Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung: Căng thẳng leo thang

Cả Mỹ lẫn Trung Quốc đang tích cực chuẩn bị các hành động chống lại nhau trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng leo thang, nhiều vụ tấn công mạng và gián điệp kinh tế lộ diện; đặc biệt là khi các quan chức thực thi pháp luật cấp cao của Mỹ xác định Bắc Kinh là mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với an ninh quốc gia.

Các đàm phán thương mại Mỹ - Trung gặp khó khăn do nhiều yếu tố, trong đó có tình trạng hoạt động gián điệp phi truyền thống

Con bài mặc cả

Các quan chức từ FBI và các Bộ Tư pháp và An ninh Nội địa Mỹ đã đề cập đến các phương pháp gián điệp phi truyền thống của Trung Quốc - bao gồm cả việc sử dụng người nước ngoài gốc Trung thay vì gián điệp tại các trường đại học và doanh nghiệp và trộm cắp tài sản trí tuệ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với Fox News rằng, Mỹ tin rằng Bắc Kinh đứng sau vụ tấn công mạng lớn vào chuỗi khách sạn Marriott. Thời báo New York đã báo cáo vụ tấn công là một phần của một hoạt động rộng lớn hơn của Trung Quốc cũng nhắm vào các công ty bảo hiểm sức khỏe và hồ sơ an ninh của hàng triệu người Mỹ.

Những tiết lộ này được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump nói với Reuters rằng ông sẽ sẵn sàng sử dụng một giám đốc công nghệ Trung Quốc, bị bắt giữ vì vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran, như một con bài mặc cả trong cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh, vốn đang được hai bên tạm dừng trong vòng 90 ngày, kể từ cuộc gặp song phương giữa ông Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G-20 hồi tháng trước.

Các giám đốc điều hành doanh nghiệp Mỹ đã chuẩn bị thêm đòn trả đũa nhằm vào Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh đang kêu gọi thả Mạnh Vãn Chu, Giám đốc tài chính của Tập đoàn Huawei và con gái người sáng lập hãng công nghệ khổng lồ này. Bà Mạnh đã phải nộp số tiền bảo lãnh lên tới 7,5 triệu USD để được tại ngoại, trong thời gian chờ đợi cơ quan công tố điều tra, với nguy cơ về việc sẽ bị dẫn độ sang Mỹ.

Phức tạp trong đàm phán

Mặc dù, chính quyền ông Trump nhấn mạnh rằng, các cuộc đàm phán thương mại được triển khai tách biệt với những biện pháp ngăn chặn hoạt động gián điệp mạng và trộm cắp tài sản trí tuệ, nhưng vụ bắt giữ Giám đốc tài chính của Huawei gây rúng động ở Trung Quốc, khiến lực lượng an ninh nước này đang tập trung lên kế hoạch trả đũa.

Đầu tuần, ông Trump phát biểu rằng Mỹ và Trung Quốc đã có “những cuộc đối thoại rất hữu ích”, ngay sau khi Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Trưởng đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc có cuộc đàm phán qua điện thoại. Nhưng các chuyên gia Mỹ - Trung cho rằng, sự xâm nhập không thể tránh khỏi của các mối quan ngại về an ninh quốc gia sẽ làm phức tạp thêm các cuộc đàm phán thương mại mong manh giữa hai siêu cường này.

“Điều đó sẽ làm cho các cuộc đàm phán trở nên phức tạp hơn” - Craig Allen, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Mỹ - Trung nhận định - “Nếu đây chỉ là các cuộc đàm phán kinh tế, thì việc đạt được thỏa thuận sẽ tương đối dễ dàng. Nhưng chắc chắn, nó sẽ mở rộng sang các lĩnh vực khác. Tôi nghĩ rằng an ninh quốc gia càng bị ràng buộc, thì càng khó khăn hơn đạt được thỏa thuận”.

Nở rộ gián điệp

phi truyền thống

Quan chức an ninh quốc gia hàng đầu của Bộ Tư pháp Mỹ cho biết chính quyền nước này đang phản ứng với hoạt động gián điệp kinh tế “tăng đều đặn” của Trung Quốc, khiến Mỹ bị mất khoảng 225 tỷ đô la mỗi năm. Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers cho biết: Từ năm 2011 đến 2018, hơn 90% các trường hợp cáo buộc gián điệp kinh tế có liên quan đến Trung Quốc, hơn hai phần ba vụ trộm cắp bí mật thương mại cũng có mối quan hệ với Trung Quốc.

“Từ xe không người lái dưới nước và xe tự hành đến các hợp chất hóa học quan trọng và hạt ngô lai, Trung Quốc đã nhắm vào các mục tiêu công nghệ tiên tiến trên các lĩnh vực phù hợp với mục tiêu chiến lược được công bố công khai của họ” - Demers nhấn mạnh – “Luật chơi của họ rất đơn giản: Đánh cắp, sao chép và thay thế”.

Bổ sung thêm cho các cáo buộc này, E.W. Priestap, Trợ lý Giám đốc phản gián của FBI, cho biết Trung Quốc xem các thành viên của cộng đồng người Hoa di cư ở Mỹ, bao gồm cả sinh viên và giám đốc điều hành các công ty công nghệ, là “người của họ. Họ sẵn sàng tận dụng nguồn lực ấy. Họ nghĩ về những người này như một phần lực lượng mở rộng của mình”.

Mỹ đang xem xét các bước mới để đối phó với gián điệp phi truyền thống, cả trong và ngoài nước. Một trong các khả năng là tạo ra một tổ chức giống như Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ, được gọi là CFIUS. Ủy ban liên ngành này có trách nhiệm xem xét các giao dịch liên quan đến đầu tư nước ngoài ở Mỹ có dính dáng đến công nghệ nhạy cảm và có thể phủ quyết doanh số bán hàng. Ủy ban này cũng có thể kiểm tra, xem xét các hoạt động hoàn toàn hợp pháp, nhưng có thể gây ra mối đe dọa an ninh quốc gia; đồng thời có quyền đề xuất các biện pháp chống trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ bên ngoài lãnh thổ Mỹ - một lĩnh vực vẫn nằm ngoài phạm vi của luật pháp hiện hành của Washington.

Kiều Trinh (TH)

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cuoc-chien-thuong-mai-my-trung-cang-thang-leo-thang-3970272-b.html