Cuộc chiến không đơn độc

Hôm nay 10-8, Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam, chúng ta nhớ đến một người phụ nữ Việt Nam kiên cường đấu tranh với những tập đoàn hóa chất lớn của Mỹ. Đó là chị Trần Tố Nga, con gái của bà Nguyễn Thị Tú, Hội trưởng Hội Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam - chị vốn là phóng viên Thông tấn xã Giải phóng, đã từng chiến đấu ở các chiến trường Củ Chi, Bình Long, Phước Long... Ở những nơi này, quân đội Hoa Kỳ đã từng rải chất làm trụi lá cây để triệt tiêu chỗ trú ẩn của những người kháng chiến miền Nam.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, nữ phóng viên chiến trường ấy - vốn cuộc đời có nhiều lận đận, đã bị phơi nhiễm chất độc da cam/dioxin. Cũng giống như những bi kịch của những nạn nhân da cam khác, không những chị Tố Nga bị nhiễm chất độc da cam, mà cả ba người con gái và cháu ngoại của chị cũng bị phơi nhiễm. Trường hợp này cũng giống như Đô đốc Zumwalt, người ra lệnh rải chất độc hóa học ở đồng bằng sông Cửu Long, khiến con trai và cháu nội của ông ấy cũng bị nhiễm chất độc chết người này.

Từ nỗi đau của mình và gia đình và thấu cảm nỗi đau của hàng triệu nạn nhân da cam khác, chị Tố Nga quyết định viết đơn khởi kiện 26 công ty hóa chất của Hoa Kỳ, trong đó có tập đoàn lớn Monsanto và DowChemcal theo luật của Cộng hòa Pháp, bởi chị là người Pháp gốc Việt. Việc một người phụ nữ đơn độc chống lại những gã khổng lồ về công nghiệp hóa chất của Hoa Kỳ đã được xã hội Pháp ủng hộ. Đặc biệt, các luật sư William Bourdon và Andre Boury đã nhiệt tình ủng hộ chị trong việc tư vấn, thu thập hồ sơ chứng cứ để bảo vệ đơn kiện của chị Tố Nga trước Tòa án đại hình Evry của nước Pháp.

Trải qua hơn 5 năm với 10 phiên xét xử, 19/26 công ty của phía bị đơn đã thuê 38 luật sư danh tiếng để bào chữa và những luật sư này cố tình kéo dài thời gian, để đánh bại người phụ nữ 77 tuổi đang bị bệnh ung thư và nhiều di chứng khác do dioxin gây ra. Nhưng chị và 3 luật sư đồng hành với mình vẫn không nản lòng, khi một nhà báo hỏi luật sư Bertrand Repolt rằng: “Số lượng luật sư áp đảo của đối phương có làm anh quan ngại không?”. Vị luật sư trẻ này đã cười: “Không phải số lượng mà là chứng cứ, luận điểm và sự thật chính nghĩa để quyết định thành bại lúc chung cuộc”.

Đúng vậy. Ở đây là sự thật của chính nghĩa và lương tri của nhân loại, lương tri của nước Mỹ đối với những nạn nhân của cuộc chiến tranh hóa học khủng khiếp nhất là lịch sử loài người luôn đứng về phía cựu phóng viên chiến trường Trần Tố Nga. Sự thật là ở Việt Nam, có hơn 4,8 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin phải sống trong đau đớn cùng cực về thể chất lẫn tinh thần. Cùng với những nạn nhân người Việt, hàng trăm ngàn cựu chiến binh Hoa Kỳ, cựu chiến binh các nước đồng minh và con cháu của họ cũng bị nhiễm chất độc dioxin, là một thực tế.

Thực tế này, chính Viện Hàn lâm khoa học và Viện Y học Hoa Kỳ cũng đã từng công bố tác nhân của chất da cam/dioxin có liên quan tới 13 loại bệnh trên cơ thể con người. Vì thế, năm 1996, Tổng thống Bill Clinton đã xin lỗi các cựu chiến binh Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam và yêu cầu Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh có chính sách bồi thường cho những người bị nhiễm da cam/dioxin. Trước đó, từ năm 1984, các công ty hóa chất có liên quan đến chiến tranh Việt Nam phải chi 189 triệu USD để bồi thường “bên ngoài tòa án” cho các cựu chiến binh Hoa Kỳ bị nhiễm chất độc da cam/dioxin. Vài năm trở lại đây, trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa Bộ Quốc phòng Việt - Mỹ, Chính phủ Hoa Kỳ đã chi 100 triệu USD để tẩy độc dioxin tại Sân bay Đà Nẵng và 200 triệu USD cho việc tẩy độc ở Sân bay Biên Hòa. Chỉ kể sơ vài sự kiện như trên để thấy rằng, sự thật luôn thuộc về chính nghĩa - chính nghĩa của người Việt Nam, trong đó có chị Tố Nga.

Thế nhưng, Tòa án Liên bang Hoa Kỳ khi xét xử vụ kiện của các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam đối với các công ty hóa chất Hoa Kỳ đã bác đơn một cách phi lý. Đến mức luật sư người Mỹ phải thốt lên: “Việc quân đội Mỹ sử dụng chất độc này trong chiến tranh Việt Nam, ngay từ đầu là một sự nhục nhã và nay, thất bại của tòa án Mỹ trong sửa chữa sai lầm này, là sự tiếp tục nỗi nhục đó”.

Trong khi sự thật đã rõ mười mươi như vậy, những người có lương tri, yêu chuộng công lý trên thế giới đều lên án phán quyết sai sự thật của tòa án Mỹ và thái độ trốn tránh trách nhiệm của các công ty hóa chất, thì một số người Việt chống cộng xưng danh yêu nước, thương dân lại làm ngược lại. Họ sử dụng các mạng xã hội để xuyên tạc sự thật về da cam/dioxin ở Việt Nam.

Đối với những người có lương tri, cuộc chiến tranh vì công lý cho nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam và thế giới vẫn tiếp tục. Tất cả chúng ta, nhất là lớp trẻ hãy bằng những hành động cụ thể cùng chia sẻ nỗi đau của những nạn nhân da cam/dioxin, đồng hành với cuộc đấu tranh của người phụ nữ Việt Nam có quốc tịch Pháp. Cuộc đấu tranh của chị không đơn độc.

Nguyên Cách

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/cau-chuyen-cuoi-tuan/201908/cuoc-chien-khong-don-doc-2958800/