Cuộc chiến thương mại mở ra 'Con đường đậu tương'

Những mối đe dọa về thương mại với nền kinh tế số một thế giới là Mỹ, đang đẩy Trung Quốc vào một tình thế khẩn cấp nhằm tìm kiếm những nguồn cung nguyên liệu thay thế trong dài hạn, trong đó đậu tương được coi là mặt hàng chiến lược.

Ngành chăn nuôi Trung Quốc là chiếc thùng không đáy với nhu cầu đậu tương

Kazakhstan là một nước nghèo ở Trung Á hiện đang là mục tiêu chiến lược đối với các nhà đầu tư Trung Quốc. Theo SCMP, thậm chí một loạt quốc gia dọc theo con đường tơ lụa huyền thoại trước đây đã ở trong tầm ngắm, sẽ trở thành vùng trồng đậu tương phục vụ nhu cầu tiêu dùng tại quốc gia đông dân số nhất hành tinh.

Theo thống kê của Bloomberg, hiện trung bình mỗi năm Trung Quốc phải nhập khẩu khoảng 100 triệu tấn đậu tương, chiếm 60% thị phần toàn cầu. Trong năm ngoái, khoảng 1/2 số lượng nhập khẩu loại nông sản này về Trung Quốc là từ Brazil và 1/3 từ Mỹ. Số ít còn lại là từ Nga, Ukraine và Kazakhstan. Tất cả lượng đậu nành nhập về đều được chế biến thành thức ăn gia súc để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng tại “cường quốc ăn thịt”. Tuy nhiên, mọi thứ đều luôn có giới hạn vì nguồn cung nhỏ lẻ. Đặc biệt là kể từ khi Bắc Kinh và Washington hồi năm 2017 nổ ra xung đột kéo dài về thuế quan đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết thì việc tìm kiếm một lối đi mới kiểu như con đường tơ lụa ngày xưa thành con đường đậu tương ngày nay là thượng sách.

Theo Reuters, trên thực tế hiện Trung Quốc đã nhập khẩu ít hàng hóa hơn từ Mỹ, thay vào đó đã chuyển sang nhập hàng hóa của Brazil và Nga. Cụ thể là trong tháng 5 vừa qua, hải quan Nga cho hay từ tháng 7/2017 đã xuất 850.000 tấn đậu tương vào Trung Quốc, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2016. “Thậm chí là nếu ngay cả khi có một thỏa thuận (với Mỹ) thì Trung Quốc sẽ vẫn phải cân nhắc để đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu là bởi trong tình cảnh hiện nay thì mọi thứ đều sẽ được đào xới lên và tranh cãi có thể sẽ còn kéo dài", Chủ tịch hãng phân tích DC- Dan Cekander nói.

Theo giới phân tích, tính đến thời điểm này, Trung Quốc đã phát triển được một số vùng đậu tương thay thế quy mô lớn và dự báo có thể làm thay đổi thị phần thế giới nên nông dân trồng đậu tương Mỹ gặp khó khăn là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, điều khiến một sự thay đổi nhanh và rõ nhất là khi Trung Quốc đổ tiền đầu tư vào khối các nước tham gia “Sáng kiến Vành đai Con đường”, đã cho thấy những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm gắn kết các nền kinh tế thành một mạng lưới giao thương mà Trung Quốc nắm vai trò chủ đạo. Và nếu tranh cãi thương mại với Washington càng kéo dài, thì khả năng Bắc Kinh sẽ càng sớm thâu tóm được các nền kinh tế mới nổi này trong khu vực.

“Cuộc chiến thương mại với Mỹ đang mở ra thời cơ tốt cho chiến lược đầu tư nông nghiệp dọc theo vành đai ở Trung Á vì nó đã tạo ra sự đa dạng hóa các đối tác nhập khẩu cụ thể. Vì vậy các nhà hoạch định chính sách và các doanh nghiệp có thể trước đây còn hoài nghi, nay đang thấy rất nhiều bằng chứng cho thấy quá phụ thuộc vào bất kỳ nhà cung cấp nông sản phẩm nào cũng đều nguy hiểm", ông Even Pay, nhà phân tích cao cấp tại Bắc Kinh cho biết.

Kết quả là quốc gia láng giềng, từng rất muốn dấn bước chinh phục thị trường là Kazakhstan, sau gần một thập kỷ nỗ lực đã xuất khẩu đậu tương sang được Trung Quốc vào năm 2017. Còn tính chung cả nông dân trồng đậu tương ở Trung Á, niên vụ năm ngoái đã xuất được 8.400 tấn sang Trung Quốc như số liệu của công ty tư vấn kinh doanh nông nghiệp UkrAgroConsult tại Ukraine.

Chính vấn đề xuất khẩu nông sản nhiều năm qua đã khiến chính quyền địa phương các cấp trong khu vực này đau đầu với những cuộc biểu tình phản đối chính sách cho giới doanh nhân Trung Quốc thuê đất phát triển nông nghiệp. Và giờ đây Kazakhstan đang đặt nền móng cho việc thúc đẩy xuất khẩu, cao hơn cả các dự án cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó quốc gia này là một phần của hành lang vận tải Trung Quốc - châu Âu đã hoàn thành vào năm ngoái. Ngoài ra còn có hệ thống cảng khô Khorgos lớn trên biên giới với Tân Cương ở phía tây của Trung Quốc.

Để đạt được thành tựu này là nhờ vào cuộc gặp hồi tháng Sáu tại Bắc Kinh giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev, đánh dấu bằng các cam kết hợp tác kinh tế nông nghiệp, một phần trong “Sáng kiến Vành đai Con đường” của ông Tập và “Con đường sáng” của ông Nazarbayev. Theo đó, hai nhà lãnh đạo đều nhất trí thúc đẩy quan hệ song phương, tập trung vào giao thông vận tải, nông nghiệp, đầu tư và hợp tác liên ngân hàng, nhằm làm tăng vai trò của Kazakhstan như một nước xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.

Theo chuyên gia Tristan Kenderdine, giám đốc nghiên cứu về rủi ro của Kazakhstan, Trung Quốc muốn sử dụng vành đai và đường bộ để đa dạng hóa các nguồn cung ứng nông sản cho mình. Tuy nhiên hoạt động đầu tư vào nông nghiệp bao giờ cũng chuyển biến chậm hơn so với các ngành khác, mặc dù Kazakhstan cũng rất muốn đa dạng hóa nền kinh tế và hợp tác với Trung Quốc.

Hoạt động đầu tư vào nông nghiệp cũng đang nở rộ dọc biên giới Trung Quốc với Nga ở tỉnh Hắc Long Giang khi hồi tháng Tư, hai bên đã bắt tay xây dựng một cảng hàng hóa ở Fuyuan để vận chuyển các loại cây trồng, phần lớn là đậu tương được các công ty Trung Quốc trồng trên đất Nga.

Biểu đồ lượng đậu tương Trung Quốc nhập từ Nga tăng phi mã

Ngoài ra, một lượng đậu tương nhỏ khác nhưng cũng đang tăng lên trên hành trình vào Trung Quốc đến từ Ukraine. Bắc Kinh cũng cho biết, thời gian qua đã đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng ở Ukraine, từ việc nạo vét đáy biển để tăng sức tải tại các cảng biển, xây dựng các hầm ngầm silo chứa ngũ cốc và đường cao tốc tại quốc gia Đông Âu…

KIM LONG

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cuoc-chien-thuong-mai-mo-ra-con-duong-dau-tuong-post221726.html