Cuộc chiến giữa 'tài chính công nghệ' và 'tài chính truyền thống' ở châu Phi

Một trong những nguồn thu nhập chính của hàng triệu gia đình ở châu Phi là kiều hối, tuy nhiên, nguồn ngoại tệ dồi dào này lại không nhận được sự quan tâm nhiều của các công ty tài chính. Điều này đã thúc đẩy sự ra đời một loạt công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintechs).

Theo thống kê Ngân hàng thế giới (WB), khoảng 48 tỷ USD kiều hối được chuyển về châu Phi trong năm 2019, tăng hơn 2 tỷ USD so với năm ngoái. WB cho biết, kiều hối có ý nghĩa quan trọng đối với cuộc sống hàng ngày của hàng triệu gia đình châu Phi, bảo đảm cho nhu cầu cơ bản của người dân, như: Thực phẩm, nơi ở, bảo hiểm y tế hay giáo dục. Tại một số quốc gia khác, dòng tiền này chiếm 40% thu nhập của các hộ gia đình, theo nghiên cứu của Quỹ phát triển Nông nghiệp quốc tế (Fida) vào năm 2015. Điều này cho thấy, thị trường tài chính châu Phi hứa hẹn nhiều tiềm năng trong tương lai nếu được khai thác hiệu quả. Đặc biệt, ở một số nước, lượng tiền chuyển về từ nước ngoài nhiều hơn so với nguồn vốn hỗ trợ phát triển. Viện Chuyển tiền châu Phi (AIR) cho biết, năm 2017, kiều hối ở châu Phi đạt 65 tỷ USD, cao gấp hơn 2 lần so với nguồn tài trợ nước ngoài (29 tỷ USD).

Người dân châu Phi dễ dàng nhận tiền của người thân ở nước ngoài gửi về thông qua ứng dụng chuyển tiền qua mạng. (Ảnh: Le Point).

Tuy nhiên, những dịch vụ tài chính của các ngân hàng, tập đoàn viễn thông và tổ chức tài chính vi mô không đáp ứng được nhu cầu của khách hàng châu Phi, một phần là do chi phí chuyển tiền cao. Trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển, một loạt công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính (fintechs) đã ra đời, trong đó ứng dụng WorldRemit đóng trò quan trọng trong lĩnh vực chuyển tiền quốc tế.

Được thành lập năm 2010 theo sáng kiến của ông Ismail Ahmed, dịch vụ chuyển tiền WorldRemit đang được sử dụng ở 140 quốc gia, trung bình mỗi tháng thực hiện 300.000 giao dịch với số tiền lên đến 90 triệu euro. Không chỉ phí chuyển tiền thấp (5% so với 10% của các ngân hàng), sử dụng dịch vụ WorldRemit còn nhanh và hiệu quả, chỉ bằng một số thao tác trên màn hình, khách hàng đã có thể giải quyết được nhiều vấn đề về tài chính.

Tháng 7-2019, Sébastien Vetter, người Pháp và Ken Kakena, người Congo đã cho ra đời dịch vụ chuyển tiền trực tuyến mới thông qua ứng dụng Wizall và nhắm đến nhu cầu giao dịch tiền của người di cư châu Phi. Dù mới đưa vào sử dụng, song dịch vụ mới này đã thu hút sự quan tâm của nhiều người dân, đồng thời còn lấy được niềm tin từ các doanh nghiệp. Thông qua ứng dụng Wizall, bài toán trả lương cho nhân viên không còn khó khăn với nhiều công ty.

Những ý tưởng từ dịch vụ tài chính này chắc chắn sẽ còn phong phú hơn nữa trong tương lai. Theo ước tính của Business Insider Intelligence, đến năm 2023, lượng tiền chuyển trực tuyến sẽ chiếm 50% tổng khối lượng giao dịch ở châu Phi. Chính vì vậy, cuộc cạnh tranh giữa “tài chính công nghệ” và “tài chính truyền thống” trở nên gay gắt hơn bao giờ hết.

PHƯƠNG LINH (theo Le Point)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-chien-giua-tai-chinh-cong-nghe-va-tai-chinh-truyen-thong-o-chau-phi-606023