Cuộc đua chinh phục Mặt trăng lại nóng

Mỹ đang dẫn đầu cuộc chạy đua mới chinh phục Mặt trăng, tiếp đó là Nga, Trung Quốc và Ấn Độ.

Mô phỏng công trình xây dựng trên Mặt trăng. (Nguồn: ICON)

Vượt lên trên mọi quốc gia, xứ cờ hoa chính là quốc gia nỗ lực đi đầu trong chinh phục vệ tinh tự nhiên của Trái đất, với chương trình Artemis.

Những sứ mệnh Artemis

Khởi đầu là sứ mệnh Artemis I (Artemis mission I) được Cơ quan hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) phóng thành công từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ngày 16/ 11/ 2022.

Ngay sau đó, NASA lập tức triển khai kế hoạch Artemis II, dự kiến phóng vào tháng 11/2024.

Phi hành đoàn của Artemis II gồm bốn người, sẽ bay vòng quanh Mặt trăng rồi trở lại Trái đất, trong đó có ba phi hành gia người Mỹ làm việc cho NASA, và một phi hành gia của Canada.

Đáng chú ý, kỹ sư điện Christina Koch, 44 tuổi, tham gia chuyến đi bộ ngoài không gian toàn nữ đầu tiên khi ở trên ISS, sẽ là phụ nữ đầu tiên bay quanh Mặt trăng. “Đây là khởi đầu của kỷ nguyên đưa chúng ta đi xa hơn nữa, mang những bài học mà chúng ta học được trong sứ mệnh này trở lại Trái đất và áp dụng nó vào việc khám phá không gian ở mức độ sâu hơn”, bà Koch chia sẻ.

Nhìn lại lịch sử, Apollo 11 là chuyến bay không gian đã đưa những người đầu tiên đáp xuống Mặt trăng, hai phi hành gia người Mỹ là Neil Armstrong và Buzz Aldrin, vào lúc 20h18 ngày 20/7/1969. Armstrong trở thành người đầu tiên đặt chân lên bề mặt của Mặt trăng sáu giờ sau, vào ngày 21/7 /1969.

Lần gần đây nhất Mỹ đưa phi hành đoàn lên Mặt trăng là năm 1972, đánh dấu nhiệm vụ cuối cùng của tàu vũ trụ Apollo.

Không phải ngẫu nhiên mà NASA đặt tên cho chương trình trở lại Mặt trăng là Artemis - tên của vị nữ thần là em gái sinh đôi của vị thần Ánh sáng Apollo trong thần thoại Hy Lạp. Chương trình Artemis tiếp nối chương trình Apollo nổi tiếng bằng cách phóng tàu có người lái tới Mặt trăng.

Mục tiêu của chương trình Artemis là đưa các phi hành đoàn đa sắc tộc lên Mặt trăng và lần đầu tiên khám phá cực Nam của Mặt trăng vốn nằm trong vùng tối. Chương trình tham vọng này cũng hướng tới việc thiết lập khu định cư bền vững trên Mặt trăng.

Theo kế hoạch, Artemis III sẽ được phóng vào năm 2025 hoặc 2026, tùy thuộc vào sự sẵn sàng của hệ thống phóng Starship do công ty SpaceX phát triển. Artemis IV sẽ được thực hiện vào cuối thập kỷ này.

Ưu tiên của Nga

Về phía Nga, sứ mệnh đưa con người khám phá Mặt trăng giai đoạn 2029-2030 được coi là ưu tiên quan trọng.

Ông Igor Komarov, người đứng đầu Cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos khẳng định, Nga và Mỹ có thể hợp tác trong chương trình này.

Dấu ấn của Nga trong cuộc đua không gian được đánh dấu bằng sự kiện phóng thành công vệ tinh nhân tạo Sputnik 1 và phi hành gia Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay vào vũ trụ năm 1961. Năm 1974, thiết bị tự hành Lunokhod 1 và Lunokhod 2 đã di chuyển 40 km trên địa hình Mặt trăng, chụp ảnh toàn cảnh và tiến hành phân tích các mẫu đất.

Trung Quốc tăng tốc

Tuy xuất phát có phần chậm hơn vì đến năm 1970, Trung Quốc mới đưa vệ tinh đầu tiên lên quỹ đạo, nhưng nước này đang phát triển rất nhanh.

Các quan chức Trung Quốc ngày 13/7 vừa công bố những chi tiết mới liên quan đến kế hoạch phóng một tàu vũ trụ đưa phi hành gia lên Mặt trăng, với hy vọng biến Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai đưa người lên Mặt trăng.

Theo Tân Hoa xã, tại hội nghị thượng đỉnh hàng không vũ trụ tổ chức ở thành phố Vũ Hán ngày 13/7, ông Zhang Hailian, Phó Kỹ sư trưởng của Cơ quan vũ trụ có người lái Trung Quốc (CMSA), tiết lộ nhiệm vụ khám phá Mặt trăng dự kiến diễn ra trước năm 2030.

Đây là một phần của dự án thành lập trạm nghiên cứu Mặt trăng. Ông cho biết, họ sẽ tìm hiểu một cách chi tiết nhất cách để xây dựng cơ sở và thực hiện các nhiệm vụ thám hiểm cũng như các thí nghiệm khác.

Năm 2013, Trung Quốc đã đưa robot đáp xuống Mặt trăng, trở thành quốc gia thứ ba đạt thành tựu này. Năm 2019, Trung Quốc trở thành nước đầu tiên trên thế giới đưa một tàu vũ trụ hạ cánh ở phía sau của Mặt trăng.

Đến năm 2020, nước này tiếp tục gặt hái thành công khi trở thành nước thứ ba thu thập được mẫu vật từ Mặt trăng.

Tàu thăm dò Hằng Nga-4 và robot tự hành Yutu-2 của Trung Quốc hiện là những thiết bị thăm dò duy nhất đang hoạt động trên bề mặt Mặt trăng.

Những năm qua, Trung Quốc đã xây trạm vũ trụ của riêng mình mang tên Thiên Cung. Khi Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) “nghỉ hưu” (dự kiến vào năm 2030), Thiên Cung có thể trở thành trạm vũ trụ duy nhất hoạt động trên quỹ đạo Trái đất.

Dấu ấn của Ấn Độ

Mới đây, Ấn Độ phóng thành công trạm đổ bộ lên Mặt trăng. Tên lửa LVM3 đưa trạm này và robot của nhiệm vụ Chandrayaan 3 bay lên từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan của Ấn Độ lúc 16h05 ngày 14/7 (giờ Hà Nội).

Bãi đáp của tên lửa Chandrayaan-3 nằm ở vùng cực Nam Mặt trăng, gần địa điểm hạ cánh dự kiến của tàu vũ trụ Luna 25 (Nga), dự kiến được phóng vào tháng Tám.

Là “điểm nóng” trong lĩnh vực khám phá không gian, cực Nam Mặt trăng được cho là nơi chứa nhiều băng nước, có tiềm năng dùng làm nhiên liệu tên lửa, có khả năng hỗ trợ sự sống cho công cuộc chinh phục Mặt trăng.

Chandrayaan-3 dự kiến đáp xuống Mặt trăng vào ngày 23 hoặc 24/8. Nếu thành công, đây sẽ là một mốc lịch sử vì những nhiệm vụ nhắm đến cực Nam Mặt trăng thường thất bại. Nguyên nhân vì vùng cực Nam chỉ nhận được ánh sáng ở các góc thấp và bóng tối khiến việc điều khiển tàu trở thành thách thức lớn cho con người.

Có nhiều lý do để cuộc đua chinh phục này lại nóng lên, tuy nhiên, như thông tin từ The Conversation, TS Florian Vidal thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp (IFRI) và GS. Vật lý José Halloy ở Đại học Paris đã nêu một số lý do giải thích việc các nước quay lại cuộc đua chinh phục Mặt trăng.

Thứ nhất, Mặt trăng được coi là điểm xuất phát cho các chuyến bay đưa người lên sao Hỏa hoặc các hành tinh khác vì tiết kiệm nhiên liệu hơn. Thứ hai, Mặt trăng có thể là điểm huấn luyện nhà du hành sống dài ngày trong không gian. Thứ ba, đây là nơi có thể thử nghiệm các thiết bị như xe có người lái, xe hoạt động từ trạm cố định…

(tổng hợp)

HOÀNG TRUNG HIẾU

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cuoc-dua-chinh-phuc-mat-trang-lai-nong-235154.html