Cuộc đời gắn với tiếng chiêng

Hàng chục năm miệt mài truyền dạy, tìm lớp kế cận duy trì tiếng chiêng ở lại với buôn làng, ông K'Tiếu (71 tuổi, thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) được xem như kho từ điển về văn hóa của người Cơ Ho Srê.

Già làng K’Tiếu (giữa) được mệnh danh là kho từ điển về văn hóa của người Cơ Ho Srê

Già làng K’Tiếu (giữa) được mệnh danh là kho từ điển về văn hóa của người Cơ Ho Srê

Khi tiếng chiêng thưa dần…

Chúng tôi gặp ông K’Tiếu khi ông đang chuẩn bị hành trang thực hiện chuyến đi lớn trong cuộc đời. Ông là điển hình tiên tiến của tỉnh Lâm Đồng được giới thiệu tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 - 11-6-2023). Thành tích của ông để được biểu dương, tôn vinh là tâm sức giữ gìn, bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa cồng chiêng của cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.

Bên không gian trưng bày những bộ chiêng quý trong nhà ở thôn Duệ, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng, ông K’Tiếu kể về tuổi thơ gắn với tiếng cồng, chiêng, giọng kể Khan của mẹ. Năm K’Tiếu 14 tuổi, ở làng tổ chức đâm trâu hiến sinh, lễ hội làng diễn ra suốt ngày đêm cả tháng ròng. Được sống trong bầu không khí lễ hội, K’Tiếu như được thẩm thấu những điệu chiêng, dân ca, dân vũ…

Đến những năm 1990, sau một thời gian dài, thôn Duệ tổ chức lễ đâm trâu đón mùa lúa mới, ông vận động mọi người trong thôn ôn lại các bài chiêng để chơi tại lễ. Lúc đầu, ông vận động những người lớn tuổi, nhưng có người đã lâu không sử dụng nên quên gần hết các bài chiêng, ông phải tập lại cho từng người đánh. Khi tiếng chiêng thưa dần, nhà ông trở thành trường học, còn ông trở thành người hướng dẫn đặc biệt truyền dạy cồng chiêng cho hơn 200 con trai, con gái ở buôn gần làng xa.

Ông K’Tiếu tìm đến từng nhà vận động người dân tập cồng chiêng. Cơ sở vật chất thiếu thốn, phải đi mượn bộ chiêng để học, nên lớp học không thể liên tục và cũng không thể kéo dài. “Mượn bộ chiêng của các gia đình là chuyện rất khó khăn vì là đồ quý giá mang ý nghĩa tâm linh tổ tiên để lại. Không có sẵn bộ cồng chiêng, không có nhiều người muốn học và độ tuổi những người muốn học khá lớn tuổi, nên có lúc tôi tưởng sẽ bỏ cuộc giữa chừng”, ông K’Tiếu tâm sự.

Truyền lửa

Khó khăn là vậy, nhưng kết quả từ các lớp học đặc biệt do ông K’Tiếu hướng dẫn đã thu lại kết quả đáng mừng. Câu lạc bộ cồng chiêng xã Đinh Lạc hiện có 27 thành viên, người trẻ nhất 32 tuổi, người lớn nhất cũng ngoài 70 tuổi, không ít người trong số này từng được ông K’Tiếu hướng dẫn chơi chiêng. Hiện giờ mọi người đều biết đánh thuần thục, bài bản 5 bài truyền thống, thường xuyên tập luyện đi biểu diễn trong và ngoài tỉnh.

Sự tận tâm của già làng K’Tiếu đã thôi thúc các thành viên nỗ lực học tập. Ông K’Tình (53 tuổi, thôn Duệ, xã Đinh Lạc) tâm sự: “Chúng tôi là lớp thế hệ sau, phải quyết tâm học và thực hành, rèn các điệu thức diễn tấu chiêng một cách thuần thục để khi về già có thể truyền dạy cho con cháu của mình”.

Khi được hỏi về giá trị cồng chiêng mang lại, ông K’Tiếu hào hứng: “Không chỉ là một nhạc cụ, cồng chiêng còn có chức năng như một sợi dây linh thiêng, nối liền giữa con người với thần linh. Cồng chiêng có mặt trong mọi giai đoạn sống của con người, từ khi sinh ra, trưởng thành đến khi giã biệt cõi đời, cũng như có mặt trong mọi hoạt động cộng đồng của người Tây Nguyên. Với niềm đam mê của mình, tôi không muốn những bài chiêng bị mai một. Tôi muốn con cháu sau này sẽ còn lưu giữ nét đẹp từ những bài chiêng đó, giữ lại cái hồn của chiêng. Với mỗi khóa học, người tham gia có thể đánh các bài chiêng và diễn tấu một số bài chiêng thông dụng. Từ đó, mỗi cá nhân không chỉ giữ được nét văn hóa truyền thống mà còn tự tin tham gia các hoạt động văn nghệ thôn xóm, địa phương, cồng chiêng lúc đó được sống thực sự trong cộng đồng”.

Ông Trương Quốc Phương, Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc, chia sẻ: “Chúng tôi tăng cường quy tụ những nghệ nhân, già làng, người có uy tín, tiếng nói, có chuyên môn nắm giữ các di sản văn hóa truyền thống để tập hợp quần chúng tích cực tham gia các lớp truyền dạy. Chúng tôi sẽ tiếp tục đưa văn hóa truyền thống vào trường học, bởi chính các em sẽ mang văn hóa truyền thống đi được xa nhất, nhằm quảng bá hình ảnh, không gian văn hóa truyền thống, nhất là không gian văn hóa cồng chiêng”.

Năm 2015, ông K’Tiếu được Sở VH-TT-DL tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận nghệ nhân cồng chiêng. Năm 2022, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú.

Trong số 31 cá nhân có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua yêu nước được Thủ tướng ký quyết định tặng bằng khen vào tháng 5-2023, ông K’Tiếu là người duy nhất của tỉnh Lâm Đồng nhận được vinh dự này.

ĐOÀN KIÊN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/cuoc-doi-gan-voi-tieng-chieng-post692325.html