Cuộc chiến giành tên cuộc thi hoa hậu

Vụ tranh chấp vì trùng tên gọi Hoa hậu Hòa bình Việt Nam giữa công ty Sen Vàng và công ty Minh Khang vẫn chưa đi đến hồi kết dù cả hai cuộc thi đều đã khởi động. Đáng nói, đây không phải là trường hợp hy hữu. Sân chơi nhan sắc trong nước vốn đã loạn thì nay càng loạn hơn khi hành lang pháp lý được 'thả cửa'.

Công ty Minh Khang là đơn vị tổ chức cuộc thi Miss Peace Viet Nam. Trước đây, tên tiếng Anh của cuộc thi này chuyển ngữ thành Hoa khôi Hòa bình Việt Nam. Năm nay, phía Minh Khang đưa cuộc thi lên một tầm vóc mới và lấy tên là Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2022. Về phía công ty Sen Vàng, đây là đơn vị mua bản quyền cuộc thi Miss Grand International vốn của Thái Lan để tổ chức ở Việt Nam với tên tiếng Anh Miss Grand Viet Nam. Vì Miss Grand International vốn được truyền thông trong nước gọi với tên tiếng Việt là Hoa hậu Hòa bình Quốc tế nên dĩ nhiên Miss Grand Việt Nam cũng chuyển ngữ thành Hoa hậu Hòa bình Việt Nam.

Vậy là tên gọi của hai cuộc thi bị trùng khiến Minh Khang và Sen Vàng “choảng” nhau dữ dội. Cả hai phía liên tục trưng ra các bằng chứng pháp lý để độc quyền tên gọi cuộc thi và tố bên còn lại vi phạm bản quyền. Mới đây nhất, để đáp trả về bằng chứng pháp lý của công ty Minh Khang, phía Sen Vàng đã mời Văn phòng luật sư Phan Law Viet Nam vào cuộc. Nhiều người trong giới chuyên môn dự đoán, có thể cả hai đơn vị phải kéo nhau ra tòa mới mong phân xử rõ trắng đen.

Ban tổ chức cuộc thi “Hoa hậu Hòa bình Việt Nam – Miss Grand Viet Nam” tại buổi họp báo.

Không chỉ Hoa hậu Hòa bình Việt Nam mà Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam cũng rơi vào cuộc chiến trùng tên. Cụ thể, một cuộc thi mang tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam tổ chức và một cuộc thi tương tự do Hãng truyền thông Topstar tổ chức.

Để bảo vệ mình, Hãng truyền thông Topstar đã công bố hồ sơ pháp lý liên quan đến cuộc thi bao gồm: Chứng nhận đăng ký quyền tác giả về bài viết giới thiệu đề án tổ chức cuộc thi Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả cấp; chứng nhận đăng ký quyền tác giả về hình thức thể hiện logo Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam do Cục Bản quyền tác giả cấp; văn bản chấp thuận của UBND TP Đà Nẵng về tổ chức chung kết cuộc thi…

Còn phía Công ty cổ phần truyền thông URA Việt Nam thì trưng giấy phép của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và thông tin cuộc thi đã diễn ra hồi năm 2021. Cũng tương tự như vụ tranh chấp của công ty Minh Khang và Sen Vàng, vụ tranh chấp cái tên Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam vẫn chưa tìm được cách giải quyết ổn thỏa.

Trước đây, theo Nghị định 79 của Cục Nghệ thuật Biểu diễn, mỗi năm trong nước chỉ tổ chức hai cuộc thi hoa hậu cấp quốc gia. Quy định này nhằm giảm thiểu các cuộc thi nhan sắc “ao làng” và tình trạng bát nháo danh hiệu hoa hậu, á hậu. Nhưng từ tháng 2-2021, Nghị định 79 bị bãi bỏ, thay vào đó là Nghị định 144/2020 cho phép tổ chức các cuộc thi hoa hậu không giới hạn số lượng trong một năm. Đồng thời, việc tổ chức thi nhan sắc sẽ không cần phải xin cấp phép từ Cục Nghệ thuật biểu diễn mà chỉ cần UBND cấp tỉnh - nơi diễn ra cuộc thi - chấp thuận.

Sự nới lỏng này tạo cơ hội để các đơn vị tổ chức tìm kiếm người đẹp đúng tiêu chí cho từng cuộc thi quốc tế khác nhau. Song nó cũng tiếp tay cho các cuộc thi kém chất lượng, núp mác thi hoa hậu để biến thành cái chợ mua bán danh hiệu. Do vậy, từ cuối năm 2021, khi dịch bệnh tạm lắng, hàng loạt cuộc thi nhan sắc lớn nhỏ đua nhau nở rộ như nấm sau mưa.

Ngay từ khi Nghị định 79 vẫn còn hiệu lực, mỗi năm trong nước cũng có hơn 30 cuộc thi nhan sắc. Tại sao lại có điều trái khoáy ấy? Để lách luật, các đơn vị tổ chức gán mác “quốc tế”, “hoàn cầu”, “toàn cầu”, “thế giới” vào tên gọi rồi tổ chức cuộc thi ở nước ngoài dù thí sinh toàn là người Việt. Địa điểm tổ chức thường là Hàn Quốc, Thái Lan, Singapore, Mỹ, Nhật Bản…

Tổ chức ở nước ngoài được coi là một mũi tên trúng hai đích vì vừa làm oai, hợp mác quốc tế, vừa lách quy định của cơ quan chức năng trong nước. Thế mới có đủ các cuộc thi mà tên “kêu” đùng đoàng và na ná nhau: Hoa hậu Người Việt Hoàn cầu, Hoa hậu Việt Nam Hoàn cầu, Hoa hậu Sắc đẹp Hoàn mỹ Toàn cầu, Hoa hậu Việt hoàn vũ, Hoa hậu Việt Nam thế giới, Hoa hậu Biển Việt Nam Toàn cầu, Nữ hoàng Sắc đẹp Toàn cầu, Hoa hậu Phụ nữ Sắc đẹp, Hoa hậu Quý bà Việt Nam thế giới, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới, Hoa hậu Doanh nhân toàn năng châu Á...

Nếu chịu lép vế hơn, một số cuộc thi hạ cấp độ xuống thành cuộc thi Hoa khôi, Nữ hoàng hay Người mẫu. Trước đây, cuộc thi có cái tên dài ngoằng “Miss World Vietnam - Đường tới vương miện - Hoa khôi Áo dài Việt Nam” phải đổi tên thành Hoa khôi Áo dài Việt Nam thì mới được cấp phép. Tương tự, “Mrs Vietnam” phải đế thêm dòng chữ lằng nhằng “Người mẫu Quý bà Việt Nam” ở vế sau bởi nếu chỉ để “Mrs Vietnam” thì lại mang nghĩa “Hoa hậu Quý bà Việt Nam” mà trong năm, số lượng các cuộc thi hoa hậu được cấp phép đã chạm trần.

Các thí sinh của cuộc thi “Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam” do URA Việt Nam tổ chức năm 2021.

Hồi còn Nghị định 79, công chúng đã chóng mặt vì không thể nhớ hết tên cuộc thi thì huống hồ Nghị định 144 với các quy định tự do hơn. Ngay như cụm từ “Du lịch” đã có loạt cuộc thi nối đuôi nhau ra đời: Hoa hậu Du lịch Sinh thái Quốc tế, Hoa hậu Du lịch Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Du lịch biển Việt Nam, Hoa hậu Du lịch Việt Nam…

Hay cuộc thi cho quý bà, doanh nhân cũng đủ sân chơi lớn nhỏ: Hoa hậu Doanh nhân Thái Bình Dương, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam toàn cầu, Hoa hậu Doanh nhân tài sắc, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam qua ảnh, Hoa hậu Quý bà doanh nhân, Hoa hậu Doanh nhân Việt Nam, Hoa hậu Doanh nhân Thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân Hoàn vũ, Hoa hậu Phu nhân thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân thành đạt thế giới người Việt, Hoa hậu Doanh nhân quốc tế…

Dù việc đặt tên cuộc thi nhan sắc có quy định rõ ràng trong quy chế (theo đó tên gọi phải dựa vào mục đích, ý nghĩa, tiêu chí của cuộc thi), thì tên gọi cuộc thi nhan sắc vẫn loanh quanh với những cụm từ quen thuộc nêu trên. Giữa một rừng các cuộc thi đua nhau ra mắt với đủ kiểu “thượng vàng hạ cám”, việc nổ ra cuộc chiến vì trùng tên gọi là điều tất yếu không thể tránh khỏi.

Với công chúng và thí sinh, việc trùng tên khiến họ lúng túng, không phân biệt được cuộc thi nào với cuộc thi nào. Thí sinh dễ đăng ký nhầm vào cuộc thi mình không mong muốn. Riêng với đơn vị tổ chức, ngoài việc ảnh hưởng uy tín cuộc thi, theo luật sư Phan Vũ Tuấn, đại diện Văn phòng luật sư Phan Law, việc trùng tên cuộc thi hoa hậu còn gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của các đơn vị tổ chức cuộc thi, xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ cũng như các quyền tài sản khác mà đơn vị tổ chức cuộc thi được bảo hộ theo quy định của pháp luật.

Theo ông, để bảo vệ quyền lợi, các đơn vị có thể được bảo hộ độc quyền tên gọi đối với các cuộc thi do mình tổ chức dưới hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu dưới góc độ của Luật Sở hữu trí tuệ. Bên cạnh đó, cơ quan có thẩm quyền cấp phép cũng cần có sự rà soát nhằm tránh việc cấp phép cho các cuộc thi hoa hậu trùng tên để tránh xung đột lợi ích giữa các đơn vị tổ chức.

Tuy vậy, nhiều người trong giới chuyên môn vẫn cho rằng tên gọi cuộc thi không mấy quan trọng. Điều làm nên uy tín, tên tuổi của cuộc thi đó chính là chất lượng. Còn những cuộc thi kém cỏi thì sẽ nhanh chóng bị khán giả đào thải. Bằng chứng rõ ràng nhất là những cuộc thi tôn vinh mấy cô nàng thị phi như Julia Hồ, Phi Thanh Vân, Thư Dung, Ngọc Trinh… đều nhanh chóng chìm nghỉm và mất dấu dù cái tên có gắn mác quốc tế, có “kêu” đến như thế nào.

Nếu ban tổ chức chuyên nghiệp và tìm ra những thí sinh đủ tâm đủ tài, lan tỏa những thông điệp tốt đẹp thì tự khắc công chúng sẽ nhớ mãi cuộc thi ấy. Chẳng hạn như vụ tranh chấp tên Hoa hậu Hòa bình Việt Nam của Minh Khang và Sen Vàng, fan yêu sắc đẹp sẽ ủng hộ phía Sen Vàng hơn vì Miss Grand International đã khẳng định thương hiệu của mình qua nhiều năm liền, và mới đây nhất chính là sự lên ngôi đầy thuyết phục của Hoa hậu Thùy Tiên.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/cuoc-chien-gianh-ten-cuoc-thi-hoa-hau-i660091/