Cuộc chiến quanh chiếc ghế Thẩm phán Tối cao Mỹ

Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ An-tô-nin Xca-li-a, một trong những thẩm phán phục vụ lâu năm nhất tại cơ quan tư pháp Mỹ và nổi tiếng là một nhân vật bảo thủ, đã qua đời ngày 13-2, tại một khu nghỉ dưỡng ở bang Tếch-dớt, thọ 79 tuổi. Sự ra đi bất ngờ của ông A.Xca-li-a cùng với việc tìm người thay thế ông, được dự báo sẽ trở thành điểm nóng trên chính trường Mỹ thời gian tới, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang bước vào giai đoạn gay cấn và Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma đang ở năm cuối cùng của nhiệm kỳ.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ An-tô-nin Xca-li-a. Ảnh: quotesgiant.com

Cái chết bất ngờ

Ông An-tô-nin Xca-li-a sinh năm 1936, tại thành phố Tren-tơn, bang Niu Giơ-xi. Ông được Tổng thống Rô-nan Ri-gân bổ nhiệm làm thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ vào năm 1986, trở thành người Mỹ gốc I-ta-li-a đầu tiên phục vụ tại cơ quan này. Ông A.Xca-li-a là người có quan điểm bảo thủ, kịch liệt chống phá thai, phân biệt chủng tộc và hôn nhân đồng tính.

Theo báo Bưu điện Oa-sinh-tơn, Thẩm phán Xca-li-a đã qua đời trong một căn phòng của khu nghỉ mát phục vụ săn bắn ở khu vực Big Bend, Tây Tếch-dớt. Giôn Poa-đơ-tếch, doanh nhân sở hữu khu nghỉ mát này cho biết, ông A.Xca-li-a và một người bạn đã đến đây vào ngày 12-2. Ngày hôm sau, Xca-li-a đi cùng với một nhóm khoảng 30 người để săn chim cút xanh. Xca-li-a là người rất đam mê săn bắn, nhưng "hôm đó ông ấy không tham gia nhiều". Poa-đơ-tếch kể: "Ông ấy ra khỏi xe săn và đi bộ loanh quanh".

Ông A.Xca-li-a sau đó tham dự một bữa tiệc tối rồi về phòng đi ngủ sớm. Tuy nhiên, Poa-đơ-tếch nói rằng, việc đó không có vẻ bất thường. Tất cả các khách mời đều mệt mỏi do đi đường xa và các hoạt động khác. Đến 22 giờ, mọi người đều đi ngủ và khi đó, ông Xca-li-a "hoàn toàn bình thường".

Sáng hôm sau, ngày 13-2, ông Xca-li-a không xuống dùng bữa sáng. Poa-đơ-tếch ban đầu nghĩ rằng có thể ông ấy ngủ dậy muộn, nhưng sau đó Poa-đơ-tếch thấy lo lắng. Ông và một người khác đến gõ cửa phòng thẩm phán. Khi không thấy có tiếng đáp lại, họ đi vào trong. "Mọi thứ đều ngăn nắp. Ông ấy đang mặc bộ đồ ngủ, nằm trên giường" - Poa-đơ-tếch nói.

Họ thông báo cho nhân viên và cảnh sát liên bang tình huống khẩn cấp. Phải mất 9 giờ họ mới liên lạc được với một thẩm phán địa phương. Tuy không có ở hiện trường và không nhìn thấy thi thể, Thẩm phán hạt Prê-xi-đô Xin-đơ-rê-la Guy-ê-va-ra đã tuyên bố, ông A.Xca-li-a chết vì nguyên nhân tự nhiên và không yêu cầu khám nghiệm tử thi, đây là điều được phép theo luật của Tếch-dớt.

Sau khi nhận được thông báo, Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma đã gửi lời chia buồn tới gia đình Thẩm phán Xca-li-a, đồng thời khẳng định sẽ sớm đề cử người thay thế. Tổng thống Mỹ Ba-rắc Ô-ba-ma cũng nhấn mạnh, Thượng viện Mỹ do phe Cộng hòa nắm quyền kiểm soát, cần tiến hành một cuộc bỏ phiếu "công bằng và kịp thời" đối với quyết định đề cử sắp tới của Nhà Trắng.

Cuộc đua khốc liệt

Theo giới phân tích, việc Thẩm phán A.Xca-li-a qua đời có thể khiến đảng Cộng hòa rơi vào thế khó, do hiện chỉ còn 8 vị thẩm phán trong Hội đồng thẩm phán tối cao Mỹ gồm 9 thành viên, với tỷ lệ cân bằng giữa hai phái bảo thủ và cấp tiến. Trước đây, những thẩm phán có quan điểm bảo thủ chiếm đa số trong hội đồng thẩm phán, khiến những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Ba-rắc Ô-ba-ma trong các vấn đề về chống biến đổi khí hậu và cải cách nhập cư bị đình trệ.

Hiện nay, trong danh sách được xem xét thay thế ông A.Xca-li-a có 4 người, trong đó có bà Giắc-cơ-lin Nguyen, 50 tuổi.

Được Thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9 của Mỹ từ tháng 5-2012, bà Nguyen là phụ nữ gốc Á đầu tiên được bầu vào vị trí ở cấp này, với 91 phiếu ủng hộ, chỉ có 3 phiếu phản đối. Trước đó, bà là Ủy viên công tố liên bang và Thẩm phán tòa sơ thẩm ở Lốt An-giơ-lét.

Bà Nguyen sinh năm 1965, ở Đà Lạt, Việt Nam. Bà theo gia đình sang Mỹ định cư khi mới 10 tuổi. Năm 1987, bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh tại Đại học Occidental. 4 năm sau, bà tiếp tục đạt được bằng cử nhân luật tại trường Luật UCLA. Từ năm 1991 đến 1995, bà Nguyen làm việc tại Công ty Luật Musick, Peeler & Garrett, chuyên giải quyết các vụ việc kiện tụng dân sự. Từ năm 1995 đến tháng 8-2002, bà làm việc tại bộ phận Chống gian lận Chính phủ và tham nhũng công cộng trực thuộc Văn phòng Chưởng lý Mỹ.

Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ là chức danh được bổ nhiệm trọn đời, đồng nghĩa với việc 9 thẩm phán ở tòa án này chỉ mất chức sau khi qua đời, hoặc bị buộc tội. Trong lịch sử tư pháp Mỹ, mới chỉ có duy nhất Thẩm phán Tối cao Xa-mu-en Chây-xơ bị buộc tội vào năm 1804, tuy nhiên, ông này lại được Thượng viện tuyên bố vô tội và tiếp tục giữ ghế cho đến khi qua đời vào năm 1811.

Cùng với bà Nguyen, 3 ứng viên còn lại là Xri Xri-ni-va-xan, 48 tuổi, gốc Ấn Độ, công tác tại Tòa phúc thẩm liên bang ở Cô-lum-bi-a từ tháng 5-2013; Pôn Oát-phót, 48 tuổi, gốc châu Phi, cũng là thẩm phán tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực 9, được bổ nhiệm năm 2011; Giên Ken-li, người Mỹ, 51 tuổi, làm việc tại Tòa phúc thẩm liên bang khu vực số 8 từ tháng 4-2013.

Theo quy định của luật pháp Mỹ, Tổng thống sẽ lựa chọn một ứng viên vào chiếc ghế thẩm phán tối cao bị bỏ trống và Ủy ban Tư pháp Thượng viện sẽ tổ chức phiên điều trần để xem xét trình độ cũng như các vụ án mà ứng viên từng tham gia xét xử, đồng thời truy hỏi các nhân chứng ủng hộ hoặc chống lại ứng viên được đề cử này. Quyền phê chuẩn hay bác bỏ ứng viên này thuộc về Thượng viện qua một cuộc bỏ phiếu, theo nguyên tắc quá bán.

Nếu ứng viên được Thượng viện phê chuẩn, người đó sẽ trở thành Thẩm phán Tối cao trọn đời. Nếu ứng viên bị bác bỏ, Tổng thống sẽ phải lựa chọn người khác thay thế và quy trình này được lặp lại. "Tòa án tối cao sẽ thực sự là một vấn đề lớn trong năm nay. Đó sẽ là một cuộc chiến vô cùng khốc liệt", Đa-vít A-xen-rốt, cựu cố vấn chính trị cấp cao của Tổng thống Ô-ba-ma, nhận định.n

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-chien-quanh-chiec-ghe-tham-phan-toi-cao-my/