Cuộc đời ăn chơi trác táng của vị hoàng đế đa nghi

Ham mê quyền lực, sợ mất ngai là nguồn cơn sinh tính đa nghi. Đó là bức chân dung rõ nét về Hajle Sellasje ở vương quốc Ethiopia trong tác phẩm 'Hoàng đế' của Ryszard Kapuściński.

Hoàng đế được phát hành lần đầu tiên vào năm 1978. Ngay sau khi cuốn sách được ra mắt, Ryszard Kapuściński được xếp ngang hàng với những tác giả hàng đầu thế giới ở thể loại báo chí văn học, như Norman Mailer, Truman Capote hay Bruce Charwin. Tác phẩm này cũng được ban giám khảo của Thư viện công cộng New York bình chọn là một trong 150 cuốn sách hay nhất thế kỷ XX.

Tác phẩm Hoàng đế lấy bối cảnh vương quốc Ethiopia trong thế kỷ XX, mà ở đó, chân dung của vị hoàng đế được hiện ra thông qua những lời kể từ chính quân thần thân cận. Họ là những người chiều chuộng, phục tùng vị hoàng đế Hajle Sellasje từ khi còn tấm bé, từ giấc ngủ, và từ cái ghế kê mông để ngài ngồi.

Những ý nghĩ về sự tôn kính nhất luôn thường trực trong mỗi cận thần. Hơn thế, họ sẵn sàng thỏa hiệp với bản thân để đổi lấy sự hài lòng của hoàng đế. Chính những ý nghĩ ấy đã biến họ trở thành cái xác không hồn. Và đó là minh chứng, là lời tiên tri cho một xã hội thiếu công bằng, nhiều thối nát và số phận bất trắc tất yếu sẽ xảy ra.

Cùng tuyến nhân vật với những cái tên là chữ cái, một thế giới với hai nền văn minh đối lập đã được mở ra rõ nét.

Thế giới của sự xa hoa trác táng

Như là một cách nhìn về quá khứ, câu chuyện về vị hoàng đế mở ra trong lúc nội chiến lên tới đỉnh điểm, khi con người đã không còn tin tưởng nhau nhưng nỗi sợ hãi về một quá khứ thì vẫn còn dư âm mạnh mẽ. Tác phẩm bắt đầu khi người kể được đảm bảo danh tính, hình dáng đều được giữ bí mật.

Tác phẩm Hoàng đế.

Tác phẩm Hoàng đế.

Vị hoàng đế muốn bảo toàn địa vị với tư duy: để những thần dân của mình sống trong đói khổ thì họ sẽ không có cơ hội và thời gian cũng như ý nghĩ phản bội. Có vẻ như, điều ấy đang đúng khi tất thảy những gì hoàng đế cần đều được đáp ứng. Tất thảy những gì sang trọng có trên thế giới mà đám hoàng gia cần có thì hoàng đế Hajle Sellasje cũng đã trang bị cho mình từ chiếc giường ngài nằm cho đến những chiếc xế hộp để đi (27 chiếc đủ loại thời đó) và cả những chuyến dã ngoại...

Trên chiếc giường của ngài, không ai được ngồi lên trừ chú chó có nòi Nhật. Chú chó này có quyền được động vào giày của các quan lớn nhỏ khi đang diễn ra các nghi lễ mà không ai được phép nhúc nhích hay chạm gì đến nó. Giẻ lau dùng để lau nước tiểu của chú chó là loại vải làm từ lụa tơ tằm hoặc sợi bông…

Thế nhưng, những điều ấy chưa bao giờ là đủ đối với một người đa nghi. Ông nghi ngờ cả chính hoàng hậu của mình. Rằng hoàng tử do bà đẻ ra không phải là con mình. Bản chất của mối nghi ngờ ấy đơn giản vì Hajle Sellasje không muốn ngôi vị của mình lọt vào tay ai.

Ông nghi ngờ rằng, trong bóng đêm đen tối kia sẽ có một thế lực nào đó sẽ ập ra và cướp ngôi của mình nên ông phải canh chừng. Bởi vậy mà, ban đêm ông ngủ rất ít. Ông đam mê địa vị của mình đến mức, sẽ chẳng có ai phù hợp hơn mình ngồi ở vị trí này.

Ngốc nghếch, bảo thủ đến đáng thương là bản chất con người vị hoàng đế Hajle Sellasje. Điều ấy đã khiến ông hoàn toàn không hiểu được rằng, hoàng đế cũng là con người và không thể nào tránh được quy luật của tự nhiên.

Hoàng đế, cái gì cũng thừa, duy chỉ có tấm lòng, sự quan tâm của hoàng đế đối với những quân thần, con dân của mình là thiếu.

Thế giới của sự đói khổ, lầm than

Trong Hoàng đế, hình ảnh những người dân nghèo khổ rất ít được xuất hiện qua các lời kể. Thế nhưng, mỗi lần xuất hiện là một lần nỗi khổ của họ được nhân lên. Họ đang nhún nhường, chịu đựng tất cả mọi thứ, mong đổi lại một cuộc sống yên bình.

Trong một bữa tiệc thết đãi của nhà vua, đối lập với sự trang hoàng xa hoa, hùng tráng trong cung điện là những bàn tay rón rén, những cặp mắt sợ hãi và những khuôn mặt nhớp nhúa khi phải ăn những đồ thừa từ hoàng cung.

Nhà văn miêu tả: Trong đêm tối dày đặc, trên lớp bùn đất mà dưới làn mưa nhẹ, có một đám đông những người ăn xin chân trần đứng sát vò nhau. Mấy người rửa bát trong cái nhà ném tạm cho họ các thứ còn lại trên bát đĩa. Tôi nhìn đám đông đang ăn lấy ăn để những đầu cám mẩu xương, thịt thừa do khách nhằn ra. Họ ăn ngon lành và chăm chú… bỏ sang một bên khía cạnh sinh học, còn cái đói thì được đáp ứng trong sự căng thẳng, cố gắng và thôi thúc….

Nhà văn Ryszard Kapuściński.

Khi quyền lợi bị xâm phạm, lòng kính trọng dần cạn, sự kiên nhẫn đạt tới giới hạn, hoài nghi bắt đầu dậy sóng. Những câu hỏi như: Mình đang sống vì điều gì? Tại sao cứ phải khổ sở sống với những nỗi sợ hãi bủa vây? Cái cuối cùng bản thân cần là gì? đã được đặt ra. Đúng như câu hỏi của tay phóng viên trong tác phẩm Cuộc sống của con người - nó giá trị ra sao?

Và những điều ấy là mầm mống để những cuộc đảo chính nổ ra để đi tìm giá trị.

Với lối hành văn hết sức tự nhiên, nhiều hình ảnh đắt giá, cách sắp xếp tuyến nhân vật hợp lý, tạo dựng tình huống độc đáo, Hoàng đế thuyết phục bạn đọc ngay từ những trang đầu tiên của tác phẩm.

Nhà văn Ryszard Kapuściński được tôn làm bậc thầy về thể loại phóng sự văn học không chỉ ở Ba Lan mà trong văn học thế giới với rất nhiều tác phẩm đã được dịch ra nhiều thứ tiếng.

Năm 2018, bản dịch tác phẩm Hoàng đế của Nguyễn Chí Thuật nhận giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, hạng mục dịch. Đại sứ Cộng hòa Ba Lan tại Việt Nam, Barbara Szymanowska đã nhận xét: Những cuốn sách nổi tiếng của Ryszard Kapuściński như Hoàng đế hay Gỗ mun là những tác phẩm chứa đựng chuẩn mực của ngành báo, vẫn xứng đáng để chúng ta đọc và thưởng thức cách thức tác giả kể chuyện. Ẩn sau những sáng tác của ông là một sự tò mò về thế giới và con người.

Ý An

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/cuoc-doi-an-choi-trac-tang-cua-vi-hoang-de-da-nghi-post933454.html