Cuộc đời bi kịch của người phụ nữ tìm ra phương pháp trị bệnh phong

Mỹ - Alice Ball qua đời ở tuổi 24. Chỉ một năm, nhà khoa học khác đã đánh cắp công trình điều trị bệnh phong của bà. Phải hơn nửa thế kỷ sau, câu chuyện mới sáng tỏ.

Alice Ball là một nhà Hóa học người Mỹ gốc Phi nổi tiếng, người đã có những đóng góp đáng kể cho lĩnh vực y học vào đầu thế kỷ 20. Cuộc đời của bà được là một chuỗi bi kịch từ ngày ấu thơ.

Tuy nhiên, sự kiên trì và cống hiến hết mình cho khoa học đã giúp bà phát triển một phương pháp điều trị đột phá cho bệnh phong, cứu sống hàng ngàn người và mở đường cho những tiến bộ trong tương lai của y học.

Alice Ball (1892-1918)

Alice Ball (1892-1918)

Một loạt những cái đầu tiên

50 năm trước khi những người phụ nữ đầu tiên có thể bước qua được ngưỡng cửa của các trường Ivy League, Alice Augusta Ball đã lấy bằng thạc sĩ, trở thành người phụ nữ đầu tiên và người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên theo học tại Đại học Hawaii (UH).

Ball sinh ra ở TP Seattle (bang Washington, Mỹ) vào năm 1892. Cái chết đột ngột của cha khi bà mới 16 tuổi là một đòn giáng nặng nề đối với gia đình, khiến họ lâm vào cảnh khó khăn về tài chính. Mặc dù vậy, Alice vẫn quyết tâm theo đuổi con đường học vấn và đăng ký theo học ngành hóa dược tại Đại học Washington.

Sau đó, bà nhận được học bổng thạc sỹ tại Đại học Hawaii (UH) và công tác tại đây. Là nữ giảng viên đầu tiên của Khoa hóa học UH, công việc chiết xuất và biến đổi dầu từ cây đại phong tử của bà vào năm 1916 đã dẫn đến phương pháp điều trị đầu tiên cho bệnh phong, mang lại hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân vốn trước đây chỉ biết đến tuyệt vọng, theo UH Foundation.

Vào thời điểm đó, phương pháp điều trị duy nhất cho bệnh phong là dầu đại phong từ. Tuy nhiên, dầu rất khó bảo quản và thường gây ra phản ứng phụ nghiêm trọng cho bệnh nhân.

Nghiên cứu của Ball đã dẫn đến phương pháp điều trị bằng đường tiêm đầu tiên. Phương pháp của bà đã thành công trong việc điều trị bệnh phong và nhanh chóng trở thành phương pháp mẫu mực cho căn bệnh này cho đến những năm 1940 khi thuốc Dapson được phát triển.

Suýt bị lịch sử lãng quên

Năm 1916, ở tuổi 24, Ball qua đời một cách đột ngột sau khi gặp biến chứng do hít phải khí clo trong một tai nạn giảng dạy ở phòng thí nghiệm. Khi đó, bà chưa kịp công bố những thành quả nghiên cứu mang tính cách mạng của mình.

Phương pháp Ball (Ball Method) đã mở đường cho những tiến bộ trong điều trị bệnh phong sau này.

Tuy vậy, vào năm 1922, một bài báo khoa học trên một tạp chí y khoa ít người biết đến đã mô tả một loại thuốc sẽ giúp cách mạng hóa việc điều trị bệnh phong ở Hawaii.

“Hai người đàn ông đã đánh cắp công trình của Ball và không ghi nhận những đóng góp bà. Đó là Arthur Dean, Hiệu trưởng Đại học Hawaii và Richard Wrenshall, giáo sư hóa học”, Sibrina Collins, Giám đốc điều hành của Trung tâm Marburger STEM tại Đại học Công nghệ Lawrence (Mỹ), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The New York Times.

Arthur Dean đã lợi dụng nghiên cứu của Ball và đặt tên là: Phương pháp Dean (Dean Method). Ông cũng sản xuất loại thuốc này với số lượng lớn tại Đại học Hawaii, vận chuyển trong và ngoài nước. Phát minh ăn cắp này là bước đột phá đầu tiên và duy nhất của ông vào lĩnh vực hóa dược.

Phải mất hơn nửa thế kỷ sau, Ball mới nhận được ghi nhận cho thành tựu của mình. Hollmann – người ban đầu khuyến khích Ball phân lập các thành phần hoạt tính từ thiên nhiên để điều trị bệnh phong – đã lên tiếng về vấn đề này. Năm 1922, ông xuất bản một bài báo 44 trang đề cập đến các nghiên cứu của Ball. Ông nêu rõ Ball mới là người đầu tiên điều chế thành công loại thuốc tiêm chữa bệnh phong thay vì Dean.

“Thật hoài phí tài năng khi Ball qua đời ở độ tuổi đôi mươi”, Phó giáo sư kỹ thuật sinh học Gregory Petsko tại Trường Y Harvard thương tiếc. “Hầu hết các nhà hóa học không đạt được bước tiến cho đến khi họ 30 hoặc 40 tuổi. Hãy tưởng tượng những gì bà ấy có thể làm nếu sống lâu hơn!".

Mặc dù cuộc đời ngắn ngủi nhưng cống hiến của Alice Ball đã có tác động đáng kể đến việc điều trị bệnh phong và mở đường cho những tiến bộ trong tương lai trong lĩnh vực y học.

Để ghi nhận những đóng góp của Ball, Đại học Hawaii đã dựng một tấm bảng vinh danh bà vào năm 2007 và 2020. Thống đốc bang Hawaii tuyên bố ngày 29/2 hàng năm là "Ngày Alice Ball" tại bang này.

Tử Huy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/cuoc-doi-bi-kich-cua-nguoi-phu-nu-tim-ra-thuoc-dieu-tri-benh-phong-2133534.html