'Cuộc chiến' thị thực

Mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ lại tiếp tục lao dốc khi cả hai nước bất ngờ thông báo hủy bỏ hầu hết thủ tục cấp thị thực cho nhau, tạo ra sự hỗn loạn trong du khách và phơi bày sự rạn nứt đang mở rộng giữa cặp đối tác trọng yếu này trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

“Ăn miếng trả miếng”

Ngày 8-10, nhiều người dân cũng như du khách nước ngoài đến Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Ankara để làm thị thực đều rất bất ngờ khi nhận được thông báo Đại sứ quán đã ngừng mọi dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nội dung thông báo của Đại sứ quán Mỹ tại Ankara nêu rõ: “Những sự kiện gần đây đã buộc Chính phủ Mỹ đánh giá lại cam kết của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đối với an ninh của phái bộ và nhân viên ngoại giao Mỹ. Để giảm số lượng khách tới Đại sứ quán và các tòa lãnh sự trong thời gian đánh giá, chúng tôi đã ngừng toàn bộ các dịch vụ cấp thị thực không nhập cư tại tất cả các cơ sở ngoại giao Mỹ ở Thổ Nhĩ Kỳ và quyết định này có hiệu lực ngay lập tức”. Theo quy định của chính quyền Mỹ, thị thực được cấp cho những người tới Mỹ với mục đích du lịch, khám chữa bệnh, kinh doanh cũng như làm việc và học tập trong khoảng thời gian xác định.

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ từ chối cấp thị thực gây hoang mang cho công dân hai nước. Ảnh: Getty Images

Quyết định chóng vánh trên của Washington được cho là nhằm trả đũa việc Ankara bắt giữ nhân viên ngoại giao Mỹ Metin Topuz vì nghi ngờ người này dính líu đến Giáo sĩ Fethullah Gulen, người được cho là đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi năm ngoái ở Thổ Nhĩ Kỳ và hiện đang sống lưu vong tại Mỹ. Đại sứ quán Mỹ sau đó lên án hành động bắt ông Metin Topuz của Thổ Nhĩ Kỳ là vô căn cứ và làm tổn hại mối quan hệ đồng minh trong NATO.

Ngay sau thông báo “cấm vận thị thực” từ phía Mỹ, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ ở Washington đã đáp trả một tuyên bố có nội dung tương tự, trong đó nói rằng Ankara cũng sẽ “đánh giá lại cam kết của Chính phủ Mỹ đối với vấn đề an ninh của nhân viên và phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ”, đồng thời ngừng tất cả dịch vụ thị thực đối với công dân Mỹ tại các phái đoàn ngoại giao và tòa lãnh sự của nước này tại Mỹ. Theo đó, biện pháp ngừng cấp thị thực của phía Thổ Nhĩ Kỳ sẽ áp dụng cho thị thực điện tử, thị thực cấp tại biên giới và thị thực trong hộ chiếu.

Khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước còn lên tới đỉnh điểm khi ngày 10-10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố, giới chức nước này sẽ "tẩy chay" Đại sứ Mỹ tại Ankara, ông John Bass. Dù ông Bass còn vài ngày nữa mới về nước nhưng việc Ankara không công nhận một đại sứ Mỹ là chưa từng xảy ra trong lịch sử quan hệ hai nước này.

Theo giới phân tích, lâu nay, cứ khi nào xảy ra bất đồng, nghi kỵ giữa hai quốc gia thì động thái đầu tiên là hai bên tìm cách trả đũa nhau. Trong muôn vàn cách “ăn miếng trả miếng” thì “cấm vận thị thực” là biện pháp trả đũa ngoại giao đầu tiên được nhiều nước sử dụng. Việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đình chỉ cấp thị thực với công dân của nhau đã phơi bày những mâu thuẫn không dễ hòa giải giữa hai đồng minh đầy lòng nghi kỵ nhau này.

Liên minh “lao dốc”

Quan hệ Mỹ - Thổ Nhĩ Kỳ trên danh nghĩa vẫn đang duy trì trạng thái “đồng minh”. Cụ thể là việc hai bên đang duy trì các hoạt động hợp tác quân sự trong khuôn khổ NATO. Tuy nhiên, nếu nói rằng đây là cơ sở cho niềm tin song phương thì hoàn toàn là sai lầm. Cả hai bên vẫn đang có quá nhiều nghi kỵ, mâu thuẫn lẫn nhau trong một loạt các vấn đề. Trở ngại cơ bản nhất của mối quan hệ này là những quan ngại của Ankara về việc Mỹ vũ trang cho lực lượng vũ trang người Kurd tại Syria, đối tượng bị Ankara coi là khủng bố và kích động ly khai tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Mỹ cũng có nhiều điều không bằng lòng với Thổ Nhĩ Kỳ. Washington luôn cáo buộc Ankara chưa bao giờ thực hiện cam kết đầy đủ đối với cuộc chiến chống lại các nhóm Hồi giáo cực đoan ở Syria. Vết rạn đồng minh càng lộ rõ khi thời gian gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác quân sự với Nga, nhất là việc Ankara quyết tâm mua hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược đất đối không S-400 của Moscow. Trong năm 2017, Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã hợp lực để ổn định tình hình ở Syria, cụ thể là đóng vai trò lớn trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại các khu vực chiến sự leo thang. Việc liên minh tay ba này bắt tay nhau đã khiến Nhà trắng vô cùng bực bội.

Mặc dù không hài lòng trước việc Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng xích lại gần Nga, song Washington cũng hiểu rõ rằng, Ankara là nhân tố không thể thiếu trong cuộc chiến chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), cũng như sử dụng chính quyền Ankara làm đối trọng với Iran tại Trung Đông. Do đó, dù là người phát động “cuộc chiến thị thực”, song Washington cũng phải dịu giọng khi ngày 12-10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước có thể sớm trở lại bình thường sau những tranh cãi ngoại giao kéo dài một tuần qua.

PHƯƠNG LINH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-chien-thi-thuc-520723