Cuộc chiến hiểm nguy của các bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở Vũ Hán

Suy nhược, stress, hiểm nguy nhiễm bệnh chực chờ, lo cho gia đình - tất cả đè nặng lên các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại Vũ Hán.

Hu Sheng đã chiến đấu ở tuyến đầu dịch virus corona tại Vũ Hán kể từ đầu tháng 1. Nhưng những ngày gần đây, bác sĩ 39 tuổi chỉ tập trung vào một bệnh nhân - là chính anh.

Hu là một trong hàng chục bác sĩ ở Vũ Hán đã bị nhiễm chính virus mà họ cố gắng kiểm soát, giữa lúc dịch bệnh vẫn lây nhiễm chóng mặt, liên tiếp lập kỷ lục mới về số ca tử vong theo ngày.

Riêng trong ngày 5/2, ở tỉnh Hồ Bắc có 70 ca tử vong mới, cao hơn mọi ngày trước đó, nâng tổng số ca tử vong lên 563. Tổng số ca nhiễm trên toàn cầu hiện là 28.261.

Bệnh viện Nhân dân số 3, nơi bác sĩ Hu làm việc, chuyển anh sang khu ngoại trú để giúp các đồng nghiệp khám cho số bệnh nhân sốt và viêm phổi đang tăng vọt. Bệnh viện này chỉ cách chợ hải sản Hoa Nam 7 km, nơi có những ca nhiễm virus corona đầu tiên vào tháng 12, vì vậy số bệnh nhân tới khám nhanh chóng làm bệnh viện quá tải.

Bác sĩ Hu Sheng. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân số 3.

Lây nhiễm vì không đeo kính bảo vệ

Các bác sĩ thay nhau làm liên tục 24 giờ để xử lý 100 bệnh nhân mỗi ngày, so với 50 vào ngày thường. 60% bệnh nhân có triệu chứng viêm phổi.

Họ vẫn áp dụng các biện pháp bảo hộ thông thường, đeo khẩu trang liên tục khi thăm khám bệnh nhân. Nhưng sau hai tuần, bác sĩ Hu bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, ho nhiều.

Ban đầu, anh tưởng rằng khối lượng công việc dồn dập làm mình suy nhược. Anh quyết định chụp CT, vì cùng thời gian đó cũng có những nhân viên y tế khác bị nhiễm bệnh. 15 nhân viên y tế đã bị nhiễm virus corona tính đến 21/1, và các chuyên gia xác nhận căn bệnh này có thể lây từ người sang người.

“Tôi có con nhỏ 3 tuổi và cha mẹ già. Tôi phải cẩn thận, vì tôi làm việc trong môi trường cực kỳ nguy hiểm”, Hu nói với Sixth Tone, một trang tin tiếng Anh về Trung Quốc.

Bác sĩ Hu chụp CT vào ngày 24/1. Anh có hẹn ăn Tết với gia đình tối hôm đó, nhưng đã hủy kế hoạch này ngay khi nhận kết quả chiếu chụp. Anh bị viêm cả hai bên phổi. Đã theo dõi nhiều bệnh nhân có triệu chứng tương tự, bác sĩ Hu biết chỉ có cách lý giải duy nhất: chính anh bị nhiễm virus corona.

“Khi tôi cố tìm hiểu vì sao mình bị nhiễm bệnh, tôi nhận ra lý do khả dĩ nhất là tôi không đeo kính bảo vệ”, Hu nói với Sixth Tone.

Bác sĩ Hu Sheng chụp ảnh với một đồng nghiệp. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân số 3.

“Làm việc này ai không cảm thấy sợ”

Cuối tháng 1, khi ngày càng nhiều bác sĩ nhiễm virus corona, các bệnh viện ở Vũ Hán bắt đầu yêu cầu nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ kín, gồm trang phục toàn thân, mặt nạ, kính.

Nhưng nỗi lo về virus vẫn đè nặng tâm trí của bác sĩ 27 tuổi Ye Liwen. Mới vào nghề y được 6 tháng và được chuyển sang công tác tại Bệnh viện Nhân dân số 3, nữ bác sĩ không nói với cha mẹ về công việc mới của mình. “Tôi không muốn họ lo lắng”.

Chỉ vài ngày, Ye bắt đầu cảm thấy tức ngực. Nhưng may thay, kết quả chụp CT không cho thấy dấu hiệu nhiễm virus corona.

“Tức ngực có thể do stress”, Ye nói với Sixth Tone. “Chẳng ai không cảm thấy sợ khi làm việc trong môi trường căng thẳng như vậy, phải khám cho nhiều bệnh nhân bị sốt và chứng kiến các đồng nghiệp đổ bệnh”.

Một bệnh nhân đang hỏi bác sĩ Ye Liwen tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân số 3.

Một bác sĩ khác là cấp trên của Ye được chẩn đoán nhiễm virus cùng ngày mà Ye nhận kết quả chiếu chụp âm tính. Ít nhất hai bác sĩ khác và một vài y tá làm cùng cô cũng bị nhiễm bệnh.

Nhưng Ye cho biết một số nhân viên y tế bị nhiễm virus từ đầu bây giờ đã hồi phục và quay lại làm việc.

“Từ chỗ hoang mang lúc đầu, tôi nghĩ tâm lý nói chung trong khu điều trị sốt đang dần bình tĩnh hơn”, Ye nói. “Chúng tôi hiểu hơn về virus... điều đó làm chúng tôi yên tâm hơn”.

Hu, bác sĩ 39 tuổi, cũng cảm thấy khỏe hơn nhiều sau một tuần nghỉ ở nhà, tập thể dục mỗi ngày để chuẩn bị quay trở lại làm việc.

Một số bác sĩ khác vẫn lo ngại cho gia đình mình. Tuy người trưởng thành khỏe mạnh thường có triệu chứng nhẹ khi nhiễm virus corona, những nhóm khác dễ tổn thương hơn như người già hoặc người có tiền sử bệnh.

Trong các ca tử vong, 80% là bệnh nhân trên 60 tuổi, và hơn 75% có nhiều hơn một chứng bệnh mãn tính, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết dựa vào số liệu tính đến ngày 4/2, khi đang có hơn 400 ca tử vong.

Hu đang sống xa vợ con kể từ khi được chuyển sang khu ngoại trú. Gia đình anh vẫn khỏe, nhưng Hu lo lắng cho vợ mình cũng đang chiến đấu trực diện với dịch bệnh tại một bệnh viện cộng đồng.

“Cô ấy sống với con chúng tôi”, Hu nói. “Tôi liên tục nhắc cô ấy chú ý từng chi tiết bảo hộ trong công việc, nhưng tôi vẫn rất lo về sức khỏe của hai mẹ con”.

Xét nghiệm virus corona vẫn là thách thức ở Vũ Hán, và nguy cơ người nhiễm lây cho người nhà ngày càng cao, theo các chuyên gia.

Các bác sĩ đang đọc kết quả chụp X-quang (trái) và đọc bệnh án trên máy tính (phải). Ảnh: Bệnh viện Nhân dân số 3.

Tranh cãi bệnh nhân nhẹ nên ở nhà hay đi viện?

Nhiều bệnh nhân viêm phổi đã phàn nàn về tình trạng khan hiếm dụng cụ xét nghiệm. Trong khi đó, Zhang Xiaochun, chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp tại bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán, đã đặt câu hỏi về độ chính xác của công cụ xét nghiệm, và kêu gọi các bệnh viện dùng ảnh chụp CT là phương pháp chính để xác định các ca nhiễm mới.

“Chúng tôi thấy nhiều ca mới từ các buổi tụ họp gia đình ở Vũ Hán, và nhiều bệnh nhân không biểu hiện rõ triệu chứng trong giai đoạn đầu”, Zhang viết trên WeChat. “Kết quả xét nghiệm của họ là âm tính trong giai đoạn đầu”.

Ông Zhang lo ngại rằng chính sách yêu cầu bệnh nhân có triệu chứng nhẹ về nhà theo dõi đang làm dịch bệnh tệ đi, vì những bệnh nhân giai đoạn đầu này nhiều khả năng lây bệnh cho người nhà, và cả khi họ tới bệnh viện xét nghiệm và lấy thuốc.

“Chúng ta phải cách ly ngay lập tức những người này ở khách sạn hay trường học nếu kết quả CT cho thấy dấu hiệu nhiễm virus corona thường thấy”, ông nói. “Chúng ta nên nhờ các tình nguyện viên đưa thuốc cho họ”.

Nhưng Hu có quan điểm khác. Anh lại cho rằng nỗi hoang mang ở khắp Vũ Hán đang làm tình hình tệ đi. Người dân vội vàng tới bệnh viện ngay khi có biểu hiện sốt, khiến hệ thống y tế thành phố bị quá tải và tăng số ca nhiễm.

“Nếu bạn bị sốt buổi sáng và đến gặp bác sĩ buổi chiều, không có cách nào để xét nghiệm ra điều kiện sức khỏe thật của bạn”, bác sĩ Hu nói. “Nếu bạn tới phòng khám sốt, có nguy cơ bị lây chéo. Bạn có thể bị nhiễm virus corona do tới bệnh viện trong trường hợp không cần thiết”.

Hai bác sĩ đang điều trị tại bệnh viện. Ảnh: Bệnh viện Nhân dân số 3.

Bác sĩ Hu cho biết muốn trở lại làm việc càng sớm càng tốt. Chuyên môn của anh là rất cần thiết vào lúc này. Kết quả chiếu chụp đang khả quan.

“Tôi sẽ được xét nghiệm virus corona thêm”, Hu nói. “Nếu hai kết quả trong vòng ba ngày đều âm tính, tôi có thể được coi là hồi phục và có thể quay lại làm việc”.

Bệnh viện Nhân dân số 3 của anh đã tăng gấp bốn lần số giường bệnh trong khu nội trú, và đóng cửa một số khoa như tai, mũi, họng, khoa mắt, điều các nhân viên sang điều trị sốt và viêm phổi.

Hu và Ye đều cho rằng số bệnh nhân khỏi bệnh sẽ tăng lên trong những tuần tới.

“Giới chức y tế có tiêu chuẩn cao để xác định ca khỏi bệnh: hai xét nghiệm âm tính với virus corona liên tiếp trong vòng ba ngày, và thể hiện rõ trên ảnh chụp CT”, Hu nói. “Đó là lý do vì sao số ca khỏi bệnh tăng chậm. Ngay cả với bệnh nhân triệu chứng nhẹ, quy trình đó vẫn kéo dài 2-3 tuần”.

Trong khi đó, Ye cho biết những ngày gần đây, nơi cô làm việc vẫn quá tải bệnh nhân, nhưng số bệnh nhân tới khám lại đang ngày càng nhiều, thay vì bệnh nhân mới.

Tâm điểm dịch Vũ Hán hoang vắng giữa những ngày bị phong tỏa Cảnh quay trên không vào ngày 4/2 cho thấy hình ảnh yên tĩnh và hoang vắng của Vũ Hán, Trung Quốc. Đây là trung tâm của dịch virus corona đã bị phong tỏa kể từ ngày 23/1.

Trọng Thuấn

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/cuoc-chien-voi-hiem-nguy-cua-cac-bac-si-tuyen-dau-chong-dich-o-vu-han-post1043791.html