'Cuộc chiến nghẹt thở' của các doanh nghiệp bán lẻ

Được đánh giá là tiềm năng nhất châu Á với mức tăng trưởng hai con số, thị trường bán lẻ Việt Nam đang thu hút sự tham gia của các thương hiệu lớn trên thế giới tạo ra một cuộc cạnh tranh 'nghẹt thở' cho các DN bán lẻ nội địa.

Các điểm bán của các DN nội địa vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Ảnh: Nguyễn Huế.

Các điểm bán của các DN nội địa vẫn thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng Ảnh: Nguyễn Huế.

Thị trường giàu tiềm năng

Theo Bộ Công Thương, tăng trưởng doanh thu của thị trường bán lẻ đạt mức tăng trưởng khá cao trong những năm gần đây. Cụ thể, năm 2016 doanh thu bán lẻ hàng hóa của cả nước đạt này đạt khoảng 118 tỷ USD, tăng 10,2%; Năm 2017 đạt 129,56 tỷ USD, tăng 10,9% so với năm 2016; năm 2018, đạt 142,8 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2017. Kết quả trên cho thấy thị trường bán lẻ trong nước tiếp tục có xu hướng tăng trưởng cao ổn định, là thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ.

Kết quả khảo sát và nghiên cứu đánh giá về thị trường bán lẻ Việt Nam của Công ty CP Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) cũng cho thấy, việc Chính phủ cho phép thành lập công ty bán lẻ 100% vốn nước ngoài từ năm 2015, cùng với các yếu tố như chính sách ưu đãi, đô thị hóa, dân số tương đối trẻ…. khiến thị trường bán lẻ Việt Nam lọt vào danh sách thị trường hấp dẫn hàng đầu thế giới.

Các chuyên gia nhận định, thị trường bán lẻ Việt Nam đang có một tương lai tươi sáng. Theo Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cách đây 15 năm không ai nghĩ Việt Nam có một ngành công nghiệp bán lẻ, nhưng bây giờ ngành công nghiệp bán lẻ đã được định hình và tương lại của nganh bán lẻ Việt Nam rất tươi sáng. Tỷ lệ phát triển của thị trường bán lẻ luôn đạt mức tăng trưởng hơn 10%, cao hơn từ 1 - 1,5 lần GDP. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng. Thị trường Việt Nam có hơn 90 triệu dân, người tiêu dùng trẻ, năng động, tốc độ đô thị hóa hơn 30% mỗi năm. Đây là tiền đề để thị trường bán lẻ phát triển mạnh mẽ.. Đại diện Công ty CBRE châu Á cũng cho rằng, trong năm 2018 thị trường bán lẻ Việt Nam đã có phát triển mạnh mẽ đạt hai con số gắn với niềm tin người tiêu dùng Việt Nam xếp thứ 2 thế giới.

Cạnh tranh “nghẹt thở”

Với tốc độ tăng trưởng ấn tượng, thị trường bán lẻ Việt Nam có sức hấp dẫn lớn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Trên thực tế, nhiều “ông lớn” nước ngoài đã đầu tư hoặc đang xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực bán lẻ, năm 2018 là một năm đầy cạnh tranh của thị trường bán lẻ. Đó là sự cạnh tranh giữa kênh truyền thống và hiện đại, cạnh tranh giữa DN trong nước và nước ngoài, cạnh tranh giữa bán hàng trực tiếp và bán hàng online.

Trong đó, sự cạnh tranh khốc liệt nhất trong bức tranh bán lẻ có lẽ là sự cạnh tranh giữa DN trong nước và nước ngoài. Với lợi thế về vốn, về kinh nghiệm, các DN bán lẻ nước ngoài đang không ngừng gia tăng thị phần tạo ra áp lực cạnh tranh gay gắt cho các DN nội. Theo thống kê của Bộ Công Thương vào cuối năm 2018, các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã chiếm 17% thị phần siêu thị và trung tâm thương mại, 50% bán hàng trực tuyến, 15% siêu thị mini, 70% cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam.

Trong đó, chỉ tính riêng chuỗi cửa hàng tiện lợi, trong vòng một năm qua, có tới hơn 100 cửa hàng tiện lợi mới quy mô lớn được mở tại Việt Nam, chủ yếu do các công ty, tập đoàn nước ngoài sở hữu. Riêng chuỗi Family Mart của Nhật Bản đã có tới 130 cửa hàng tại Việt Nam, và dự định mở thêm 700 cửa hàng nữa vào năm 2020. Một thương hiệu bán lẻ khác từ Nhật Bản là 7-Eleven cũng đã vào Việt Nam tháng 6/2017 với kế hoạch phát triển 100 cửa hàng trong vòng 3 năm và 1.000 cửa hàng trong vòng 1 thập kỷ tới. Giữa tháng 11 vừa qua, Tập đoàn Central Group (Thái), đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị BigC tại Việt Nam đã khai trương Trung tâm thương mại GO! Mỹ Tho tại TP.Mỹ Tho (Tiền Giang). Tập đoàn này cũng tuyên bố sẽ mở 500 điểm bán lẻ tại Việt Nam trong 5 năm tới. Các "ông lớn" Aeon (Nhật), Lotte Mart (Hàn Quốc) đều có tham vọng sẽ mở rộng con số 20 siêu thị Aeon vào năm 2025 và 60 siêu thị Lotte Mart vào năm 2020 tại Việt Nam. Thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đã thu hút nhiều đại gia thương mại điện tử nước ngoài. Trước Amazon, Tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma (Trung Quốc) cũng lấn sâu hơn vào Việt Nam với việc mua lại Lazada…

Nhìn nhận về bức tranh của thị trường bán lẻ, ông Nguyễn Anh Đức, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho rằng, với sự tham gia của rất nhiều ông lớn nằm trong top 20 của thế giới như Metro (đứng thứ 4), Aeon (đứng thứ 18), Big C (đứng thứ 19), 7 -Eleven (đứng thứ 11), ngoài ra còn có các thương hiệu khác như Lotte E-mart, Central Group… đã tạo ra bức tranh quá “nghẹt thở” cho thị trường bán lẻ Việt Nam và cho các DN nội địa. Hiện nay mặc dù DN bán lẻ nội vẫn chiếm ưu thế với 57% thị phần nhưng nhìn chung thị phần của khối ngoại vẫn không ngừng tăng. Tính đến hết năm 2018, thị phần của khối ngoại trong thị trường bán lẻ đã tăng 2,7 so với năm 2016. Với ưu thế về tài chính, kinh nghiệm và sức mạnh liên kết toàn cầu về nguồn hàng của các DN ngoại đang đặt ra cho các DN bán lẻ nội địa nhiều thách thức trong cuộc cạnh tranh mở rộng thị phần ngay tại sân nhà.

Cuộc chạy đua của các thương hiệu Việt

Cùng với sự đổ bộ rầm rộ của các đại gia bán lẻ nước ngoài vào thị trường Việt Nam, một số thương hiệu bán lẻ trong nước cũng đã có sự vươn lên khá ngoạn mục. Điển hình như Saigon Co.op, với việc khai trương siêu thị Co.opmarrt Sơn Trà Đà Nẵng vào tháng 1/2019, Saigon Co.op đã có tổng cộng 654 điểm bán bao gồm 107 Co.opmarrt, 4 Co.opXtra, 314 Coopfood, 21 cửa hàng cheer, 320 cửa hàng Co.op, 66 cửa hàng coopsmile. Hiện Saigon Co.op đang dẫn đầu về số điểm bán tại thị trường Việt Nam với 9 mô hình bán lẻ. Năm 2019, SaigonCo.op dự kiến sẽ cho ra mắt thêm hơn 300 điểm bán đưa tổng số điểm bán tại thị trường Việt Nam đến cuối năm 2019 lên trên 1.000 điểm bán. Với doanh số của các mô hình đạt 32.300 tỷ đồng và 50.000 mặt hàng đang kinh doanh trong hệ thống, hệ thống phân phối của Saigon Co.op đã có mặt tại 44 tỉnh thành trong cả nước thu hút hơn 1 triệu khách hàng đến tham quan mua sắm mỗi ngày.

Một tên tuổi đình đám khác của ngành bán lẻ Việt Nam là Vingroup, với việc đồng loạt trong cùng một ngày khai trương 117 cửa hàng tiện lợi VinMart+ tại cả 3 miền Bắc, Trung, Nam vào ngày 31/12/2018. Vingroup đã tạo nên kỷ lục trong ngành bán lẻ Việt Nam và quốc tế. Tính riêng trong tháng 12/2018, số điểm bán mở mới là 238 cửa hàng VinMart+ và 5 đại siêu thị VinMart, nâng tổng diện tích kinh doanh toàn hệ thống lên con số hơn 400.000 m2 - dẫn đầu thị trường. Theo bà Trần Thu Hiền, Phó tổng giám đốc kinh doanh & marketing Vincom Retail, trong năm 2018 các trung tâm thương mại của hệ thống này đã đón hơn 160 triệu lượt khách và mục tiêu đưa con số này lên 220 triệu khách trong 2019. Cũng trong năm 2019, hệ thống này dự kiến tiếp tục mở thêm 13 Vincom mới, nâng tổng số trung tâm thương mại lên con số 79 trên toàn quốc, có mặt tại 42 tỉnh, thành phố của cả nước với tổng diện tích bán lẻ lên 1,6 triệu m2. Kế hoạch đến năm 2020 Vingroup sẽ đưa ra thị trường 200 siêu thị và 4.000 cửa hàng tiện lợi.

Là thành viên của Tập đoàn Thế Giới Di Động, Bách hóa Xanh dù “sinh sau đẻ muộn” vẫn trên đà phát triển với doanh thu cao cùng tốc độ mở rộng nhanh chóng. Tính đến tháng 1/2019, ngoài trong 421 cửa hàng tại TP.HCM, Bách Hóa Xanh còn có 55 cửa hàng tại 10 tỉnh khu vực miền Tây và Đông Nam Bộ, dự kiến hệ thống Bách Hóa Xanh sẽ đạt 700 cửa hàng vào cuối năm nay…

Trong cuộc đua không cân sức với những người khổng lồ nước ngoài ngay trên chính sân nhà, theo nhận định của các chuyên gia, DN bán lẻ Việt không hề lép vế. Số liệu thống kê của Bộ Công Thương đến cuối năm 2018 cũng cho thấy, riêng nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG), thị phần của các nhà bán lẻ nội vẫn chiếm trên 70%, trong khi chuỗi bán hàng ngoại chỉ chiếm dưới 30%. Xét ở 4 thị trường chính mà các nhà bán lẻ ngoại chọn kinh doanh nhiều (gồm TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ), thị phần các nhà bán lẻ ngoại chỉ tăng khoảng 32% trong khi chuỗi bán lẻ nội đạt 68%. Cũng theo thống kê của Bộ Công Thương, hiện chuỗi bán lẻ hiện đại của các nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm dưới 20% trong khi các nhà bán lẻ hiện đại trong nước chiếm trên 80%. Như vậy, kênh bán hàng của DN trong nước vẫn chiếm đến 3/4 thị phần bán lẻ hiện nay.

Với những diễn biến trên thị trường bán lẻ hiện nay, nhiều DN, chuyên gia trong ngành bán lẻ đưa ra nhận định, các DN bán lẻ nội đang có nhiều lợi thế, cơ hội để bứt phá, giành lại thị phần ngay trong năm 2019.

Nguyễn Huế

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cuoc-chien-nghet-tho-cua-cac-doanh-nghiep-ban-le-100860.html