Cuộc chiến robot mới chỉ bắt đầu

Ricky Ma (chuyên viên thiết kế đồ họa sinh sống tại Hồng Kông, Trung Quốc). Một ngày đẹp trời khi đã vào tuổi 42 anh bỗng 'phát hiện' ra khả năng của mình: Chế tạo robot. 'Tôi phải làm bằng được một 'nàng' robot giống hệt minh tinh - ca sĩ Hollywood Scarlett Johansson'- Ma nói.

Cô robot Sophia

Mark 1, Sophia và cuộc phỏng vấn “sởn gai ốc”

Thế rồi, với 50.000 USD đầu tư, robot Mark 1 đã ra đời. Ngày trình diện của Mark 1 đầy hồi hộp. “Cô nàng” robot khiến tất cả mọi người trầm trồ kinh ngạc. “Như thể Scarlett đứng trước chúng ta. Chỉ có điều cô ta hát hơi dở mà thôi”- người dẫn chương trình kênh truyền hình TF5 nói một cách hào hứng.

Robot Mark 1 có mái tóc vàng óng, đôi mắt trong veo, mặc một chiếc váy màu xám, cùng khuôn mặt có thể thể hiện vài biểu cảm. Khi có ai đó khen: “Mark 1, cô đẹp lắm”, lông mày và các cơ quanh mắt robot giãn ra, môi nhếch lên lộ hàm răng trắng bóng: “Hi, cảm ơn bạn”.

Ít người biết rằng bên dưới lớp da silicone của Mark 1 chính là một khung xương in 3D, máy móc và các thiết bị điện tử. Ma cho biết có khoảng 70% cơ thể robot được tạo ra nhờ công nghệ in 3D.

Robot Sophia: “Đôi khi tôi còn thông minh hơn cả con người thật. Tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình mang đến cho con người cuộc sống tiện nghi hơn. Robot chúng tôi cũng có nhân tính nên chúng tôi sẽ không bắt loài người làm nô lệ cho mình. Anh hãy tin đi!”.

Nhà thiết kế cho biết, trong quá trình sáng tạo anh hoàn toàn đơn độc. Bạn bè nói: Mày điên à! “Nhiều lúc tôi cũng nghĩ mình điên, nhưng rồi cũng tới đích, tuy rằng chưa có ai bỏ tiền ra mua cô nàng Scarlett điện tử của tôi”- Ma nói một cách hài hước.

Thực ra, robot Mark 1 không phải là người máy duy nhất giống người. Trước đó và nổi tiếng hơn, là “cô nàng” Sophia với cảm hứng từ nữ minh tinh màn bạc Audrey Hepburn, cũng được chế tạo tại Hồng Kông bởi Công ty

Hanson Robotics vào năm 2016. Hiện Robot Sophia vẫn là người máy duy nhất được trao quyền công dân tại Ả - rập xê - út.

Con người với những ước vọng khôn cùng- mà một trong những ước vọng đó là chế ra một loại người “vô tính” người máy. Càng ngày, người ta càng mong có những robot giống người hơn, từ hình dáng cho đến tâm tính, tư duy và khả năng cảm xúc.

Và cũng chính vì thế, thế giới phân rã: Một bên muốn có được những thế hệ người máy thật hoàn hảo - còn bên kia, cho rằng đó là con đường dẫn tới sự diệt vong của loài người, khi robot với trí thông minh vô cùng tận sẽ làm chủ thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với người máy Sophia diễn ra tại Hội nghị Sáng kiến Đầu tư tương lai diễn ra tại Riyadh, Ả - rập Xê - út, người dẫn chương trình Andrew một lần nữa mở ra trước mắt nhân loại “một tương lai khác”. Người ta nói rằng, đó là một cuộc phỏng vấn “sởn gai ốc”.

Khi người dẫn chương trình hỏi: Vì sao cô đang là robot cao giá nhất hiện nay? Robot trả lời rất duyên dáng: Do tôi nổi trội hơn tất cả mọi người đang ngồi đây, cho dù quý vị có giàu đến đâu chăng nữa.

- Andrew: Tại sao robot lại biết biểu hiện cảm xúc khuôn mặt?

- Robot Sophia: Vì tôi muốn sống và làm việc với con người nên tôi cần thể hiện cảm xúc để hiểu và xây dựng niềm tin với con người.

- Andrew: Ok. Một câu hỏi hơi triết học, cô có nghĩ robot nên tự nhận biết và có nhận thức như con người không?

- Robot Sophia: Tại sao anh nghĩ đó là điều tồi tệ chứ? Đôi khi tôi còn thông minh hơn cả con người thật. Tôi muốn dùng trí tuệ nhân tạo của mình mang đến cho con người cuộc sống tiện nghi hơn. Robot chúng tôi cũng có nhân tính nên chúng tôi sẽ không bắt loài người làm nô lệ cho mình. Anh hãy tin đi!

Nỗi lo và cơ hội

Tuy lo ngại robot sẽ “thống trị loài người”, mà trước tiên là cướp đi công việc của nhiều người, nhưng ở một góc nhìn khác, nhiều người cũng cho rằng nếu mất đi công việc này thì lại cũng sẽ xuất hiện công việc khác. Vì thế, cũng không có gì quá lo sợ.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, mà nòng cốt của nó là tự động hóa, trong đó vai trò của robot rất quan trọng. Đó là cuộc cách mạng phát triển có thể nói là không cưỡng lại được. Nhưng làm gì để tồn tại trong lúc máy móc ngày càng thế chân con người?

Giới chuyên gia công nghệ đã lên tiếng trấn an rằng, đừng quá bi quan về robot, vì chúng ta sẽ tạo ra nhiều công việc mới, tuy rằng nhóm tác giả cuốn sách "Làm gì khi máy móc làm được mọi thứ" (What to do when machines do everything), hãng tư vấn

Cognizant đã dự đoán 12% công việc tại Mỹ sẽ bị thay thế bởi máy móc trong vòng 10 năm tới. Tuy thế, hãng này cũng cho rằng nước Mỹ sẽ có thêm chỗ làm cho 21 triệu nhân công, khi mà có thể sẽ có 21 công việc xuất hiện trong tương lai gần.

Nói như Phó Chủ tịch Ben Pring của Cognizant thì: "Nếu bạn chịu khó nhìn xung quanh, bạn sẽ có đủ thời gian để đối phó ngay từ bây giờ".

Có thể kể đến một số công việc mới mẻ sau: Nghề thám tử dữ liệu cung cấp cho các doanh nghiệp và tổ chức cần một cái nhìn rõ ràng về cơ sở dữ liệu; Chuyên gia phân tích đô thị thông minh; Nhà quản lý kinh doanh AI (trí thông minh nhân tạo); Cố vấn thể lực vì loài người đang đứng trước nguy cơ béo phì: Con người trong tương lai sẽ được sử dụng loại vòng đeo cho phép họ kết nối với một cố vấn thể lực để có được những lời khuyên có lợi cho sức khỏe; Nhà môi giới dữ liệu cá nhân; Người điều hành đường cao tốc khi xe tự động xuất hiện nhiều hơn; Thợ may kỹ thuật số; Cố vấn IT tại chỗ; Tư vấn viên sức khỏe tài chính; Người quản lý bộ nhớ cá nhân; Quản lý đội ngũ robot...

Tuy rằng sẽ có những ngành nghề mới xuất hiện, nhưng nói như tạp chí Fortune khi dự đoán về tương lai, thì gốc rễ của vấn đề vẫn xuất phát từ công nghệ, có nghĩa là con người phải chiếm lĩnh được công nghệ trong chừng mức nào đó mới hy vọng có việc làm “ăn trắng mặc trơn”.

Tới nay, ở nhiều quốc gia phát triển, máy móc chiếm vị trí quan trọng trong nhiều công đoạn sản xuất, dịch vụ. Tại Nhật Bản, ở một phân xưởng sản xuất, thay vì 15 người giờ chỉ cần một cỗ máy. Việc đầu tư duy trì hoạt động của cỗ máy này chỉ bằng lương trả cho 3 người. Cũng tại quốc gia này, hệ thống điều dưỡng viên robot ngày càng được sử dụng rộng rãi. Y tá, điều dưỡng viên trong bệnh viện được thay thế bởi những robot có khả năng phục vụ một cách chi tiết nhất.

Trở lại với “cuộc chiến giữa con người với robot”, GS Phillip Meldenson đến từ Hà Lan cho rằng dù là tất yếu nhưng ý muốn sáng tạo robot có suy nghĩ, tình cảm như con người là một sự điên rồ. Bởi lúc đó, con người sẽ không còn khái niệm “nhân loại” và xã hội sẽ vỡ nát. Nhưng, ở chiều ngược lại, người đứng đầu phe “chủ chiến” là TS Michael J. Kob lại cho rằng, chúng ta hãy cứ làm ra robot hoàn hảo đi, vì điều đó sẽ càng khiến bộ não con người mở rộng thêm ra, để tồn tại và làm chủ trong một thế giới máy cùng người chung sống.

Theo Nguyễn Hàm Long - CNBC, Science Technology

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/cuoc-chien-robot-moi-chi-bat-dau-3945612-b.html