Cuộc đời, sự nghiệp của cố Thủ tướng Abe Shinzo và mối quan hệ đặc biệt với Việt Nam

Cựu Thủ tướng Abe Shinzo sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm chính trị. Ông là người đóng vai trò lớn trong việc khôi phục sự phồn vinh, uy tín và vai trò của Nhật. Đồng thời, ông cũng là người bạn lớn của Việt Nam.Phát huy truyền thống gia đìnhTình cảm đặc biệt với đất nước Việt Nam

Ông Abe sinh ra trong một gia đình có truyền thống về chính trị. Ông là cháu ngoại của cựu Thủ tướng Nhật Bản Kishi Nobusuke và là con trai của cựu Ngoại trưởng Abe Shintarō. Ông nội của ông Abe, ông Abe Kan, cũng từng phục vụ trong Hạ viện Nhật Bản.

Ông Abe tốt nghiệp chuyên ngành khoa học chính trị tại Đại học Seikei vào năm 1977. Sau đó, ông chuyển đến Mỹ và theo học ngành chính sách công tại Đại học Nam California trong 3 học kỳ.

Abe Shinzo hồi nhỏ và ông ngoại Nobusuke Kishi

Abe Shinzo hồi nhỏ và ông ngoại Nobusuke Kishi

Năm 1979, ông Abe bắt đầu làm việc tại Công ty Thép Kobe vào. Sau đó, ông bắt đầu đảm nhận các vị trí trong chính quyền khi làm việc tại Bộ Ngoại giao và đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền ở Nhật Bản từ năm 1982.

Ông Abe Shinzo kết hôn vào năm 1987 với bà Akie Matsuzaki - con gái của cựu Chủ tịch Morinaga & Co, một trong những công ty bánh kẹo lớn nhất Nhật Bản. Bà Akie Abe sinh ra trong một gia đình có điều kiện và từng học tại trường tư thục dành cho nữ sinh ở Shirokane. Trước khi kết hôn với cựu Thủ tướng Abe Shinzo, bà làm việc cho một công ty quảng cáo và sau đó làm phát thanh viên cho một đài truyền hình.

Năm 1993, Abe Shinzo đã giành được ghế trong Hạ viện của Quốc hội Nhật và sau đó giữ một loạt các chức vụ trong chính phủ và nhận được nhiều sự ủng hộ. Năm 2003, ông được bổ nhiệm làm tổng thư ký của LDP. Do giới hạn nhiệm kỳ của LDP, Thủ tướng kiêm lãnh đạo LDP Koizumi Junichiro buộc phải rời nhiệm sở vào năm 2006, và ông Abe đã kế nhiệm cả hai chức vụ.

Ông trở thành thủ tướng đầu tiên của đất nước sinh sau Thế chiến thứ hai và cũng là thủ tướng trẻ nhất kể từ sau chiến tranh.

Vào tháng 7 năm 2007, LDP đã mất thế đa số ở Thượng viện vào tay liên minh do Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ) lãnh đạo và vào tháng 9, Thủ tướng Abe tuyên bố từ chức. Ông được kế nhiệm bởi Fukuda Yasuo.

Ông Abe vẫn giữ được ghế của mình trong Hạ viện nhưng trong vài năm liền im hơi lặng tiếng về mặt chính trị, đặc biệt là sau khi liên minh do DPJ đứng đầu nắm quyền kiểm soát chính phủ vào năm 2009.

LDP đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Hạ viện vào ngày 16/12/2012. Vào ngày 26/12, nhờ đa số ghế LDP mới trong Hạ viện, ông Abe đã tái đắc cử Thủ tướng. Thay thế ông Noda Yoshihiko của DPJ, người đã từ chức cùng ngày.

Ông Abe Shinzo tuyên bố từ chức vào tháng 8/2020 vì căn bệnh viêm loét đại tràng tái phát. Người kế vị làm Thủ tướng Nhật Bản lúc đó là Suga Yoshihide.

Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo là người dành tình cảm đặc biệt đối với Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá, mối quan hệ khăng khít giữa Việt Nam và Nhật Bản hiện nay có sự đóng góp không nhỏ của ông Abe. Thủ tướng Abe là người có công vun vén, đưa quan hệ Việt Nam-Nhật Bản bước vào một giai đoạn được đánh giá là tốt nhất kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao.

Thủ tướng hai nước gặp mặt tại Hội nghị cấp cao G20 (1/7/2019)

Ông Abe là nhân vật góp phần thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Việt-Nhật, cũng như tăng cường hợp tác chiến lược song phương kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ bang giao. Cố Thủ tướng Abe Shinzo công nhận tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Nhật ngay từ lần đầu tiên lên nắm quyền điều hành đất nước vào năm 2006, và đã nỗ lực tăng cường hợp tác giữa hai nước.

Hai bên đã nhất trí đưa ra tuyên bố chung “Hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á", khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật năm 2006. Đến năm 2014, ông Abe đã cùng Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nâng cấp quan hệ song phương thành “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và phồn vinh ở châu Á”.

Ông Abe rất chú trọng đến việc cung cấp viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam. Từ năm 2014 đến năm 2018, Nhật đã cung cấp khoảng 280 triệu USD vốn ODA để hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, quản lý nguồn nhân lực, môi trường,... tại Việt Nam. Việt Nam cũng là điểm đến ưu tiên của nguồn vốn đầu tư trực tiếp (FDI) của Nhật.

Trong suốt nhiệm kỳ của ông Abe, Nhật luôn nhiệt tình ủng hộ chính sách ngoại giao chủ động của Hà Nội trong các vấn đề cấp bách của khu vực và quốc tế. Đối với ông Abe, Nhật và Việt Nam “được kết nối bởi đại dương tự do” và hai bên nên hợp tác ủng hộ trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực.

Trong gần 8 năm lãnh đạo nước Nhật, ông đã 4 lần thăm chính thức Việt Nam. ông cũng là Thủ tướng Nhật Bản thăm chính thức Việt Nam nhiều nhất. Lần thứ nhất vào tháng 11 năm 2006, chỉ 2 tháng sau khi ông nhậm chức. Lần thứ hai sau đúng 1 tháng kể từ lúc tái nhiệm.

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/the-gioi/cuoc-doi-su-nghiep-cua-co-thu-tuong-abe-shinzo-va-moi-quan-he-dac-biet-voi-viet-nam-164322.html