Cuộc đào thoát có 1-0-2 khỏi trại hủy diệt Đức Quốc xã của cậu bé 15 tuổi

'Tôi nhớ hết. Tôi nghe thấy tiếng la hét cùng cực của những con người vô tội. Tất cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em... họ đều đang chết trong đau đớn.'

Chiều 14.10.1943, Sobibor: Cuộc đào thoát khỏi "địa ngục trần gian"

Trong hồi ức kinh hoàng của thế kỷ 20 mang tên Cuộc diệt chủng Holocaust do Hitler và Đức Quốc xã tiến hành, trại tử thần Sobibor ở miền đông Ba Lan vẫn còn là nỗi ám ảnh tột độ với những người còn sống: 260.000 người Do Thái vô tội đã bị giết hại.

Hoạt động trong 18 tháng, và đóng cửa rất lâu trước chiến thắng của quân Đồng minh vào tháng 5.1945, trại tử thần Sobibor - cũng giống như số phận của hàng trăm nghìn nạn nhân của nó - biến mất không một dấu vết.

Không chỉ chứng kiến những cái chết oan nghiệt, trại tử thần Sobibor còn là nhân chứng của cuộc nổi dậy của người Do Thái chống lại Đức Quốc xã.

Và cuộc đào thoát khỏi trại hủy diệt Sobibor ngày 14.10.1943 là sự kiện thành công duy nhất của những người Do Thái vô tội từng thực hiện tại những trại tập trung khác của Đức Quốc xã, cho phép hàng chục người sống sót, thoát khỏi "cỗ máy diệt chủng" của Hitler.

Đầu năm 1940, sau khi chiếm được một số quốc gia ở châu Âu, trùm phát xít Adolf Hitler ra lệnh xây dựng hàng chục trại lao động cưỡng bức tại Ba Lan.

Đức Quốc xã truy lùng và bắt hàng chục nghìn người Do Thái ở châu Âu rồi tống họ vào các trại lao động cưỡng bức nhằm thực hiện các công việc như phục vụ cho quân đội Đức, may quần áo, sửa chữa máy móc, đóng giày...

Tuy nhiên, đến năm 1943, song song với kế hoạch chế tạo "siêu bom hủy diệt", Hitler ra lệnh "Khử trùng xã hội Đức bằng cách loại bỏ hoàn toàn người Do Thái".

"Cỗ máy diệt chủng" mang tên Holocaust tại các trại tử thần có cùng một mẫu số: Truy lùng người Do Thái tại Đức, các nước châu Âu, đem đến các trại tập trung và nhốt hết vào phòng hơi ngạt. Kết cục, hàng triệu người Do Thái vô tội đã bị sát hại trong chiến dịch Holocaust vô cùng tàn bạo của Hitler.

260.000 người Do Thái vô tội đã bị giết hại tại trại diệt chủng Sobibor. Nguồn: Imdb

260.000 người Do Thái vô tội đã bị giết hại tại trại diệt chủng Sobibor. Nguồn: Imdb

Vào đầu tháng 10.1943, hay tin Đức Quốc xã sẽ san bằng trại hủy diệt Sobibor, đồng thời tiêu diệt cả tù nhân Do Thái nhằm che giấu tội ác diệt chủng của chúng trước thế giới, một nhóm tù nhân Do Thái đã bàn bạc với nhau tìm cách đào thoát khỏi trại.

Cuộc đào thoát khỏi "địa ngục trần gian" Sobibor diễn ra rất bài bản và có kế hoạch cụ thể:

Trước hết, họ cắt tất cả các dây điện thoại nhằm ngăn chặn khả năng liên lạc, báo động cũng như gọi viện trợ của quân SS (lực lượng vũ trang khét tiếng của Đức Quốc xã).

Vào lúc 16h chiều ngày 14.10.1943,

Cuộc tấn công đầu tiên được thực hiện. Tuy nhiên, kế hoạch nhanh chóng bị phát hiện sau khi nhóm tù nhân giết được 12 lính SS và chiếm được kho vũ khí nhỏ của chúng.

Một giờ sau...

Toàn bộ trại Sobibor bị đốt cháy. Vào thời điểm này, có khoảng 600 tù nhân còn sống sót nhưng chỉ một nửa trong số đó là thực hiện cuộc đào tẩu.

Nhóm tù nhân nổi dậy đã mở cổng chính của trại Sobibor và trốn thoát từ đó về phía khu rừng ở phía tây nam. Một nhóm khác thì phá hàng rào ở cổng bắc bằng mìn. Một vài người chạy thoát thành công, số còn lại bị đám lính SS bắt lại.

Giữa làn đạn, bom mìn, một nhóm tù nhân khác do sĩ quan trong Hồng quân Alexander Pechersky lãnh đạo đã phá hủy thành công hàng rào gần khu dân cư SS, đưa tù nhân chạy trốn thành công.

Quân Đức Quốc xã gầm lên tức giận. Chúng điều lính giết tất cả những ai còn sống. Những tù nhân còn sót lại ở trại đều bị lính SS bắn giết thẳng tay. Trại tử thần Sobibor, giống như những số phận cay nghiệt của người Do Thái, cũng biến mất không dấu vết, các hoạt động diệt chủng người Do Thái cũng ngừng hoàn toàn.

Sau 18 tháng hoạt động, tổng 260.000 người Do Thái vô tội đã bị giết hại tại trại tử thần Sobibor.

Sau cuộc nổi dậy của tù nhân, Thống chế SS Heinrich Himmler đã ra lệnh hủy diệt trại Sobibor. Tàn dư của trại được phủ kín bằng nhựa đường. Mọi dấu vết bị xóa sạch. Dù đã san bằng trại, về sau, các cuộc khai quật khảo cổ năm 2014 phát hiện các buồng hơi ngạt đã chứng minh tội ác của Đức Quốc xã.

Ký ức người còn sống

Năm 2010, tờ Independent của Anh thực hiện bài viết về việc làm chứng của Thomas "Toivi" Blatt trong phiên tòa xét xử John Demjanjuk (89 tuổi) ở Đức bị buộc tội đồng lõa trong vụ giết hại người Do Thái khi y làm bảo vệ tại trại hủy diệt Sobibor.

Ở tuổi 82, Thomas "Toivi" Blatt là một trong những người cuối cùng còn sống sót sau khi đào thoát thành công khỏi địa ngục Sobibor. Vết thương nhức nhối từ mảnh đạn găm vào hàm trong cái ngày tháng 10.1943 luôn nhắc ông không được quên tội ác tàn bạo của quân phát xít và bè lũ của chúng gây ra cho cả gia đình ông và những người Do Thái vô tội khác.

Thomas "Toivi" Blatt, một trong những người sống sót sau cuộc đào thoát khỏi trại Sobibor. Nguồn: Getty Images

"Địa ngục ấy đen tối như chính "đội quân áo đen" tàn bạo kia (đồng phục của lính SS là màu đen). Chỉ trong vài giây ngắn ngủi, các tù nhân Do Thái bị lùa ra khỏi thùng xe. Những tên bảo vệ, lính SS cầm roi, gào thét và dẫn họ lên một con đường gọi là "Himmelfahrtstr" (hay "đường lên thiên đàng") để đi về phía các buồng hơi ngạt.

Chúng (lính SS) ngược đãi chúng tôi. Chúng thẳng tay bắn những tù nhân mới và những người ốm yếu, không thể đứng dậy. Những người còn lại bị lột sạch đồ rồi đẩy vào phòng hơi ngạt chật chội." - Thomas "Toivi" Blatt nhớ lại.

Thomas "Toivi" Blatt, khi đó 15 tuổi, được giao việc đánh bóng giày ủng cho bọn SS, phân loại quần áo và cạo tóc cho các nữ tù nhân trước khi họ bị đẩy vào các buồng khí độc.

"Khi xe chở người Do Thái đến trại, một tên SS sẽ đứng ra và "ru ngủ" bằng luận điệu xảo trá rằng: Hắn ta sẽ xin lỗi về hành trình gian khổ và nói rằng, vì lý do vệ sinh nên mọi người cần tắm rửa sạch sẽ trước. Sau đó sẽ được giao việc."

Tất nhiên, chẳng có công việc gì cho họ hết, ngoại trừ cái chết!

"Chúng tôi nghe thấy tiếng xì của hệ thống van xả khí độc. Tôi nhớ hết. Và nghe thấy tiếng la hét cùng cực của những con người vô tội. Tất cả đàn ông, phụ nữ, trẻ em... họ đều đang chết trong đau đớn. Lúc ấy tôi đang sắp xếp quần áo, mọi hành động không thể lọt qua đôi mắt sắc lẹm của quân SS."

"Tôi biết bọn lính Đức ghê tởm bệnh tật và sự bẩn thỉu. Bởi thế, tôi luôn giữ quần áo của mình thẳng thớm, sạch sẽ. Viện cớ đi khắp nơi để chờ ngày trốn thoát.

Cơ hội đến vào tháng 10.1943. Một nhóm lính Hồng quân Do Thái đến trại.

Trong vòng hai tuần, họ lên kế hoạch cho một cuộc nổi dậy. Thomas "Toivi" Blatt đã hỗ trợ nhóm nổi dậy giết 12 tên sĩ quân SS bằng cách lừa riêng từng tên ra khu vực vắng người. Các tù nhân được chuyền rìu và dao nhằm giết lính SS khi chúng đến thu thập "chiến lợi phẩm" (là các vật dụng cá nhân có giá trị của người Do Thái).

Khi cậu bé Thomas "Toivi" Blatt 15 tuổi cùng nhóm nổi dậy chạy trốn khỏi trại, cậu cùng một người bạn nữa đã hối lộ một nông dân Ba Lan, cho phép họ trốn dưới sàn chuồng trại. Tuy nhiên, người nông dân nọ đã phát hiện hai người là tù nhân trốn trại và quyết định giết họ.

Anh ta nổ súng. Thomas "Toivi" Blatt bị trúng đạn nhưng không chết. Cậu giả vờ nằm im dưới sàn và tìm cách thoát thân sau đó. Những ngày sau đó, cậu chạy trốn trong rừng, lượm rác để kiếm đồ ăn sống qua ngày.

"Tôi không tìm cách để trả thù. Tôi cũng không quan tâm hắn ta [Demjanjuk] có vào tù hay không. Nhưng, thế giới cần phải tỏ những sự thật nghiệt ngã từng xảy ra tại địa ngục Sobibor. Là kẻ sống sót cuối cùng, Demjanjuk nên thú nhận, hắn ta biết rất nhiều." - Thomas "Toivi" Blatt, khi đó 82 tuổi, nói tại tòa.

25 năm sau cuộc nổi dậy, Siemion Rozenfeld, Alexander Pechersky (giữa) và Arkady Weisspapier chụp ảnh cùng nhau. Alexander Pechersky, một sĩ quan trong Hồng quân, là người lãnh đạo một nhóm nổi dậy. Ảnh chụp năm 1968. Nguồn: Jewishcurrents

Ngày nay, thế giới đã biết về cuộc diệt chủng tàn sát người Do Thái của Đức Quốc xã và Hitler. Chính cuộc nổi dậy thành công của nhóm tù nhân tại trại Sobibor đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho nhiều tác giả và nhà làm phim.

Đạo diễn người Pháp Claude Lanzmann đã làm nên bộ phim tài liệu dài 95 phút có tên "Sobibor, ngày 14.10.1943, 4 giờ chiều'' (2001) để tái hiện cuộc nổi dậy của nhân vật Yehuda Lerner, một trong những tù nhân giết lính gác Gestapo (cảnh sát mật của SS).

Ngày 20.4 vừa qua, đánh dấu tròn 130 năm ngày sinh của Adolf Hitler, Tạp chí Time xuất bản bài viết tựa đề: "130 Years After Hitler's Birth, He Continues to Live as a Symbol of Evil" (tạm dịch: Tròn 130 năm kể từ khi Hitler ra đời, hắn vẫn là hiện thân của Quỷ dữ), để nhắc về một tên trùm tàn độc, từng gây ra vết thương lớn cho nhân loại hồi thế kỷ 20.

Theo PV (Trí Thức Trẻ)

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dong-tay-kim-co/cuoc-dao-thoat-co-1-0-2-khoi-trai-huy-diet-duc-quoc-xa-cua-cau-be-15-tuoi-977900.html