'Cuộc chiến' vượt qua kỳ thị

Kỳ thị và phân biệt đối xử là một trong những rào cản lớn nhất trong 'cuộc chiến' phòng, chống HIV/AIDS, cũng như tước đi những quyền cơ bản của người nhiễm căn bệnh thế kỷ này. Bởi vậy, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS là vấn đề cần được cộng đồng quan tâm hơn nữa.

1. Banita Jena là một cô gái 26 tuổi sống tại thành phố Bhubaneswar, bang Orissa, Ấn Độ. Sau khi cưới hai năm, cô mang thai. Banita cảm thấy rất hạnh phúc khi chuẩn bị chào đón thành viên mới trong căn nhà mà cô sống cùng bố mẹ chồng. Đáng buồn, mọi việc diễn ra không suôn sẻ. Trong giai đoạn sắp sinh, cô bị chảy máu và phải 3 lần truyền máu. Banita sống sót và sinh được một bé gái. Tuy nhiên sau đó, đứa trẻ thường xuyên ốm. Các bác sỹ nghi đứa trẻ nhiễm HIV, bởi vậy khuyên Banita và chồng xét nghiệm HIV. Kết quả xét nghiệm cho thấy, Banita dương tính với HIV, trong khi chồng cô âm tính với HIV. Nhiều khả năng Banita nhiễm HIV vì bị truyền phải “máu bẩn” không qua xét nghiệm ở bệnh viện. Banita không phải trường hợp cá biệt bởi hàng nghìn người khác ở Ấn Độ cũng đã bị nhiễm HIV theo con đường này. Thế nhưng, chồng Banita cho rằng vợ mình quan hệ bất chính, làm điều sai trái nên mới nhiễm HIV. Anh ta lập tức bỏ mặc vợ và con trong bệnh viện. Khi Banita ôm con về, bố mẹ chồng đuổi cô khỏi nhà, chồng từ chối nhìn mặt vợ con. Biết được hoàn cảnh của Banita, tổ chức “Mạng lưới Kalinga cho người sống chung với HIV/AIDS” (KNP+) đã cố thuyết phục bố mẹ chồng Banita đón cô trở về nhà. Nhưng KNP+ không lay chuyển được sự kỳ thị của họ. Cuối cùng, đứa bé chết vì HIV/AIDS; Bania đòi được chút của hồi môn để duy trì cuộc sống.

Theo định nghĩa của Chương trình phối hợp của Liên hiệp quốc về HIV/AIDS (UNSAIDS), sự kỳ thị liên quan HIV/AIDS được mô tả như một “quá trình mất giá” của những người sống chung hoặc có quan hệ với những người bị nhiễm HIV/AIDS. Sự kỳ thị này thường có nguồn gốc từ việc liên hệ HIV/AIDS với những tệ nạn xã hội và thường đổ lỗi cho cá nhân người bệnh như: quan hệ tình dục bừa bãi, mại dâm hoặc tiêm chích ma túy…Đi sau kỳ thị là việc đối xử không công bằng với người bị nghi hoặc bị nhiễm HIV, do suy nghĩ sai lầm rằng HIV/AIDS là bệnh dễ lây lan qua tiếp xúc thông thường và là mối đe dọa cho cộng đồng. Phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS kéo theo sự vi phạm các quyền cơ bản của con người như: học tập, làm việc, chữa bệnh, tham gia các hoạt động và dịch vụ công cộng…

2. Renuca- 4 tuổi – là một đứa trẻ mồ côi sống ở Miyagulda, miền nam Ấn Độ. Trước đây, bố của Renuca lái xe tải, bị nhiễm HIV song giấu kín tình trạng bệnh của mình với gia đình. Sau khi vợ đầu chết vì bệnh liên quan AIDS, người lái xe này cưới em của vợ đầu, chính là mẹ của Renuca. Anh ta tiếp tục giấu kín việc bị nhiễm HIV, do vậy mẹ Renuca cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Một tư vấn viên thuộc tổ chức “Đoàn kết và Hành động chống lây nhiễm HIV tại Ấn Độ” (SAATHII) cho biết: “SAATHII có chương trình phòng chống lây HIV từ mẹ sang con. Bố mẹ Renuca đã xét nghiệm HIV. Song họ không uống thuốc kháng HIV (thuốc ART) và từ chối chữa trị vì muốn giấu HIV dương tính”. Hậu quả là mẹ của Renuca truyền nhiễm HIV sang Renuca trong quá trình mang thai, sinh con và cho con bú. Trước khi chết vì AIDS, bố mẹ Renuca sinh được hai con: Renuca và chị gái 6 tuổi. Chị của Renuca âm tính với HIV và được sống trong trại nuôi dưỡng tạm thời. Nhưng trại này lại không nhận nuôi Renuca khi biết em nhiễm HIV. Renuca phải sống nhờ vào sự chăm sóc của người anh họ Kodati – 28 tuổi. Kodati buồn rầu nói: “Renuca có đủ điều kiện để dùng thuốc. Song thật khó nói về điều gì sẽ xảy ra với em”. Sự thực tương lai Renuca rất bấp bênh, bởi Kodati là người lao động rất nghèo và còn phải nuôi con của chính anh.

Do sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử, người nhiễm HIV thường không dám tiết lộ tình trạng nhiễm HIV của bản thân với vợ/chồng hay bạn bè thân thiết. Cùng với việc thiếu thông tin, họ không áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; khi mắc bệnh, họ trì hoãn, thậm chí từ chối được đưa vào các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV. Hậu quả là họ có thể làm lây lan HIV sang người thân hoặc những người khác trong cộng đồng, như trường hợp gia đình Renuca. Theo thống kê của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), trong hơn 30 năm qua, khoảng 17 triệu trẻ em trên thế giới đã mất cha mẹ vì AIDS; 3,4 triệu trẻ em dưới 15 tuổi bị nhiễm HIV. So với trẻ em bình thường, các trẻ em nhiễm HIV thường ít có cơ hội đến trường, không được chăm sóc sức khỏe cẩn thận, không có những bữa ăn đầy đủ.

3. Banita Jena hiện là tư vấn viên của KNP+ ở một trung tâm điều trị HIV tại Ấn Độ. Cô tâm sự : “Tôi cố gắng sống khỏe mạnh hơn để truyền thông điệp tới những người nhiễm HIV và cộng đồng rằng: Đừng bao giờ mất hy vọng. Nhiều người không biết gì về HIV, họ chỉ biết về AIDS. Nhiều người bệnh không biết về quá trình điều trị HIV, cũng như thế nào là cuộc sống tích cực khi nhiễm bệnh”.

Khi Ashey 7 tuổi, cha mẹ của cô mới giải thích lý do cô phải uống thuốc và đến bác sỹ thường xuyên. Nhưng họ căn dặn rằng cô không được đề cập việc nhiễm HIV với bất kỳ ai khác. Ashey thắc mắc: “Tại sao con phải giữ bí mật? Con không làm điều gì sai cả”. Kể từ đó, Ashey bắt đầu thuyết trình để cộng đồng hiểu bản chất của HIV/AIDS và việc sống chung với căn bệnh này như thế nào. Năm 10 tuổi, Ashey tham gia nhóm hỗ trợ trẻ nhiễm HIV và thường xuyên nói chuyện tại các cuộc hội thảo về y học tại thành phố quê hương Toronto (Canada). Khi lên trung học, các bài diễn thuyết về HIV/AIDS của Ashey trở nên mạnh mẽ hơn. Năm lớp 10, trong loạt sự kiện “Ngày của chúng tôi” (WE DAY), Ashey đã nói chuyện trước hơn 165.000 người tại Thủ đô Ottawa. Sau sự kiện này, toàn bộ 700 học sinh ở trường trung học biết Ashey dương tính với HIV. Ashey nhớ lại: “Khi xây dựng được các mối quan hệ bè bạn, tôi không ngần ngại nói với họ rằng: Tôi nhiễm HIV, tôi sinh ra cùng HIV. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào, hãy để tôi biết. Đáng mừng là các học sinh phản ứng rất tích cực”. Với Ashey, công khai về việc mình bị nhiễm HIV chính là cách giúp ngăn chặn nạn bắt nạt, kỳ thị nhằm vào những đứa trẻ khác cũng mang bệnh như cô. Có thể thấy, nếu được hòa nhập với cộng đồng, những người nhiễm HIV như Banita và Ashey chính là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất để phòng tránh HIV/AIDS trong cộng đồng.

Thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử với những người nhiễm HIV là tình trạng không chỉ xảy ra ở những quốc gia kém phát triển hoặc đang phát triển mà còn xảy ra ở khắp các châu lục. Tại Mỹ, trước năm 2009 còn không cho phép người nhiễm HIV đến Mỹ, nhưng họ nhận ra rằng việc này chỉ làm tình hình thêm tồi tệ. Sự kỳ thị, phân biệt đa phần xuất phát từ cộng đồng, vì vậy việc nâng cao nhận thức đối với mọi người trong cộng đồng là một việc cần phải được triển khai nhanh chóng.

Trước Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1/12) năm nay, UNAIDS công bố một báo cáo cho thấy tới năm 2017, ¾ người nhiễm HIV (tương đương 75%) đã biết tình trạng bệnh của mình, tăng so với mức 67% năm 2015. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 9,4 triệu người chưa biết mình nhiễm HIV. Để chiến thắng trong “cuộc chiến” chống HIV toàn cầu, UNAIDS cho rằng “hiểu biết là sức mạnh”, đồng thời thúc giục tăng cường các dịch vụ xét nghiệm và điều trị HIV. UNAIDS cũng vừa công bố loạt phim sử dụng công nghệ thực tế để giới thiệu cho người trẻ hiểu về tầm quan trọng của xét nghiệm HIV.

Ông Michel Sidibé, Giám đốc Điều hành UNAIDS – khẳng định: “Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến những sáng kiến mang lại cuộc cách mạng trong phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, công nghệ không đảm bảo mọi người có thể tiếp cận dịch vụ xét nghiệm HIV mà họ cần làm. Sự kỳ thị và phân biệt đối xử phải bị đánh bại ở bất kỳ nơi nào nó diễn ra”.

Trước đó, năm 2016, các nhà lãnh đạo trên thế giới đã thống nhất và ra “Tuyên bố chính trị về kết thúc dịch AIDS”, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020, xóa bỏ kỳ thị và phân biệt đối xử liên quan đến HIV. Tuyên bố khẳng định mục tiêu này chỉ có thể đạt được khi có sự tham gia chủ động và mạnh mẽ của chính người nhiễm HIV và các nhóm cộng đồng.

Tính đến nay, HIV/AIDS đã cướp đi sinh mạng của hơn 35 triệu người trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến cuối năm 2017, khoảng 36,9 triệu người đang phải sống chung với HIV. Trong năm 2017, đã có 940.000 người thiệt mạng trên thế giới do các nguyên nhân liên quan đến HIV và 1,8 triệu ca nhiễm mới. Trong khi đó, 59% số người lớn và 52% số trẻ em sống chung với HIV đã được điều trị liệu pháp kháng retrovirus (ART) suốt đời.

Thiết kế: Thúy Hà

Võ Duy

Nguồn Ngày Nay: http://ngaynay.vn/special-today/cuoc-chien-vuot-qua-ky-thi-133114.html