Cuộc đời của vị Giáo sư có niềm đam mê mãnh liệt với đá

Tình yêu nghề và khát khao cống hiến đã giúp GS.TSKH Tống Duy Thanh khắc phục khó khăn, chịu đựng vất vả, vượt qua mọi trở ngại, kể cả hiểm nguy, để khảo sát và tìm kiếm những điều bí ẩn, dù lộ thiên hay dưới lòng đất. Mỗi mẫu đất đá thu được, mỗi dữ liệu cho tờ bản đồ sẽ hình thành đều là kết quả công phu và cũng là niềm hạnh phúc của ông.

Cuộc đời của nhà địa chất là những chuyến đi, không ít gian khổ, hiểm nguy, nhưng cũng đầy cảm hứng lãng mạn. GS.TSKH Tống Duy Thanh (nguyên cán bộ giảng dạy trường ĐH Tổng hợp Hà Nội) nói: “Đặc điểm dễ nhận biết của người làm địa chất là ăn mặc nhếch nhác; luôn luôn đi ngó nghiêng, quan sát, thấy đá là đập”. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài “nhếch nhác” thường thấy đó là sự cống hiến thầm lặng. Đằng sau mỗi công trình và mỗi phát hiện về địa chất, địa mạo, trầm tích, thạch học… là những hành trình âm thầm đầy hy sinh, gian nan, phải đổ nhiều mồ hôi, công sức của các nhà địa chất mà người ngoài cuộc khó biết được.

Giờ đây dù đã cao tuổi nhưng GS Tống Duy Thanh vẫn miệt mài lao động và sáng tạo. GS Tống Duy Thanh tốt nghiệp ĐH năm 1956 chuyên ngành Vạn vật học (chủ yếu là Sinh học). Sau đó ông được phân công về công tác ở Bộ môn Địa chất, khoa Mỏ - luyện kim, trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Từ xuất xứ đào tạo như thế, ông đã nhanh chóng trở thành một trong các nhà địa chất hàng đầu của Việt Nam, trở thành Nhà giáo nhân dân (NGND) xuất sắc mẫu mực của khoa Địa chất trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN). Điều đó đã chứng minh cho sự kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa của một tố chất thiên bẩm với một nghị lực tự học phi thường và mục tiêu vươn tới có định hướng của ông ngay từ tuổi trẻ.

GS.TSKH Tống Duy Thanh xem lại những kỷ vật của ông và đồng nghiệp trong buổi trưng bày “Chuyện nghề địa chất”. Ảnh: Thủy Liên

GS.TSKH Tống Duy Thanh xem lại những kỷ vật của ông và đồng nghiệp trong buổi trưng bày “Chuyện nghề địa chất”. Ảnh: Thủy Liên

Từ những năm 1960 GS Tống Duy Thanh được biệt phái sang Tổng cục Địa chất để tham gia công tác lập Bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam tỷ lệ 1:500.000, do TS Dovjikov chủ biên. Đây là giai đoạn khởi đầu của sự nghiệp nghiên cứu cổ sinh - địa tầng và địa chất Việt Nam nói chung của GS Tống Duy Thanh nói riêng. Từ kết quả nghiên cứu trong quá trình tham gia lập bản đồ địa chất miền Bắc Việt Nam, thầy Thanh đã hoàn thành một chuyên khảo lớn được xuất bản bằng tiếng Pháp là “Hóa thạch ruột khoang Devon ở miền bắc Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một công trình lớn về cổ sinh - địa tầng do người Việt Nam thực hiện và công bố với thế giới, khi tác giả mới ở tuổi 30. Trong chuyên khảo này có những phát minh và sáng tạo đã gây tiếng vang trong lĩnh vực cổ sinh vật học của thể giới thời bấy giờ.

Những đóng góp lớn về cổ sinh học, như nghiên cứu sâu về cấu trúc xương san hô và phát hiện kiểu vi cấu trúc mới - vi cấu trúc paratrabecular của san hô hóa thạch, được các nhà khoa học cổ sinh trên thế giới thừa nhận. Trên cơ sở đó họ đã chỉnh lí lại những loài san hô đã công bố trước đó. Cũng trong chuyên khảo này ý nghĩa của yếu tố vách đáy (tabule) được đánh giá mới và được minh chứng có cơ sở. Phát hiện mới này cũng được giới cổ sinh quốc tế ủng hộ, dẫn đến thay đổi ý nghĩa phân loại của yếu tố vách đáy đối với nhóm cổ sinh vật có ý nghĩa địa tầng này.

Trong giai đoạn đất nước đang có chiến tranh phá hoại ác liệt của đế quốc Mỹ, trường ĐH Tổng hợp Hà Nội phải đi sơ tán về huyện Đại Từ (Bắc Thái). Trong bối cảnh khoa Địa lí - địa chất mới thành lập, GS Tống Duy Thanh vừa làm giáo vụ cho khoa, biên soạn chương trình đào tạo, vừa làm quản lí nhà ăn giúp GS Nguyễn Văn Chiển lúc bấy giờ là Chủ nhiệm khoa đang đứng trước muôn vàn khó khăn lúng túng.

Công việc bận đến như thế nhưng thật lạ là ông vẫn có thể vừa giảng dạy vừa là cộng tác viên của Đoàn địa chất 20, sau này là Cục Bản đồ địa chất, và có những nghiên cứu quan trọng đóng góp trực tiếp cho công tác đo vẽ hàng loạt tờ bản đồ địa chất 1:200.000 do Cục Bản đồ địa chất (nay là Tổng cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam) chủ trì trong những năm 60 và 70 của thế kỉ trước... Những kết quả nghiên cứu thầm lặng ấy được tích lũy cho đến ngày ông có dịp sang Novosibirsk (Liên Xô) để bảo vệ liền 2 luận án chỉ trong 13 tháng: Luận án Kandidat Nauk (TS) và luận án Doctor Nauk (TSKH).

Trong khoảng thập kỷ 80 ông được Viện Khoa học Việt Nam mời làm Ủy viên Hội đồng Khoa học của Viện, kiêm Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học Trái Đất. Sau đó (thập kỷ 90) ông là Chủ tịch Hội đồng Khoa học trái đất thuộc Chương trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên (nay là NAFOSTED) của Bộ Khoa học và công nghệ. Ông đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Học hàm liên ngành Khoa học trái đất và mỏ (nay là Hội đồng Giáo sư). Đó là những hoạt động ít người biết đến nhưng là những vị trí hết sức quan trọng trong giai đoạn đất nước còn thiếu các chuyên gia đảm nhiệm.

Công trình “Địa tầng và ruột khoang Devon của Việt Nam” do ông chủ biên, xuất bản cả bằng tiếng Nga và tiếng Việt đã có giá trị thực tiễn và khoa học to lớn không chỉ cho công tác đo vẽ bản đồ địa chất ở Việt Nam như một hệ thống chuẩn mực về cổ sinh và địa tầng mà còn có ý nghĩa hội nhập quốc tế. Sức làm việc phi thường, trí tuệ uyên thâm và tính nghiêm túc trong khoa học đã giúp GS Tống Duy Thanh sử dụng thành thạo 3 ngoại ngữ (tiếng Pháp, tiếng Nga và tiếng Anh) bằng phương thức tự học trong một thời gian ngắn. Nhờ năng khiếu đặc biệt đó GS Tống Duy Thanh đã công bố trên 100 bài báo khoa học ở trong nước và quốc tế, trong đó nhiều bài đã được các nhà khoa học nổi tiếng của Nga, Mỹ, Pháp... trích dẫn nhiều lần trong các công trình của mình.

Trong công tác đào tạo GS Tống Duy Thanh là người thầy tận tình và nghiêm túc trong giảng dạy hướng dẫn học tập ở ngoài trời hoặc trên bục giảng. Những giáo trình như “Địa chất cơ sở” và “Lịch sử phát triển vỏ trái đất” được các thầy giáo và học trò ngành địa chất coi là giáo trình mẫu mực về văn phong diễn đạt, nội dung nâng cao và hàm lượng tri thức mới được cập nhật.

Đỉnh cao thành đạt của GS.TSKH.NGND Tống Duy Thanh là kết quả của quả trình tự học và nghị lực vươn tới theo một mục tiêu và lộ trình được xác định. Đây có thể coi là bài học kinh nghiệm lớn nhất mà đồng nghiệp và học trò của GS nên và cần học tập và lấy đó làm tấm gương để soi lại mình trong mỗi chặng đường phấn đấu rèn luyện để trở thành một nhà khoa học chân chính.

Gia Bảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cuoc-doi-cua-vi-giao-su-co-niem-dam-me-manh-liet-voi-da-180048.html