Cuộc chiến với cường giáp của hoa hậu Trúc Diễm

Bặt tin thời gian dài, hoa hậu Trương Tri Trúc Diễm mới đây đã gây sóng dư luận khi bất ngờ tiết lộ cô bị cường giáp, khiến sức khỏe suy giảm phải ẩn mình điều trị. Một số diễn đàn mạng liền đó xuất hiện những suy đoán mức độ nguy hiểm của cường giáp đối với sự sống Trúc Diễm. Để bạn đọc có thêm thông tin về chứng bệnh này, chúng tôi ghi nhận ý kiến của bác sĩ.

Trương Tri Trúc Diễm sinh năm 1987, là người mẫu nổi tiếng, từng tham gia đóng phim, ca hát... Cô đoạt giải Á hậu 1 cuộc thi Hoa hậu Phụ nữ Việt Nam qua ảnh 2005, Hoa hậu thời trang cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2007 và top 15 Hoa hậu quốc tế 2011...

Sau khi kết hôn với Việt kiều Mỹ năm 2015, Trúc Diễm gần như bặt tin, mặc dù vợ chồng cô sống ở TP.HCM. Cho đến gần đây, khi cô xuất hiện làm vedette giới thiệu bộ sưu tập áo dài của nhà thiết kế Minh Châu tại tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân - Hè 2019, thì khán giả mới thấy gương mặt khác lạ, nghi ngờ cô phẫu thuật thẩm mỹ.

Trúc Diễm: “Lúc phát hiện bệnh tôi rất hoang mang...”

Chia sẻ với báo chí nguyên nhân khiến gương mặt thay đổi, Trúc Diễm cho biết giữa năm 2016 trong một lần đi siêu thị về, cô đột ngột ngã quỵ trước cửa nhà. Mãi lúc sau mới tỉnh dậy.

Cảm thấy bất an, Trúc Diễm đến bệnh viện khám tổng quát. Ban đầu bác sĩ không tìm ra bệnh gì. Tuy nhiên, tự nghiệm lại các biểu hiện bất thường gần đây, Trúc Diễm nhận ra sức khỏe có dấu hiệu xấu đi nhiều ngày trước đó mà không cảnh giác: cơ thể sốt nhưng lạnh về đêm, cổ họng đau, khó thở, tim đập loạn nhịp...

Trước đó nữa, cô bị ngất xỉu khi chụp hình ngoài nắng nhưng lại nghĩ đơn giản do suy nhược. Phải trải qua nhiều lần xét nghiệm, bác sĩ mới phát hiện Trúc Diễm bị hội chứng cường giáp do bệnh Basedown.

“Lúc đó tôi rất hoang mang bởi hầu như chưa biết hay có tìm hiểu nào về bệnh này. Khi khởi bệnh tôi giảm xuống 7kg trong một tuần, gầy rộc người, cơ thể như không còn sức sống. Nhớ lại thật sự rất kinh khủng, đến giờ tôi cũng không biết vì sao mình bệnh...”, Trúc Diễm kể.

Sau hơn ba năm ẩn mình điều trị cường giáp, Trương Tri Trúc Diễm tái xuất tại tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân - Hè 2019. Ảnh: Midori

Sau hơn ba năm ẩn mình điều trị cường giáp, Trương Tri Trúc Diễm tái xuất tại tuần lễ thời trang quốc tế Việt Nam Xuân - Hè 2019. Ảnh: Midori

Do phát hiện muộn, nên tình trạng cường giáp của Trúc Diễm khá nặng, đồng tử có biểu hiện bị lồi, thỉnh thoảng mờ, tay chân run, cơ thể luôn thiếu sức, không thể vận động nhiều, mất tập trung, hay quên, stress vô cớ...

Sau khi được bác sĩ tư vấn hiệu quả các phương pháp điều trị và khuyến cáo thực hiện sớm, Trúc Diễm đồng ý chọn cách xạ trị dùng đồng vị iod phóng xạ, kết hợp uống thuốc kháng giáp tổng hợp. “Sau xạ trị làm tiêu bướu độc, tôi phải đối diện với tình trạng suy giáp do tuyến giáp lúc này không còn. Vì suy giáp nên người hay mệt, tim đập chậm và mặt phù nề, tôi phải uống thuốc bổ sung thay thế chức năng tuyến giáp suốt đời.

Phải sau tám tháng điều trị và theo dõi trong một năm, sức khỏe tôi mới khả quan. Hiện mắt tôi đã bình thường, không lồi hay biến dạng gì. Tôi đã có thể sinh hoạt thoải mái, ba tháng một lần vào bệnh viện kiểm tra. Giờ tôi chỉ mong được bình yên sống và mau khỏe mạnh để sớm sinh con...”, Trúc Diễm nói.

Các triệu chứng nhận diện cường giáp

ThS-BS. Bùi Minh Đức (Trưởng Đơn nguyên nội chung Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City; nguyên Phó trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), cho biết cường giáp không phải tên một bệnh riêng biệt mà là hội chứng, tức có nhiều bệnh gây ra cường giáp, trong đó bệnh Basedow là phổ biến nhất.

“Cường giáp là một nhóm bệnh gây ra bởi tình trạng tăng tiết hormone tuyến giáp (triiodothyronine và thyroxin) dẫn đến các triệu chứng tim mạch, tăng chuyển hóa quá mức với các biểu hiện: tim đập nhanh, gầy sút cân...”, BS. Đức lý giải.

Nguyên nhân gây bệnh cường giáp theo thứ tự thường gặp là: bệnh Basedow (xảy ra ở phụ nữ (80%) tuổi từ 20-50, trong gia đình có người bị bệnh lý tuyến giáp); u tuyến độc giáp; viêm tuyến giáp; nhiễm các thuốc có chứa iod; nhiễm độc giáp tố giả. Những nguyên nhân hiếm gặp khác: chửa trứng - carcinoma đệm nuôi; khối u tuyến yên tiết quá nhiều TSH; carcinoma tuyến giáp; u quái giáp buồng trứng...

Các triệu chứng cảnh báo cường giáp: hồi hộp đánh trống ngực (cảm giác tim đập nhanh, mạnh trong lồng ngực, có thể cảm thấy đau ngực, khó thở...); sợ nóng (do mức chuyển hóa cơ bản cao, thân nhiệt người bệnh cao hơn bình thường); tiêu chảy (do nhu động ruột tăng thường xuyên); run tay (thường run với tần số nhanh và biên độ nhỏ); bướu cổ (vùng cổ nơi chứa tuyến giáp phình to, do tuyến giáp phì đại); sụt cân (dù chế độ ăn bình thường, thậm chí nhiều hơn thì vẫn sụt nhiều kilogram trong vòng một tháng); ra mồ hôi nhiều (cả khi không vận động, chỉ ngồi yên); thay đổi tính tình, dễ cáu giận, lo lắng; rối loạn giấc ngủ (khó ngủ, giấc ngủ không yên, giấc ngủ ngắn hơn bình thường); yếu mệt (mệt mỏi, giảm khả năng gắng sức, không muốn vận động nhiều)...

Nếu không điều trị kịp thời, cường giáp có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: biến chứng tim mạch (nhịp tim nhanh, các rối loạn nhịp nghiêm trọng hơn như rung nhĩ, có thể dẫn tới suy tim...); cơn bão giáp (khi hormone tăng quá cao, các triệu chứng đột ngột trở nên nặng nề, lúc này, tính mạng người bệnh có thể bị đe dọa); lồi mắt ác tính (trong cường giáp do bệnh Basedow người bệnh có thể bị lồi mắt, thường xuyên chảy nước mắt và nhạy cảm hơn đối với ánh sáng, hay kèm theo viêm kết mạc, tổn thương giác mạc)...

Phát hiện sớm, điều trị dễ

BS. Đức cho biết, để chẩn đoán cường giáp, xét nghiệm cần làm là định lượng TSH, FT3, FT4. Nếu bị cường giáp, kết quả xét nghiệm sẽ biểu hiện bằng tăng nồng độ FT4, FT3 và TSH giảm. Các cận lâm sàng khác như: siêu âm tuyến giáp, siêu âm doppler tuyến giáp... sẽ được bổ sung để đánh giá kích thước tuyến giáp và tìm nguyên nhân cường giáp.

Thông thường, khi phát hiện sớm cường giáp có thể được điều trị dễ dàng bằng các biện pháp nội khoa. Tức là người bệnh chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê toa. “Tuy nhiên, cần chú ý thời gian điều trị cần kéo dài liên tục 12-18 tháng, nên người bệnh không tự ý bỏ thuốc khi thấy không còn các triệu chứng của bệnh”, BS. Đức nói.

Bệnh sẽ cải thiện sau 2-4 tuần điều trị, các xét nghiệm chức năng tuyến giáp cũng dần hồi phục sau đó. Trong một số trường hợp, bướu cổ to gây ảnh hưởng thẩm mỹ, hoặc bướu tái phát nhiều lần, có thể giải quyết bằng phương tiện ngoại khoa hoặc uống đồng vị iod phóng xạ.

Cường giáp nói riêng và bệnh lý tuyến giáp nói chung có thể phòng ngừa được bằng một số biện pháp: dinh dưỡng hợp lý (ăn nhiều rau xanh và trái cây giúp cân bằng hormone tuyến giáp; bổ sung đầy đủ lượng iod cần thiết trong các bữa ăn hằng ngày, đặc biệt phụ nữ đang mang thai); tập thể dục thường xuyên; không tiếp xúc thuốc lá...

“Cường giáp là một tình trạng rối loạn hormone tuyến giáp, có nhiều biểu hiện lâm sàng, gây ra các rối loạn chuyển hóa, tác động đến toàn bộ cơ thể. Do đó, khi thấy các dấu hiệu cảnh báo cường giáp, người bệnh cần sớm đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng nguy hiểm”, BS. Đức lưu ý.

Vi Thoại - Nam Anh

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cuoc-chien-voi-cuong-giap-cua-hoa-hau-truc-diem-19383.html