Cuộc đời nữ điệp viên nghệ sĩ Mata Hari

Một sáng tháng 10/1917, cách đây tròn 100 năm, vũ công, điệp viên, ngôi sao người Hà Lan Mata Hari ngẩng cao đầu bước lên bục xử bắn tại một vùng ngoại ô Paris, Pháp. Bất chấp hơn 250 tiểu thuyết, tiểu sử về bà trong khoảng 60 ngôn ngữ trên thế giới, tài năng rực rỡ và cái chết bất minh của 'nữ điệp viên vĩ đại nhất mọi thời đại' vẫn xoáy sâu nỗi khao khát khám phá vào lòng độc giả. Sự thật đằng sau huyền thoại về nữ gián điệp hai mang kiêm vũ nữ đại tài này là gì?

Dù nổi tiếng là “nữ điệp viên vĩ đại”, Mata Hari đơn thuần là vũ công có tài

Dù nổi tiếng là “nữ điệp viên vĩ đại”, Mata Hari đơn thuần là vũ công có tài

Tiền vận nghiệt ngã

Sinh năm 1876 tại thị trấn Leyvarden, miền bắc Hà Lan, Mata Hari tên thật là Margaretha Geertruida. Trước khi bị kết án là gián điệp hai mang cho Pháp và Đức trong Thế chiến I (1914-1918), vào năm 1902, sau khi rời Hà Lan đến Paris, bà từng nói “Tôi nghĩ rằng tất cả phụ nữ chạy trốn khỏi chồng đều đến Paris”.

Chỉ với nửa franc (tiền Pháp) trong túi, Mata Hari tiến thẳng tới khách sạn Grand. Trong khi cả thế giới biết đến cái tên Mata Hari như một nữ điệp viên, cái thực sự khiến các nhà sử học mê mẩn vũ công thiên tài này là tầm quan trọng của bà với chủ nghĩa nữ quyền.

Dù khốn khổ khốn nạn trong cuộc sống với đức ông chồng bạo ngược, Gretha (tên thường gọi trước khi lấy nghệ danh Mata Hari) không rơi vào con đường sa ngã mà thẳng lưng bước tới đỉnh vinh quang với tư cách một nghệ sĩ trình diễn vũ điệu phương Đông tuyệt vời nhất.

Là con gái gia đình thương buôn phát đạt, Gretha từng có cuộc sống nhung lụa cho đến năm 15 tuổi, khi cha phá sản, ly hôn và mẹ qua đời. Trước khi ghi danh vào một trường cao đẳng sư phạm tại Leiden, nơi cô thường xuyên bị hiệu trưởng 51 tuổi lạm dụng và tạo nên scandal tình dục đình đám, Gretha ở nhờ nhà họ hàng.

Năm 18 tuổi, cô kết hôn với Rudolph MacLeod, 39 tuổi, một sĩ quan Đông Ấn uống rượu như hũ chìm và bị xem như “đồ bỏ đi” trong gia tộc.

Năm 1897, sau khi con trai của hai vợ chồng, Norman, chào đời, MacLeod đưa Gretha tới Java, Indonesia. Tại hòn đảo này, Gretha hạ sinh con gái út, Non. Chính trong khoảng thời gian 5 năm sống ở Java, Gretha hình thành cá tính mà sau này sẽ trở thành Mata Hari, cái tên làm nghiêng ngả hàng triệu khán giả.

Với nước da bánh mật, cặp môi dày, đôi mắt to đen láy, Mata Hari xuất hiện trên sân khấu như một thiếu nữ phương Đông bí ẩn, xinh đẹp vô ngần. Nhờ quan sát và học hỏi các vũ công truyền thống người Java, Gretha bộc lộ toàn bộ sự lộng lẫy hiếm có, làm điên đảo trời Tây suốt thời gian hoạt động như một nghệ sĩ múa thoát y.

Mata Hari và ông chồng vô lại Rudolph MacLeod

MacLeod là ông chồng nghiện ngập và nợ nần chất cao như núi. Năm 1899, Norman qua đời. Gretha kinh hãi nhận ra MacLeod nhiễm giang mai từ một cậu bé nào đó.

Rất có thể việc chữa bệnh của ông bằng thủy ngân đã gây ra cái chết của con trai. Sau khi trở lại Hà Lan vào năm 1902, cặp vợ chồng ly thân. Gretha giành được quyền nuôi Non nhưng MacLeod từ chối hỗ trợ tài chính.

Thất bại trong việc đòi hưởng khoản lương hưu quân đội của MacLeod, Gretha gửi Non cho bằng hữu, hướng tới Paris. Ở đây, cô lần nữa nếm trải sự đắng cay, gian truân của cuộc đời.

Thủ thân như ngọc

Ban đầu, Gretha nhắm tới việc làm người mẫu thời trang. Cô nộp đơn vào công ty thời trang cao cấp nhất của Pháp, House of Worth, nơi nổi tiếng với váy phồng sang trọng, được bảo trợ bởi Nữ hoàng Eugenie. Bản thân Gretha cực kỳ tự tin về ngoại hình. Cô chắc chắn mọi sự sẽ xuôi chèo mát mái.

Theo nhà sử học Mỹ (Lenard Berlanstein), tại thời điểm này, sự nổi bật của thời trang cao cấp đã lan sang cả nhà hát. Các nữ diễn viên nổi tiếng kiêm luôn vai người mẫu.

Họ được nhận tiền nếu đồng ý quảng bá trang phục cho nhà thiết kế. Tuy nhiên, sự tôn trọng đối với phụ nữ theo nghiệp diễn vẫn chưa vì thế mà tăng lên. Người ta vẫn đánh đồng “kiếp cầm ca” với “kỹ nữ”.

Tháng 12/1903, đạo diễn của Nhà hát La Theấtre de Gaité đề nghị Gretha tham gia thử giọng cho vai nữ chính trong vở Messaline của Isidore de Lara. Dù đây là một vinh dự lớn, Gretha biết rằng cô không được mời vì giọng hát của mình. “Các nữ diễn viên và người nổi tiếng đều phải ‘trải qua điều này’ để có thể tiến lên phía trước”, Gretha viết trong bức thư gửi người anh em họ của chồng cũ.

Cô hiểu rõ thân thể của mình cũng bị xem như một loại mặt hàng để mua bán. Bất kể là ở vai trò người mẫu hay diễn viên, điều này cũng không thay đổi.

Tuy nhiên, thay vì đồng ý lời đề nghị của đạo diễn, Gretha từ chối, chuyển hướng tới Montmartre, trở thành người làm mẫu cho một nhóm họa sĩ Beaux-Arts, trong đó có Fernand Cormon, Octave Denis Victor Guillonnet và Madame Bisson.

Tháng 11/1903, Cormon đề nghị thuê cô với mức 300 franc một tháng. Ông nói rõ Gretha không phải lo lắng về chuyện “mờ ám”. Dù vậy, Cormon cũng sẽ sớm bực bội vì sự “bảo thủ” của Gretha.

Vũ công huyền thoại

Gretha luôn trong tình trạng thiếu tiền, thiếu việc làm. Cô cũng đôi lần trở về Hà Lan những cuối cùng vẫn không thoát khỏi sự quyến rũ của Paris. Năm 1904, Gretha được quý ông Ernest Molier thuê vào làm tại rạp xiếc Benouville.

Ông gợi ý Gretha có thể thành công hơn với vai trò vũ nữ. Với sự khuyến khích của Henri Jean-Baptiste Joseph de Marguerie, nhà ngoại giao Pháp Gretha gặp ở Hague, cô háo hức chuẩn bị bước vào con đường mới.

Trên con đường tìm đến nghiệp múa, Mata Hari từ chối mọi cám dỗ thiếu đứng đắn

Lần xuất hiện đầu tiên của Gretha với vai trò vũ công là tại salon (phòng tiếp khách) của ca sĩ Madame Kireévsky vào Tháng 2/1905.

Chính tại nơi đây, vũ điệu phương Đông của cô bùng nổ, thu hút nhiều sự chú ý và khen ngợi. Bằng cách đắm mình vào ký ức về những vũ công tại các ngôi đền của Đông Ấn, Gretha trở thành nghệ sĩ Châu Âu đầu tiên biểu diễn điệu múa của người Java, tách biệt khỏi các vũ công nổi tiếng đương thời như Duncan, Allan hay Loie Fuller, khiến báo chí, phê bình lên cơn sốt.

Cũng tại phòng tiếp khách của Madame Kireévsky, Gretha gặp Émile Guimet, người sẽ thuê cô biểu diễn và đem vũ điệu Bà La Môn phổ biến rộng khắp. Ngày 13/3/1905, huyền thoại Mata Hari ra đời.

Chỉ trong non chín tháng còn lại của năm 1905, Mata Hari có hơn 30 buổi trình diễn công cộng tại các salon độc quyền, sang trọng nhất Paris. Cô xuất hiện cả trong nhà Baron Henri de Rothschild, kịch gia danh giá của Pháp và Cécile Sorel, nữ diễn viên nổi tiếng đương thời.

Không chỉ thế, Mata Hari còn 6 lần biểu diễn tại Nhà hát Trocadéro. Cô liên tục gặp gỡ và tạo lập mối quan hệ mới với các nhân vật quan trọng, bao gồm cả Gabriel Astruc, nhà báo Pháp.

Mata Hari được xem như đỉnh cao của nghệ thuật múa hiện đại

Thời kỳ vàng son của Mata Hari, các nhà phê bình không tiếc lời ca ngợi, gọi cô là đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn hiện đại.

Phải thừa nhận, trong dòng chảy sân khấu cắt ngang dòng chảy thời trang, Mata Hari xuất hiện đúng tâm điểm. Với kinh nghiệm của một người mẫu kết hợp lối trình diễn sáng tạo, ấn tượng, cô hoàn toàn làm chủ cơn sốt đương thời.

Tên tuổi Mata Hari sánh ngang với các vũ công quốc tế hiện đại Isadora Duncan, Maud Allan, được đông đảo các nhà thiết kế nổi tiếng săn đón.

Cô có mặt tại hầu hết các địa điểm trình diễn thời trang bậc nhất. Vượt lên khỏi bùn lầy số phận, Mata Hari nở rộ như đóa sen vàng.

Gián điệp ngây ngô

Tháng 8/1914, khi Thế chiến I nổ ra, Mata Hari đang tham gia một dự án kéo dài 6 tháng tại Nhà hát Metropol ở Berlin, Đức. Chiến tranh khiến rạp hát phải đóng cửa. Mata Hari đứng ngồi không yên.

Năm 1915, Karl Kroemer, một lãnh sự Đức ở Amsterdam, Hà Lan, liên lạc với cô. Ông trao cho cô tổng cộng 20.000 franc và ba lọ mực bí mật để đổi lấy việc cung cấp bất cứ thông tin hữu ích nào mà cô có thể lấy ở Paris cho Đức.

Mata Hari đồng ý giao dịch. Cô nhận tiền, còn ba lọ mực bí mật thì tiện tay ném xuống con kênh gần đó.

Với nhan sắc hơn người và tiếng tăm lừng lẫy, Mata Hari có lẽ đã ảo tưởng làm gián điệp là chuyện dễ dàng. Tiếc cho sự ngờ nghệch của nàng nghệ sĩ, hành động vụng về của cô giống như mời cả thế giới chú ý vào.

Có lẽ bản thân Mata Hari, vì không mang quốc tịch Pháp hay Đức, không ngờ rằng khi đã trở thành gián điệp, cô đồng thời bị xem là kẻ phản bội của quốc gia đối thủ, án tử lúc nào cũng lơ lửng treo trên đầu.

Mang tiếng là gián điệp, Mata Hari thực chất không hiểu làm gián điệp là làm gì

Georges Ladoux hứa trả tiền cho Mata Hari nhưng “quỵt nợ”

Trong chuyến trở lại Hà Lan năm 1916, Mata Hari mang theo 10 thùng hành lý. Cô khiến chính quyền Anh nghi ngờ vì mớ lý do không thích hợp để lý giải hành trình của mình.

Khi Georges Ladoux, người đứng đầu cơ quan phản gián của Pháp đề nghị làm gián điệp cho Pháp, cô cũng ngây thơ nhận lời mà quên báo cáo từng làm việc cho Đức. Ladoux hứa trả cho Mata Hari 1.000.000 franc, yêu cầu cô đến Brussel, quyến rũ Moritz von Bissing, tổng tư lệnh Bỉ. Mata Hari chắc mẩm số tiền này đủ cho cô nghỉ hưu, an hưởng tới già.

Có vô số bằng chứng chỉ ra Mata Hari không hề hiểu là gián điệp thì phải làm gì. Cô thoải mái viết thư, gửi cho Ladoux ngay trong khách sạn, vô tư nói chuyện với một sĩ quan Pháp về chuyện đã dụ dỗ Arnold Kalle, tùy viên quân sự Đức thế nào.

Mặc dầu Kalle có để lộ cho Mata Hari một vài thông tin cơ mật, ông nhanh chóng phát hiện cô là điệp viên hai mang. Kelle cố ý gửi một loạt các thông tin bằng mật mã mà ông biết thế nào Pháp cũng lần ra về Berlin. Tất nhiên, đây chỉ là mưu kế khiến Pháp tóm cổ cô nàng điệp viên khờ khạo.

Quay lại Paris vào tháng 1/1917, Mata Hari nhận ra kế hoạch lớn của cô đổ bể. Hai cảnh sát theo dõi Mata Hari sát nút. Ladoux ngoảnh mặt làm ngơ. Các khoản nợ gia tăng không ngừng. Người yêu mới trốn biệt tích.

Khi Ladoux cuối cùng đồng ý gặp mặt, ông không trả tiền cho thông tin mà cô lấy được từ Kalle. Ngày 13/2 cùng năm, 5 thanh tra cảnh sát cùng sĩ quan cấp trên của họ đột nhập phòng Mata Hari tại Khách sạn Palace Élyseé. Cô bị bắt vì tội “gián điệp hai mang, đồng lõa với kẻ thù”.

Mata Hari bị đưa đến nhà tù Saint-Lazare, nơi tối tăm, chuột bọ, đầy rẫy tù nhân có dấu hiệu nhiễm các loại bệnh lây qua đường tình dục. Cô vẫn ngời ngợi niềm tin mình sẽ được minh oan.

“Tôi đã làm tất cả những gì tôi có thể làm được cho Pháp”, Mata Hari khẳng định trong phiên tòa ngày 24/7/1917. Ngày 15/10/1917, trước bục thi hành án tử hình, cô từ chối bị bịt mắt, ngẩng cao đầu bước lên, từ từ khụy gối và gập người xuống. Một sĩ quan tiến tới, rút súng lục bắn vào đầu Mata Hari.

Suốt cuộc đời Margaretha Geertruida, trừ khoảnh khắc ngắn ngủi là Mata Hari, bà bị bóc lột, lợi dụng và lạm dụng bởi đàn ông. Dẫu vậy, với tâm thế không khuất phục, Gretha mở to mắt đáp trả bằng cái nhìn khẳng khái.

Cứng cỏi chống lại số phận, dũng cảm thể hiện cái tôi cá nhân, sống và chết như một phụ nữ kiên cường nhất, Mata Hari chiếu sáng sân khấu thế giới bằng khí chất có một không hai. Bà xứng đáng được ghi nhận như một nữ nghệ sĩ đại tài thay vì biểu tượng gián điệp phản bội.

Theo Aeon

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/the-gioi/cuoc-doi-nu-diep-vien-nghe-si-mata-hari-3904001-b.html