm 2022 và Quý I/2023, các nước châu Á và châu Âu sẽ cạnh tranh nhau quyết liệt trên thị trường thu mua khí đốt.

Từ lâu, châu Á đã là khu vực nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng lớn trên thế giới, với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc là 3 nước nhập khẩu nhiều nhất. Trong một thời gian dài, giá khí tự nhiên hóa lỏng tại châu Á luôn cao hơn so với châu Âu.

Nhưng kể từ khi Trung Quốc phong tỏa hàng loạt thành phố vì Covid-19, và đặc biệt sau khi chiến sự bùng phát ở Ukraine, tương quan về giá khí đốt giữa hai thị trường đã thay đổi.

Châu Âu hiện tìm mọi cách để giảm dần và tiến tới chấm dứt phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Tăng cường thu mua khí tự nhiên hóa lỏng là giải pháp hiếm hoi, bên cạnh tìm kiếm nguồn cung khí đốt khác từ Bắc Phi.

Từ cuối tháng 7, lượng khí đốt Nga bán cho châu Âu thông qua đường ống Nord Stream 1 đã giảm xuống chỉ còn 20% công suất tối đa. Giới chức châu Âu cảnh báo Moscow có thể cắt hoàn toàn nguồn cung.

Bởi nhu cầu sử dụng không đổi, thậm chí tăng lên, trong khi nguồn cung khí đốt từ Nga giảm xuống, giá khí đốt châu Âu tăng là điều không thể tránh khỏi.

Giá sẽ sớm tăng vọt?

Việc giá khí đốt ở châu Âu duy trì ở mức cao khiến các công ty có xu hướng tìm cách bán hàng sang lục địa già để thu được lợi nhuận lớn hơn.

Khác biệt về giá lớn đến mức trong một số trường hợp, các công ty dù đã ký hợp đồng với các khách hàng châu Á sẵn sàng chấp nhận chịu phạt để chuyển hướng lô hàng tới châu Âu. Dù phải nộp tiền bồi thường hợp đồng, lợi nhuận họ thu được khi bán khí tự nhiên hóa lỏng cho châu Âu vẫn lớn hơn.

Cuộc cạnh tranh giữa các nước ở châu Âu và châu Á chủ yếu quanh nguồn khí tự nhiên hóa lỏng từ Mỹ.

Các nước đang chạy đua thu mua khí tự nhiên hóa lỏng. Ảnh: Reuters.

Theo dữ liệu Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, trong 4 tháng đầu năm 2022, 74% lượng khí tự nhiên hóa lỏng xuất khẩu của Mỹ được chuyển tới châu Âu. Con số này trong cả năm 2021 là 34%.

Trong năm 2021, châu Á mới là khách hàng lớn nhất của khí tự nhiên hóa lỏng Mỹ.

Trong khi những nước giàu như Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn có thể chịu được giá tăng cao ở một mức độ, chi phí lượng tăng vọt đã trở thành gánh nặng với nhiều quốc gia đang phát triển khác ở châu Á.

Giới kinh doanh nhận định diễn biến thị trường hiện nay đồng nghĩa sẽ "đến lúc châu Á phải chấp nhận trả nhiều tiền hơn nếu muốn mua được khí tự nhiên hóa lỏng".

Dù tình hình hiện tại chưa đến mức bi đát, tuy nhiên kịch bản nói trên đã ở trước mắt trong bối cảnh chưa thể lường trước mức dự trữ khí đốt của châu Âu, cũng như bất ổn quanh dự án khai thác khí tự nhiên hóa lỏng Sakhalin-2 tại Nga.

Sau khi đối tác phương Tây rút khỏi dự án, Sakhalin-2 sắp bị quốc hữu hóa theo lệnh của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Dự án này chiếm 10% lượng khí tự nhiên hóa lỏng nhập khẩu của Nhật Bản.

Bởi các lệnh phong tỏa khiến kinh tế giảm tốc, nhu cầu khí tự nhiên hóa lỏng của Trung Quốc đang hạ nhiệt. Mặc dù vậy khi mùa đông đến, vẫn có khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường thu gom loại nhiên liệu này.

"Trung Quốc đã giảm mạnh phụ thuộc vào khí tự nhiên hóa lỏng giao ngay, nhu cầu hiện nay có thể đáp ứng chủ yếu qua các hợp đồng dài hạn", Alex Siow, chuyên gia tổ chức tư vấn ICIS, nhận định.

Dù vậy, giới chuyên gia cho rằng cần tính tới khả năng các doanh nghiệp Trung Quốc bất ngờ quay trở lại thu mua khí tự nhiên hóa lỏng.

"Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ cần làm đầy kho dự trữ khi sắp vào mùa đông. Thời điểm đó, nếu nền kinh tế Trung Quốc phục hồi, sẽ có những biến động lớn trên thị trường khí tự nhiên hóa lỏng. Nếu nguồn cung giảm xuống, châu Âu sẽ buộc phải cắt giảm tiêu thụ", bà Siow nói.

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-chien-gianh-nguon-cung-khi-tu-nhien-hoa-long-post1343000.html