Cuộc đảo chính 'lãng xẹt' của Nữ hoàng ballet Anh

Suốt gần 40 năm là nữ hoàng của sân khấu ballet Anh và thế giới, nhưng Margot Fonteyn còn muốn hơn thế nữa, cô muốn trở thành Nữ hoàng của Panama.

Vẻ đẹp của "Nữ hoàng ballet" Margot Fonteyn. Ảnh: pinterest

Vẻ đẹp của "Nữ hoàng ballet" Margot Fonteyn. Ảnh: pinterest

Vẻ đẹp duyên dáng, nhạc cảm và kỹ thuật biểu diễn hoàn hảo, cùng sự đam mê toát ra từ mỗi bước chân, vũ công đó không ai khác chính là Margot Fonteyn. Từ khi còn là một cô bé tuổi teen ra mắt sân khấu ballet năm 1934 đến sự kết hợp hoàn hảo với Rudolf Nureyev, Margot Fonteyn được tôn vinh là vũ công ballet vĩ đại nhất, có lẽ là trong bất cứ thế hệ nào. Fonteyn, một cách tự nhiên, sinh ra là để múa.

Tuy nhiên, điều xảy ra ít tự nhiên hơn lại là nỗ lực của bà trong một cuộc “cách mạng” chính trị. Vào tháng 4/1955, Fonteyn dính líu vào vụ đảo chính nhằm đưa người chồng Panama của bà lên ghế quyền lực. Cuộc đảo chính bị đè bẹp chỉ trong vài giờ đồng hồ, đẩy truyền thông thế giới vào một loạt câu hỏi lạ lùng, chẳng hạn như vũ công Ballet Hoàng gia Anh liệu có cầm súng tham gia đảo chính hay không.

Dưới ánh đèn sân khấu

Margaret Evelyn Hookham sinh năm 1919 tại thị trấn Reigate vùng Surrey nước Anh, và khi Evelyn chỉ mới bốn tuổi, mẹ cô đã đăng ký cho con gái theo học lớp ballet cùng người anh trai. Cô bé Evelyn mê mải học múa suốt tuổi thơ, trong đó có cả khoảng thời gian 6 năm gia đình cô chuyển tới Trung Quốc.

Margot Fonteyn trong vai thiên nga đen, "Hồ thiên nga".

Từ năm 14 tuổi, Evelyn học tại trường ballet Sadler’s Wells danh giá ở London (ngày nay là trường Ballet Hoàng gia), nơi cô trở thành học sinh xuất sắc, luôn đóng vai nữ chính trong các vở vũ kịch, và mang nghệ danh Margot Fonteyn.

Khán giả và các vũ công khác đều mô tả kỹ thuật hoàn hảo của Fonteyn trong các vở ballet nổi tiếng như "Hồ Thiên Nga", hay vở múa biểu tượng năm 1939 "Aurora in The Sleeping Beauty".

Suốt thập niên 1940, Fonteyn hợp tác với hàng loạt vũ công ballet, các nhà soạn nhạc, biên đạo múa, trong đó có Sir Frederick Ashton, nhưng phải đến tour diễn vòng quanh nước Mỹ của Nhà hát Ballet Hoàng gia Anh, cô mới thực sự trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu ballet thế giới.

Margot Fonteyn trong vở "Hồ thiên nga".

Cuộc đảo chính "lãng xẹt"

Nhưng điều gì đã đẩy ngôi sao ballet dính líu tới chính trị?

Năm 1955, Fonteyn kết hôn với Tiến sĩ Roberto Emilio Arias, Đại sứ Panama tại Anh, và là con trai của cựu Tổng thống Panama, Harmodio Arias.“Tito” (tên thân mật của Roberto Arias), âm mưu lật đổ chính phủ Panama khi đó để nắm giữ quyền lực. Và với sự hưởng ứng của vợ, ông coi đây là một cuộc phiêu lưu chính trị mới.

“Cô ấy coi đó như là một trò đùa”, một người bạn của Fonteyn sau này tiết lộ và nói thêm rằng, Fonteyn đã mơ tưởng cô sẽ trở thành “Nữ hoàng của Panama”.

Nhưng mọi chuyện không dễ dàng như vậy. Vụ đảo chính thậm chí còn không được là một cuộc phiêu lưu hành động mà giống như một vở “hài kịch cẩu thả”.

Fonteyn về tới sân bay London sau cuộc đảo chính bất thành tại Panama. Ảnh: Getty Images

Theo kế hoạch lập sẵn, vào tháng 4/1959, cặp đôi Tito – Fonteyn sẽ cập bến du thuyền sang trọng của họ bên bờ biển Panama, kêu gọi người ủng hộ, thu thập vũ khí rồi chặn một đường cao tốc gần đó, vốn là cửa ngõ quan trọng của đất nước. Fonteyn trước đó thậm chí còn bay tới New York để đề nghị một người bạn làm trong ngành may mặc, may cho 500 bộ quân phục và dây đeo tay cho đội quân nổi loạn của chồng.

Nhưng cuối cùng đó là một thất bại quá chóng vánh. Fonteyn bị bắt giữ sau khi các ngư dân Panama báo cho nhà chức trách. Tito bỏ trốn, còn những sinh viên bị kích động tham gia đảo chính cũng bị bắt giữ.

Sau 24 giờ bị giam trong một nhà tù ở Panama City, Fonteyn bị trục xuất trở lại Anh. Tại đây, giới báo chí vây quanh cô để phỏng vấn. Khi một phóng viên hỏi liệu Fonteyn có mang theo súng, vũ công ballet danh tiếng cười lớn đáp lại: “Tôi sẽ không trả lời, vì anh có thể đoán được tôi có mang theo súng hay không!”.

Hầu hết mọi người đều cho rằng Fonteyn chỉ là một người cùng đi hoàn toàn vô tội và không hay biết vì về kế hoạch đảo chính của chồng. Tuy nhiên, hơn 50 năm sau, những tài liệu được công bố vào năm 2010 cho thấy Fonteyn đã chủ động tham gia vào âm mưu lật đổ chính quyền Panama.

Rudolf Nureyev trong vai Romeo khóc thương Juliet, do Margot Fonteyn đảm nhận, trong vở ballet "Romeo và Juliet" tại Nhà hát Ballet Hoàng gia ở London giữa những năm 1960. Ảnh: New York Times

Cặp đôi hoàn hảo

Nhưng nếu ai đó nghĩ rằng cuộc đảo chính là dấu hiệu kết thúc sự nghiệp của Margot Fonteyn, nhất là khi bà đã trên 40 tuổi, thì người đó đã lầm. Trên thực tế, điều tốt đẹp nhất với nữ hoàng ballet lúc này mới tới.

Ở thời điểm nhiều người nghĩ Fonteyn đã đến lúc phải giã từ sàn múa do tuổi tác, thì sự nghiệp của bà mới thực sự thăng hoa khi gặp được người bạn diễn tâm đầu ý hợp nhất. Đó là nam vũ công Rudolf Nureyev. Năm 1961, Nureyev là nghệ sĩ Liên Xô đầu tiên đào tẩu sang phương Tây nhân một chuyến lưu diễn và gây ra một vụ bê bối quốc tế khi anh xin tị nạn tại Paris.

Vẻ đẹp tuổi tứ tuần của "Nữ hoàng ballet" Fonteyn. Ảnh: Getty Images

Trước khi gia nhập Nhà hát Ballet Hoàng gia Anh, Nureyev từng múa với Fonteyn vào tháng 2/1962, lúc anh mới 24 tuổi còn bà đã 42. Họ trở thành một trong những sự kết hợp hoàn hảo và danh tiếng nhất trên sàn ballet. Sự kết hợp của hai người thành công rực rỡ, ngay vở ra mắt tại sân khấu Covent Garden đã biểu diễn được 23 suất. Và đó mới chỉ là bước khởi đầu.

Nhiều người coi Fonteyn và Nureyev là một cặp đôi ballet vĩ đại nhất trong lịch sử. Trở thành bạn thân (hoặc người yêu, như lời đồn), họ đã múa ballet cùng nhau trong suốt 17 năm tiếp theo, cho đến tận khi Fonteyn nghỉ hưu ở tuổi 61.

Margot Fonteyn năm 1958. Ảnh: pinterest

Bà dành phần còn lại của cuộc đời mình sống tại một trang trại chăn nuôi ở Panama để chăm sóc cho chồng - vốn đã trúng đạn và bị liệt vào năm 1964, và vẫn giữ liên lạc với Nureyev mỗi tuần.

Khoảng thời gian trước cái chết của ông Tito vào năm 1989, Fonteyn cũng được chẩn đoán mắc bệnh ung thư. Nureyev đã chi trả khá nhiều hóa đơn điều trị cho bà và mặc dù lịch diễn bận rộn, anh vẫn thường xuyên tới thăm bạn múa cũ trong thời gian bà bị bệnh. Fonteyn cuối cùng không qua khỏi, bà mất ở tuổi 71 tại một bệnh viện ở Panama City vào năm 1991.

Thu Hằng/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/ho-so/cuoc-dao-chinh-lang-xet-cua-nu-hoang-ballet-anh-20190827165646038.htm