Cuộc chiến thương mại sau 15 tháng: Định hướng chính sách vĩ mô phù hợp

Để nắm bắt, tận dụng được lợi thế và khắc phục những trở ngại hiện hữu của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, cần có những góc nhìn, chuẩn bị những định hướng phù hợp về mặt vĩ mô, cũng như có biện pháp kiểm soát xuất xứ hàng hóa để tránh rủi ro.

Cần phải có bộ lọc đối với dòng vốn FDI, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

Cần phải có bộ lọc đối với dòng vốn FDI, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung (ảnh chỉ mang tính chất minh họa).

ĐTTC ghi nhận ý kiến TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia và TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển Trường Đại học Fulbright Việt Nam, xung quanh vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã kéo dài 15 tháng, với diễn biến vừa cương vừa nhu, vừa đánh vừa đàm và chưa biết điểm dừng. Điều này ảnh hưởng như thế nào đến các vấn đề vĩ mô của Việt Nam?

Việt Nam đã thành công nhiều năm khi nỗ lực củng cố giá trị VNĐ thoát ly vàng và dần thoát ly ngoại tệ. Vì thế mọi động thái phá vỡ thành quả trên sẽ chuốc lấy thất bại về chính sách.

TS. TRẦN DU LỊCH

TS. TRẦN DU LỊCH: -

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung với bề nổi là 2 bên ăn miếng trả miếng về việc áp thuế, nhưng phần chìm là tranh chấp mang tính sống còn về công nghệ, kinh tế số. Vậy Việt Nam đang đứng ở đâu trên bài toán cơ hội và thách thức?

Trước hết nhìn lại quá trình phát triển trong vòng 1/4 thế kỷ vừa qua, với chủ trương chủ động hội nhập, Việt Nam vừa mở bên trong về mặt thể chế, tự do kinh doanh nhưng cũng vừa mở bên ngoài.

Có nhiều thời điểm mở bên ngoài còn mạnh hơn bên trong. Cuối năm 1988, Việt Nam có Luật Đầu tư nước ngoài, nhưng đến năm 1991 mới có Luật Doanh nghiệp (DN) tư nhân. Hiện nay xét trên 3 lĩnh vực mở cửa là thương mại, đầu tư và tín dụng Việt Nam có sự thay đổi.

Về thương mại, trước khi gia nhập WTO, chúng ta xuất khẩu khoảng 50 tỷ USD, nhưng hiện nay đã ghi nhận sự thành công về thương mại. Dù vậy, mở cửa cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lại đang đối mặt vấn đề FDI dẫn dắt nền kinh tế.

Và ở thời điểm này đặt thêm vấn đề mới liệu dòng FDI trong cuộc chiến Mỹ - Trung có chảy vào Việt Nam. Hiện Việt Nam không đặt vấn đề phải hút bao nhiêu vốn FDI, mà hút vào lĩnh vực nào, dòng tiền đó tác động ra sao, dòng tiền từ Trung Quốc chảy sang trước đây chất lượng như thế nào. Khi tổng kết 30 năm FDI vừa rồi, Chính phủ đã nói phải có bộ lọc đối với dòng vốn FDI.

Về mở cửa tín dụng có mấy vấn đề đang đặt ra. Từ năm 2021 trở đi, tín dụng trung và dài hạn nước ngoài, kể cả ODA tới hạn trả nợ, đặc biệt tín dụng gắn với điều kiện không đấu thầu, đã được đặt ra.

Điều này cho thấy trong quá trình mở cửa, cả 3 lĩnh vực dù có hay không có chiến tranh thương mại, vẫn đặt ra nhiều vấn đề cho bài toán vĩ mô để giải quyết. Tất nhiên, trong tình hình mới hiện nay những vấn đề nêu trên càng phức tạp.

Chúng ta đang lo ngại sẽ là tai họa nếu DN trong nước làm tay trong để hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam tránh thuế Mỹ. Vì vậy, DN Việt Nam phát triển được nhưng không vì lợi nhuận để rước họa cho mình, là vấn đề cấp thiết hiện nay.

Bên cạnh đó, liệu Trung Quốc phản đòn bằng phá giá đồng Nhân dân tệ (NDT) sẽ ảnh hưởng ra sao đến Việt Nam, cũng đang được quan tâm. Đây là vấn đề vĩ mô cần phải tính toán vì Việt Nam xuất siêu chủ yếu sang Mỹ và nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc.

- Việc Trung Quốc phá giá NDT so với USD tạo áp lực lớn đối với tỷ giá VNĐ/USD, nhưng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã dừng tăng lãi suất, thậm chí có thể giảm. Điều này có làm giảm áp lực đối với tỷ giá trong nước?

Khi Việt Nam nhập mạnh từ Trung Quốc những mặt hàng đang xuất mạnh sang Hoa Kỳ, liệu có việc chuyển tải hàng hóa ở đây hay không?

TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH

TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH: - Sau chu kỳ tăng mạnh lãi suất năm 2018 do Mỹ tăng trưởng tốt, FED dự định tiếp tục tăng lãi suất trong năm nay. Nhưng khi kinh tế giảm tốc, FED phát tín hiệu sẽ không tăng lãi suất trong 2019.

Thậm chí, khi chiến tranh thương mại leo thang, FED chịu áp lực rất lớn về việc phải giảm lãi suất. Trong cuộc họp mới đây, FED giữ nguyên lãi suất. Nhưng trong 10 người bỏ phiếu có 9 phiếu không giảm lãi suất và 1 phiếu giảm lãi suất, dẫn đến các dự báo có khả năng nửa cuối năm nay FED có thể cắt giảm lãi suất.

Trước dự báo đó, hàng loạt NH Trung ương, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi, cũng có động thái không tăng và cắt giảm lãi suất.

Năm ngoái, khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, gây áp lực lên tỷ giá, làm xáo trộn thị trường chứng khoán. Theo đó, đồng NDT mất giá, kéo nhiều đồng tiền của châu Á mất giá theo.

Cùng lúc, FED lại tăng lãi suất, đã làm đồng USD lên giá so với các đồng tiền khác. Còn thời điểm này đồng NDT mất giá nhưng đồng thời có kỳ vọng FED cắt giảm lãi suất, nên áp lực giảm giá của nhiều đồng tiền so với USD không mạnh như trước.

Năm ngoái NDT mất giá 9% sau đó lên giá trở lại. Trong tháng 5 vừa qua, NDT mất giá 2,82%. Kể từ tuần trước, sau khi FED không điều chỉnh lãi suất và có kỳ vọng giảm trong nửa cuối năm nay, đồng USD mất giá so với các đồng tiền khác, trong khi NDT tăng giá 0,4%.

Tương tự trong tháng 5, khi NDT mất giá, VNĐ mất giá 0,46%. Những ngày gần đây khi USD mất giá, VNĐ cùng với các đồng tiền khác tăng giá trở lại. Theo tôi, ngay cả chiến tranh thương mại vẫn căng thẳng, nhưng do tác động việc nới lỏng chính sách tiền tệ của Mỹ, sẽ không có áp lực gây mất giá quá lớn đối với NDT và các đồng tiền châu Á khác, trong đó có VNĐ.

- Để hỗ trợ xuất khẩu, Trung Quốc nhiều lần phá giá NDT, còn Việt Nam không chủ trương phá giá đồng tiền. Vậy cần biện pháp gì để hỗ trợ DN xuất khẩu?

Vấn đề vĩ mô cần phải tính toán vì Việt Nam xuất siêu chủ yếu sang Mỹ và nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc.

TS. TRẦN DU LỊCH: - Trung Quốc phá giá NDT nhưng có giới hạn, vì giá trị đồng tiền là nền tảng niềm tin để giữ ổn định vĩ mô. Với Việt Nam, tôi đề xuất phải xử lý vấn đề này bằng con đường khác, không đặt vấn đề phá giá VNĐ để thích ứng xuất nhập khẩu.

Hiện nay nợ quốc gia, gồm cả nợ nhà nước và nợ DN bằng ngoại tệ đáo hạn hàng năm rất lớn, chỉ cần VNĐ mất giá 5-7%, nợ quốc gia bằng VNĐ sẽ tăng vọt. Nền công nghiệp nước ta vẫn chủ yếu nhập khẩu gia công, chi phí đầu vào sẽ tăng mạnh, do đó không nên đặt vấn đề phá giá VNĐ mà giải quyết chỗ khác, cân bằng, ứng phó, linh hoạt chỗ khác.

Dự kiến năm nay tỷ giá điều chỉnh 2%, nhưng vẫn cho phép di động lên trần nên cũng linh hoạt. Vấn đề là xử lý mối quan hệ giữa tỷ giá và lãi suất.

Theo đó, cố gắng tính toán thu hẹp lãi suất để hỗ trợ cho DN xuất khẩu, kèm theo những chính sách hỗ trợ giúp DN giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh.

- Về thương mại, Việt Nam đang chịu tác động như thế nào khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung càng ngày càng leo thang?

Trung Quốc không xuất được sang Mỹ với tốc độ tăng trưởng cao, nên xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

TS. NGUYỄN XUÂN THÀNH: - Với số liệu công bố gần đây của Tổng cục Hải quan về kim ngạch xuất nhập khẩu 5 tháng đầu năm 2019, có thể thấy được những thay đổi so với xu hướng những năm qua do tác động của cuộc chiến này.

Thứ nhất, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc tiếp tục giảm tốc, sức cầu yếu thị trường nội địa, dẫn tới xuất khẩu Việt Nam sang Trung Quốc giảm về giá trị tuyệt đối. Cụ thể, 5 tháng đầu năm giảm 1,5%, đã làm tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước có tốc độ tăng không cao trong nửa đầu năm nay. Dự báo năm 2019, xuất khẩu không tăng mạnh như 2017 và 2018, sẽ không còn là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Thứ hai, đi vào cụ thể các dòng thương mại, xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ tăng mạnh. 5 tháng đầu năm 2019, tổng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc tăng đến 10,8%, so với năm ngoái chỉ tăng trên 11%.

Đứng đầu là linh phụ kiện điện tử và tin học (trừ điện thoại thông minh). Các mặt hàng này trước đây Trung Quốc xuất sang Mỹ, nay Việt Nam nhập về. Chỉ trong 5 tháng đạt 5 tỷ USD, tăng 81% so với cùng kỳ năm ngoái. Cũng chủng loại mặt hàng này, Việt Nam đã xuất sang Mỹ tăng trên 70%.

Nhóm hàng thứ hai là máy móc thiết bị cơ khí, chế biến chế tạo, vừa là nhập mạnh từ Trung Quốc, đồng thời cũng xuất mạnh sang Mỹ với tốc độ tăng 30-40%.

Nhóm hàng thứ ba là các sản phẩm nội thất và sản phẩm khác từ nguyên liệu gỗ, nhập từ Trung Quốc và xuất sang Mỹ cùng tăng 35%. Điều này cho thấy Trung Quốc không xuất được sang Mỹ với tốc độ tăng trưởng cao, nên xuất sang các nước khác, trong đó có Việt Nam.

- Diễn biến trên đang làm dấy lên lo ngại về gian lận xuất xứ hàng hóa trong nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vậy cần có biện pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

TS. TRẦN DU LỊCH: - Để tránh xảy ra tình trạng hàng sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam dán nhãn xuất xứ Việt Nam, các cơ quan quan lý, DN phải kiểm soát chặt chẽ. Bởi nếu để xảy ra tình trạng này, Mỹ sẽ lấy đó làm cớ để trừng phạt thuế và lây lan sang những DN khác.

Trong chính sách của Chính phủ về kiểm soát đã cảnh báo, yêu cầu tăng cường quản lý vấn đề này, nhưng trên thực tế vẫn xảy ra một số trường hợp như vậy. Do vậy, để thực hiện không chỉ phía Nhà nước, vai trò của hiệp hội ngành nghề rất quan trọng vì không ai hiểu rõ DN bằng họ.

Đồng thời, các DN những ngành này cần có sự kiểm soát nội bộ, có tiếng nói chung để bảo vệ lợi ích chung. Đó là những vấn đề phải tiếp tục cảnh báo và ngăn ngừa, không chỉ với xuất khẩu mà ngay cả thị trường nội địa.

- Xin cảm ơn hai ông.

ĐỖ LINH (thực hiện)

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/kinh-te/cuoc-chien-thuong-mai-sau-15-thang-dinh-huong-chinh-sach-vi-mo-phu-hop-69679.html