Cuộc chiến sách nói đã bắt đầu

Audible là một nền tảng quen thuộc với các tín đồ sách nói. Với sự xuất hiện của nhiều ứng dụng khác, thị trường sách nói đang có sự cạnh tranh lớn.

Trong phòng thu sách nói. Ảnh: Karolina Grabowska/Pexels.

Theo cây viết Nick Hilton của nền tảng xuất bản trực tuyến Mỹ Medium, sách nói hiện là một ngành kinh doanh lớn. Theo Hiệp hội các nhà xuất bản âm thanh (APA), doanh thu sách nói toàn cầu đã tăng mạnh trong 10 năm qua. Ước tính, thị trường sách nói của thế giới sẽ đạt quy mô trên 30 tỷ USD vào năm 2030.

Từ những năm 2010, Audible mang đến một điều tuyệt vời khi có thể giúp người dùng truy cập toàn bộ bộ sưu tập sách nói của thế giới chỉ với vài USD mỗi tháng. Tuy nhiên, Audible đã có một khoảng thời gian phát triển lâu dài trước đó, được thành lập vào năm 1995, nhận 11 triệu USD tiền đầu tư từ Microsoft vào năm 1999, trở thành nhà cung cấp sách nói độc quyền của Apple vào năm 2003 và được Amazon mua lại với giá 300 triệu USD vào năm 2008. Nhưng phải đến giữa những năm 2010, nền tảng này mới thực sự đạt được bước tiến.

Thế hệ người tiêu dùng mới và các "ông lớn" âm thanh mới

Một phần thành công này nhờ vào sự phổ biến của Netflix khi đã góp phần tạo nên một thế hệ người dùng không còn phụ thuộc vào các cửa hàng bán băng đĩa truyền thống hay dịch vụ truyền hình cáp thông thường. Khi công chúng muốn thưởng thức, họ có thể tiếp cận mọi thứ mọi lúc mọi nơi.

Với sự xuất hiện của Netflix và cả Spotify, người dùng bắt đầu nhận thấy sự bất cập của Audible. Ngoài việc trả phí theo dõi hàng tháng, người dùng vẫn cần trả tiền để mua credit (một đơn vị tiền tệ trên Audible) nhằm truy cập các tác phẩm trong danh mục cao cấp của Audible. Trong khi đó, Netflix và Spotify cung cấp dịch vụ truy cập toàn bộ kho nội dung trực tuyến chỉ với một khoản phí nhất định.

Thêm vào đó, dù xuất hiện sớm nhất trong ngành và đang nắm độc quyền một số sách nói, Audible cũng đang đối mặt với sự cạnh tranh về nội dung từ nhiều "ông lớn" khác.

Daniel Ek, CEO của Spotify gần đây thông báo rằng sách nói sẽ được đưa vào gói truy cập cao cấp của nền tảng này, mở đầu ở thị trường Anh và Australia, sau đó sẽ có mặt ở Mỹ. Gói truy cập này sẽ có nhiều tác phẩm lớn, vốn thu hút đông độc giả trên Audible, như Holly của Stephen King, Crook Manifesto của Colson Whitehead hay Nineteen Steps của Millie Bobby Brown.

Với những ưu đãi của mình, mức giá của gói cao cấp Spotify Premium là 10,99 bảng/tháng (khoảng 335.000 đồng), cao hơn một chút so với Audible chỉ tốn khoảng 7,99 bảng (khoảng 244.000 đồng). Tuy nhiên, với những người đã trải nghiệm Spotify Premium, để cảm nhận cả âm nhạc và tri thức thì đây là một dịch vụ có giá trị.

Công chúng có thể nhận thấy sự quan tâm mạnh mẽ của Spotify đối với mảng sách nói trong vài năm qua. Họ đang nỗ lực trở thành ứng dụng mang lại mọi trải nghiệm về âm thanh, từ nghe nhạc, podcast và sách nói, vượt qua tư duy ấn định truyền thống là Spotify cho âm nhạc, Apple cho podcast và Audible cho sách nói.

Với vị trí dẫn đầu thị trường về âm nhạc, vị trí thứ hai vững chắc trong giới podcast và sự tham gia mạnh mẽ đối với sách nói, Spotify đang là công ty nỗ lực mang về trọn vẹn trải nghiệm âm thanh.

Sự tham gia của Spotify vào mảng sách nói khiến thị trường này xảy ra sự cạnh tranh lớn.

Hiện tại, Audible cần thay đổi chiến lược để ngăn chặn tình trạng “chảy máu” người dùng sang Spotify.

Một điểm yếu của Spotify là hạn chế nghe sách nói không quá 15 giờ/tháng và chỉ được nạp tiền để mua thêm 10 giờ/tháng. Mức thông thường có thể nghe được khoảng 10.000 từ/giờ và độ dài của một cuốn tiểu thuyết trung bình khoảng 90.000 từ (đối với sách phi hư cấu thì còn dài hơn). Trong khi đó, trong số 45 sách nói nằm trong mục “Mới & Xu hướng” của Spotify, 10 cuốn có thời lượng hơn 15 giờ và không thể nghe hết trong vòng một tháng.

Cần thêm ý tưởng trong ngành sách nói

Phản ứng của các nhà xuất bản cũng có thể làm tăng sức cạnh tranh trong thị trường sách nói. Penguin Random House là một thế lực đủ sức thống trị trong ngành xuất bản sách. Nhà xuất bản này có thể so sánh với Disney hay Apple trong lĩnh vực phim ảnh/truyền hình, nên rất dễ hiểu khi họ muốn tự mình kiểm soát các tác phẩm họ xuất bản.

Bên cạnh đó, còn có nhiều mối quan hệ thú vị khác trong thế giới xuất bản. Chẳng hạn việc Harper Collins là thành viên của NewsCorp trực thuộc quản lý của tỷ phú Rupert Murdoch. Gia đình Murdoch hiện có sức ảnh hơngr truyền thông lớn thông qua Fox Corporation, bao gồm cả Tubi, một nền tảng phát trực tuyến đang tìm kiếm giải pháp đột phá. Nhiều người cũng đang nghĩ tới kịch bản Tubi trở thành kênh phát sách nói độc quyền của Harper Collins.

Ngành sách nói chưa có sự đổi mới đáng kể về nội dung. Không nhiều người muốn tạo sách nói gốc (sách nói chưa bao giờ được in trên giấy) hoặc tìm cách khai thác kho lưu trữ dữ liệu công cộng khổng lồ hiện tại.

Ở hạng mục đầu tiên, có thể thấy một sự đổi mới nhỏ trong chương trình The Debutante của Jon Ronson, được phát hành trên Audible. Jon có thể đưa chia sẻ của mình trong chương trình này vào sách và hứa hẹn ăn khách, nhưng Audible đã thuyết phục được Jon phát hành độc quyền thông qua dịch vụ của họ. Đây là một bước tiến nhỏ nhưng gây ấn tượng trong một lĩnh vực dường như luôn thiếu ý tưởng mới.

Theo Nick Hilton, các nền tảng sách nói có thể chú ý tới việc kết hợp những giá trị tốt nhất của cả podcast và sách nói vào thành một thể loại tác phẩm mới. Podcast hiện phổ biến ở khắp mọi nơi, trong khi sách nói có những giá trị nội dung đặc sắc riêng. Cả hai sẽ được bù đắp điểm mạnh, điểm yếu để có thể lan tỏa mạnh hơn.

Minh Hoa

Nguồn Znews: https://znews.vn/cuoc-chien-sach-noi-da-bat-dau-post1447366.html