Cuộc 'đại phẫu' của thép Gia Sàng

Sau nhiều năm ngừng hoạt động, máy móc thì biến mất, nhà máy bị ngân hàng siết nợ nay một hướng đi mới dành cho thép Gia Sàng đã được 'bật mí'.

Nợ và nợ...

Câu chuyện thép Gia Sàng (Thái Nguyên) từng ngẩng cao đầu trong ngành thép Việt Nam trong quá khứ, sản xuất kinh doanh vang bóng một thời. Nhưng quá khứ vẫn chỉ là quá khứ, nếu không thay đổi bắt kịp với thời đại thì tất cả sẽ vụt tắt.

Công ty CP Luyện cán thép Gia Sàng tiền thân là Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng do CHDC Đức giúp đỡ Việt Nam xây dựng, hoạt động từ năm 1975, từng được ví là “cánh chim đầu đàn” của ngành thép Việt Nam.

Đến năm 2007, công ty thí điểm thực hiện cổ phần hóa với vốn sở hữu Nhà nước 39,66%, vốn của cổ đông lớn hơn 40%; của cán bộ công nhân viên còn lại 19,34%.

Nhà máy thép Gia Sàng tan hoang vì lạc hậu.

Nhưng cho đến kỳ Đại đại hội cổ đông năm 2013, hàng trăm lao động của Gia Sàng đã chết lặng khi biết số nợ ngân hàng, nợ thuế, nợ nhà cung cấp, nợ công nhân viên… của công ty đã lên tới 121,3 tỉ đồng, trong đó nợ lương, bảo hiểm là hàng chục tỉ đồng.

Ngay sau đó là những tháng ngày tăm tối, Công ty Gia Sàng bị kiện ra tòa và buộc phải thanh toán khoản vay trên 38,8 tỉ đồng và lãi suất cho Ngân hàng TPCM Công Thương chi nhánh Thái Nguyên. Do không có khả năng chi trả, ngày 5.5.2014, Chi cục thi hành án dân sự Thái Nguyên ra quyết định cưỡng chế, kê biên, xử lý tài sản của Công ty Gia Sàng.

Cũng thời gian này, nhiều máy móc, thiết bị bị rút ruột, phá hoại, nhiều tài sản có giá trị hàng chục tỷ đồng đã bị tháo dỡ và tẩu tán… Các cơ quan pháp luật đã truy tố và đưa ra xét xử, phạt tù giam 5 đối tượng, trong đó có một phó chủ tịch HĐQT kiêm phó tổng giám đốc.

Nhà máy thép Gia Sàng vang bóng một thời...nay chỉ còn là đống đổ nát.

Ngày 23/12/2013, Bộ Công thương đã có văn bản số 11820/BCT trình Thủ tướng đề nghị thoái gần 40% vốn Nhà nước tại Gia Sàng nhưng đại diện cán bộ công nhân viên, số cổ đông nhỏ lẻ chiếm 20% đã có văn bản đề nghị Thủ tướng chưa bán 40% vốn nhà nước – chỗ dựa cuối cùng để Gia Sàng khôi phục sản xuất, người lao động có cơ hội tìm kiếm việc làm.

Không thể để người lao động mất việc làm, nợ nần, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Thái Nguyên phối hợp với tổ chức Công đoàn đã liên tục vào cuộc đưa ra các phương án để giải cứu nhà máy. Bước đầu, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - chi nhánh Thái Nguyên đã đồng ý chủ trương cắt giảm lãi suất, hoàn lại một phần tiền để chi trả ngay các khoản cấp bách cho cán bộ, công nhân viên nhà máy…

Không chỉ vậy, đến năm 2016, thông qua việc đấu giá tài sản, Gia Sàng đã có nhà đầu tư mới là Công ty CP thương mại Thái Hưng cùng cam kết mạnh mẽ: Đầu tư xây dựng cải tạo và khôi phục sản xuất Nhà máy Luyện cán thép Gia Sàng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và đảm bảo an ninh trật tự trên địa phương.

Tin tưởng có sự góp mặt của nhà đầu tư mới, thì việc khôi phục lại thời kỳ hưng thịnh của Gia Sàng là điều không thể không nghĩ tới. Bao niềm tin và hy vọng được đặt ra, tuy nhiên, số tiền 57 tỉ đồng thu lại từ việc đấu giá là không đủ để Gia Sàng chi trả các khoản nợ, đặc biệt là khoản nợ người lao động, quyền lợi cho người lao động khi mà chỉ riêng khoản nợ ngân hàng đã hàng chục tỉ đồng.

Nhà xưởng đã xuống cấp nghiêm trọng.

Không khuất phục trước khó khăn, ngày 28/12/2016, nhà máy hân hoan hoạt động trở lại sau hơn 3 năm đóng cửa. Tuy vậy, do công nghệ đã quá lạc hậu, thiết bị mất mát quá nhiều và không đồng bộ, nên sau đó không lâu, Gia Sàng lại...ngừng hoạt động trong nước mắt của người lao động cũng như lãnh đạo Công ty.

Đến tháng 7/2017, Ban lãnh đạo Công ty Gia Sàng họp bàn giải pháp và quyết định phải tìm phương án mới cứu nhà máy bằng việc đầu tư cải tạo nâng cấp dây chuyền công nghệ hiện đại hơn, đề xuất phương án cải tạo, nâng cấp gắn với di dời nhà máy, tổng đầu tư hơn 834 tỉ đồng để báo cáo chủ đầu tư là Công ty Thái Hưng triển khai thực hiện.

Đối với vị trí nhà máy Gia Sàng, Công ty Thái Hưng đã xin chủ trương để thực hiện một dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng và đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt tại Quyết định số 3669/QĐ-UBND ngày 23.11.2017.

Ngày 27.12.2017 của UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 4060/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/500) Khu tổ hợp Thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng.

Xây dựng mới toàn bộ nhà máy, di dời ra khu vực khác

Không quá ngạc nhiên khi chiến lược tự cứu mình của Gia Sàng đã ít nhiều vấp phải sự nghi kị từ một bộ phận dân chúng. Họ đặt câu hỏi vì sao không phục hồi nhà máy trên khu đất hiện nay?

Theo quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, dây chuyền mới phải đảm bảo công suất 500.000 tấn thép/năm trở lên; vị trí nhà máy hiện tại không đảm bảo và theo quy hoạch sẽ di dời các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm ra khỏi trung tâm thành phố. Vì vậy, việc di dời nhà máy gắn với cải tạo, đầu tư mới chính là giải pháp tối ưu nhất cho tất cả.

Song để triển khai một nhà máy mới tổng mức đầu tư hơn 800 tỉ đồng không thể là công việc một sớm một chiều. Và việc cho phép Công ty Thái Hưng triển khai dự án đầu tư trên 22ha diện tích nhà máy thép Gia Sàng cũ thành dự án Khu tổ hợp thương mại dịch vụ, trường học và nhà ở Gia Sàng cũng là lựa chọn phù hợp.

Qua tìm hiểu đến nay, địa phương này mới phê duyệt quy hoạch 1/500 và yêu cầu nhà đầu tư triển khai các bước chặt chẽ.

Quy luật tất yếu của sự phát triển cho thấy, một cơ sở công nghiệp lạc hậu từ thế kỷ trước lại nằm rất gần khu dân cư như Gia Sàng không thể không di dời ra khỏi thành phố.

Nhã Linh - Khắc Vân

Nguồn Pháp Luật Plus: http://phapluatplus.vn/cuoc-dai-phau-cua-thep-gia-sang-d69735.html