Cuộc điều tra xuyên quốc gia về những vụ phụ nữ mất tích và bị sát hại ở Canada

Cho đến ngày nay, việc thiếu dữ liệu cứng (có nghĩa là không ai biết chính xác có bao nhiêu phụ nữ và trẻ em gái bản địa đã bị sát hại hoặc mất tích trong những thập niên qua) gây khó khăn cho cuộc điều tra.

Nhưng một số thống kê được tổng hợp tiết lộ: 10% trong số phụ nữ được báo cáo mất tích là người bản địa (chiếm khoảng 4% dân số). Một nửa số vụ giết người mà trong đó hung thủ là một thành viên trong gia đình, nhưng phụ nữ bản địa cũng có khả năng bị giết bởi người mà họ không thân thiết gấp 1,4 lần.

Năm 2014, Cảnh sát Kỵ mã Hoàng gia Canada (RCMP) xác định có khoảng 1.200 vụ việc xảy ra từ năm 1980 đến 2012. Thực tế cho thấy những phụ nữ bản địa có nguy cơ bị tấn công thể xác và tình dục rất cao.

Cảnh báo không được chú ý

Sau hơn 2 năm làm việc, cuộc điều tra của RCMP về những vụ phụ nữ bản địa mất tích và bị sát hại đã kết thúc và báo cáo cuối cùng được phổ biến đến công chúng. Giới báo chí đã có cuộc tiếp xúc riêng với 2 trong số những phụ nữ đã chiến đấu trong nhiều năm để gây sự chú ý toàn cầu về bạo lực – đó là Beverly Jacobs và Terri Brown.

Đã gần 50 năm kể từ khi Helen Betty Ostern - một phụ nữ Cree (một tộc người bản địa) mơ ước trở thành giáo viên - bị bắt cóc và sát hại dã man gần The Pas thuộc tỉnh Manitoba miền Trung Canada. The Pas là một thị trấn bị chia cắt sâu sắc về chủng tộc giữa cư dân da trắng và bản địa, từng được mô tả là “thế giới xa cách nhau”.

Một poster tưởng niệm Tina Fontaine, cô gái bản địa trẻ tuổi bị giết hại năm 2014.

Một poster tưởng niệm Tina Fontaine, cô gái bản địa trẻ tuổi bị giết hại năm 2014.

Helen Betty Ostern là một thiếu nữ bản địa buộc phải rời khỏi cộng đồng xa xôi của mình, bị bốn người đàn ông chọn làm mục tiêu tấn công chỉ vì chủng tộc của cô, và một gia đình mòn mỏi chờ đợi công lý. Có lẽ cái chết của cô gái 19 tuổi là dấu hiệu báo trước những vụ án mạng tương tự sắp xảy ra.

Vào 15 năm trước, Tổ chức Ân xá quốc tế (AI) mô tả vụ tấn công và giết hại người phụ nữ trẻ nhút nhát là “một cảnh báo không được chú ý đến”. Bạo lực mà phụ nữ và trẻ em gái bản địa phải đối mặt bắt đầu gây chú ý khi một cuộc điều tra cấp quốc gia về những phụ nữ bị mất tích và bị sát hại kết thúc sau hơn 2 năm điều trần và lấy lời khai.

Robyn Bourgeois, nhà học thuật và hoạt động nghiên cứu về hoạt động phụ nữ bản địa ở Canada, nói: “Phải mất 40 năm mới có được khoảnh khắc hiện tại này nhờ phụ nữ bản địa lên tiếng nói mạnh mẽ về vấn đề này. Không có họ, chúng tôi sẽ không ở đây”.

Các nhà vận động bao gồm các thành viên gia đình nạn nhân đã vận động không mệt mỏi cho những người thân yêu đã mất của họ, cũng như gồm cả các nhà hoạt động vì công lý như Beverly Jacobs và Terri Brown - những người cũng bị mất các thành viên gia đình.

Đối với Jacobs, vụ sát hại chị em họ 21 tuổi của bà là Tashina vào năm 2008 là một bước ngoặt trong công việc đi tìm công lý.

Đối với Terri Brown, cái chết của chị gái 41 tuổi Ada Elaine năm 2001 là sự mất mát khủng khiếp luôn ám ảnh gia đình - người ta nói rằng cô đã bị sát hại và trường hợp của cô bị xử lý sai. Jacobs là một luật sư và nhà nghiên cứu chính của báo cáo AI về phân biệt đối xử và bạo lực đối với phụ nữ bản địa; và bà đã dành nhiều tháng đi khắp đất nước để gặp gỡ gia đình những phụ nữ mất tích hoặc bị giết hại.

Nữ luật sư cho biết: “Tại thời điểm đó, các gia đình nỗ lực làm tất cả những gì có thể. Họ là những người phổ biến các poster, và các cuộc tìm kiếm. Đó là quãng thời gian thực sự khó khăn cho lực lượng cảnh sát mà không nhận được bất kỳ câu trả lời nào”. Nỗ lực của Beverly Jacobs bắt đầu giống như một vụ án giết người khủng khiếp sắp sửa gây chấn động khắp thế giới.

Cuối cùng, cảnh sát đã bắt giữ Robert Pickton, một kẻ giết người hàng loạt săn lùng phụ nữ từ quận Downtown Eastside của Vancouver trong nhiều năm - nhiều nạn nhân của hắn ta là người bản địa.

Một cuộc điều tra cấp tỉnh sau đó đã chỉ ra sự thất bại và sai lệch mang tính hệ thống khiến Pickton giết hại phụ nữ trong suốt nhiều năm mà không hề bị bắt giữ. Robert Pickton cuối cùng đã bị kết án tù chung thân vì tội giết 6 phụ nữ. Ban đầu hắn ta bị buộc tội giết hại 26 phụ nữ trong tổng số 69 người mất tích trong suốt những năm 1980 và 1990.

Họ “có thể không tin, có thể lo sợ”

Terri Brown, một nhà hoạt động bản địa lâu năm và, giống như Jacobs - cựu Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ bản địa Canada (NWAC), là người đưa ra cảnh báo về “số phụ nữ khủng khiếp” biến mất không để lại dấu vết ở Vancouver.

Dưới sự lãnh đạo của Brown, NWAC hợp tác với các nhóm như AI, Kairos - một nhóm dựa trên đức tin - và các nhà thờ Anh giáo và Mỹ để tạo ra một chiến dịch nâng cao nhận thức quốc gia. Nhưng cuối cùng Brown nói rằng họ thường gặp phải sự thờ ơ từ nhiều người – tương tự như những gì đã xảy ra ở Vancouver.

Cũng có những khoảng trống đáng kể trong việc lưu giữ hồ sơ, khiến cho việc có được một bức tranh đầy đủ về bạo lực trở nên khó khăn. Từ đó, một số lý giải không chính thức về những vụ mất tích bí ẩn đã diễn ra. Ví dụ như tại Toronto, Amber O'Hara - một phụ nữ thuộc nhóm dân bản địa Anishinaabe và là nhà vận động tuyên truyền AIDS - bắt đầu soạn thảo một cơ sở dữ liệu trực tuyến. Và theo Brown, phụ nữ ở Downtown Eastside “làm việc rất tốt và họ đang giữ thông tin về số phụ nữ mất tích”.

Brown, lúc đó là Chủ tịch NWAC, quyết định cần phải thành lập một bản tổng hợp dữ liệu chính thức. Brown nhớ lại: “Tôi muốn lập cơ sở dữ liệu vì không ai tin chúng tôi. Nhưng chúng tôi không có tài nguyên, tôi đã tự nghiên cứu và trình bày nhưng người ta lại nói: Chà, sao bạn biết đó là sự thật? Vào thời điểm đó, chúng tôi nói có khoảng 500 phụ nữ thổ dân mất tích và bị sát hại”.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã hỗ trợ cuộc điều tra quốc gia về những phụ nữ bản địa mất tích nhằm thực hiện một trong những lời hứa trong chiến dịch tranh cử của đảng Tự do.

NWAC tìm kiếm nguồn tài trợ để thành lập nhóm gọi là Sisters In Spirit (SIS) - sáng kiến nghiên cứu và nâng cao nhận thức về tỷ lệ bạo lực cao chống phụ nữ bản địa. Tuy nhiên, Brown nhớ lại khi mang số liệu thống kê đến các cuộc họp với quan chức chính phủ - hoặc ngay cả với một số lãnh đạo người bản địa – mà chỉ gặp sự thờ ơ đến mức “những người chỉ ngồi đó và nhìn bạn, không trả lời, không nói bất cứ điều gì” cũng như “không được khuyến khích, không có được hỗ trợ của họ theo bất cứ cách nào đó”.

Brown cho rằng họ “có thể không tin, có thể sợ. Tôi không biết phải nói như thế nào”. Sau đó Robyn Bourgeois và Jacobs thử một chiến thuật khác - họ tìm đến vũ đài quốc tế. Brown bắt đầu nêu vấn đề tại các cuộc họp của Liên Hiệp Quốc (LHQ) và các nơi khác. Brown cho biết: “Tôi luôn đề cập đến vấn đề ở bất cứ nơi nào đặt chân đến. Nhưng, không phải ai cũng quan tâm. Bất chấp tất cả, tôi nghĩ đến một lúc nào đó sẽ có người chịu lắng nghe”.

Jacobs nhận định rằng chính quyền Canada sẽ không hành động gì cả và phát biểu: “Chúng tôi biết rằng các diễn đàn quốc tế sẽ mang lại sự chú ý chống lại chính quyền Canada. Ở cấp độ quốc tế, không có cơ chế thực thi. Cách duy nhất là mang lại sự bối rối cho đất nước”.

Sau đó, vào tháng 8-2014, tức 43 năm sau vụ sát hại Helen Betty Ostern và lần này là cái chết của một nữ sinh 15 tuổi tên là Tina Fontaine – vụ án mạng bắt đầu trở thành tiêu đề trên trang nhất các báo khắp Canada. Vụ giết người đã gây ra làn sóng phẫn nộ lan rộng khắp xã hội, dữ dội và đồng thời kích thích mọi người dũng cảm kêu gọi mở một cuộc điều tra cấp quốc gia.

Vào năm 2015, LHQ bắt đầu yêu cầu tiến hành một cuộc điều tra công khai, cũng như lập báo cáo chi tiết mang tính bước ngoặt của chính phủ Canada về sự hòa giải với người dân bản địa. Đó cũng là khoảng thời gian ông Justin Trudeau trở thành thủ tướng Canada sau khi giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử năm 2015.

Robert Pickton.

Jacobs nói: “Tôi đã quá tức giận. Sau cái chết của chị em họ, tôi chỉ cảm thấy mình bị bế tắc kinh khủng. Tôi cảm thấy như không đạt được điều gì cả”. Thậm chí, cuộc điều tra riêng của Brown và Jacobs còn bị mọi người chỉ trích. Jacobs cho biết họ chưa bao giờ thực sự có được sự tin tưởng của nhiều gia đình mất chị em hoặc mẹ hoặc con gái, và nhiều người không được đưa vào phiên điều trần công khai.

Terri Brown bình luận: “Các nhà điều tra đã nói chuyện với rất nhiều gia đình, khơi lên nhiều nỗi đau. Nhưng cuối cùng có ai bị bắt không? Nhất định phải có công lý. Những người đàn ông đó phải vào tù. Nếu họ không bị bỏ tù thì mọi số tiền bỏ ra đều mất trắng và tất cả những gì chúng ta nói đến đều không có giá trị, bởi vì công lý không được thực thi”.

Terri Brown và Beverly Jacobs cũng cảnh báo rằng, trong khi cuộc điều tra có thể kết thúc, tỷ lệ bạo lực vẫn cao. Jacobs cho rằng sự chữa lành vết thương thực sự sẽ đến từ những người Canada bản địa cương quyết đòi lại các giá trị văn hóa, ngôn ngữ và truyền thống của họ.

Theo Jacobs, Chính phủ Canada phải thực hiện các bước cụ thể để hòa giải và chịu trách nhiệm về các chính sách - từ trường học trong khu dân cư, đến hệ thống phúc lợi trẻ em và các vấn đề lâu dài xung quanh đất đai, các hiệp ước và hơn thế nữa - có hại cho phụ nữ bản địa.

Báo cáo cuối cùng

Trong nhiều năm, các nhà hoạt động và người dân bản địa đã nỗ lực thúc đẩy một cuộc điều tra của Chính phủ Canada về số lượng lớn phụ nữ bản địa đã mất tích hoặc bị giết chết nhưng con đường dẫn đến việc công bố báo cáo cuối cùng của cuộc điều tra cấp quốc gia không phải lúc nào cũng suôn sẻ.

Người dân tại một cuộc biểu tình ở Toronto năm 2014 yêu cầu tiến hành cuộc điều tra cấp quốc gia.

Cuộc điều tra - trị giá 92 triệu CAD (68 triệu USD) được tiến hành năm 2016 với nhiệm vụ xem xét sâu xa về các nguyên nhân xã hội, kinh tế, văn hóa, thể chế và lịch sử bạo lực chống phụ nữ và trẻ em gái bản địa.

Chính phủ Bảo thủ trước đó bác bỏ ý tưởng về một cuộc điều tra cấp quốc gia, nhưng Thủ tướng Justin Trudeau đã thực hiện lời hứa trong chiến dịch tranh cử và chỉ đạo các nỗ lực của nhà nước nhằm xác định phạm vi và mức độ của những vụ mất tích. Để đưa ra báo cáo về những phụ nữ bản địa bị sát hại, cuộc điều tra đã tổ chức 24 phiên điều trần trên cả nước.

Ít nhất có 2.380 người tham dự, bao gồm các thành viên gia đình của những người đã thiệt mạng hoặc mất tích. Thêm vào đó là lời khai từ gần 1.500 người, bao gồm các thành viên gia đình của những phụ nữ mất tích hoặc bị sát hại và những người sống sót sau bạo lực.

An An (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-interpol/cuoc-dieu-tra-xuyen-quoc-gia-ve-nhung-vu-phu-nu-mat-tich-va-bi-sat-hai-o-canada-548672/