Cuộc đời ngắn ngủi của 'nữ hoàng' Toán học thế giới

Mirzakhani, người phụ nữ duy nhất thế giới giành huy chương Fields, xem nghiên cứu toán học như viết cuốn tiểu thuyết.

Ngày 15/7, Maryam Mirzakhani, nhà toán học Iran nhận huy chương Fields năm 2014, qua đời sau thời gian dài chiến đấu với căn bệnh ung thư vú. Đại học Stanford, nơi Mirzakhani công tác sẽ tổ chức buổi lễ tưởng niệm bà vào mùa thu, khi giảng viên và học sinh quay lại trường để bắt đầu năm học mới.

Từng mơ ước trở thành nhà văn

Sinh năm 1977 ở Tehran, thủ đô Iran, Maryam Mirzakhani khi còn bé chưa từng có ý định trở thành nhà toán học. Mục tiêu chính của bà là đọc mọi cuốn sách có thể tìm thấy, trong đó có "Lust for Life”, cuốn tiểu thuyết về Vincent van Gogh. Bà thường xem tiểu sử của những phụ nữ nổi tiếng như Marie Curie và Helen Keller. Những câu chuyện này nhen nhóm trong lòng cô bé Mirzakhani lúc bấy giờ ước mơ làm một điều gì đó đặc biệt - trở thành nhà văn.

Mirzakhani luôn soạn thảo những câu chuyện ly kỳ trong tâm trí. Bà từng kể câu chuyện về chiến tích của một cô gái đặc biệt. Hàng đêm, vào giờ đi ngủ, bà tưởng tượng nhân vật của mình trở thành thị trưởng, du lịch khắp thế giới hoặc thực hiện một số vận mệnh to lớn.

Các nhân vật trong câu chuyện của bà dần thành bề mặt hyperbol, không gian mô-đun và hệ thống động lực. Theo một cách nào đó, bà xem nghiên cứu toán học như viết cuốn tiểu thuyết. “Có nhiều nhân vật khác nhau và bạn đang tìm cách hiểu rõ hơn về chúng. Mọi thứ cứ tiến triển, sau đó khi bạn nhìn lại một nhân vật, nó hoàn toàn khác với ấn tượng ban đầu”, bà từng nói.

Nhà toán học người Iran đi theo các “nhân vật” của mình tới bất cứ đâu, dọc theo câu chuyện, thường mất rất nhiều năm để hé mở vấn đề. Vóc dáng nhỏ bé nhưng kiên cường, Mirzakhani nổi bật giữa các nhà toán học thế giới nhờ giải quyết những câu hỏi khó nhất trong lĩnh vực của mình với sự kiên nhẫn bền bỉ.

Môi trường sống và cách dạy dỗ ảnh hưởng tích cực đến thái độ học tập và nghiên cứu của bà. “Tôi lớn lên cùng ba anh chị em, được bố mẹ ủng hộ và khuyến khích hết mình. Điều quan trọng với họ là chúng tôi tìm được công việc ý nghĩa và hài lòng với nó. Họ không quan tâm nhiều đến thành tích hay mức độ thành công”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với The Guardian năm 2014.

Maryam Mirzakhani từng mơ ước trở thành nhà văn khi còn bé. Ảnh:Wired

Bắt đầu tình yêu với toán học

“Anh trai đã khiến tôi quan tâm đến khoa học. Anh kể lại những gì được học ở trường. Ký ức đầu tiên của tôi về toán học có lẽ là khi anh nói về bài toán cộng số từ 1 đến 100. Tôi nghĩ anh đọc trong một tạp chí khoa học nổi tiếng về việc Gauss đã giải bài này thế nào. Cách giải này hấp dẫn tôi. Đó là lần đầu tiên tôi thực sự thích thú với một cách giải toán tuyệt vời", bà nhớ lại.

Khi Mirzakhani học hết tiểu học, cuộc chiến tranh Iran - Iraq sắp chấm dứt và những cơ hội học tập mở ra trước mắt. Bà thi vào trường trung học cơ sở nữ sinh Farzanegan ở Tehran, thuộc Tổ chức quốc gia về Phát triển Tài năng vượt trội. “Tôi nghĩ tôi thuộc thế hệ may mắn. Tôi bước vào tuổi thanh thiếu niên khi mọi thứ trở nên ổn định hơn”, Mirzakhani nói.

Trong tuần đầu tiên ở trường mới, bà đã tìm được người bạn gắn bó suốt đời - Roya Beheshti, hiện là giáo sư toán học của Đại học Washington tại St. Louis. Cả hai cùng khám phá những hiệu sách trên khu phố thương mại đông đúc gần trường. Việc đọc lướt sách không được khuyến khích, do đó họ đành chọn ngẫu nhiên những cuốn sách để mua. “Nghe có vẻ khá kỳ quặc, nhưng sách rất rẻ nên chúng tôi chỉ việc mua chúng”, Mirzakhani từng nói.

Năm đó Mirzakhani học toán khá kém. Giáo viên dạy toán không nghĩ bà có tài năng đặc biệt, điều đó khiến sự tự tin của bà sụt giảm. “Ở độ tuổi đó, việc người khác nhìn mình như thế nào rất quan trọng. Tôi đánh mất sự quan tâm dành cho môn toán”, bà cho biết.

Năm học sau đó, Mirzakhani gặp được một giáo viên biết khích lệ hơn, do đó hiệu suất học tập cũng tăng đáng kể. Beheshti nhận xét kể từ năm thứ hai, Mirzakhani thực sự là một ngôi sao sáng ở trường.

Khi Mirzakhani trở thành học sinh trường trung học phổ thông Farzanegan dành cho nữ sinh, bà và người bạn thân nhất tìm kiếm những câu hỏi trong kỳ thi quốc gia nhằm xác định học sinh trung học tham gia Olympic Tin học quốc tế, cuộc thi lập trình diễn ra hàng năm. Mirzakhani và Beheshti cùng nghiên cứu các bài toán trong vài ngày và giải được 3 trên 6 câu. Mặc dù các thí sinh tham dự kỳ thi phải hoàn thành chúng trong 3 giờ, Mirzakhani vẫn rất vui khi có thể tìm ra cách giải.

Cảm thấy đủ khả năng tham gia các kỳ thi tương tự, hai nữ sinh hào hứng đi tìm hiệu trưởng và yêu cầu được sắp xếp vào lớp luyện giải toán như ở trường dành cho nam sinh. Khi đó, đội Olympic Toán của Iran chưa từng cử nữ sinh nào tham gia. “Hiệu trưởng rất nhiệt tình. Nếu chúng tôi thực sự muốn điều gì đó, bà sẽ khiến nó xảy ra. Tư duy cởi mở, bà thể hiện niềm tin bạn có thể làm được. Điều đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi khá nhiều”, Mirzakhani nhớ lại.

Mirzakhani tại Hội nghị các nhà toán học quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc năm 2014. Ảnh:AFP

Năm 1994, khi Mirzakhani 17 tuổi, bà và Beheshti vào đội tuyển Olympic Toán học Iran. Phần thể hiện xuất sắc năm đó giúp Mirzakhani nhận được huy chương vàng. Năm 1995, bà tiếp tục giành một huy chương vàng tại cuộc thi này với điểm số tối đa.

Ban đầu, Mirzakhani tham gia để khám phá những điều bản thân có thể làm, nhưng sau đó bà dần phát triển tình yêu với toán học, dù việc chinh phục những vẻ đẹp của lĩnh vực này tốn rất nhiều năng lượng và cần quyết tâm cao. Nhà toán học Anton Zorich của Đại học Paris VII (Pháp) từng rất ấn tượng về cô gái 17 tuổi luôn háo hức với mọi thứ liên quan đến toán học diễn ra xung quanh mình.

Trở thành 'nữ hoàng' Toán học

Những huy chương vàng tại kỳ thi Olympic Toán học không đồng nghĩa với việc thành công trong nghiên cứu. Trong cuộc thi này, một người có thể cẩn thận tìm ra cách giải thông minh cho một bài toán, nhưng trong nghiên cứu có những vấn đề không có bất cứ cách giải nào. Tuy nhiên, khác với thí sinh Olympic đạt kết quả cao, Mirzakhani được nhận xét “có khả năng tạo ra góc nhìn của riêng mình”.

Sau khi hoàn thành bằng cử nhân toán học tại Đại học Sharif ở Tehran năm 1999, Mirzakhani tới Đại học Harvard để theo đuổi bằng tiến sĩ, nơi bà tham gia chuyên đề nghiên cứu của người hướng dẫn Curtis McMullen. Lúc đầu, bà không hiểu lắm về những gì ông nói nhưng lập tức bị cuốn hút bởi chủ đề hình học hyperbol. Bà bắt đầu đến văn phòng của McMullen thường xuyên để trao đổi.

“Cô ấy có trí tưởng tượng táo bạo. Người phụ nữ này hình dung trong đầu một hình ảnh tưởng tượng về những gì sẽ phải xảy ra, sau đó đến gặp tôi và mô tả nó. Cuối cùng, cô ấy quay sang và hỏi ‘Có đúng không?’. Tôi luôn hãnh diện khi cô ấy nghĩ rằng tôi biết”, nhà toán học giành huy chương Fields năm 1998 nói.

Từ năm 2004 đến năm 2008, bà nghiên cứu tại Viện Toán học Clay và giảng dạy tại Đại học Princeton. Năm 2008, bà trở thành giáo sư Toán tại Stanford, nơi bà sống cùng chồng là nhà toán học người Czech Jan Vondrák và con gái 3 tuổi.

Với giọng nói trầm và đôi mắt màu xanh xám, Mirzakhani luôn giữ vững sự tự tin. Tuy nhiên, bà cũng rất khiêm tốn. Khi được yêu cầu mô tả về đóng góp của mình đối với một vấn đề nghiên cứu cụ thể, bà cười lớn, hơi do dự: “Thành thực mà nói, tôi không nghĩ mình có đóng góp vĩ đại”. Tháng 2/2014, khi nhận được thư mời nhận huy chương Fields vào ngày 13/8 tại hội nghị các nhà toán học quốc tế ở Seoul, Hàn Quốc, bà đã nghĩ tài khoản gửi email bị hacker tấn công.

Những đóng góp có tính mở đường trong hình học và hệ thống động lực học là lý do giúp bà được vinh danh ở giải thưởng lớn nhất trong lĩnh vực, được mệnh danh là “Nobel toán học”. Không chỉ là phụ nữ duy nhất từng nhận giải thưởng danh giá này, bà còn là người thứ hai mang vinh quang về cho Stanford sau Paul Cohen từ năm 1966. Trong sự nghiệp nghiên cứu, Mirzakhani từng giành được nhiều giải thưởng lớn như giải Blumenthal năm 2009 và giải Satter năm 2013 của Hiệp hội Toán học Mỹ. Nhiều người gọi Mirzakhani là "nữ hoàng" toán học.

Việc hiểu được sự đối xứng của các bề mặt cong như quả cầu, bánh rán, yên ngựa và các vật thể hình dạng hyperbol đặc biệt của Mirzakhani mang tính đột phá. Công trình nghiên cứu của bà còn liên quan đến kiến thức vật lý và lượng tử.

Các nhà toán học dành những lời ngưỡng mộ cho các công trình của nhà toán học nữ tài năng. Luận án tiến sĩ của Mirzakhani về việc đếm các vòng trên bề mặt có hình dạng hyperbol được nhà toán học Alex Eskin ở Đại học Chicago nhận xét “thực sự ngoạn mục”.

Đóng góp của bà về động lực học của những bề mặt trừu tượng liên quan tới bàn billiards “có lẽ là định lý của thập kỷ”, theo Benson Farb - nhà toán học khác ở Đại học Chicago.

Trong thông báo của Đại học Stanford, Chủ tịch Marc Tessier-Lavigne gửi lời tiếc thương đến nhà toán học bạc mệnh: "Maryam ra đi quá sớm, nhưng ảnh hưởng của bà sẽ sống mãi và truyền cảm hứng cho hàng nghìn phụ nữ theo đuổi toán học và khoa học".

Theo Phiêu Linh -Vnexpress.net

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cuoc-doi-ngan-ngui-cua-nu-hoang-toan-hoc-the-gioi-3552509-l.html