Cuộc đời 'bà trùm' nhà thổ Australia

Tilly Devine từng hành nghề mại dâm trong một khu ổ chuột ở London (nước Anh), trước khi chuyển đến Australia gây dựng chuỗi nhà thổ.

Big Jim và vợ cũ, Tilly Devine.

Big Jim và vợ cũ, Tilly Devine.

Tại đây, Tilly Devine kinh doanh chuỗi nhà thổ hút khách và trở thành một trong những trùm tội phạm quyền lực nhất Sydney.

Lớn lên trong khu ổ chuột

Tilly Devine thường xuyên phải hầu tòa vì tội hành hung.

Tilly Devine, tên thật là Matilda Mary Twiss, sinh ngày 8/9/1900 tại Camberwell, phía Nam thủ đô London, Anh. Nơi đây là một trong những khu ổ chuột tồi tệ, bẩn thỉu nhất London. Người dân sống trong tình cảnh cơ cực bởi nghèo đói và bạo lực đường phố.

Năm 12 tuổi, Tilly bỏ học và làm gái mại dâm tại một nhà thổ có tiếng tại khu ổ chuột. Tuy nhiên, sau một thời gian, cô gái trẻ quyết định trốn khỏi nhà thổ và tìm cách thay đổi vận mệnh cuộc đời.

Trẻ trung, hoạt bát và xinh xắn, Tilly thường xuyên xuất hiện bên ngoài các nhà hát ở khu vực West End, thủ đô London, nơi tụ tập của tầng lớp trung, thượng lưu trong thành phố.

Ít lâu sau, Tilly lọt vào “mắt xanh” của Edward Joseph Devine, thường gọi là Jim, đặc quân người Australia làm việc cho Lực lượng Đế quốc Australia. Hai người kết hôn vào ngày 12/8/1917, khi Tilly bước sang tuổi 15. Dù vậy, cuộc hôn nhân của họ không phải màu hồng lãng mạn.

Jim là kẻ nghiện rượu và thường xuyên đánh đập, hành hạ Tilly. Biết cô từng là gái mại dâm, hắn bắt Tilly tiếp tục đi theo con đường này bởi vẻ bề ngoài giúp cô kiếm được kha khá tiền. Tháng 10/1918, Tilly bị cảnh sát bắt vì hành nghề mại dâm trên đường phố Strand và phải bỏ tiền chạy chọt để không phải ngồi tù.

Hai năm sau, hai vợ chồng Jim chuyển đến sống tại Sydney, Australia còn con trai nhỏ của họ, Frederick, ở lại London với ông bà nội. Cả hai thuê căn hộ nhỏ trên đường Glenmore, Paddington, một khu ổ chuột tồi tàn với những căn nhà xập xệ.

Nằm ở khu vực ngoại ô, Paddington cũng là nơi thế giới ngầm Australia phát triển. Đường phố đầy rẫy những tên tội phạm đầu cạo trọc buôn bán ma túy. Jim và Tilly rất nhanh chóng bắt nhịp với nơi ở hỗn loạn này.

Tilly tiếp tục hành nghề cũ. Với vẻ ngoài quyến rũ, lối nói chuyện phóng đãng, Tilly là gái mại dâm được trả tiền cao nhất trong khu ổ chuột. Còn Jim trở thành ma cô, người bảo vệ, tài xế riêng cho Tilly. Lấy biệt danh là “Big Jim”, hắn ta cũng phối hợp với các băng đảng để bán thuốc phiện, cocaine bất hợp pháp.

Tuy nhiên, công việc này khiến họ không ít lần gặp rủi ro. Trong giai đoạn 1921 – 1925, Tilly từng bị bắt giữ 79 lần vì tội mại dâm. Tilly cũng bị buộc tội cấu kết với những tên tội phạm khét tiếng.

Thời gian trôi đi, nhan sắc của Tilly dần phai nhạt nên cô quyết định chuyển hướng “kinh doanh”. Theo Đạo luật Vi phạm của bang New South Wales năm 1908, đàn ông điều hành nhà thổ, làm ma cô hoặc kiếm lời từ việc bán dâm được coi là hành vi phạm tội. Lợi dụng kẽ hở khi luật này không nhắc đến phụ nữ, Tilly “chớp lấy thời cơ” trở thành bà chủ nhà thổ.

Lách luật để kinh doanh

Tilly Devine và Kate Leigh (trái) tương đối hòa hợp sau đàm phán về ngừng giao tranh.

Vào cuối những năm 1920, Tilly là chủ sở hữu của chuỗi nhà thổ nổi tiếng trên khắp Surry Hills, Darlinghurst, Paddington và Woolloomooloo, đều nằm ở Sydney. Cô ta thuê lực lượng đông đảo những người đàn ông phạm tội làm bảo vệ và vệ sĩ túc trực 24/7 ở các nhà thổ.

Theo lời kể của các cô gái mại dâm từng làm việc cho Tilly, cô ta là một bà chủ “tương đối nhân từ”. Tilly yêu cầu các cô gái trung thành, trung thực và thường xuyên khen thưởng những người làm việc chăm chỉ và giao nộp các khoản tiền kiếm được. Gái mại dâm được cung cấp thức ăn, chỗ ở, chăm sóc y tế, thậm chí, được bảo vệ khỏi những khách hàng bạo lực.

Tuy nhiên, Tilly rất tàn nhẫn với những nhân viên dám che giấu “quỹ đen”. Trước khi sa thải họ, cô ta sẽ đánh đập, làm bị thương mặt hoặc các bộ phận trên cơ thể nhân viên coi như quà chia tay.

Năm 1943, Tilly bị buộc tội vì đã đâm một nhát dao vào mặt Ellen Grimson, một gái mại dâm do Tilly thuê làm việc. Cô ta được tha bổng sau khi khai rằng chỉ đánh Grimson để tự vệ.

Kinh doanh nhà thổ, Tilly bắt đầu làm quen và hợp tác buôn bán ma túy với các băng đảng tội phạm tại Sydney. Và cô ta cũng bắt đầu xây dựng băng đảng riêng của mình với những thành viên đầu tiên là đội vệ sĩ cho nhà thổ. Sau đó, cô ta chiêu mộ thêm nhiều kẻ bất hảo, sống trên đường phố Sydney và đã nằm lòng những nguồn cung ma túy và đường dây buôn bán ma túy.

Băng đảng của Tilly còn được gọi là “băng đảng dao cạo”, phương thức phạm tội phổ biến lúc bấy giờ. Những tên tội phạm thường sử dụng dao cạo để tấn công và cắt cổ đối phương.

Thời điểm đó, buôn bán ma túy là hoạt động kinh doanh ngầm phát triển mạnh, mang lại những khoản tiền kếch xù. Kinh doanh phát đạt, Tilly dần trở thành một trong những trùm tội phạm nổi tiếng tại Australia và còn được gọi là “Nữ hoàng của Woolloomooloo” vì nơi đây có nhiều nhà thổ do cô ta quản lý.

Giàu lên nhanh chóng, Tilly cũng rơi vào “tầm ngắm” của nhiều người. Đặc biệt trong số đó phải kể đến Kate Leigh, bà chủ một chuỗi nhà thổ vốn đã vang danh từ khi Tilly còn hành nghề mại dâm. Nếu Tilly bắt tay với các tổ chức buôn bán ma túy, Kate kinh doanh rượu bất hợp pháp.

Luật pháp Australia cấm bán rượu sau 6 giờ chiều nhưng Kate đã xây dựng một thị trường kinh doanh ngầm vào buổi tối. Tuy nhiên, sự xuất hiện của Tilly khiến việc kinh doanh của Kate bị thu hẹp. Hai bên từng nhiều lần giao tranh trên đường phố do tranh chấp kinh doanh và địa bàn.

Năm 1929, Tilly được cho là có xích mích với bạn của Kate là Vera Lewis. Cùng năm, băng đảng của Kate phục kích và tấn công hai đàn em của Tilly, những người này đã chạy đến nhà của Tilly để thoát khỏi sự đeo bám. Khi băng đảng của Kate kéo tới nhà Tilly lúc nửa đêm, Big Jim đã bắn chết George Gaffney, cánh tay phải của Kate.

Big Jim không bị buộc tội giết người với lý do hắn ta ra tay để bảo vệ gia đình mình. Tuy nhiên, vụ việc đã đẩy sự cạnh tranh của Tilly và Kate lên đỉnh điểm.

Đến năm 1936, các cuộc giao tranh của họ xảy ra ngày một nhiều và khốc liệt hơn, ảnh hưởng đến cả thường dân. Cảnh sát Sydney buộc phải đàm phán với cả Tilly và Kate. Nếu họ dừng các cuộc chiến trên đường phố, cảnh sát sẽ làm ngơ trước công việc kinh doanh bất hợp pháp của họ.

Cả hai chấp thuận và ngừng giao tranh. Từ đó, những khu ổ chuột tại Sydney mới lấy lại được sự yên tĩnh.

Cuộc chiến băng đảng kết thúc nhưng trong những năm 1930, Tilly thường xuyên hầu tòa vì tội hành hung, phạm tội hay gây rối. Tuy nhiên, cô ta luôn xuất hiện lộng lẫy tại tòa án trong những bộ đồ bằng lông mềm, đeo những viên kim cương to như giọt nước cùng mái tóc xoăn. Ở người phụ nữ hiện lên vẻ sang trọng, lạnh lùng, quý phái khác hẳn với không khí căng thẳng tại tòa án.

Những cuộc hầu tòa của Tilly thu hút nhiều người dân địa phương vì hiếu kỳ, vì thích thú đến xem. Họ thậm chí còn dựng lại những sự kiện này trong các chương trình biểu diễn nhạc kịch, âm nhạc địa phương.

Cái chết đơn độc

Tilly Devine chết trong cảnh nghèo khó và cô độc.

Chiến tranh Thế giới thứ 2 kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng nặng nề đến Sydney, trong đó có công việc kinh doanh của Tilly. Tuy nhiên, với sự xuất hiện của hàng nghìn lính Mỹ, các nhà thổ đã nhộn nhịp trở lại. Lúc này, dù đã sang tuổi tứ tuần, Tilly vẫn nắm giữ vị trí người phụ nữ quyền lực nhất thế giới ngầm Sydney.

Năm 1943, Tilly bất ngờ đệ đơn ly hôn Big Jim với lý do đã phải chịu đựng người chồng bạo lực gia đình suốt 27 năm. Một thời gian sau, Tilly rơi vào lưới tình của Eric Parsons, người đàn ông kém cô ta vài tuổi. Tuy nhiên, tháng 2/1945, trong một lần say xỉn rồi cãi vã, Tilly đã bắn Parsons nhưng anh ta chỉ bị thương. Ba tháng sau họ kết hôn và cùng nhau trải qua cuộc hôn nhân kéo dài 12 năm.

Tháng 10/1955, Sở Thuế Australia yêu cầu Tilly nộp 20 nghìn USD tiền thuế và tiền phạt thu nhập chưa thanh toán. Bất chấp nhiều lần kháng cáo, Tilly buộc phải bán nhiều tài sản để bù lấp khoản tiền. Công việc kinh doanh theo đó mà lao dốc. Đến năm 1959, Tilly, người từng được mệnh danh là “Nữ hoàng của Woolloomooloo” chỉ còn một nhà chứa tại Phố Palmer.

Năm 1968, cơ sở này buộc phải đóng cửa do các băng đảng tội phạm mới nổi tìm cách độc quyền việc kinh doanh mại dâm tại phía Đông Sydney và tìm cách chèn ép “nữ hoàng”. Cùng năm, luật cấm đàn ông kinh doanh mại dâm đã được sửa đổi, trong đó đã bổ sung thêm phụ nữ.

Thời thế đã thay đổi. Hầu hết các băng đảng tội phạm cấu kết với Tilly đều đã lụi tàn, những đàn em của bà ta hoặc đã chết hoặc đã “rửa tay gác kiếm”. Một thế hệ băng đảng đường phố mới trỗi dậy. Chính vì vậy, việc kinh doanh “vang bóng một thời” của Tilly cũng đi đến hồi kết.

Từng là một trong những người phụ nữ giàu có và ăn chơi bậc nhất Sydney, Tilly Devine chết trong tình cảnh nghèo khó và đau đớn. Bà ta bị bệnh viêm phế quản mãn tính và ung thư giai đoạn cuối. Tilly qua đời vào 24/11/1970.

Rất ít người dân Sydney bày tỏ thương tiếc cho sự ra đi của một người từng là “tâm điểm” giải trí. Tờ Daily Telegraph có đăng tải một đoạn cáo phó cho Tilly như sau: “Một người phụ nữ độc ác, tàn bạo, lộng hành và vô sỉ đã qua đời trong đơn độc, không có bạn bè. Thật đáng thương. Nhưng chẳng ai muốn bà ta quay trở lại. Cuối cùng thì bà ta là một người phụ nữ khốn khổ”.

Tuy nhiên, dù đã qua đời, câu chuyện về Tilly Devine vẫn truyền cảm hứng cho nhiều tác phẩm nghệ thuật. Cuộc đời của Tilly được tái hiện qua vở kịch “The Slaughter of St. Teresa’s Day” (tạm dịch: Ngày tàn sát Thánh Teresa) do Peter Kenna biên kịch và cuốn sách “Tilly Devine, Kate Leigh and the Razor Gangs” (tạm dịch: Tilly Devine, Kate Leigh và các băng đảng dao cạo”) của nhà văn Larry.

Anh Khoa (TH)

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cuoc-doi-ba-trum-nha-tho-australia-post610269.html