Cuộc đua đổi chóng

Làng chài Cửa Đại Cổ Lũy ở tỉnh Quảng Ngãi có gần 1.000 tàu cá làm nghề giã cào. Làng chài 'lên đỉnh' từ năm 2015 thì đến năm 2017 bắt đầu liêu xiêu trong bão nợ vì các nguyên nhân: Đánh bắt tận diệt, tàu giã cào Trung Quốc lấn át ngư trường... Câu chuyện về làng chài ở Cửa Đại Cổ Lũy sẽ giúp các địa phương rút kinh nghiệm, chú trọng vào việc phát triển nghề biển bền vững.

Bài 1: Liêu xiêu vì tàu to

“Ngư dân Trần Thanh Vương hạ thủy 2 tàu, đánh bắt 5 phiên thu về 5 tỷ, các tàu khác đã kiếm được 4 tỷ”. Năm 2015, thông tin trên gây rúng động làng chài ở 2 xã Nghĩa An và Nghĩa Phú. Tất cả ngư dân đều đổ dồn vào việc đóng tàu bằng mọi giá để kiếm tiền tỷ. Năm 2015, có nhiều thuyền trưởng mới ngoài 30 tuổi, mỗi năm kiếm được hơn 1 tỷ đồng - mức thu nhập mà rất nhiều người còn không dám mơ tới. Nhưng, câu chuyện 5 tỷ từ tàu giã cào cao tốc đã cuốn nhiều người vào cuộc đua mới - bán tàu giã cào 19-21m trị giá 6 tỷ đồng để đóng tàu dài 25-26m với giá từ 10 đến 12 tỷ đồng.

Những chiếc cánh quạt khổng lồ lắp vào tàu cao tốc. Ảnh: Lê Văn Chương

Kiếm 5 tỷ sau vài phiên

Cửa Đại Cổ Lũy bắt đầu ra đời một thế hệ tàu gắn 2 ống khói, công suất máy từ 900 đến 1.000 mã lực, tiếng nổ ầm ầm như máy bay nghe sướng tai. Tàu giã cào nhìn bề ngoài hoành tráng, nhưng cũng là loại tàu khi vận hành sẽ ngốn tiền nhiều như uống nước. Các ngư dân cho biết, nếu chỉ cần sản lượng đánh bắt thấp là đổ nợ. Vì một đôi tàu cao tốc nổ máy là tiêu thụ hàng ngàn lít dầu, mỗi năm bù tiền sắm lưới gần 1 tỷ đồng, chi phí một phiên biển là 700 triệu đồng.

Tàu giã cào được đóng có cấu trúc bụng to, chạy chậm, suốt ngày phải kéo giàn lưới cào sát đáy biển ở độ sâu lên đến 180m. Ngư dân ví tàu giã cào không khác gì “trâu đi cày” trên biển. Cao điểm, cứ 10 ngày thì một đôi tàu đánh bắt cỡ 40 tấn cá – một con số khủng khiếp! Ngư dân thu nhập tiền tỷ một cách dễ dàng là một cách thuyết phục ngân hàng mở hầu bao cho vay. Nhiều đường dây tín dụng đen cũng bơm tiền về làng chài. Ngư dân bất chấp lãi suất từ 10 - 15%/tháng, vẫn vay mượn để hoàn thành việc đóng tàu, tranh thủ lao ra vịnh Bắc bộ cào cá.

Giữa lúc say sưa thắng lợi đó, không ai đoán được rằng, thời hoàng kim sẽ diễn ra rất ngắn. Bước sang nửa năm 2017, đoàn tàu giã cào bắt đầu “đi có, về không”.

“Bão nợ”

Tại cảng Tịnh Hòa, thành phố Quảng Ngãi, cặp tàu QNg 97828 TS và QNg 92647 TS sau hơn 1 năm nằm chờ vẫn không có người mua. Gần đó là hàng chục tàu cá khác cũng đang treo bảng “bán tàu”. Nhưng, nhiều người cứ tới xem tàu rồi bỏ đi. Thực tế, tàu giã cào bán được là rất khó, vì khó cải hoán để thu nhỏ bụng, nâng chân vịt để tàu chạy nhanh và năng động khi đánh lưới.

“Cơn bão” nợ bắt đầu dần hình thành từ nửa năm 2017 tại Cửa Đại Cổ Lũy. Tại Hợp tác xã đóng tàu thuyền Nghĩa An, một chiếc tàu cá có dáng thon dài nằm trên bãi từ tháng 9-2015 đến nay vẫn chưa thể hạ thủy. Đó là tàu cá của ngư dân Phạm Thanh V. Sau gần 3 năm phơi nắng, vỏ tàu trị giá khoảng 3 tỷ đồng bắt đầu rạn nứt. Cách đó không xa, tại bãi đóng tàu ở khu vực cầu dẫn từ xã Nghĩa An bắc qua sông Cổ Lũy, 3 vỏ tàu trị giá gần 10 tỷ đồng chưa được sơn phết, nên gỗ đã biến thành màu rêu mốc.

Tỉnh Quảng Ngãi có hơn 5.500 tàu cá, trong đó có khoảng 1.600 tàu làm nghề giã cào. Vào thời điểm cả làng đóng tàu rầm rộ, nhiều người dân không có tiền vẫn đi vay mượn từ các đường dây tín dụng đen có lãi suất cao, huy động cả dòng họ cho mượn sổ đỏ thế chấp để đóng tàu. Sau khi đóng xong một chiếc thì lấy tài sản này để thế chấp vay ngân hàng đóng tiếp một chiếc tàu khác cho đủ cặp tàu kéo lưới giã cào. Công đoạn huy động vốn đó không phải bao giờ cũng đều trở thành một vòng tròn khép kín như ý muốn. Vì vậy, có những chiếc tàu đóng xong thì chỉ “sống” trên cạn.

Tiền tỷ, bạc lẻ

Trong thời gian qua, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình liên tục bắt giữ tàu giã cào cao tốc đánh bắt gần bờ, vi phạm quy định về tuyến đánh bắt. Ngày 19-4 vừa qua, 2 tàu giã cào QNg 98086 TS và QNg 98087 TS đã bị tỉnh Quảng Bình bắt giữ. Lý do là đánh bắt không có cá nên nhiều tàu tuyệt vọng vào gần bờ để kiếm sống qua ngày. Một số tàu khác rời vịnh Bắc bộ quay về quê, thỉnh thoảng thả trôi đánh cá gần vùng biển Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đến lúc này, các ngư dân mới thực sự đau đầu trước cỗ máy khủng, cứ khởi động là mất trăm triệu tổn phí.

Tại xã Nghĩa An, cứ sáng sớm tinh mơ có nhiều cặp vợ chồng lén đi lên xã Nghĩa Dõng để làm nghề hái ớt thuê. Họ từng là ông chủ nắm trong tay hàng chục tỷ đồng, còn bây giờ đi làm công kiếm mỗi ngày 200 ngàn lẻ. Ông Võ Văn Bạch, một chủ tàu ở xã Nghĩa An chia sẻ, nhiều ngư dân mong muốn ngân hàng giãn thời gian trả nợ cho ngư dân. Vì hiện nay, rất nhiều tàu đang neo và hoạt động cầm chừng ngoài cửa biển Thanh Hóa.

Bài 2: Máy ve chai

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cuoc-dua-doi-chong/