Cuộc chiến khí đốt vào châu Âu ngày càng khốc liệt

TANAP cho thấy sự phụ thuộc không nhỏ của Nga vào 'người bạn' Thổ Nhĩ Kỳ khi tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt.

TANAP cạnh tranh với Gazprom

Nga đang trên thế thắng “như chẻ tre” trong lĩnh vực khí đốt khi hai dự án đường ống khí đốt trọng điểm gồm Nord Stream 2 (Dòng chảy Phương Bắc 2) và TurkStream (Dòng chày Thổ Nhĩ Kỳ) cùng hướng về đích.

Theo TASS, tập đoàn Gazprom của Nga đã được cấp phép xây dựng đoạn cuối của Nord Stream 2 đi qua vùng lãnh hải của Đan Mạch. Nord Stream 2 vốn được thiết kế để hỗ trợ Nord Stream 1 đang vận hành, bao gồm một cặp đường ống song song kết nối khu vực Leningrad của Nga với phía Bắc nước Đức thông qua khu vực Baltic.

Các tuyến đường ống Nord Stream (màu xanh) và Nord Stream 2 (gạch nối) từ Nga sang châu Âu

Các tuyến đường ống Nord Stream (màu xanh) và Nord Stream 2 (gạch nối) từ Nga sang châu Âu

Hệ thống đường ống có công suất lên tới 55 tỷ mét khối mỗi năm đã sẵn sàng cung cấp khí đốt cho châu Âu sau khi Gazprom mới đây đã hoàn tất hàn kết nối tuyến đường ống dẫn để cung cấp khí đốt cho Nord Stream 2, đoạn chạy trên lãnh thổ Nga, và đang chuẩn bị đưa vào vận hành trạm nén khí. Tập đoàn này cũng đang tiến hành xây dựng khu phức hợp để sản xuất, lưu trữ và vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng trong vùng lân cận của trạm nén khí Portovaya, điểm khởi đầu tuyến đường ống.

Ở phía Nam, Turk Stream chạy qua Biển Đen, kết nối miền nam nước Nga với Thổ Nhĩ Kỳ và sau đó tiếp tục chạy qua Bulgaria và Serbia để vào Hungary, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020 với công suất 31 tỷ mét khối mỗi năm. Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Nga Mehmet Samsar hôm 5/11 cho biết, Nga và Thổ Nhỉ Kỳ sẽ cho TurkStream thông dòng vào cuối năm nay.

Hai tuyến đường ống trên được ví như “gọng kìm” để Nga siết chặt thị trường châu Âu vốn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào khí đốt nhập khẩu. Có ý kiến cho rằng Moscow giờ đây nắm trong tay quyền quyết định bất chấp các đối thủ ngáng đường. Tuy nhiên, thực tế không hẳn hoàn toàn thuận lợi với người Nga.

Ngay trong tháng 11 này, dự kiến tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Anatolia (TANAP) sẽ hoàn tất. Thông qua tuyến đường ống này, khí đốt của Azerbaijan sẽ được trung chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ và tới châu Âu. Ankara coi dự án này là "một trong những dự án quan trọng nhất".

Tổng thế các tuyến đường ống TANAP và TAP

Trước mắt, TANAP dù được coi là dự án “lịch sử của khu vực” cũng khó có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu khí đốt của Nga nhưng lại là “cú đấm” đầu tiên nhằm vào các dự án khí đốt của Nga. Giới phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ không có kế hoạch dừng lại ở dự án này và đã để mắt đến khí đốt của Turkmenistan, nguồn cung mà về mặt lý thuyết có thể được bơm qua tuyến đường ống Trans-Caspi nếu được chấp thuận.

Theo kế hoạch, lễ khai trương giai đoạn thứ hai, và cũng là đoạn cuối của TANAP sẽ diễn ra vào ngày 30/11 tại khu vực Ipsala, tỉnh Edirne, Thổ Nhĩ Kỳ. TANAP là dự án được chia thành 2 giai đoạn- đến Eskisehir và đến Ipsala. Phần 1 của dự án tới Eskisehir, cung cấp khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, đã được hoàn tất năm 2018.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev dự kiến sẽ tham dự lễ hoàn công chính thức. Bộ trưởng Năng lượng và Tài nguyên Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez đã xác nhận thông tin nói trên đồng thời nêu rõ: “TANAP là một trong những dự án quan trọng nhất của chúng tôi”.

Châu Âu đa dạng hóa nguồn cung

Theo các số liệu được công bố, hơn 3 tỷ mét khối khí đốt đã được trung chuyển qua tuyến đường ống TANAP cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, và việc cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ bắt đầu vào năm tới khi tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans Adriatic (TAP) hoàn tất. TANAP và TAP là một phần của dự án Hành lang khí đốt phía Nam.

Công suất ban đầu của TANAP là khoảng 16 tỷ mét khối mỗi năm, trong đó khoảng 6 tỷ mét khối khí đốt sẽ cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ, phần còn lại đến châu Âu. Trong tương lai, công suất của tuyến đường ống này có thể được nâng lên 24 tỷ mét khối và sau đó là 31 tỷ mét khối mỗi năm, tức là tương đương với TurkStream.

Thi công đặt đường ống thuộc dự án TANAP

Việc gia tăng cung cấp khí đốt cho châu Âu sẽ không chỉ dựa vào nguồn khí đốt của Azerbaijan, mà cả khí đốt của Turkmenistan, Iran, Iraq và thậm chí cả khí đốt của Kazakhstan. Riêng đối với Thổ Nhĩ Kỳ, TANAP được dự báo sẽ đáp ứng tới 12% nhu cầu khí đốt của nước này.

Theo giới phân tích, về mặt chính thức “Hàng lang phía Nam” sẽ cạnh tranh với TurkStream. Hành lang này sẽ tạo ra những vấn đề thực sự cho Gazprom nếu Turkmenistan rốt cuộc tham gia dự án.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayip Erdogan từng tuyền bố: “Dự án TANAP có ý nghĩa quyết định để đáp ứng nhu cầu khí đốt ngày càng tăng của Thổ Nhĩ Kỳ. Đồng thời, nguồn cung khí đốt từ mỏ Shah Deniz của Azerbaijan cung cấp cho thị trường châu Âu sẽ có đóng góp nhất định cho an ninh năng lượng của châu Âu”.

Thi công đặt đường ống của TurkStream trên Biển Đen

Hiện có hai khả năng để Turmenistan tham gia vào dự án này, trong đó kịch bản thứ nhất là Turkmenistan cung cấp khí đốt bằng đường biển dưới dạng hóa lỏng nhưng sẽ tốn kém, còn kịch bản thứ hai là xây dựng tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Caspi dưới đáy biển Caspi. Đường ống dẫn khí đốt này cần nối Turkmenistan và Azerbaijan, nghĩa là đảm bảo cho Turkmenistan khả năng tiếp cận các thị trường châu Âu mà không cần quá cảnh qua Nga.

Theo giới phân tích, kịch bản thứ hai sẽ là một điều “đau đớn” đớn đối với Nga. Chính vì thế, Nga cùng với Iran đã phản đối tuyến đường ống đi qua Caspi.

Tháng 8/2018, 5 quốc gia ven biển Caspi đã ký Công ước về tình trạng pháp lý của Biển Caspi ở cấp cao nhất. Công ước quy định: "Việc xác định các tuyến để đặt đường ống và cáp ngầm được thực hiện theo thỏa thuận với bên mà qua đáy biển nước đó, cáp hoặc đường ống ngầm dưới biển được đặt”.

Tổng thống Nga V. Putin (trái) và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ T. Erdogan

Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga cho biết, việc đặt các tuyến đường ống xuyên Caspi trên thực tế nên được tất cả các nước ven biển Caspi thống nhất. Lý do chính là mối quan tâm đối với môi trường.

“Khách hàng” EU đã đưa tuyến đường ống dẫn khí đốt Trans-Caspi vào danh sách các dự án đầy hứa hẹn để đa dạng hóa nguồn cung. Liên minh này và Turkmenistan đang chuẩn bị soạn thảo một “lộ trình” hợp tác.

TANAP còn cho thấy sự phụ thuộc không nhỏ của Nga vào “người bạn” Thổ Nhĩ Kỳ bởi giới phân tích cho rằng Ankara có tham vọng trở thành trung tâm năng lượng và nhiên liệu lớn nhất. TANAP cũng sẽ trở thành đòn bẩy quan trọng để Thổ Nhĩ Kỳ mặc cả giảm giá nhập khẩu khí đốt từ Nga. Khả năng cao là Mosow buộc phải “ngậm bồ hòn” trong khi không khỏi lo lắng về các kịch bản “đau đớn” khác.

Thành Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-khi-dot-vao-chau-au-ngay-cang-khoc-liet-3391943/