Cuộc động binh lớn nhất trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước

Các chuyên gia quân sự nhận định, để có cuộc động binh lớn nhất trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước Tết Mậu Thân năm 1968, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã phải lên kế hoạch, lựa chọn thời cơ để tạo bước ngoặt quyết định.

Tiến công táo bạo

Đêm 30 rạng sáng 31.1.1968 (đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968), quân và dân miền Nam đồng loạt nổi dậy tiến công vào 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của địch. Kết thúc đợt 1 thắng lợi, quân và dân ta tiếp tục thực hiện đợt 2 (từ 5.5 - 16.6.1968) và đợt 3 (từ 17.8 - 30.9.1968). Tuy nhiên, trong hai đợt tiến công sau này, địch tập trung sức phản kích, ta chủ quan trong đánh giá tình hình thực tế và một số nguyên nhân khác nên bị nhiều tổn thất.

Tháng 1.1968, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (Khóa III) sau khi phân tích tình hình đã nhận định: địch thất bại một bước rất cơ bản trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, đang lúng túng, bị động về chiến lược, chiến thuật, do đó, ta phải tranh thủ thời cơ "chuyển cuộc chiến tranh cách mạng của Nhân dân ta ở miền Nam sang một thời kỳ mới - thời kỳ tiến công và nổi dậy, giành thắng lợi quyết định".

Trung ương Đảng cũng xác định, nhiệm vụ cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất bằng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định.

Theo Giám đốc Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo, từ phương hướng, nhiệm vụ đó, Đảng đã lựa chọn và quyết định thực hiện phương pháp tiến công đồng loạt dưới nhiều hình thức (quân sự, chính trị, binh vận), bằng nhiều lực lượng (chủ lực, đặc công, biệt động, lực lượng tại chỗ), tiến công vào các mục tiêu xung yếu ở Sài Gòn - Gia Định.

Với quy mô lớn và tính chất đồng loạt, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là hình thức tiến công chiến lược táo bạo và hoàn toàn mới với hiệu lực chiến đấu “cộng hưởng” lớn chưa từng có, làm lung lay ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ. Chính cuộc tiến công đó đã làm cho những người điều hành chiến tranh Hoa Kỳ sững sờ, choáng váng. Chỉ trong 24 giờ đầu tiên trong đợt tiến công, toàn bộ hậu phương an toàn nhất của địch, tất cả các thành phố, tỉnh lỵ trước đó hầu như “đứng ngoài cuộc chiến tranh” đều bị tiến công đồng loạt.

Nữ biệt động Sài Gòn chỉ dẫn quân giải phóng tiến vào sân bay Tân Sơn Nhất
Ảnh: TTXVN

Chọn thời cơ đúng để tiến hành chiến tranh hiệu quả

PGS.TS. Hoàng Xuân Nhiên, Học viện Quốc phòng cho biết, Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 thành công còn do Trung ương Đảng sáng tạo trong lựa chọn thời cơ để tiến hành chiến tranh thắng lợi. Ở vào hoàn cảnh của một nước nhỏ phải chống lại kẻ thù xâm lược lớn có ưu thế vượt trội về nhiều mặt, Đảng luôn coi trọng vận dụng yếu tố thời cơ, tích cực tạo ra, thúc đẩy và hạ quyết tâm. Nhận thức vấn đề địch đang ở thế thua, bị động và khó khăn, Đảng đã chọn thời cơ năm 1968 là năm bầu cử tổng thống Mỹ.

Vào thời điểm này, Mỹ gặp khó khăn toàn diện, đã trải qua ba năm đưa quân viễn chinh trực tiếp tham chiến ở Việt Nam. Chúng từng mở hai cuộc phản công chiến lược vào mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 nhưng không đạt kết quả đáng kể, trái lại còn bị quân, dân miền Nam đánh cho thiệt hại nặng nề. Đồng thời, những bước leo thang đánh phá miền Bắc hòng ngăn chặn chi viện cho miền Nam cũng không xoay chuyển được tình thế. Gánh nặng chiến tranh Việt Nam đã ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế và xã hội nước Mỹ, đến chiến lược toàn cầu và xây dựng quốc phòng của Mỹ, khiến Mỹ rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.

“Hơn nữa, chọn thời gian tiến công vào đêm giao thừa Tết Nguyên đán, thời điểm mà địch sơ hở, chủ quan không ngờ tới. Không những vậy, ta giữ được bất ngờ đến giờ nổ súng, sử dụng lực lượng tinh nhuệ kết hợp mũi tiến công của lực lượng xung kích với những cuộc nổi dậy của quần chúng tại chỗ và vùng nông thôn kế cận, phối hợp quân sự và chính trị, thành thị và nông thôn. Thời cơ này được ta tạo ra và nắm bắt đúng lúc, không sớm cũng không muộn. Không chỉ thời gian mà còn bất ngờ cả về quy mô của cuộc tiến công khi ta không đánh vào vài chục điểm nhỏ như phán đoán mà đánh đồng loạt khắp chiến trường miền Nam", PGS.TS. Nguyễn Đức Hải, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Bộ Quốc phòng, phân tích.

Mở hướng tiến công chủ yếu, nghi binh lừa địch

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 được Đảng lựa chọn nhằm vào đô thị, nơi tập trung các cơ quan đầu não Trung ương và địa phương của ngụy quyền Sài Gòn. Đó là những mục tiêu nhạy cảm nhất trong bộ máy chiến tranh của chúng ở miền Nam, gồm Dinh Độc Lập, Đại sứ quán Mỹ, Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Tư lệnh hải quân, Đài phát thanh, Sân bay Tân Sơn Nhất... Cả Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn vẫn cho rằng lực lượng ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm đầu não của chúng. Hơn nữa, từ năm 1968, ta chủ động mở Mặt trận Đường số 9, coi đây là một hướng tiến công của quân chủ lực để tiêu hao, tiêu diệt địch, đồng thời kéo một lực lượng lớn quân Mỹ ra giam chân tại Khe Sanh.

PGS.TS. Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, chọn đánh vào đô thị làm hướng tiến công chủ yếu là ta đã chọn đánh vào nơi hiểm yếu nhất của kẻ thù. Đòn hiểm yếu đó đã phơi bày đầy đủ sự thất bại về quân sự và sự yếu kém của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn. Đây là lần đầu tiên trong suốt gần 15 năm kháng chiến, chúng ta đã đưa được chiến tranh vào thành thị, thực hiện một đòn đánh hiểm, đánh đau, đánh vào “Trung ương thần kinh địch”.

Để thực hiện tiêu diệt, tiêu hao, vừa nghi binh thu hút, giam chân một phần lực lượng quân cơ động Mỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chính Tổng tiến công và nổi dậy ở thành thị, Bộ Chính trị, Trung ương Đảng đã chỉ đạo lực lượng vũ trang nổ súng đánh địch ở Khe Sanh. Chính hoạt động này đã thu hút sự chú ý của địch ra vùng giới tuyến và giam chân một nửa lực lượng của Mỹ ở miền Nam gồm 17/33 lữ đoàn, buộc chúng phải phân tán lực lượng trên nhiều khu vực chiến trường.

Còn PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo cho rằng, nét đặc sắc, sáng tạo, độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 còn thể hiện ở tính bất ngờ, quyết đoán trong việc lựa chọn hướng tiến công, mục tiêu tiến công kết hợp với chỉ đạo và điều hành chiến tranh của Đảng đã tạo nên một hiện tượng “độc nhất vô nhị” hiếm có trong lịch sử chiến tranh. Lựa chọn địa bàn đô thị, thành phố là hướng công kích và khởi nghĩa chủ yếu, trong đó trọng điểm là Sài Gòn, Đà Nẵng, Huế, nơi tập trung sinh lực cấp cao của Mỹ, chính quyền Sài Gòn.

"Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 chưa đạt được mục tiêu chiến lược “giành thắng lợi quyết định”, chưa đạt được theo khả năng thứ nhất: Ta thắng lớn, Mỹ buộc phải chịu thua, phải thương lượng với ta để kết thúc chiến tranh; ta còn có những sai lầm, khuyết điểm. Tuy nhiên, đây là cuộc động binh lớn nhất trong lịch sử chống Mỹ, cứu nước từ năm 1954 đến thời điểm này. Lần đầu tiên ta đưa chiến tranh tới hang ổ của kẻ thù, làm đảo lộn kế hoạch chiến tranh và thế bố trí chiến lược của Mỹ và chính quyền Sài Gòn. Với thất bại này, Tổng thống Johnson phải tuyên bố đơn phương chấm dứt không điều kiện việc đánh phá bằng không quân và hải quân đối với miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra; loại bỏ mọi cuộc leo thang lớn; đẩy tới sự thất bại hoàn toàn của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”, PGS.TS. Nguyễn Văn Bạo nhận định.

Hồng Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/cuoc-dong-binh-lon-nhat-trong-lich-su-chong-my-cuu-nuoc-i315586/