Cuộc chiến Syria: Sự phân chia các vùng cát cứ

Chiến sự Syria 2018 là một cuộc chiến bị đóng băng, bởi nó không có bước tiến triển mới, với đặc điểm là nhiều lực lượng kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ.

Sau thất bại của tổ chức khủng bố “Nhà nước Hồi giáo” (Islamic State - IS), cuộc chiến ở Syria đã bước vào giai đoạn mới, với cường độ thấp.

Tuy nhiên, cuộc xung đột này lại có thể diễn ra mà “không có hồi kết” và đất nước này vẫn là một trong những điểm bất ổn chính trên toàn thế giới.

Vào tháng 8 năm 2018, SouthFront đã công bố một loạt các sự kiện quân sự và ngoại giao chính trong cuộc xung đột Syria, từ giai đoạn từ khi bắt đầu chiến dịch của Nga vào tháng 9 năm 2015 đến tháng 8 năm 2018.

Vào thời điểm đó, các lực lượng ủng hộ chính quyền Damascus được Nga và Iran hậu thuẫn đã giải phóng phần lớn của miền trung, miền đông, miền nam và miền bắc Syria, bao gồm thành phố Aleppo, Palmyra và vùng nông thôn Damascus, khỏi tay những kẻ khủng bố.

Trong khi đó, Lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm phiến quân Quân đội Syria tự do (Free Syrian Army – FSA) đã chiếm đóng phần lãnh thổ phía Bắc Syria, chạy từ Afrin qua Azaz đến al-Bab thuộc tỉnh Aleppo.

Liên minh do Hoa Kỳ lãnh đạo và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nòng cốt là Đơn vị Bảo vệ Nhân dân người Kurd - đã kiểm soát các thành phố Manibj và Raqqah, và phần lớn phía đông bắc Syria (al-Hasakah).

Ngoài ra, quân đội Hoa Kỳ đã có một đơn vị đồn trú quân sự trên đường cao tốc Damascus-Baghdad, ở khu vực tam giác biên giới al-Tanf của Syria – Iraq – Jordan.

Các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã kiểm soát khu vực Afrin và tam giác al-Bab – Azaz – Jarabulus.

Tình hình tại các khu vực do các nhóm chiến binh “đối lập ôn hòa” nắm giữ ở Idlib, Aleppo, Hama và Lattakia đã bị đóng băng một phần, thông qua định dạng đàm phán Astana, liên quan đến Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Nga, Syria và đại diện của phe “đối lập ôn hòa”.

Trong 12 tháng qua, từ tháng 8 năm 2018 đến tháng 7 năm 2019, các khu vực sa mạc ở đông nam Syria, bờ phía đông của sông Euphrates và đường liên lạc giữa Quân đội Syria và phiến quân ở miền nam Idlib và miền bắc Hama trở thành điểm nóng chính của cuộc xung đột.

Syria hiện bị chia làm nhiều khu vực, dưới sự kiểm soát của một số thế lực nước ngoài

Chiến dịch tiễu trừ IS của SDF ở đông Deir ezZor

Vào ngày 10 tháng 9 năm 2018, SDF được hỗ trợ bởi các lực lượng đặc biệt của liên quân, pháo binh và máy bay do Mỹ dẫn đầu đã bắt đầu một cuộc tiến công vào các khu vực do khủng bố IS nắm giữ ở phía đông tinhr Deir Ezzor (phía đông của sông Euphrates).

Các túi khủng bố bao gồm các thị trấn Baghuz, Hajin, al-Kashsmah và nhiều khu định cư nhỏ.

SDF huy động cho chiến dịch này một lực lượng bao gồm khoảng 17.000 tay súng, được sự yểm trợ của một chiến dịch không kích và pháo kích dữ dội của lực lượng liên quân Mỹ. Còn số lượng khủng bố IS ước tính trong các khu vực bị bao vây là 2.000-4.000 tay súng.

Cuộc tấn công kéo dài đến giữa tháng 12/2018 khi thị trấn cuối cùng do IS nắm giữ là Hajin, rơi vào tay SDF. Cuộc quyết chiến đã khiến khoảng 1.000 khủng bố IS và 500 tay súng SDF thiệt mạng. Hàng ngàn thường dân, chủ yếu là thành viên của các gia đình khủng bố IS, đã bị bắt và được chuyển đến các trại tập trung do SDF tổ chức. Được biết đến rộng rãi nhất trong số đó là trại al-Hawl ở tỉnh al-Hasakah.

Hoạt động an ninh trên bờ phía đông của sông Euphrates hiện vẫn đang tiếp diễn. Mục tiêu của Mỹ và lực lượng SDF được họ hậu thuẫn là “theo dõi và săn lùng các nhóm tàn quân IS”. Các nhóm này hiện vẫn đang tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công lẻ tẻ vào các vị trí SDF đòng quân.

SAA diệt IS ở miền Nam và miền Trung Syria

Trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2018, các đơn vị của Quân đội Syria (SAA) đã tiến hành một hoạt động an ninh rộng khắp chống lại các nhóm chiến đấu của IS ở tỉnh al-Suwayda, sau khi những kẻ khủng bố IS thực hiện một loạt vụ đánh bom và tấn công bằng súng vào các mục tiêu dân sự ở vùng nông thôn tỉnh lỵ này.

Theo các nguồn tin thân chính phủ, nhân lực của IS ở cao nguyên al-Safa là khoảng 1.000 tên khủng bố. Ít nhất 400 tên trong số đó đã bị tiêu diệt, những nhóm nhỏ tàn quân khủng bố IS đã trốn trong sa mạc ở rìa của căn cứ Mỹ ở al-Tanf.

Yêu sách ngang ngược của Hoa Kỳ đòi tấn công bất kỳ đơn vị thân chính phủ nào tiến vào khu vực 55km này đã cho phép các nhóm tàn quân IS tránh được thất bại hoàn toàn. Trong khi đó, hơn 100 binh sĩ Syria được báo cáo là đã thiệt mạng trong chiến dịch này.

Thông báo ngày 19 tháng 11 năm 2018 về thất bại của IS ở al-Safa đã không chấm dứt các cuộc tấn công của IS trên sa mạc giáp giới hai tỉnh Homs và Deir Ezzor, nhưng đã cho phép giảm bớt mối đe dọa khủng bố ở vùng nông thôn của tỉnh al-Suwayda.

Mối đe dọa IS dường như không thể được loại bỏ sớm khỏi các khu vực sa mạc giữa miền Trung và miền nam Syria bất cứ lúc nào.

Các lực lượng chính phủ hiện không có đủ nguồn lực để tiến hành các hoạt động truy quét ở quy mô cần thiết để dọn sạch toàn bộ các vùng sa mạc. Lý do chính là các lực lượng và phương tiện lớn đang bận rộn với việc ngăn chặn và kiểm soát các giới hạn của khu vực được gọi là khu vực leo thang Idlib.

Sự lập lờ của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib

Thỏa thuận lập các vùng giảm leo thang căng thẳng Idlib (de-escalation zone) năm 2017 đã loại trừ các nhóm khủng bố như Hayat Tahrir al-Sham (HTS – nòng cốt là Jabhat Fatah al-Sham, trước đây là Jabhat al-Nusra, tức chi nhánh của tổ chức khủng bố quốc tế al-Qaeda ở Syria). Do đó, thỏa thuận này đã không đạt được mục tiêu chính của nó là tách các nhóm khủng bố ra khỏi cái gọi là “phe đối lập ôn hòa”.

Chẳng hạn, ngay cả liên minh chiến binh được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn mang tên “Mặt trận Dân tộc Giải phóng” (National Front for Liberation – NFL), được thành lập vào tháng 5 năm 2018, cũng đã rơi vào vòng ảnh hưởng của Hayat Tahrir al-Sham, sau khi họ phải đối mặt với sự lựa chọn hoặc là quy hàng HTS hoặc bị chúng tiêu diệt.

Vào tháng 9 năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đã nỗ lực giải cứu chế độ ngừng bắn ở khu vực giảm leo thang căng thẳng này bằng cách đồng ý thiết lập khu phi quân sự quanh khu vực Idlib. Các bên đã đồng ý thiết lập khu phi quân sự 15-25km trên đường ranh giới.

Theo thỏa thuận, các nhóm cấp tiến sẽ phải rút khỏi khu vực phi quân sự, sau đó, quân đội Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến sẽ tiến hành các cuộc tuần tra chung.

Ngoài ra, thỏa thuận này nói rằng, các tuyến đường cao tốc M4 (dài 120 km, nối từ Latakia đến Idlib, Aleppo) và M5 (từ Daraa, giáp biên giới Jordan đến Damascus, Homs, Hama đến Aleppo), đi qua các khu vực do lực lượng phiến quân kiểm soát, phải được mở lại và phục hồi giao thông vào cuối năm 2018. Thế nhưng, điều này đã không bao giờ xảy ra.

Đảng Hồi giáo Turkistan (Turkistan Islamic Party – TIP), cùng với các nhóm phiến quân đối lập khác là Tanzịm Hụrras ad-Din, Ansar al-Din và Ansar al-Islam đã từ chối thỏa thuận này. Hayat Tahrir al-Sham, sau đó đã vượt qua thời kỳ khó khăn vì những thất bại trước Quân đội Syria, cũng đưa ra một tuyên bố mơ hồ, nhưng thực tế là từ chối sáng kiến này.

Có vẻ như Thổ Nhĩ Kỳ không sẵn sàng hoặc không có khả năng thực hiện các điểm chính của thỏa thuận giảm leo thang:

Thứ nhất là: Phân tách cái gọi là phiến quân “đối lập ôn hòa”, ít nhất là Mặt trận Giải phóng Quốc gia do Thổ Nhĩ Kỳ thành lập, khỏi những kẻ khủng bố;

Thứ hai là: Buộc các nhóm vũ trang hoạt động trong khu vực Idlib phải rút vũ khí hạng nặng và các nhóm tay súng cực đoan khỏi khu vực phi quân sự.

Tình hình tiếp tục xấu đi trong những tháng tiếp theo, với những vụ pháo kích dữ dội nhất và thương vong dân sự liên tục xảy ra ở phía bắc Hama, tây Aleppo và bắc Lattakia.

Các nhóm khủng bố và “đối lập ôn hòa Syria” đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào căn cứ không quân Nga Hmeymim ở tỉnh Lattakia bằng máy bay không người lái có vũ trang. Những cuộc tấn công này đã bị lực lượng phòng không Nga đẩy lùi thành công.

Đồng thời, chính quyền Ankara đã hành động để ngăn chặn mọi hoạt động quân sự có thể của Quân đội Syria ở khu vực Idlib bằng nhiều cách khác nhau. Chúng bao gồm việc cung cấp cho các nhóm vũ trang thân Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực một loạt vũ khí mới, bao gồm cả tên lửa chống tăng và thiết bị phòng không, do đó, cho phép chúng khôi phục lại ít nhất một phần thực lực đã mất sau những thất bại của những năm trước.

Như vậy, tính đến cuối năm 2018, Syria đã bị chia cắt thành nhiều phần, trong đó: Phần đông-đông bắc Syria bị đặt dưới quyền kiểm soát của Mỹ và đồng minh người Kurd; miền trung, miền nam, phía Tây và một phần phía đông Syria do Nga và Quân đội Syria nắm giữ; phía Bắc bị Thổ Nhĩ Kỳ và các nhóm vũ trang được họ hậu thuẫn chiếm đóng, còn lực lượng đối lập đang chiếm giữ một phần lãnh thổ tây bắc.

(Còn tiếp)

Thiên Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/cuoc-chien-syria-su-phan-chia-cac-vung-cat-cu-3385451/