Cuộc chiến sống còn của các công ty dầu khí toàn cầu

Theo tờ Finacial Times của Anh, các công ty dầu khí lớn hiện phải quyết định xem mình sẽ là 'kẻ sống sót' hay cũng chuyển hướng sang năng lượng sạch.

Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi, Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Giếng dầu của mỏ dầu Bibi Heybat ở ngoài khơi Biển Caspi, Azerbaijan. Ảnh: AFP/TTXVN

Khi các nền kinh tế toàn cầu quay cuồng với tác động của đại dịch COVID-19, tác động đối với lĩnh vực năng lượng là rất lớn. Tuy nhiên, tác động này là không đồng đều. Nhu cầu đối với dầu mỏ và khí đốt giảm mạnh khiến giá của hai loại nhiên liệu hóa thạch này lao dốc.
Hồi tháng Tư, giá dầu ngọt nhẹ New York thậm chí còn xuống mức âm lần đầu tiên trong lịch sử. Trong khi đó, năng lượng tái tạo lại là ngoại lệ. Tỷ trọng của loại năng lượng này trong nhu cầu điện toàn cầu đang tăng lên ngay cả khi người tiêu dùng sử dụng điện ít hơn.
Quá trình chuyển đổi năng lượng – gần như được định nghĩa là sự chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch - dường như vẫn nguyên vẹn dù có những lo ngại rằng COVID-19 có thể phá vỡ tiến trình này. Do đó, theo tờ Finacial Times của Anh, các công ty dầu khí lớn hiện phải quyết định xem mình sẽ là “kẻ sống sót” hay cũng chuyển hướng sang năng lượng sạch.
Các nhà phân tích cho rằng các khoản chi tiêu mới đang được thực hiện khi hệ thống năng lượng thế giới bắt đầu quá trình chuyển đổi mạnh mẽ, tách khỏi nền tảng hạ tầng đã chỗng đỡ cho kỷ nguyên dầu khí và nền kinh tế toàn cầu trong hơn một thế kỷ qua, đồng thời hướng tới một hệ thống năng lượng tái tạo giúp giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Ngân hàng Goldman Sachs ước tính rằng đầu tư vào việc giảm khí thải carbon trong ngành công nghiệp năng lượng – bao gồm năng lượng tái tạo, thu giữ khí carbon và nâng cấp cơ sở hạ tầng điện - sẽ đạt 16.000 tỷ USD trong 10 năm tới.
Michele Della Vigna, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài nguyên thiên nhiên châu Âu của Goldman Sachs, nói: “Điều này sẽ dẫn đến lượng đầu tư cho cơ sở hạ tầng có thể so sánh với sự nổi lên của nhóm BRICS trong 20 năm qua”.
Việc Trung Quốc cam kết đạt mức khí phát thải thực bằng 0 vào năm 2060, Thỏa thuận xanh mới của EU và chương trình năng lượng sạch trị giá 2.000 tỷ USD do ứng cử viên Dân chủ Joe Biden đề xuất nếu ông thắng cử trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, có nghĩa là cả ba nền kinh tế lớn nhất thế giới đều đi cùng hướng.
Các nhà phân tích tại công ty tư vấn McKinsey cho rằng những cam kết táo bạo này đã góp phần thêm vào nhưng xu hướng đã và đang diễn ra.
Ngành công nghiệp dầu mỏ, một trong những nguồn phát thải lớn nhất hành tinh, cũng đang tham gia ngày càng nhiều vào xu hướng này.
Dù vậy, vẫn còn sự chia rẽ lớn. BP, một trong những tập đoàn dầu khí lâu đời nhất, năm nay đã bắt đầu nỗ lực thứ hai của mình trong lịch sử nhằm thay đổi thương hiệu thành một công ty hậu xăng dầu khi cam kết các mục tiêu giảm mạnh khí thải carbon và xây dựng thành một doanh nghiệp năng lượng tái tạo khổng lồ. Các tập đoàn Shell, Total và Equinor cũng đã có những cam kết tương tự.

Một cơ sở của BP ở bang Chicago, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, các đối thủ của các PB ở Mỹ là ExxonMobil và Chevron đã chậm chân hơn dù thị trường đã “trừng phạt” cổ phiếu ngành dầu khí.
ExxonMobil, từng là công ty có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới, đã bị Tesla, Accenture và gần đây nhất là NextEra vượt qua. ExxonMobil cho biết họ sẽ tiếp tục tập trung “các năng lực cốt lõi” của mình vào lĩnh vực xăng dầu.

BP tính toán rằng, nếu thế giới giảm lượng khí thải carbon đủ nhanh để đạt mục tiêu nhiệt độ năm 2100 chỉ tăng 2 độ C so với mức thời tiền công nghiệp, tiêu thụ dầu toàn cầu sẽ giảm một nửa vào năm 2050.
Theo kịch bản khí phát thải thực bằng 0 của BP, nhu cầu dầu trong 30 năm tới giảm xuống còn 26 triệu thùng/ngày vào năm 2050, chỉ bằng 1/4 mức của năm 2019.
Một kịch bản như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền chính trị toàn cầu và làm giảm tầm quan trọng chiến lược của các nhà sản xuất dầu lớn trên thế giới. Một số nhà phân tích tranh luận rằng kịch bản này cũng có thể phá hủy ngành công nghiệp dầu mỏ.
Kingsmill Bond, một chiến lược gia về năng lượng tại tổ chức tư vấn Carbon Tracker, cho rằng các “ông lớn” dầu mỏ rõ ràng không có tương lai trong một thế giới tuân thủ các mục tiêu giảm khí thải carbon mà các nhà lãnh đạo thế giới đã đồng ý trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học California tại Berkeley cũng cho biết, đến năm 2035, nước Mỹ có thể tạo ra 90% điện năng từ năng lượng sạch mà “chắc chắn hóa đơn của người tiêu dùng không có thêm khoản chi phí nào và không cần thêm các nhà máy nhiên liệu hóa thạch mới”. Theo nghiên cứu này, thời gian 15 năm là đủ để các nhà máy nhiệt điện than và khí đốt hiện tại thu hồi vốn trước khi đóng cửa.
Tuy nhiên, nhiệm vụ phía trước không hề dễ dàng. Tỷ trọng của nhiên liệu hóa thạch trong nền kinh tế toàn cầu từ năm 2010 đến năm 2019 chỉ giảm 1%, dù giá thành năng lượng sạch đã giảm mạnh, công nghệ pin có những tiến bộ nhanh chóng và hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu cũng đã tổ chức được 25 năm.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), 80% năng lượng tiêu thụ trong năm 2019 vẫn đến từ dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và than đá.
Trong khi đó, Công ty tư vấn Accenture cũng cho rằng nhu cầu dầu sẽ giảm mạnh, nhưng không giảm mạnh như BP dự đoán. Ngoài ra, ngay cả khi tiêu thụ dầu vào năm 2050 bằng 60-80% mức hiện nay, thì phần lớn sản lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu đó sẽ đến từ những giếng dầu hiện chưa hoạt động.
Quá trình chuyển đổi năng lượng khỏi dầu và khí đốt cũng có nguy cơ làm tăng giá của các loại nhiên liệu hóa thạch này do các nhà đầu tư ngừng đầu tư cho các dự án cung ứng mới trước khi người tiêu dùng sẵn sàng ngừng tiêu thụ loại năng lượng này.

Ông Della Vigna từ ngân hàng Goldman Sachs cho biết: “Chúng ta có thể có một thị trường dầu khí rất chật chội vì nguồn cung đang chậm lại nhưng nhu cầu vẫn không giảm”.
Các nhà phân tích cũng cho rằng các công nghệ khác có ý nghĩa quan trọng đối với việc giảm lượng khí thải carbon trong hệ thống năng lượng, như năng lượng hạt nhân quy mô nhỏ, thu trữ khí carbon và hydro xanh, cũng vẫn chưa thực sự phát triển.
Do đó, David Rabley, Giám đốc điều hành của Accenture, cho rằng vẫn có chỗ cho việc cung cấp hydro carbon, nhưng các nhà sản xuất dầu sẽ phải quyết định xem có trở thành công ty năng lượng rộng lớn với năng lượng tái tạo và hydro carbon hay không, hay chỉ tập trung vào sản xuất dầu khí với chi phí thấp và sạch hơn để trở thành “kẻ sống sót” của ngành công nghiệp này hoặc xoay trục hoàn toàn để trở thành nhà cung cấp năng lượng sạch với năng lượng tái tạo./.

Đình Thư (TTXVN tại London)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cuoc-chien-song-con-cua-cac-cong-ty-dau-khi-toan-cau/174419.html