Cuộc chiến sinh tồn

Một trong những chủ đề được các nhà làm phim thế giới quan tâm là cuộc đấu tranh sinh tồn của con người, với thiên nhiên và với chính đồng loại để bảo vệ mạng sống. Họ đẩy nhân vật vào các hoàn cảnh khắc nghiệt nhất như một mình rơi xuống hang, cô đơn, lạc giữa rừng rậm, kẹt trong cơn bão tuyết… Và chính từ đó phẩm chất của mỗi cá nhân với các kỹ năng thoát hiểm được bộc lộ ở mức cao nhất và người xem tham khảo được nhiều bài học quý .

Cảnh phim “Hồ bơi tử thần”. Ảnh do CGV cung cấp

Rơi xuống hồ bơi cạn 6m, đánh nhau với cá sấu

Bộ phim “The Pool” (tựa Việt: “Hồ bơi tử thần”, 2018) của điện ảnh Thái Lan công chiếu giữa tháng 10 cho thấy chủ đề sinh tồn được khai thác mạnh mẽ. Lấy bối cảnh một hồ bơi bị bỏ hoang sâu 6m, “The Pool” làm khán giả thót tim với cuộc chiến sinh tồn của cặp đôi Day và Koy với sự khắc nghiệt của môi trường, sự sợ hãi tột cùng khi bị bỏ rơi, và cuộc đấu tranh chống lại cá sấu ăn thịt. Không thức ăn, nước uống, không đường thoát… và họ sẽ làm gì để sống sót?

Kỹ năng sinh tồn có lẽ là chìa khóa duy nhất Day và Koy nắm trong tay để giúp họ sống sót từng ngày dưới hồ bơi 6m không có bất cứ sự hỗ trợ nào. Trong phim, Koy và Day đã tận dụng những gì mình có là chiếc mắt kính và cành cây để tạo nên lửa. Đáng sợ hơn họ phải chiến đấu với con cá sấu hung dữ và bài học được rút ra là hãy cảnh giác khi tới khu vực vắng người hoặc bị bỏ hoang.

“The Pool” là dự án dạng “bom tấn” của điện ảnh Thái không phải vì tiền đầu tư mà vì sự xuất hiện của cặp đôi diễn viên nổi tiếng Ratnanom Ratchinatham và Theeradej Wongpuapang (Ken Theeradej) - nam diễn viên được yêu thích nhất của Thái Lan. Năm 2009, anh tham gia vào bộ phim đình đám “Bangkok traffic Love Story”, gây tiếng vang lớn với doanh thu khủng khi thu về 57 triệu bath ngay tuần đầu tiên và 140 triệu baht sau 1 tháng, nhanh chóng trở thành phim triệu đô của điện ảnh Thái Lan.

Đồng hành cùng Ken Theeradej là nữ diễn viên xinh đẹp - ca sĩ Ratnomnot Ratchiratham. Cô được khán giả biết đến qua các bộ phim truyền hình dài tập như “Club Friday Series Season 7” (2016), “Jao Mae Jum Pen” (2012)…

Lạc giữa đảo hoang và trượt chân vào hẻm núi

Trở thành Robinson trên hoang đảo, đó là nghịch cảnh mà anh chàng Chuck Noland là một nhân viên của hãng chuyển phát nhanh FedEx phải chịu trong một tai nạn máy bay khi tất cả mọi người tử nạn trừ anh còn sống. Nam diễn viên nổi tiếng Hollywood Tom Hanks đã thể hiện xuất sắc vai Chuck trong siêu phẩm “Cast Away” (2000).

Đột nhiên bị tách ra khỏi cuộc sống hiện đại ở thành phố với nhà cao cửa rộng, Chuck phải một mình vận dụng ý chí kiên cường chống chọi với thiên nhiên để sống sót. Và chỉ khi đứng trước lằn ranh sống chết, mọi kỹ năng sinh tồn đều xuất hiện từ chuyện mồi lửa từ cành cây khô và viên đá, cách đánh bắt cá, cách hái trái trên cây, cách lột vỏ dừa hay trữ nước uống... Và tất cả những điều Chuck làm đều là học cách sinh tồn của người cổ đại…

10 năm sau “Cast Away”, bộ phim nổi tiếng “127 Hours” của đạo diễn Danny Boyle giành tới 6 giải Oscar trong năm 2011, tái hiện lại câu chuyện có thật của vận động viên leo núi Aron Ralston. Aron (do James Franco thủ vai), một nhà leo núi tài ba vô tình bị trượt chân vào trong một hẻm vực chật hẹp, tệ hơn nữa là viên đá đã rớt xuống chèn kẹt cứng cánh tay phải của anh, không thể nào rút ra được. Aron bị mắc kẹt ở đây suốt 5 ngày và phải tự vật lộn để cứu sống mình. Sau 127 giờ kiên cường chống cự với hoàn cảnh ngặt nghèo bằng tất cả những gì có được, Aron cuối cùng cũng thoát khỏi từ thần để trở về với cuộc sống. Aron đã chặt tay mình và uống nước tiểu của mình để sống sót… Rõ ràng mạng sống là vô giá, còn mọi thứ khác đều vô nghĩa.

Bị chôn sống và một mình giữa biển khơi

“Burried” (“Chôn sống”, 2010) bộ phim một diễn viên một bối cảnh của đạo diễn Rodrigo Cortés là câu chuyện về Paul, một tài xế xe tải tới làm việc tại Iraq và đoàn xe của anh bị khủng bố tấn công.

Khi tỉnh dậy, Paul phát hiện mình đang nằm trong một chiếc quan tài bị chôn sâu dưới lòng đất. Chiếc điện thoại có lẽ là niềm hy vọng duy nhất của anh nhưng khi anh liên lạc với những đầu mối nghĩ là có thể cứu sống anh như 911 hay FBI thì họ đều không nghe máy và thậm chí còn không nghe Paul giải thích. Paul cứ vật lộn giữa sự tuyệt vọng và hy vọng, mong chờ điều kỳ diệu sẽ xuất hiện, ai đó sẽ cứu anh ra khỏi chiếc quan tài nằm đâu đó ở đất nước Iraq rộng lớn.

Và cuối cùng không thể không nhắc đến một tác phẩm lớn của đạo diễn Lý An, bộ phim “Life of Pi” (Cuộc đời của Pi, 2013). Hành trình của Pi là những ngày lênh đênh trên đại dương rộng lớn. Pi phải vận dụng hết kiến thức về động vật hoang dã và bản năng sinh tồn để chống lại thiên nhiên khắc nghiệt và đối mặt với nỗi cô đơn, sự sợ hãi giữa mênh mông biển cả luôn rình rập hiểm nguy.

Ngoài những bộ phim kể trên còn rất nhiều bộ phim khác khai thác chủ đề sinh tồn, thứ cực kỳ dễ hấp dẫn khán giả bởi nó đặt ra nhiều vấn đề nhân sinh về ý nghĩa cuộc sống, giá trị hạnh phúc và buộc mỗi cá nhân phải tự đặt ra cho mình nhiều câu hỏi…

Việt Văn

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/van-hoa-giai-tri/cuoc-chien-sinh-ton-638286.ldo