Cuộc đối đầu Mỹ - Trung trong đòn 'ăn miếng trả miếng' về thuế quan

Cuộc đối đầu về thuế quan theo lối 'ăn miếng trả miếng' giữa Mỹ và Trung Quốc có thể khiến những căng thẳng thương mại xuyên Thái Bình Dương leo thang và chưa biết bao giờ mới có hồi kết. Đây không còn là sự cạnh tranh giữa 2 cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới mà đã trở thành một phép thử về ý chí giữa 2 người đàn ông quyền lực nhất thế giới, có trong tay nhiều lợi ích chính trị, quân sự, kinh tế.

Theo đánh giá của CNN, cả Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều tự xem mình ở thế mạnh. Hai nhà lãnh đạo đều áp đặt quyền lực lên hệ thống quản trị trong nước bằng lý trí. Bên cạnh đó, họ còn có khả năng gây ra các làn sóng chấn động toàn cầu.

Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định sẽ gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang

Tuy Tổng thống Mỹ Donald Trump luôn khẳng định sẽ gặp gỡ và trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, nhưng căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang

Thiết lập vị thế quốc tế

Tổng thống Trump từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích hành vi trộm cắp sản phẩm trí tuệ và sự ưu đãi hỗ trợ cho các ngành công nghiệp của Trung Quốc. Ông tin rằng, cần phải thay đổi hệ thống thương mại toàn cầu vì đây sẽ là một sự lột xác lớn đối với Hoa Kỳ.

Theo người đứng đầu Nhà Trắng, tiềm năng kinh tế lớn của Mỹ chính là đòn bẩy mang lại cho ông nhiều lợi thế để vươn lên trong cuộc đối đầu về thương mại với người đồng cấp Trung Quốc. “Chúng tôi hiện là một nền kinh tế lớn hơn nhiều so với Trung Quốc và đã tăng quy mô đáng kể kể từ cuộc bầu cử năm 2016. Chúng tôi là “con lợn đất” mà các quốc gia khác đều muốn công kích và lợi dụng” - Tổng thống Mỹ cho biết trong loạt Tweet ngày 13-5 vừa qua về cuộc đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình coi các yêu cầu của Mỹ là xâm phạm chủ quyền quốc gia. Ông Tập Cận Bình muốn giữ nguyên trạng toàn cầu hóa bởi Trung Quốc đã thu lợi lớn từ hiện trạng đó với sự tăng trưởng bùng nổ trong suốt hai thập kỷ qua. Bên cạnh đó, có thể thấy rõ một điều, nhà lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn không có ý định chịu “lép vế” trước người đồng cấp Mỹ trong cuộc chiến thương mại này. “Trung Quốc cảm thấy không cần phải nhượng bộ” - Max Baucus, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc chia sẻ. “Thêm vào đó, giữ thể diện là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn thế giới nhìn ông với nhận xét “Trung Quốc trông có vẻ xuống nước”. Và tôi không nghĩ rằng Mỹ hiểu được điều đó” - nhà ngoại giao này cho biết thêm.

Mặc dù Tổng thống Mỹ đã khẳng định sẽ gặp gỡ và trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc để giải quyết những căng thẳng ngày càng leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia (tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật vào tháng 6-2019 tới đây), nhưng nhiều người cho rằng, tính đến thời điểm đó, khoảng cách Mỹ - Trung có thể trở nên quá xa để có thể ngôi chung bàn đàm phán.

Đánh cược tất cả vào sức mạnh kinh tế Mỹ

Một trong những lý do đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đi xa hơn là do Tổng thống Mỹ tin tưởng phần thắng sẽ nằm trong tay mình. Tự tin về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ, ông Trump đã không hề ngần ngại mà sẵn sàng hy sinh một ngày thất thu trên thị trường chứng khoán và sử dụng công cụ thuế quan yêu thích của mình. Phát biểu hôm 13-5-2019, ông nói: “Chúng tôi đã có một chỗ đứng rất tốt trong nền kinh tế toàn cầu và điều này sẽ còn trở nên tốt hơn”.

Ông Trump là một người linh hoạt về mặt tư tưởng và uyển chuyển trong các vấn đề tranh chấp. Song, bên cạnh đó, ông cũng cân nhắc kỹ lưỡng về mối đe dọa kinh tế của Trung Quốc trong nhiều thập kỷ và từ lâu đã ủng hộ một biện pháp bảo hộ. Sau cùng, ông dường như đã sẵn sàng đánh cược tất cả vào sức mạnh của nền kinh tế lớn nhất thế giới - tài sản chính trị tốt nhất của nhà lãnh đạo Mỹ trong cuộc đua tái tranh cử năm 2020.

Những bình luận của Tổng thống Mỹ hôm 13-5 có thể là một nỗ lực để trấn an thị trường thương mại hỗn loạn. Tuy nhiên, nó cũng đẩy chủ nhân của những phát ngôn đó vào một vị trí tiến thoái lưỡng nan. Tới nay, tại thời điểm trước khi những thiệt hại với nền kinh tế và tiêu dùng từ cuộc chiến thương mại leo thang trở nên rõ nét hơn, người đứng đầu Nhà Trắng hoàn toàn tin tưởng vị thế chính trị của mình sẽ nâng tầm nhờ đứng lên chống lại Bắc Kinh.

Và sau khi cáo buộc Bắc Kinh “ức hiếp” người lao động Mỹ trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump muốn thực hiện những lời hứa của mình trước cuộc đua năm 2020. Tổng thống Mỹ cũng sẽ tận dụng cuộc đối đầu này với Trung Quốc để xoáy sâu sự tương phản với cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden - nhân vật nhiều khả năng sẽ là mũi nhọn tranh cử Tổng thống năm 2020 của đảng Dân chủ.

Tổng thống Mỹ thường đặt nhiều ván cược quan trọng về chính sách đối ngoại của mình dựa trên tham vọng nâng cao vị thế của bản thân trong nước. Rủi ro chính trị lớn đối với ông Trump là một cuộc chiến tranh thương mại kéo dài bắt đầu làm xói mòn sự tăng trưởng của Hoa Kỳ. Nó cũng làm mất giá trị chương trình hưu trí 401K trong một sự điều chỉnh thị trường và làm lu mờ yếu tố kinh tế cũng như niềm tự hào của Tổng thống Trump về một kỷ nguyên thịnh vượng mới.

Mặc dù Tổng thống Mỹ đã khẳng định sẽ gặp gỡ và trao đổi với người đồng cấp Trung Quốc để giải quyết những căng thẳng ngày càng leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa 2 quốc gia (tại hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Nhật vào tháng 6 tới đây), nhưng nhiều người cho rằng, tính đến thời điểm đó, khoảng cách Mỹ - Trung có thể trở nên quá xa để có thể ngôi chung bàn đàm phán.

Hạnh Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/cuoc-doi-dau-my-trung-trong-don-an-mieng-tra-mieng-ve-thue-quan/810965.antd