Cuộc chiến màu da tại thế giới phù hoa

Ngành công nghiệp thời trang vẫn còn tồn tại nhiều sự kỳ thị chủng tộc.

Người mẫu Châu Á nổi tiếng Sui He

Khi tuần lễ thời trang Milan chấm dứt thì cũng là thời điểm tuần lễ thời trang Paris bắt đầu. Chu trình của các tuần lễ thời trang cứ thế nối đuôi nhau, đều đều và không ngừng nghỉ. Với giới mộ điệu, có lẽ họ đã quá quen với một sự việc hiển nhiên, đó là trên mọi sàn diễn tại bốn tuần lễ thời trang lớn nhất thế giới, số người mẫu da trắng luôn áp đảo người mẫu da màu (da màu ở đây tính cả châu Mỹ Latin, châu Phi, châu Á).

Trong thế giới thời trang có nhiều sự kỳ thị, chẳng hạn như kỳ thị về tuổi tác, cân nặng, chiều cao và nặng nhất là màu da. Sự kỳ thị về chủng tộc tuy không nói nên lời hay không thành văn vì hiển nhiên nó là một việc vi phạm pháp luật. Tuy nhiên những người am tường đều khẳng định rằng nó có tồn tại.

Trong một cuộc phỏng vấn với từ Guardian hồi năm ngoái, người mẫu da màu Jourdan Dunn đã chia sẻ rằng: ”Những người thuộc ngành công nghiệp thời trang nói rằng nếu như bạn để gương mặt của một cô ả da đen lên bìa thì tờ tạp chí đó ắt hẳn sẽ ế sưng”. Tất nhiên điều này cũng chỉ chừa ra một vài trường hợp ngoại lệ như Naomi Campell, Iman, Chanel Iman hoặc Joan Smalls.

Jourdan Dunn trên sàn diễn của VS

Để cụ thể hơn, trang web Jezebel đã từng làm một cuộc khảo sát tại tuần lễ thời trang New York và nhận thấy rằng trong suốt 6 năm, số lượng người mẫu da trắng chiếm tới 87 %, chỉ 4.9 % là người mẫu da đen, khá hơn một chút là người mẫu châu Á chiếm 5.2 % và tệ hơn là 2.7 % thuộc về giới người mẫu châu Mỹ Latinh.

Vào cuối năm 2013 thì con số kể trên có tiến triển tốt hơn tuy không đáng kể, 79% cho da trắng, 7.67% cho người mẫu thuộc lục địa đen, 9.75% cho châu Á và chỉ 2.12% cho người mẫu Latinh.

Thực tế, trong khoảng thời gian gần đây, vị thế của người mẫu da trắng dẫu vẫn chưa có dấu hiệu bị lung lay. Tuy nhiên giới mộ điệu vẫn chứng kiến được làn sóng khá mạnh mẽ của người mẫu tới từ châu Á cho những show thời trang đẳng cấp và số lượng không nhiều những người mẫu châu Mỹ Latinh cho những show, quảng cáo cần độ nóng bỏng và bốc lửa, chẳng hạn như show Victoria’s Secret hoặc chiến dịch của Sport Illustrated.

Một số thương hiệu có động thái muốn cải thiện tình hình này có thể kể tới những cái tên như Burberry, Topshop, DKNY hay Tom Ford. Ít nhất các nhà thiết kế của các thương hiệu kể trên còn pha trộn đủ loại màu da trên sàn diễn thời trang. Mặc dù vậy, đó chỉ là con số rất hãn hữu.

Ngược lại, có rất nhiều nhà thiết kế tỏ ra cực kỳ bảo thủ khi cương quyết chỉ ưu ái duy nhất những người mẫu châu Âu, và không chấp nhận bất cứ màu da nào khác.

Trong bài phỏng vấn với Guardian, cô người mẫu da màu nhắc đi nhắc lại cụm từ “họ nói rằng không muốn có thêm bất cứ một người mẫu da màu nào” khi kể lại thái độ của những đơn vị casting với cô.

Ngay bản thân Chanel Iman – người được coi là viên ngọc đen sáng giá nhất làng mẫu hiện nay cũng bị hắt hủi. Trong cuộc phỏng vấn với tờ The Time, cô đã bức xúc kể lại chuyện từng bị một số nhà thiết kế thẳng thừng “đá bay” ra khỏi show diễn với lí do: "Chúng tôi vừa tìm được một người mẫu da màu, vì vậy nên không cần cô nữa!”. Cũng tương tự, siêu mẫu nổi tiếng Joan Smalls từng thổ lộ với Elle: ”Khi da bạn có màu, đó sẽ là một thử thách“. Và hẳn nhiên thử thách đó không hề đơn giản một chút nào.

Viên ngọc đen tuyệt đẹp Chanel Iman

Để giải thích cho hiện trạng kỳ thị chủng tộc vẫn còn tồn tại ở nhiều sàn diễn thời trang lớn, năm ngoái, trang Buzzfeed đã đặt câu hỏi với vài giám đốc casting đảm nhận trách nhiệm tuyển người mẫu. James Scully là một người trong số họ. Ông này không thừa nhận gốc rễ vấn đề thuộc về phía mình mà hướng mũi dùi sang hàng loạt các ông lớn như Dior, Saint Laurent, Louis Vuitton và vô số các tên tuổi gạo cội khác thuộc ngành công nghiệp. James Scully cho rằng chỉ thị của các nhà mốt này là luôn thiên vị người mẫu da trắng.

Barbara Nicoli là người chịu trách nhiệm casting người mẫu cho Gucci đã thẳng thừng lý giải: ”Sở dĩ Gucci không bao giờ có nhiều người mẫu da đen cho show diễn của mình bởi vì Frida Gianini (giám đốc sáng tạo của Gucci) dù không để tâm lắm tới màu da nhưng bà ấy không thích màu đen”.

Nhiều người khá băn khoăn khi thấy rằng các trang bìa tạp chí thời trang hàng đầu thường đa số chọn nhân vật sở hữu nước da Bạch Tuyết. "Vì nhà thiết kế và biên tập viên thường là người da trắng” – Chúng ta thường nghĩ vậy.

Nếu xét theo lí này vậy thì đâu là lời giải thích cho "làn sóng da vàng" của người mẫu Châu Á?

Việc các thương hiệu thời trang hàng đầu ưa chuộng những người mẫu Châu Á như Liu Wen hay Ming Xi chưa hẳn bởi lí do lớp mẫu này dần chuyên nghiệp hơn hay có vẻ đẹp lạ mắt. Thực tế thì câu chuyện có lẽ đi theo thiên hướng “tiếng gọi của đồng tiền” khá rõ rệt.

Theo thời gian, số người mẫu châu Á thành danh tại kinh đô thời trang thế giới ngày càng gia tăng tỉ lệ thuận với mức độ tiêu thụ hàng thời trang xa xỉ tại thị trường châu Á.

Nói một cách dễ hiểu hơn, khi bạn nhìn thấy một người mẫu cùng màu da với mình mặc một chiếc đầm tuyệt đẹp của Louis Vuitton thì chắc chắn sẽ thích thú và muốn chiếm hữu sản phẩm đó hơn là nhìn thấy một cô người mẫu thuộc chủng tộc khác mặc nó. Điều này cũng được các chuyên gia thời trang lý giải cho hiện tượng làn sóng ưa chuộng các siêu mẫu Nga và Trung Quốc bởi hai nước này đều là thị trường hàng hiệu lớn nhất nhì thế giới.

Với những viện cớ trên, có lẽ cũng dễ giải thích tại sao người mẫu châu Mỹ Latinh hay người mẫu da đen lại ít được trọng dụng trong ngành công nghiệp thời trang. Doanh thu bán hàng thời trang cao cấp cho dân châu Mỹ Latinh và dân châu Phi không cao đó là lí do chính yếu.

Không phải ngẫu nhiên mà người mẫu châu Á lại được ưa chuộng tới vậy

Oprah Winfrey – Một trong những người phụ nữ giàu nhất thế giới đã gặp phải tình cảnh “sôi máu” chỉ vì là nạn nhân của sự phân biệt đối xử vừa nhắc tới ở trên. Thật không may, một lần khi Oprah với màu da đậm đà, bước vào một cửa hiệu bán Hermes tại Thụy Sĩ, đã bị nhân viên bán hàng ở đây từ chối cho xem túi vì cho rằng “nó rất đắt giá” và nghĩ rằng người phụ nữ da đen (tưởng chừng như vô danh tiểu tốt) kia không đủ điều kiện tài chính để mua. Về sau chính người đại diện của Hermes đã phải lên tiếng xin lỗi vì thái độ kỳ thị đáng xấu hổ của nhân viên.

Mối ảnh hưởng đầy tính thực dụng giữa sức tiêu thụ hàng xa xỉ với vị thế người mẫu trong ngành thời trang khiến người ta không khỏi đặt ra câu hỏi. Liệu điều gì sẽ xảy ra khi "giới nhà giàu châu Á hết tiền mua đồ hiệu?".

Để chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, các hiệp hội thời trang tại Anh, Mỹ và Ý trước mỗi tuần lễ thời trang đều phải gửi những bức thư hàm chứa thông điệp là những lời thuyết phục đầy tính cầu thị và tha thiết mong các nhà thiết kế hãy sử dụng nhiều màu da hơn ngay trên sàn diễn thời trang của họ. Tuy nhiên, chặng đường đi tới bình đẳng về sắc tộc tại thế giới thời trang hãy còn xa lắm!

Bình đẳng về chủng tộc trong thế giới thời trang vẫn là điều khó tưởng tượng

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/giai-tri/cuoc-chien-mau-da-tai-the-gioi-phu-hoa-c6a171384.html