Cuộc chiến khốc liệt và câu hỏi về tương lai trẻ em Syria

VOV.VN -Khoảng 30% số trẻ em ở Syria từng bị đánh đập hoặc bị trúng đạn, 75% số trẻ em đã bị mất ít nhất một người thân.

Số trẻ em Syria buộc phải chạy trốn khỏi cuộc nội chiến để lánh nạn tại các nước láng giềng đã lên tới 1 triệu em, khoảng 3/4 trong số đó dưới 11 tuổi; 7.000 trẻ em đã bị thiệt mạng trong cuộc xung đột và hơn 3.500 trẻ đã bị lạc gia đình khi chạy sang các nước láng giềng…

Những con số được Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) công bố trong tháng 8/2013 cho thấy, sự khốc liệt của cuộc nội chiến kéo dài 2 năm rưỡi tại Syria đang đánh cắp tương lai của cả một thế hệ.

Theo thông tin từ Tổ chức Cứu trợ Trẻ em (Save the Children- có trụ sở tại London - Anh), hơn 1/5 số trường học ở Syria đã bị phá hủy hoặc không còn sử dụng được trong vòng hai năm xảy ra xung đột khiến 2,5 triệu trẻ em thất học. Một nghiên cứu do tổ chức nhân đạo CARE của Jordan công bố cho thấy, hơn 60% trẻ em Syria đang độ tuổi đi học không được đến trường.

Một cậu bé người Syria bị thương khi pháo nã vào khu vực dân cư ở thành phố Aleppo. Sau khi được sơ cứu, em ngồi chờ tại bệnh viện để được tiếp tục điều trị trong nỗi sợ hãi in rõ trên gương mặt -Ảnh: Aris Messinis/AFP — Getty Images

Trong khi đó, tại những khu vực xảy ra xung đột, cứ 5 trường học có 1 trường bị phá hủy, hư hại hoặc trở thành nơi lánh nạn cho các hộ gia đình, ví dụ ở thành phố Aleppo, chỉ có 6% trẻ em được đi học.

Ngoài ra, các lớp học cũng đang bị quá tải, ước tính mỗi lớp có tới 100 học sinh. Thực tế này đang làm dấy lên mối lo ngại rằng, trẻ em tại Syria sẽ trở thành một phần của cả “thế hệ mất mát” vì không có kiến thức hay sự hiểu biết cần thiết để đóng góp cho sự phát triển đất nước.

Ngoài những thánh thức đối với hệ thống giáo dục, trẻ em Syria còn bị suy dinh dưỡng do thiếu lương thực và nước uống. Hiện nay, hơn 2 triệu trẻ em Syria đang phải vật lộn với những chấn thương, suy dinh dưỡng hoặc bệnh tật. Tại những khu vực nghèo nhất ở Syria, số người dân được tiếp cận với nước sạch đã giảm xuống 2/3, dẫn tới trẻ em tăng nguy cơ nhiễm trùng da và hô hấp.

Điều đáng báo động là nhiều trẻ em tại Syria đang trở thành nạn nhân của hành vi vi phạm quyền con người, bao gồm việc giam giữ tùy tiện, tra tấn hoặc giết chóc, bị cưỡng hiếp hay bị lôi kéo, ép buộc cầm súng.

Cuộc nội chiến Syria đã để lại những hậu quả tâm lý và thể chất nghiêm trọng lên các nạn nhân vô tội nhất là trẻ em.

Phó Giám đốc Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) Yoka Brandt, gọi cuộc “di dân” do cuộc nội chiến ở Syria là một cuộc "khủng hoảng của trẻ em": “Trẻ em phải chạy trốn khỏi sự sợ hãi và bị các chấn thương. Tuổi thơ của các em đã bị đánh cắp và hiện giờ các em đang phải đối mặt với nhiều rủi ro, như bị bóc lột sức lao động, trở thành nạn nhân của các vụ xâm hại, tảo hôn. Không chỉ vậy, những em bé này còn mất cả tương lai bởi không được đến trường”.

Theo Báo cáo của Tổ chức Cứu trợ trẻ em, khoảng 30% số trẻ em ở Syria từng bị đánh đập hoặc bị trúng đạn, trong khi 75% số trẻ em đã bị mất ít nhất một người thân trong gia đình do cuộc chiến này. Các em đang phải hứng chịu những cú sốc lớn về tâm lý khi phải chứng kiến các thành viên trong gia đình hay bạn bè bị giết hại hoặc bị thương, trở nên sợ hãi với âm thanh và cảnh tượng của cuộc xung đột.

Ahmed - bé trai người Syria, 14 tuổi, đang sinh sống tại trại tị nạn, cho biết: “Anh trai của em đã mất, còn em gái thì bị thương ở đầu. Em gái em đang được điều trị để học đi sau chấn thương vì em đã không thể điều khiển được chân trái. Cháu mong muốn một ngày nào đó sẽ được trở về nhà”.

Việc được đi học trở lại và được chơi đùa cùng với bạn bè cùng trang lứa giờ đây đã trở thành mong ước quá xa vời đối với trẻ em Syria. Ibrahim, bé trai 9 tuổi đang ở trong trại tị nạn cho biết: “Em muốn trở lại Syria để sống trong hòa bình và được tới trường. Em muốn được chơi cùng với các bạn bè cũ như trước đây. Em muốn đất nước Syria sẽ trở thành một nơi an toàn để sinh sống”.

Hiện nay, Mỹ và các đồng minh phương Tây đang xem xét khả năng tấn công Syria liên quan tới cáo buộc rằng, chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad mới đây sử dụng vũ khí hóa học gây ra cái chết thương tâm của hàng trăm dân thường.

Rồi đây cuộc sống của trẻ em Syria sẽ đi về đâu, tương lai của các em sẽ như thế nào khi luôn hiện diện trong trí óc là nỗi ám ảnh, lo sợ về chiến tranh, là sự thất học và thất nghiệp. Đây là những câu hỏi khó tìm kiếm lời giải đáp không chỉ với người dân Syria mà với cả cộng đồng quốc tế./.

Nguồn VOV: http://vov.vn/the-gioi/cuoc-chien-khoc-liet-va-cau-hoi-ve-tuong-lai-tre-em-syria/279475.vov