Cuộc đối đầu giành quyền kiểm soát Biển Đen giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Biển Đen đang trở thành võ đài nơi hai ông lớn là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga tranh giành ảnh hưởng, sau khi Moscow triển khai hàng chục tàu chiến tới khu vực.

Kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, mục tiêu của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan là bảo đảm Moscow không thể mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đen.

Giờ đây, cuộc đối đầu tranh giành quyền kiểm soát Biển Đen giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bén lửa, sau khi Moscow điều động hàng chục tàu chiến tới khu vực trong màn thị uy lực lượng nhằm gây sức ép lên Ukraine và phương Tây, theo Nikkei Asia.

Tranh giành ảnh hưởng ở Biển Đen

100.000 binh sĩ Nga cùng vô số khí tài quân sự tối tân điều động tới khu vực biên giới Ukraine đã giúp Moscow gây sức ép thành công với Washington.

Sau những màn khẩu chiến, Nhà Trắng dường như đã nhượng bộ với lời mời Tổng thống Vladimir Putin dự cuộc gặp cấp cao với Tổng thống Joe Biden vào mùa hè.

Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ thì khác. Tổng thống Tayyip Erdogan đáp trả mạnh mẽ sức ép từ Nga khi mời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy tới thăm Istanbul, nhằm tái khẳng định cam kết về quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước.

Vào tháng 3, Ankara cũng viện trợ cho Kiev hàng chục máy bay không người lái được trang bị tên lửa tấn công, giúp cải thiện sức mạnh quân sự của Ukraine.

 Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Moskit trong một cuộc tập trận ở Biển Đen. Ảnh: Sputnik.

Tàu chiến Nga phóng tên lửa hành trình Moskit trong một cuộc tập trận ở Biển Đen. Ảnh: Sputnik.

Bán đảo Crimea có vị trí trọng yếu tại Biển Đen. Nga đã củng cố hiện diện của hạm đội tàu mặt nước và tàu ngầm tại Crimea, cũng như lắp đặt hệ thống phòng không S-400 có khả năng tấn công phần lớn phi đội máy bay của các nước ở đây.

Từ lâu, mục tiêu của Thổ Nhĩ Kỳ là ngăn cản tham vọng mở rộng ảnh hưởng quân sự của Nga ở Biển Đen.

Lúc này, Ankara cũng đang thúc đẩy dự án đường thủy trị giá 12,5 tỷ USD kết nối Biển Đen với Địa Trung Hải, nhằm tạo ra lựa chọn hàng hải thay thế cho eo biển Bosporus vốn đã quá tải. Dự án sẽ giúp tăng doanh thu thương mại cho Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời giúp hải quân nước này thêm khả năng hoạt động linh hoạt.

Dù quân đội Nga đã rút dần khỏi biên giới, có thực tế không thể phủ nhận là Moscow chưa bao giờ dừng hỗ trợ lực lượng phiến quân ly khai ở miền Đông Ukraine.

Đây là chiêu bài nhằm duy trì áp lực lên chính quyền Kiev, đồng thời ngăn cản Ukraine gia nhập các thiết chế của phương Tây như EU hay NATO.

Dù quan hệ giữa Ankara với đồng minh NATO cũng như các nước EU ngày càng lạnh nhạt, riêng về vấn đề Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và phương Tây vẫn ở chung một chiến tuyến.

Giống như kịch bản từng xảy ra trong cuộc xung đột Nagorno-Karabakh, khi Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ Azerbaijan, còn Nga đứng về phía Armenia, lúc này, Ankara dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho Ukraine.

Thổ Nhĩ Kỳ cam kết cung cấp cho Ukraine thêm nhiều máy bay không người lái, loại vũ khí từng mang lại lợi thế quyết định cho Azerbaijan, và sẽ trao cho quân đội chính phủ Ukraine sức mạnh áp đảo trước lực lượng phiến quân.

Ankara cũng ký hợp đồng bán 4 tàu chiến tàng hình cho Kiev, giúp Ukraine cải thiện sức mạnh hải quân trên Biển Đen.

Biển Đen không phải võ đài duy nhất

Không bất ngờ khi Điện Kremlin nổi giận trước các động thái của Ankara. Ngoại trưởng Sergei Lavrov cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tay cho cái mà Nga miêu tả là "xu hướng quân phiệt" của Kiev. Moscow cũng đình chỉ phần lớn chuyến bay với Thổ Nhĩ Kỳ, khiến hàng trăm nghìn người Nga bị ảnh hưởng.

Căng thẳng ở Biển Đen đánh dấu thêm một "chiến trường" nơi hai gã khổng lồ đối đầu vì xung đột lợi ích.

Nhiều năm qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm cách mở rộng ảnh hưởng ở các nước Trung Á giàu tài nguyên nói tiếng Thổ, nơi Nga xem như sân sau giống như Ukraine.

Ankara cũng chống lưng cho các lực lượng vũ trang đối lập chống lại chính quyền Tổng thống Bashar Al Assad ở Syria - đồng minh được Nga hậu thuẫn.

Dưới thời Tổng thống Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ nuôi tham vọng lớn mở rộng quyền lực ở khu vực. Ngoài 20 đại sứ quán mới ở khắp châu Á, Thổ Nhĩ Kỳ đang tiếp tục duy trì hiện diện vững chắc ở Afghanistan và giữ lực lượng nhỏ binh sĩ tại nước này, bất kể Mỹ đã quyết định sẽ sớm rút quân.

Tổng thống Erdogan và Tổng thống Zelensky cùng dự cuộc họp báo hôm 10/4. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, dù Thổ Nhĩ Kỳ có quân đội quy mô thứ hai trong NATO chỉ sau Mỹ, việc đối đầu trực diện với Nga vì Ukraine vẫn là một canh bạc lớn.

Ở thời điểm hiện tại, Ankara không có vị thế thuận lợi để đối đầu với một cường quốc quân sự. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng khó khăn, đi cùng chia rẽ chưa thể hàn gắn với phương Tây.

Đó là chưa kể nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ tồn tại những bất đồng xoay quanh các chính sách chiến lược của Tổng thống Erdogan.

Mới đây, một nhóm cựu quan chức hải quân và ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ đã lên tiếng phản đối dự án kênh đào 12,5 tỷ USD, cho rằng nó sẽ vi phạm thỏa thuận với các nước khác về kiểm soát eo biển Bosporus.

Chính quyền Tổng thống Erdogan đã thẳng tay đàn áp nhóm bất đồng này, bắt giữ 10 cựu đô đốc hải quân, buộc tội họ tổ chức đảo chính.

Năm 2016, sau vụ đảo chính quân sự bất thành nhắm vào Tổng thống Erdogan, Tổng thống Putin đã nhanh chóng có động thái ủng hộ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, trái ngược với phản ứng hời hợt của phương Tây. Quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sau đó trải qua một giai đoạn nồng ấm đặc biệt.

Nhưng địa chính tri hiện đại đi kèm những lựa chọn vừa phức tạp, vừa mâu thuẫn. Lần này, phương Tây nồng nhiệt hoan nghênh Tổng thống Erdogan cũng như đứng về phía Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc đối đầu với Nga ở Biển Đen.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cuoc-doi-dau-gianh-quyen-kiem-soat-bien-den-giua-nga-va-tho-nhi-ky-post1208913.html