Cuộc chiến Nagorno-Karabakh cho Nga bài học gì?

Cuộc chiến Nagorno-Karabakh đã thúc đẩy Nga gia tăng nỗ lực chế tạo hệ thống bảo vệ xe bọc thép khỏi máy bay không người lái.

Nga đẩy mạnh chế tạo vũ khí chống UAV

Các doanh nghiệp thuộc Rostec đang nghiên cứu chế tạo các hệ thống bảo vệ xe bọc thép khỏi sự tấn công từ máy bay không người lái (UAV). Đây là thông tin của ông Bekkhan Ozdoev, giám đốc phụ trách công nghiệp sản xuất các tổ hợp vũ khí của tập đoàn nhà nước cho biết.

"Đừng quên yếu tố máy bay không người lái. Rostec đang phát triển các hệ thống để bảo vệ các phương tiện chiến đấu khỏi các mối đe dọa từ UAV. Ngoài ra, các doanh nghiệp của chúng tôi đã nghiên cứu việc chế tạo các loại phương tiện thiết bị khác để chống lại máy bay không người lái" - ông cho biết, tuy không tiết lộ thêm chi tiết.

Chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với Sputnik, ông Ozdoev nhấn mạnh, một trong những nhiệm vụ chính trong việc hiện đại hóa xe tăng ngày nay là bảo vệ chống lại các phương tiện vũ khí cận chiến và vũ khí có độ chính xác cao được sử dụng đồng loạt.

Ông Ozdoev cho biết thêm, ngoài các hệ thống phòng không tầm gần, tầm trung độ cao thấp chuyên diệt UAV như Pantsir-S, Sosna hay Tor-M2, Buk; trong tương lai gần các xe tăng cũng được trang bị các tổ hợp bảo vệ tích cực, có thể chống chọi hiệu quả với nhiều mối đe dọa trên chiến trường hiện đại.

Ngoài việc chế tạo các tổ hợp chống máy bay không người lái lắp đặt trên bản thân các xe tăng, xe thiết giáp, các doanh nghiệp Nga còn chế tạo các vũ khí cầm tay cho các binh sĩ để họ cũng có khả năng bảo vệ các phương tiện bọc thép đang bảo vệ mình hành tiến.

Tại Diễn đàn Kỹ thuật-quân sự Quốc tế “Army-2019” hồi tháng 6, công ty ZALA AERO đã giới thiệu phiên bản mới của vũ khí chống máy bay không người lái (UAV) là "REX-2”, với kích thước nhỏ gọn và trọng lượng vẻn vẹn 3 kg.

Theo thông báo, "REX-2” thuộc loại vũ khí triệt tiêu dẫn đường vệ tinh cho UAV. REX sẽ gây nhiễu tín hiệu điều khiển, chiếm quyền điều khiển hoặc gây hỏng hóc với các phương tiện nói trên. Bộ phận triệt tiêu điều hướng vệ tinh gói tiêu chuẩn chứa ba modul triệt tiêu tín hiệu ở các tần số 2,4 GHz, 5,8 GHz, SNS.

Nga đang phát triển các hệ thống phòng không chống UAV và các loại vũ khí chiếm quyền điều khiển UAV

Với tính năng của mình, REX dễ dàng vô hiệu hóa những hệ thống vũ khí sử dụng tín hiệu vệ tinh như GSP của Mỹ, BeiDou (Bắc Đẩu) của Trung Quốc và Galileo của châu Âu. Khí tài này có thể tấn công áp chế bất kỳ máy bay không người lái nào hoạt động trong tầm tác chiến.

Bên cạnh việc có thể tấn công áp chế những phương tiện nói trên, REX còn có thể áp chế tín hiệu GSM và Wi-Fi.

Nếu không diệt UAV, xe thiết giáp sẽ hết đất sống

Trong thời gian qua, chúng ta đã biết thông tin Azerbaijan đang sử dụng loại máy bay không người lái (UAV) chiến đấu Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ và nó đã đạt hiệu quả tiêu diệt mục tiêu mặt đất rất cao, khiến Armenia gánh chịu rất nhiều thiệt hại.

Bayraktar TB2 sử dụng các vũ khí trang bị chủ yếu cho UAV là các loại bom dẫn đường laser đường kính nhỏ MAM-L và MAM-C, đặc biệt là tên lửa chống tăng tầm xa tiên tiến UMTAS do Roketsan phát triển, có khả năng diệt xe tăng ở cự ly 8km.

Cho đến hôm nay vẫn chưa có thông tin thống kê chính thức về hiệu quả tấn công của UAV do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất nhưng vào hôm 03/10, Bộ Quốc phòng Azerbaijan đã công bố một video, ghi lại các cuộc tấn công bằng UAV Bayraktar TB2, đánh vào các lực lượng vũ trang Armenia trong các ngày 01 và 02 tháng 10.

Đoạn video cho thấy, những cuộc không kích này đã phá hủy hoặc làm hỏng hàng loạt trang thiết bị của Armenia, cụ thể là: 09 xe tăng chiến đấu T-72; 02 xe chiến đấu bộ binh BMP-1; 02 xe bọc thép MT-LB; 02 xe pháo phản lực BM-21.

Ngoài ra, video cũng ghi lại cuộc tấn công vào một trận địa cối và cuộc không kích bằng bom hoặc tên lửa vào một căn cứ ở Nagorno-Karabakh, mà không gặp phải bất cứ sự kháng cự nào.

UAV Bayraktar TB2 Thổ Nhĩ Kỳ đã phát huy hiệu quả rất cao trong cuộc chiến ở Nagorno-Karabakh

Ngay trong ngày 08/10, máy bay không người lái của Azerbaijan cũng đã “làm mưa làm gió” trên bầu trời Stepanakert, thủ đô Cộng hòa tự xưng Nagorno-Karabakh, bất chấp việc lực lượng vũ trang của Karabakh đã nổ súng và cố gắng bắn hạ nó.

Ngoài ra, UAV của Azerbaijan cũng được cho là đã tấn công vào ngôi đền chính Kazanchetsots ở thành phố Shushi của Karabakh, khiến ngôi đền cổ được xây dựng ở thế kỷ 19 bị phá hủy.

Việc hơn ba trăm xe bọc thép, đặc biệt là xe tăng, bị phá hủy trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh không phải là do loại phương tiện này "vô dụng" trong điều kiện xung đột quân sự hiện đại, mà chủ yếu là do khả năng trinh sát bền bỉ và tấn công hiệu quả của máy bay không người lái.

Không chỉ trong cuộc xung đột ở Nagorno-Karabakh mà trong bất kỳ cuộc chiến tranh hiện đại nào, xe tăng dù đã được tăng cường các hệ thống phòng vệ rất mạnh, nhưng chúng hầu như không có khả năng tự bảo vệ trước máy bay không người lái hiện đại.

Như vậy, trong chiến tranh hiện đại ngày nay, trên không hoàn toàn bị máy bay không người lái khống chế và chúng thực sự là hung thần đối với các phương tiện bọc thép.

Sự đáng sợ của UAV Bayraktar TB2 Thổ Nhĩ Kỳ đối với các phương tiện bọc thép tại chiến trường Nagorno-Karabakh vừa qua đã khiến Nga phải nỗ lực phát triển các vũ khí chống UAV, nếu không, xác xe tăng hiện đại của Nga như T-90S hay thậm chí là T-14 Armata cũng sẽ chịu chung số phận như xe tăng Armenia.

Huy Bình

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/cuoc-chien-nagorno-karabakh-cho-nga-bai-hoc-gi-3423368/