Cuộc điều tra luận tội Tổng thống Mỹ bước vào giai đoạn mới

Chính trường Mỹ đang có những diễn biến kịch tính khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump do Hạ viện nước này tiến hành đã bước vào giai đoạn mới, với các cuộc điều trần công khai cùng sự tham gia của những nhân chứng quan trọng, bắt đầu từ ngày 13-11 (giờ Mỹ).

Ngày 12-11, Đảng Dân chủ Mỹ đã công bố danh sách bổ sung thêm 8 nhân chứng sẽ tham gia phiên điều trần công khai trong khuôn khổ cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Theo thông báo của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, từ ngày 19-11 tới, ủy ban này sẽ bắt đầu tiến hành phiên điều trần công khai đối với 6 quan chức gồm các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ tại Ukraine, trợ lý của Phó tổng thống Mike Pence cùng thành viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ... Trước đó, một thông báo của Đảng Dân chủ Mỹ cho biết 3 nhân chứng tham gia điều trần tuần này, từ ngày 13 đến 15-11, bao gồm Đại biện Mỹ tại Ukraine William Taylor, Phó trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và châu Á George Kent và cựu Đại sứ Mỹ tại Ukraine Marie Masha Yovanovitch.

Đại biện Mỹ tại Ukraine William Taylor-một nhân chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump. Ảnh: AP

Tuyên bố của Ủy ban Tình báo Hạ viện nhấn mạnh, Đảng Dân chủ đã "tiếp nhận tất cả các yêu cầu (của Đảng Cộng hòa) trong phạm vi điều tra luận tội", song không cung cấp thêm thông tin chi tiết. Thông báo trên được đưa ra hai ngày sau khi Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện Mỹ Lindsey Graham khẳng định cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump sẽ không hợp lệ, trừ khi Hạ viện thông báo danh tính của người tố cáo.

Trong khi đó, trước sức ép luận tội ngày càng tăng, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Đảng Cộng hòa liên tiếp lên tiếng chỉ trích cuộc điều tra là “một chiều”, “không công bằng” và là “cuộc săn lùng phù thủy lớn nhất trong lịch sử của Mỹ”. Cuối tuần qua, trên Twittercá nhân, nhà lãnh đạo Mỹ vẫn khẳng định ông không làm gì sai trái và nhấn mạnh cuộc điều tra luận tội mang nhiều động cơ chính trị. “Không có bất cứ hành động nào sai trái", ông Donald Trump nhấn mạnh. Tổng thống Donald Trump cũng khẳng định mạnh mẽ: "Họ muốn luận tội tôi bởi đó là cách duy nhất để họ chiến thắng. Nhưng họ sẽ không đạt được bất kỳ điều gì!". Ông Donald Trump cũng cáo buộc Đảng Dân chủ đang tìm kiếm những nhân vật "thù ghét" ông và lưu ý rằng ông không quen biết hầu hết các nhân chứng.

Việc Hạ viện Mỹ, hiện do Đảng Dân chủ kiểm soát, quyết định mở một cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump bắt nguồn từ cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hồi tháng 7 vừa qua. Các nghị sĩ Dân chủ cho rằng trong cuộc điện đàm này, ông Donald Trump đã gây sức ép để Ukraine tiến hành một cuộc điều tra tham nhũng đối với con trai của ông Joe Biden, cựu Phó tổng thống Mỹ đồng thời là ứng cử viên tổng thống tiềm năng nhất của Đảng Dân chủ trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng dự kiến diễn ra trong năm tới. Phe Dân chủ khẳng định đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông Donald Trump đang lạm dụng quyền lực và tìm kiếm sự giúp đỡ từ nước ngoài, nhằm giành chiến thắng trước các đối thủ trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Sau cuộc bỏ phiếu thông qua nghị quyết về các thủ tục điều tra luận tội đối với Tổng thống Donald Trump hôm 31-10, với kết quả 232 phiếu thuận và 196 phiếu chống, Hạ viện Mỹ chính thức mở ra một giai đoạn mới và công khai trong cuộc điều tra tổng thống. Nghị quyết trên thiết lập các quy tắc cho các phiên điều trần mở và việc thẩm vấn của các thành viên và nhân viên của các ủy ban điều tra đối với các nhân chứng. Theo các nghị sĩ Đảng Dân chủ, việc bỏ phiếu thông qua nghị quyết nhằm bảo đảm tính minh bạch và công khai của cuộc điều tra.

Đảng Dân chủ coi các phiên điều trần công khai là hết sức quan trọng để tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc bỏ phiếu luận tội chính thức chống lại nhà lãnh đạo Mỹ. Nếu ông Donald Trump bị luận tội ở Hạ viện Mỹ, vấn đề này sẽ tiếp tục được chuyển lên Thượng viện nước này, nơi các thượng nghị sĩ sẽ xem xét các bằng chứng và quyết định có phế truất tổng thống hay không. Ông Donald Trump sẽ bị buộc rời nhiệm sở nếu có ít nhất 2/3 thành viên Thượng viện Mỹ bỏ phiếu thông qua việc bãi nhiệm ông. Nhưng đây cũng không phải là điều dễ dàng khi Đảng Cộng hòa đang nắm tới 52/100 ghế tại Thượng viện. Thêm vào đó, cho tới thời điểm hiện tại, các thành viên Đảng Cộng hòa vẫn cho thấy lòng trung thành với ông chủ Nhà Trắng, và không mấy người tỏ ra hứng thú với chuyện phế truất tổng thống đương nhiệm.

Theo Reuters, lần cuối cùng người Mỹ chứng kiến thủ tục luận tội cách đây 20 năm, khi Đảng Cộng hòa đưa ra các cáo buộc chống lại tổng thống khi đó là Bill Clinton.

LÂM ANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-dieu-tra-luan-toi-tong-thong-my-buoc-vao-giai-doan-moi-599868